Logo Bệnh viện Nhân dân 115
22/10/2019 09:14

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh: U lành tính có đáng ngại?

Một số bạn đọc AloBacsi được chẩn đoán u lành tính nhưng vẫn cảm thấy nó như quả bom nổ chậm. Vậy u lành tính là gì, có đáng ngại không? BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - nguyên trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

1. Khối u lành tính khác khối ác tính như thế nào, thưa BS?

Như chúng ta đã biết, không phải mọi khối u đều ung thư và có những khối u không phải là ung thư và có những loại ung thư mà không có khối u. Những khối u không phải ung thư là những khối u lành tính. Ví dụ chúng ta có thể thấy những khối u lành tính ở tử cung, buồng trứng, mỡ, ngoài da, đó là những khối u mà thường gặp; nhưng cũng có những ung thư mà không có u như ung thư hệ tạo huyết, ung thư bạch cầu,…

Như vậy giữa việc phân biệt u lành tính và u ác tính thì cần phải có những thầy thuốc chuyên khoa và phải có sự kết hợp của rất nhiều phương pháp từ khám bệnh, tiếp cận bệnh nhân đến chẩn đoán, tế bào học...

Chúng ta cần phải hiểu “lành” ở đây có nghĩa như thế nào. Khối u lành tính là khi có tế bào không phải tế bào ung thư, không xâm lấn vào các mô xung quanh, không lan tỏa đến các tổ chức mô xung quanh, và một khối u lành tính không gây ra di căn, chèn ép các tạng và cấu trúc xung quanh.

Tóm lại, khối u lành tính thường có bề mặt trơn láng, ranh giới của bướu rất rõ ràng và điều đặc thù nhất là những khối u này không xâm lấn qua tạng hoặc những loại mô xung quanh của vùng có khối u.

2. U lành thường được cấu tạo như thế nào ạ? BS có thể cho biết sự phân chia tế bào của u lành khác với u ác tính ở điểm nào?

Bản chất như chúng ta đã biết, u lành tính là xuất phát của những tế bào phát triển một cách bất bình thường và gây ra những u/ bướu.

Sự phân chia của tế bào u lành là sự phát triển của các tế bào mang tính loạn sản, nghịch sản, quá phát và các tế bào cứ nhân đôi để phát triển nhưng bản chất ADN, các sắc tổ của tế bào không thay đổi. Đó là những cơ bản trong giải phẫu bệnh lý khi chúng ta đọc đâu là tế bào ác tính và đâu là tế bào lành tính.

Đặc biệt đối với những tế bào lành tính có thể phát triển mỗi ngày tuy nhiên cách phát triển của những tế bào này tương đối chậm. Còn đối với những khối u ác tính, đó là một sự phát triển một cách quá phát, vô tổ chức của một loại tế bào. Và bản chất của những tế bào ác tính là sự thay đổi lớn về các ADN, nhiễm sắc thể, nhân tế bào. Đó là sự phân biệt rất rõ đâu là khối u ác tính và đâu là khối u lành tính trên giải phẫu bệnh lý.

Và tốt nhất là những khối u này cần phải được loại bỏ để chúng ta có những chẩn đoán lâm sàng, giải phẫu bệnh chính xác để không chủ quan cho rằng đó là u lành tính nhưng sự thật lại ra u ác tính, như vậy sẽ trễ mất thời gian vàng để điều trị tốt nếu không may đây là u ác tính.

3. Được biết còn có trường hợp u lành nhưng vị trí ác tính, nhờ BS giải thích rõ hơn và đưa ví dụ về trường hợp này ạ?

Không có vị trí nào ở trong cơ thể lành tính và không có vị trí nào trong cơ thể chúng ta có thể nói ở vị trí ác tính. U ác tính có thể nằm mọi nơi, cũng như u lành tính cũng có thể nằm ở nhiều nơi trong các cơ quan trong cơ thể.

