Chuyên đề: Stent graft: một chọn lựa điều trị phình
bóc tách động mạch chủ
Báo cáo viên: BS.CK2 Phạm Đức Đạt - Trưởng khoa Tim
mạch can thiệp - Bệnh viện Nhân dân 115
Stent graft được thiết kế để loại trừ đoạn động mạch bệnh
lý của động mạch chủ và tạo nên độ vững chắc cho thành mạch. Nó giúp giảm nguy
cơ vỡ đoạn mạch bệnh lý và điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch đúng với sinh
lý.
Stent graft đi trong lòng của một ống dẫn, đây là một ống dài chứa stent bên trong và giải phóng ra stent khi đã đặt vào đúng vị trí. Ngay khi mở stent vào đúng vị trí, ống dẫn trên được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Việc áp dụng kỹ thuật stent graft trong điều trị phình động mạch chủ giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, thời gian nằm viện và hiệu quả vượt trội so với phương pháp phẫu thuật truyền thống.
Chuyên đề:
Vai trò NT-proBNP trong quản lý suy tim: Chẩn đoán,
theo dõi điều trị và tiên lượng
Báo cáo viên: ThS.BS Thượng Thanh Phương - Khoa Tim mạch tổng quát,
Bệnh viện Nhân dân 115
NT-proBNP là peptid gồm 76 gốc acid amin. Tiền thân của NT-proBNP là pre-pro-peptid gồm 134 gốc acid amin. Pre-pro-peptid tách ra thành proBNP (108 gốc acid amin-một phân tử tiền thân được lưu trữ trong các hạt bài tiết trong các tế bào cơ) và một đoạn peptid tín hiệu. Khi được giải phóng vào máu, proBNP bị thủy phân bởi một emzym protease là furin tạo thành NT-proBNP (76 gốc acid amin, không có hoạt tính sinh học) và BNP (32 gốc acid amin, có hoạt tính sinh học).
Ở người, NT-proBNP và BNP có hàm lượng lớn trong cơ tâm thất trái, nhưng cũng có một ít trong mô tâm nhĩ cũng như trong cơ tâm thất phải. BNP được thải trừ qua nhiều cơ chế, gồm cả sự tham gia của receptor, enzym endopeptidase và nhiều cơ quan, kể cả thận; trong khi NT-proBNP được thải trừ thụ động, chủ yếu qua thận.
Vì NT-proBNP có thời gian bán hủy dài hơn thời gian bán hủy của BNP và có độ ổn định hơn BNP nên NT-proBNP có độ nhạy hơn và hiện nay nó được sử dụng thông dụng hơn BNP trong chẩn đoán lâm sàng.
Xét nghiệm NT-proBNP huyết tương có thể được chỉ định để: Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt suy tim, theo dõi diễn biến và hiệu quả điều trị suy tim, tiên lượng suy tim.
Chuyên đề: Vai trò của cộng hưởng từ tim (CMR) trong suy tim
Báo cáo viên: TS. BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Tim
mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115
Cộng hưởng từ tim mạch (CMR: Cardiovascular Magnetic
Resonance) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đang phát triển rất nhanh và được
sử dụng ngày càng nhiều cho các bệnh nhân suy tim. CMR có thể trả lời cả 3 câu
hỏi trong một lần khảo sát: 1/ Phân suất tống máu thất trái bảo tồn hay giảm?; 2/ Cấu trúc thất trái bình thường hay bất thường?; 3/ Có các bất thường về van tim, màng ngoài tim, thất phải có thể giải thích cho bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân hay không?. Vì vậy CMR là một kỹ thuật đầy tiềm năng
trong chẩn đoán suy tim.
Bên cạnh đó, tính chính xác và tính lặp lại cao của các thông số đo lường trên CMR khiến kỹ thuật này rất lý tưởng cho theo dõi diễn tiến, đánh giá hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh. Trong bài báo cáo, BS Mỹ Hạnh chia sẻ về vai trò của CMR trong khảo sát các đặc tính về hình ảnh của bệnh nhân suy tim, giúp ích cho chẩn đoán, phân tầng nguy cơ và định hướng điều trị các bệnh nhân suy tim.
Phần hỏi đáp, trao đổi giữa các bác sĩ với báo cáo viên.
Kim Quy (tổng hợp)