Logo Bệnh viện Nhân dân 115
20/12/2019 09:07

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân: Tầm soát ung thư là làm những gì?

Bệnh nhân ung thư thường phát hiện ở giai đoạn muộn, vậy làm sao để phát hiện sớm? BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp thắc mắc này giúp quý vị.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 và MC Minh Khuê của AloBacsi

Vì sao nên tầm soát ung thư?

Tầm soát ung thư sẽ khám chuyên sâu hơn về bệnh lý ung thư. Như chúng ta thường nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đối với việc tầm soát ung thư, có thể hiểu, tầm soát ung thư là một dạng phòng ngừa bệnh lý ung thư - đây là tiêu chuẩn được Hội ung thư đặt ra và được chia thành các cấp:

- Phòng ngừa cấp 1: là không tiếp xúc với các nguyên nhân gây ung thư.

- Phòng ngừa cấp 2: là tầm soát ung thư.

Đa số các trường hợp bệnh nhân ung thư khi nhập viện đều ở giai đoạn muộn, gần như 70 - 80% bệnh nhân đã ở giai đoạn ung thư tiến xa. Việc phát hiện ở giai đoạn muộn làm cho việc điều trị không được hiệu quả và làm cho thời gian sống còn của người bệnh giảm đi.

Nếu bệnh nhân đi tầm soát ung thư và phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm thì việc điều trị ung thư sẽ rất hiệu quả, thậm chí có thể giúp chúng ta giải quyết được căn bệnh ung thư.

Tầm soát ung thư là làm những gì, thưa BS?

Nói về tầm soát ung thư, đầu tiên phải nói đến đối tượng tầm soát ung thư sẽ gồm những ai và phương tiện dùng để tầm soát.

Về đối tượng, chúng ta không thể nào đem một người còn trẻ, chẳng hạn trẻ 14 tuổi lại đi tầm soát ung thư phổi thì rất vô lý. Vì vậy, đối tượng nên tầm soát ung thư là nhóm bệnh nhân được xác định qua những thống kê trước đó ghi nhận tỉ lệ mắc bệnh lý ung thư ở độ tuổi nào cao nhất thì đây là nhóm đối tượng mà tầm soát ung thư phải hướng đến.Việc tầm soát ung thư liên quan đến chi phí rất lớn và để gói chi phí đó bỏ ra hiệu quả thì chúng ta phải lựa chọn những nhóm đối tượng nào có tần suất mắc bệnh ung thư đó cao.

Đồng thời, phương tiện để tầm soát ung thư cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện ung thư. Không phải tất cả các thủ thuật nào trong y khoa cũng đều là phương tiện tầm soát. Một phương tiện có thể tầm soát ung thư phải có độ nhạy và chuyên biệt. Độ nhạy của thiết bị phải phát hiện được ung thư trong giai đoạn sớm. Và độ chuyên biệt có thể phân biệt được đâu là tổn thương ác tính, đâu là lành tính.

Bên cạnh đó, phương tiện này phải giúp làm giảm được tỉ lệ tử vong do ung thư thì phương tiện đó mới được gọi là phương tiện tầm soát ung thư. Chẳng hạn, khi bệnh nhân được chụp X-quang phổi hay CT phổi thì khi so sánh làm nghiên cứu, chúng ta thấy rằng CT phổi giúp làm giảm được tỉ lệ tử vong do ung thư phổi do nhận biết được những bất thường của phổi trong giai đoạn sớm. Vì vậy, giữa X-quang phổi và CT phổi thì CT được chọn là phương tiện để tầm soát ung thư phổi.

Như vậy, tầm soát ở bất kỳ bệnh lý nào không riêng về ung thư, phải có đối tượng là ai và phương tiện tầm soát là gì.

Đối tượng nào nên đi tầm soát ung thư?

Bệnh lý ung thư rất đa dạng. Và hiện nay những ung thư có thể tầm soát, được thế giới công nhận gồm có 5 loại ung thư: ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi.

Còn lại những ung thư khác, hiện nay chưa có phương tiện nào để người ta chứng minh rằng đó là phương tiện giúp tầm soát cho những ung thư còn lại. Như vậy, với 5 loại ung thư đó, các đối tượng nào nên đi tầm soát ung thư?

Lứa tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Vậy, những người ở độ tuổi từ 40 - 50 tuổi trở lên thì nên đi tầm soát ung thư.