Có những u lành xuất hiện ở vùng mà chúng ta hay sợ là ác tính, ví dụ u ở vú, đặc biệt là phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh hay xuất hiện ở u ở vú và những u này không phải là những u ác tính mà có thể là một sự xơ hóa của tuyến vú. Hoặc u xơ tử cung cũng là những loại u thường bắt gặp ở những phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh.

4. Để chẩn đoán một khối u, chúng ta có những phương tiện nào, thưa BS?

Như chúng tôi đã nói về đặc tính của u lành tính và ác tính, khi chúng ta phát hiện một khối u bất thường nào trên cơ thể mà u này có sức phát triển nhanh và có sức xâm lấn xung quanh, hoặc khối u này có thể có rất từ lâu nhưng gần đây phát hiện khối u phát triển một cách khá bất thường thì tốt nhất là nên đi đến các bác sĩ chuyên khoa ung bướu để được chúng tôi hướng dẫn từ vấn chẩn đoán, xử lý để làm sao chúng ta phát hiện được khối u ác tính ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.

Các phương tiện, phương pháp để xét nghiệm, chẩn đoán một khối u/bướu hiện nay rất phong phú: xét nghiệm máu, Xquang, siêu âm, nội soi, CT, MRI, PET/CT, sinh thiết… tùy theo tình trạng khối u/bướu của mỗi người mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân.

5. Nhiều bạn đọc AloBacsi chia sẻ là mặc dù có kết luận u lành tính nhưng họ vẫn cảm thấy nó như một trái bom nổ chậm. Theo BS, chúng ta nên có thái độ thế nào với u lành tính?

Đứng về mặt nguyên lý khoa học mà nói, u lành tính không bao giờ chuyển thành u ác tính. Tuy nhiên, u lành tính bị kích thích bởi nhiều tác nhân như các tia phóng xạ, các yếu tố về môi trường hoặc chà xát thì đôi khi những khối u lành tính này có thể trở thành u ác tính, vì lúc này về mặt cấu trúc ADN của tế bào có thể bị thay đổi và chính vì sự thay đổi về cấu trúc tế bào ADN thì người ta có thể phát hiện được đây là khối u ác tính.

Đối với khối u lành tính, thông thường chúng ta có thể sống hòa bình với khối u này nếu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống nhưng có một số loại u có thể gây ra ảnh hưởng trong cuộc sống như u xơ tử cung gây ra rong kinh, rong huyết,… làm cho bệnh nhân đau và đôi khi u xơ tử cung có bản chất là lành tính nhưng chúng ta vẫn phải xử lý.

Đối với tất cả các loại u ác tính dù nằm ở bất kỳ vị trí nào ở trên cơ thể thì chúng ta phải luôn luôn hướng đến việc lấy được tế bào đem xét nghiệm để có hướng giải quyết kịp thời.

Đôi khi trong cuộc sống, có rất nhiều bạn mang khối u lành tính suốt cuộc đời nhưng chúng ta không cần đi đến bác sĩ vì những khối u này không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tuy nhiên cũng có những bạn rất chủ quan, thấy một vài khối u nhỏ, không đau nhưng nghĩ đó là u lành tính nhưng đến một lúc nào đó khối u phát triển quá trình và phải đến các bác sĩ chuyên khoa thì lúc đó phát hiện đây là khối u ác tính ở trong giai đoạn muộn thì đây cũng là điều đáng tiếc.

Do đó chúng ta cần phải hết sức cảnh giác, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo khi có những khối u bất thường trên cơ thể, chúng ta có thể phát hiện sớm và điều trị sớm.

1/3 ung thư chúng ta có thể phòng ngừa được, 1/3 ung thư có thể chữa khỏi được trong những giai đoạn đầu. Đáng tiếc hơn, 1/3 ung thư còn lại chúng ta chỉ chạy chữa để mang lại cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài cuộc sống của bệnh nhân.

