Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tương tác giữa thuốc – thức ăn có thể xảy ra với thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn (OTC), các thảo dược, thực phẩm chức năng.
Mặc dù phần lớn tương tác đều không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng một số có thể gây hại hoặc có lợi, thậm chí trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây tử vong.
Thuốc – thức ăn tương tác với nhau như thế nào?
Thuốc và các loại thực phẩm có thể tương tác với nhau theo nhiều cách. Thông thường là do một chất đặc trưng trong thực phẩm gây nên tương tác. Những sự thay đổi khác có thể được gây ra do lượng đạm trong khẩu phần ăn hoặc thậm chí là cách chế biến thức ăn.
Một trong những cách tương
tác phổ biến là thực phẩm làm thay đổi sự chuyển hóa của thuốc. Có những loại protein
được gọi là enzym chuyển hóa của nhiều thuốc. Một số thực phẩm có thể làm enzym
này hoạt động nhanh hơn hay chậm hơn hoặc kéo dài hay rút ngắn thời gian thuốc còn
trong cơ thể. Nếu thức ăn làm tăng tốc độ chuyển hóa của enzym thì thời gian
thuốc ở lại cơ thể sẽ ngắn hơn và tác dụng lên cơ thể sẽ kém hiệu quả hơn. Ngược
lại, nếu thức ăn làm giảm tốc độ chuyển hóa của enzym thì thời gian thuốc tồn tại
trong cơ thể sẽ lâu hơn và có thể gây ra những tác dụng không mong muốn.
Các loại tương tác giữa thuốc – thức ăn phổ biến
1. Thực phẩm giàu Calci và thuốc kháng sinh
Những thực phẩm làm từ sữa như: sữa, sữa chua và phô mai có thể gây cản trở một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc kháng sinh như tetracyclin, doxycyclin, ciprofloxacin.
Những kháng sinh này có thể kết hợp với Calci trong sữa tạo thành chất không hòa tan trong dạ dày và đoạn đầu của ruột non làm cho cơ thể không hấp thụ được.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
2. Thực phẩm giàu vitamin C và thuốc bổ sung sắt
Khi uống một ly nước cam cùng lúc với thuốc bổ sung sắt sẽ rất có lợi vì vitamin C trong nước cam sẽ giúp tăng sự hấp thụ sắt cho cơ thể.
3. Thực phẩm chứa Tyramin và thuốc chống trầm cảm ức chế men Monoamine oxidase (MAOIs)
Các thực phẩm chứa Tyramin như: bia, rượu vang, trái bơ, một số loại phô mai, thịt chế biến sẵn (thịt nguội, thịt xông khói…) làm chậm enzym chuyển hóa chất ức chế men monoamine oxidase có thể làm tăng huyết áp gây nguy hiểm cho người bệnh đang sử dụng loại thuốc này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
4. Thực phẩm giàu vitamin K, vitamin E và thuốc kháng đông máu Warfarin
Nhân viên y tế nên tư vấn cho người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông Warfarin duy trì lượng vitamin K vừa phải và tránh dùng những thực phẩm như bông cải, rau bina.
Vitamin K rất quan trọng cho sự sản xuất các yếu tố đông máu giúp ngăn ngừa chảy máu, nhưng những thuốc chống đông máu như Warfarin phát huy tác dụng bằng cách ức chế vitamin K. Do đó, việc tăng lượng chất vitamin K vào cơ thể có thể làm đối kháng tác dụng chống đông máu của Warfarin và ngăn cản tác dụng của thuốc.
Ngược lại, vitamin E, hành tây và tỏi đều có tác dụng giống thuốc chống đông Warfarin, do đó, khi dùng một lượng lớn các thực phẩm này có thể làm tăng mạnh tác dụng của Warfarin.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không được ăn thực phẩm ưa thích?
Nếu Bác sĩ hoặc Dược sĩ khuyên bạn nên tránh dùng một số loại thực phẩm trong khi uống thuốc thì điều này thật sự quan trọng, tuy nhiên cũng có thêm những sự lựa chọn khác, hãy bày tỏ mối quan tâm của mình với Bác sĩ hoặc Dược sĩ.
Một số tương tác giữa thuốc và thức ăn chỉ xảy ra khi bạn dùng cả hai cùng thời điểm. Do đó, để tránh xảy ra tương tác thì bạn hãy dùng thuốc và ăn thực phẩm mình yêu thích ở hai thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, đối với một vài loại thuốc, bạn bắt buộc phải ngừng ăn một số thực phẩm để đảm bảo cho sự an toàn và bảo vệ sức khỏe của bạn.
Làm thế nào để biết thực phẩm nào đó an toàn khi ăn?
Bạn nên đọc cẩn thận tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn để kiểm tra các loại tương tác. Bạn cũng nên thông báo cho Bác sĩ hay Dược sĩ những thực phẩm bạn đang dùng để đánh giá về khả năng tương tác. Nên nhớ rằng bạn phải luôn thông báo cho Bác sĩ hay Dược sĩ nếu thuốc bạn sử dụng kém hiệu quả hay có những tác dụng không mong muốn trong suốt quá trình điều trị.
DS. La Dương Mỹ Duyên
– Khoa Dược Bệnh viện Nhân dân 115