Phương tiện tầm soát cho nhóm bệnh lý ung thư, như ung thư cổ tử cung như xét nghiệm HPV kèm với xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung sẽ thực hiện mỗi 5 năm/ lần hoặc chỉ dùng xét nghiệm phết cổ tử cung thì mỗi 3 năm thực hiện một lần.

Đối với trường hợp ung thư vú, chúng ta sử dụng chụp nhũ ảnh để tầm soát. Tuy nhiên, siêu âm không được sử dụng để tầm soát vì chúng không giúp làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư vú. Trước đây, người ta cũng đề nghị khám lâm sàng bằng tay cho bệnh nhân ung thư vú, nhưng việc này không được sử dụng để tầm soát vì không làm giảm được tỉ lệ tử vong. Vì vậy, trong giới ung bướu, chụp nhũ ảnh được chọn làm kỹ thuật tầm soát ung thư vú vì có thể phát hiện được những tổn thương rất nhỏ, thậm chí khám lâm sàng hay siêu âm cũng không thể phát hiện được.

Hay ung thư phổi, sử dụng phương pháp CT scan ngực liều thấp để giảm sự ăn tia cho người bệnh và đối tượng là những người từ 55 tuổi trở lên, có tiền căn hút thuốc lá hơn 30 pack-year một năm (tức số gói thuốc lá hút trong một ngày nhân với số năm hút) thì thuộc vào nhóm nguy cơ, phải tầm soát ung thư phổi bất kể là nam hay nữ.

Với ung thư đại tràng, chúng ta có phương pháp tìm hồng cầu trong phân, mỗi năm thử 1 lần và nội soi đại tràng cần 5 năm nội soi 1 lần để tầm soát ung thư đại trực tràng.

Nhờ BS cho biết những ung thư nào cần phải tầm soát đối với nam giới và phụ nữ ở các độ tuổi?

Hiện nay chỉ tầm soát được 5 loại ung thư. Nếu phụ nữ trên 30 tuổi và đã quan hệ tình dục thì nên tầm soát ung thư cổ tử cung. Còn đối với trường hợp ung thư vú, khi phụ nữ từ 40 - 50 tuổi trở lên nên đi tầm soát ung thư vú.

Đối với nam giới, những trường hợp hút thuốc lá từ 30 pack-year và 55 tuổi trở lên thì phải tầm soát ung thư phổi, kể cả nam và nữ.

Đối với ung thư đại tràng, trong độ tuổi khoảng từ 40 - 45 tuổi trở lên phải đi tầm soát ung thư đại tràng. Và những trường hợp có tiền căn gia đình bị đa polyp hoặc người thân bị ung thư đại tràng thì những người còn lại phải đi tầm soát sớm hơn chỉ định từ 5 - 10 năm.
Nếu một người ở độ tuổi 60 tuổi cũng nên đi tầm soát ung thư vì trên 65 tuổi sẽ hết chỉ định tầm soát.

Trường hợp nào người trẻ cần tầm soát ung thư, thưa BS?

Có những trường hợp chúng ta biết rằng bệnh lý ung bướu có liên quan về yếu tố gia đình, chẳng hạn như ung thư vú hoặc ung thư đại tràng.

Nếu một người có mẹ hoặc chị gái mắc bệnh ung thư vú, hoặc xét nghiệm tìm ra những gen liên quan về ung thư vú, ung thư buồng trứng thì những trường hợp này, chúng ta cần đi tầm soát sớm hơn, thậm chí sớm quy định tầm soát là từ  5 - 10 năm. Đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao, khả năng xuất hiện ung thư vú sẽ xuất hiện cao hơn là những người không có mẹ hoặc chị em gái bị ung thư vú.

Trong trường hợp ung thư đại tràng cũng vậy, có những gen liên quan về yếu tố gia đình như ung thư đại tràng hoặc tiền căn gia đình có người mắc đa polyp đại tràng - đây là tổn thương tiền ung thư, vì tổn thương này cũng có thể gây ra ung thư đại tràng. Qua các nghiên cứu đã phát hiện, đa polyp đại tràng có yếu tố gia đình. Chính vì vậy, nếu chúng ta có người thân bị ung thư đại tràng hoặc đa polyp đại tràng thì chúng ta nên tầm soát sớm hơn từ  5 - 10 năm so với chỉ định tầm soát ung thư.

Những chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân đã giúp bạn đọc nhận ra tầm quan trọng của khám tổng quát và tầm soát ung thư, tầm soát ung thư là làm gì, những ai nên tầm soát... Thay mặt bạn đọc AloBacsi, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!


Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080