Chúng ta không đi tầm soát thường xuyên, để những khối u ác tính bị phát hiện trong giai đoạn trễ, di căn và toàn phát gây ra khó khăn trong điều trị. Đây chính là điều đáng tiếc đối với ung thư tại Việt Nam và thế giới nói chung.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh


6. Xin BS cho biết u lành tính khi nào cần can thiệp để loại bỏ ạ?

Có một số loại u như u lành tính trên não có thể chèn ép vào trong các hệ thống thần kinh và người bệnh phải đến bác sĩ. Đối với những khối u như u xơ tử cung có thể lớn, chèn ép, căng tức đau vùng bụng hoặc gây xuất huyết mỗi một chu kỳ, hoặc những lipoma (u mỡ) ở da có thể chèn ép đường đi của dây thần kinh nào đó. Tuy bản chất của những khối u này là lành tính nhưng nó chèn ép, gây các triệu chứng khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống… nếu có thể loại bỏ được thì chúng ta sẽ cần phải loại bỏ đi.

Và nếu khối u không cần thiết phải gỡ bỏ do nằm ở các vị trí quá nguy hiểm với mạng sống của bệnh nhân thì chúng ta có thể chung sống hòa bình với nó.

Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh dù u lành hay u ác tính, chúng ta phải đi thăm khám đến những bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, ít nhất là chúng ta không bỏ sót đây là u ác tính và quan trọng nhất là chúng ta cũng không mang một tảng đá, gánh nặng, áp lực về tinh thần khi không biết khối u là lành tính hay ác tính. Nỗi lo như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều về cuộc sống, tinh thần, thể xác của chúng ta. Tốt nhất dù u lành tính hay ác tính khi phát hiện thì chúng ta phải đi đến bác sĩ để điều trị từ những giai đoạn ban đầu.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - nguyên trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện 115

7. Nhờ BS điểm danh các loại u lành tính ở: phổi, gan, thận, tụy, phụ khoa, bề mặt da?

Một số ví dụ về u lành tính:

- Phổi: Không phải u nào ở phối cũng là u ác tính như u lao hoặc những u phát triển ở tiền phế quản, phế quản cũng là một dạng của u lành tính. Tuy nhiên những trường hợp này phải có những chẩn đoán về giải phẫu bệnh lý.

- Gan: u máu, u bẩm sinh,...

- Thận: u của thận lành tính, u tuyến thận lành tính

- Tụy: u insulinoma là những u tiết ra tế bào insulin hoặc những nang, tụy mà khi chúng ta chụp phát hiện đó là khối u nhưng bản chất của chúng là nang và nang đó là nang lành tính. Tình trạng này có thể xảy ra qua các giai đoạn của bệnh nhân bị viêm tụy, xuất huyết và tạo thành nang, sau này nó ở trong tụy và tạo thành khối u. Tuy nhiên bản chất của nó vẫn là lành tính.

- Phụ khoa: rất nhiều u lành tính nằm ở vị trí này như u vú, u tử cung, u buồng trứng,...

- Bề mặt da: rất nhiều u lành tính như u thần kinh, u mỡ, u tuyến bã… Hay những nốt ruồi do sự biến đổi sắc tố dưới da nhưng bản chất của nốt ruồi là melanoma vẫn là lành tính, nhưng tới 1 lúc nào đó, nốt ruồi phát triển một cách bất thường như to hơn, kèm rỉ máu hay chảy nước có thể nốt ruồi đã chuyển hóa thành ung thư và cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám.

~~~~~~~~
Qua những chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Nguyên trưởng khoa ung bướu và y học hạt nhân - Bệnh viện Nhân dân 115, mong rằng quý bạn đọc đã hiểu rõ hơn về u lành tính, u ác tính để chúng ta có thái độ phù hợp với những loại u này, không hoang mang và cũng không chủ quan. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.


Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080