Logo Bệnh viện Nhân dân 115
28/10/2020 16:40

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng: Đừng hiểu lầm đột quỵ rồi đặt stent là chữa khỏi di chứng

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng giúp mọi người hiểu đúng về việc đặt stent trong điều trị đột quỵ và tầm quan trọng của việc dùng thuốc kháng đông trong bệnh rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) để ngăn chặn đột quỵ xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115


Gánh nặng đột quỵ liên quan đến rung nhĩ rất lớn

Đến với hội nghị “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý người cao tuổi” của Liên chi Hội lão khoa TPHCM tổ chức tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng báo cáo đề tài: “Tối ưu hóa dự phòng đột quỵ trên bệnh nhân rung nhĩ có tiền căn đột quỵ”

Rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ khá thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi. Mặc dù so với các nguyên nhân khác như cao huyết áp, tiểu đường thì rung nhĩ nguy cơ thấp hơn, tuy nhiên đột quỵ do rung nhĩ được quan tâm nhiều hơn.

Bởi vì những bệnh nhân đột quỵ liên quan tới rung nhĩ thì thường nghiêm trọng hơn nhiều so với trường hợp đột quỵ không phải do rung nhĩ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng  cho biết: theo nghiên cứu, bệnh nhân đột quỵ liên quan đến rung nhĩ tỷ lệ tử vong 40%, tàn phế 40%, còn lại chỉ khoảng 20% các bệnh nhân đột quỵ liên quan rung nhĩ có thể phục hồi và đi lại được sau 3 tháng.

Như vậy, gánh nặng đột quỵ liên quan đến rung nhĩ là rất lớn. Nhưng một điều may mắn là nếu một bệnh nhân rung nhĩ được điều trị bằng thuốc kháng đông và được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa thì hiệu quả sẽ rất tốt.

Theo y văn, nếu sử dụng kháng đông cho rung nhĩ sẽ giảm được 70% các biến cố đột quỵ tái phát.

Và gần đây đã có thêm những thuốc kháng đông thế hệ mới, hiệu quả ngang bằng và thậm chí vượt trội hơn so với thuốc kháng đông cũ. Ưu điểm của thuốc thế hệ mới là tiện dụng và ít biến chứng nên sẽ an toàn hơn cho bệnh nhân rất nhiều.

Đối với các bệnh nhân rung nhĩ không liên quan van tim, bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông thế hệ mới. Nếu bệnh nhân không có điều kiện thì vẫn tiếp tục sử dụng thuốc kháng đông thế hệ cũ bởi nếu không sử dụng thuốc kháng đông thì nguy cơ đột quỵ và nguy cơ tàn phế trong tương lai rất cao.

Hiểu đúng về việc đặt stent trong điều trị đột quỵ

Chia sẻ với bạn đọc AloBacsi, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng  đính chính hiểu lầm của nhiều người cho rằng việc đặt stent như là “thuốc” chữa khỏi đột quỵ dù đã để lại di chứng.

Đặt stent là một kỹ thuật tiên tiến và được áp dụng rất nhiều cho bệnh nhân đột quỵ. Stent có 2 hình thức:

Thứ nhất, nếu trong trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ cấp, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ stent để lấy huyết khối ra ngoài và không để lại stent trong lòng mạch máu.

Đây là một kỹ thuật được khuyến cáo hiện nay đối với những ca đột quỵ cấp, trong vòng 6 giờ, 8 giờ hoặc thậm chí 24 giờ nếu cục huyết khối gây thuyên tắc động mạch lớn và đủ điều kiện để lấy huyết khối.

Thứ 2 là dùng stent để nong mạch máu. Sử dụng khi các mạch máu ở ngoài sọ, chủ yếu ở động mạch cảnh bị hẹp trên 70%. Vì lúc này nguy cơ bệnh nhân bị đột quỵ sẽ cao hơn nếu chỉ sử dụng thuốc điều trị.

Trường hợp bệnh nhân hẹp trên 70% thì có thể đặt stent đối với động mạch cảnh ở ngoài sọ cộng với việc dùng thuốc được xem là tốt hơn. Mục đích đặt stent lúc này không phải lấy huyết khối mà để nong mạch máu giúp đưa mạch máu đang hẹp trên 70% trở về gần bình thường. Nhưng sau đó bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc để mang lại hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, cần lưu ý:

Chỉ đặt stent đối với bệnh nhân đã đột quỵ rồi và hẹp trên 70%. Ngược lại ở bệnh nhân chưa có triệu chứng và chưa từng đột quỵ mà tình cờ phát hiện mạch máu hẹp 60-70% thì chưa cần thiết phải đặt stent, bởi lúc này điều trị bằng thuốc đã đủ tốt.

Thứ hai là chỉ đặt stent đối với động mạch cảnh ngoài sọ, còn đối với mạch máu trong sọ thì không nên đặt stent. Vì đối với các động mạch trong sọ nguy cơ gây tai biến liên quan đến kỹ thuật đặt stent rất cao, theo y văn lên đến khoảng gần 15%.

Cho đến nay, chúng tôi không khuyến cáo đặt stent trong sọ cho các bệnh nhân. Trường hợp này chỉ nên dùng thuốc, nhưng thuốc của bệnh nhân phải sử dụng loại đặc biệt, công hiệu mạnh.

Cũng theo y văn cho thấy rằng, những bệnh nhân hẹp động mạch trong sọ đáp ứng rất tốt với điều trị nội khoa, tức là không cần đặt stent mà chỉ cần uống thuốc. Và nguy cơ bệnh nhân tái phát sẽ giảm đi rõ rệt.

Cũng đừng hiểu lầm rằng một bệnh nhân bị liệt nửa người nếu đặt stent vào thì bệnh nhân sẽ đi lại được. Điều này là không chính xác vì đặt stent đơn thuần chỉ là nong mạch máu ra và giúp phòng ngừa biến cố đột quỵ tiếp theo.

Còn bệnh nhân đã bị đột quỵ và có di chứng thì không thay đổi được.

Như vậy, về mục đích điều trị thì đặt stent cũng giống như việc dùng thuốc, nhưng với bệnh nhân hẹp quá nặng hoặc đã dùng thuốc rồi mà vẫn bị tái phát thì lúc này mới cân nhắc biện pháp đặt stent kết hợp với uống thuốc.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080