Logo Bệnh viện Nhân dân 115
08/01/2020 08:11

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh: Nên làm gì khi kết quả xét nghiệm marker ung thư tăng?

Khi nhận kết quả xét nghiệm chỉ số marker ung thư tăng cao, ai cũng lo lắng bất an. Chỉ số này nói lên điều gì, chúng ta nên làm gì tiếp theo... là những chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh giúp bạn đọc nhìn nhận đúng về marker ung thư.
Bệnh viện Nhân dân 115 giúp bạn đọc nhìn nhận đúng về marker ung thư.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - nguyên trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Thưa bác sĩ,

1. Đầu tiên, nhờ bás sĩ cho biết chất chỉ điểm ung thư (marker) là gì, nó được phát hiện như thế nào ạ?

Hiện nay có rất nhiều các trung tâm, bệnh viện đang mở ra các gói tầm soát ung thư, trong đó người ta quan tâm nhất là vấn đề thử máu để tìm marker ung thư, thường được gọi là tumor marker, là những dấu ấn chất chỉ điểm của ung thư.

Trên thực tế, tumor marker hay chất chỉ điểm ung thư là những chuyển hóa được tạo ra bởi các tế bào ung thư và những tế bào khác có liên quan đặc biệt đến sự hiện diện của các tế bào ung thư. Những chất chỉ điểm ung thư này được tìm thấy trong dịch cơ thể, ở mô hoặc ở trên bề mặt của các bướu và khi ta tầm soát sẽ thường lấy dịch ở cơ thể là máu.

2. Xét nghiệm máu tìm marker ung thư có vai trò như thế nào, có được xem là phương tiện tầm soát ung thư không ạ?

Những chất chỉ điểm ung thư không phải là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bị ung thư, nó chỉ là yếu tố giúp gợi ý cho chúng ta nghĩ tới bệnh ung thư. Bệnh nhân cần có các xét nghiệm lâm sàng khác, chẳng hạn như nội soi, CTscan, MRI, chụp PET/CT, thậm chí có những kết quả sinh thiết còn nghi ngờ thì những dấu ấn chỉ điểm ung thư sẽ giúp cho chúng ta tăng thêm những chẩn đoán xác định dương tính với bệnh ung thư.

- Tầm soát ung thư: PSA (ung thư tuyến tiền liệt), AFP (…)

- Phát hiện sớm ung thư (PSA, AFP…)

- Chẩn đoán ung thư (CA125, AFP…)

- Đánh giá giai đoạn (AFP, β-HCG, LDH…)

- Xác định tiên lượng 1 vài loại ung thư vú (HER2, Ki-67…)

- Xác định hiệu quả của điều trị (CEA, CA125…)

- Phát hiện tái phát (PSA, CEA, CA125…)

- Đánh giá đáp ứng của điều trị

- Theo dõi bệnh nhân ung thư (TG-Thyroglobulin…)

Tóm lại, những tumor marker người ta có thể tầm soát, vừa phát hiện sớm, vừa chẩn đoán, đánh giá giai đoạn, là một chuỗi, gồm những yếu tố để giúp các xét nghiệm, đánh giá khác về lâm sàng thêm phần chắc chắn hơn.

3. Có khi nào xét nghiệm marker ung thư cho kết quả âm tính giả không, thưa bác sĩ?

Tumor marker vẫn có những âm tính giả dựa vào các yếu tố như chất lượng mẫu thử, chất lượng phòng xét nghiệm và xét nghiệm không đúng đối với tumor marker phù hợp. Đây là những yếu tố có thể gây ra hiện tượng âm tính giả.

Trong quá trình công tác, một số bệnh nhân nữ đến với chúng tôi, trước đó được đi làm xét nghiệm marker ung thư, có xét nghiệm cả PSA (marker ung thư tiền liệt tuyến); và một số bệnh nhân nam lại đi thử một số yếu tố như CA 125, CA 15.3 là những xét nghiệm cho ung thư cổ tử cung. Theo tôi, các trung tâm xét nghiệm không nên quá máy móc như vậy.

4. Nhiều bạn đọc đi xét nghiệm máu, kết quả chỉ số marker ung thư tăng thì rất lo lắng. Theo BS, chúng ta nên có thái độ thế nào, cần làm gì tiếp theo trong trường hợp này?

Với kết quả tăng, vấn đề cảm giác lo lắng của người được đi làm xét nghiệm không thể tránh khỏi và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Chỉ số tumor marker tăng không chỉ trong các bệnh lý về ung thư mà còn có thể tăng trên một số bệnh lý lành tính khác. Do đó, không nên quá lo lắng về vấn đề này, mà hãy bình tĩnh đi đến các bệnh viện chuyên khoa về ung thư để được tư vấn và chẩn đoán làm sao để phù hợp hơn.

5. Sau khi xét nghiệm máu có chỉ số marker ung thư tăng nhưng chưa xác định là có bị ung thư hay không, đang chờ xét nghiệm lại, mọi người có thể làm gì để chỉ số này giảm không ạ?

Khi bệnh nhân thử máu và có chỉ số marker ung thư tăng và trong khi chờ đợi làm xét nghiệm lại thì tôi khuyên bạn nên:

- Tăng cường tập thể dục, thể thao

- Tăng cường uống nước (3 lít/ ngày)

- Ăn chín uống sôi, hạn chế chất kích thích (thuốc lá, cafe, trà ...) và các thực phẩm lên men ( cà muối, dưa muối, tương chao...)

- Ngủ đủ giấc

- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo buồn quá mức có thể ảnh hưởng tới sức khỏe

- Chú ý cơ thể mình xem có gì khác lạ không để dễ tập trung vào việc chẩn đoán bệnh.

6. Nếu một người có marker ung thư tăng nhưng đã xác định đây là tình trạng viêm chứ không phải ung thư, sau khi điều trị hết viêm thì họ đã yên tâm được chưa, hay là cần phải xét nghiệm lại? Phải chờ bao lâu để xét nghiệm lại ạ?

Khi chúng ta thử marker ung thư và xác định đây là một tình trạng viêm, không phải là ung thư và sau khi điều trị hết viêm thì bạn có thể an tâm và cũng không cần phải xét nghiệm lại. Nếu bạn muốn xét nghiệm lại thì thời điểm là sau 3 tháng.

7. Hiện nay Việt Nam đã có đầy đủ các xét nghiệm marker ung thư chưa ạ?

Tại Việt Nam, hiện nay đã có tương đối đầy đủ các tumor marker ung thư. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn phải đào sâu, nghiên cứu thêm một số tumor marker mới với mục tiêu tăng được khả năng về tiên lượng, thời gian sống, các vấn đề điều trị tiếp theo cho bệnh nhân bị ung thư.

8. Nhờ BS liệt kê tên gọi của marker một số ung thư: gan, phổi, dạ dày, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt… và cho biết nó tăng trong những trường hợp nào ạ?

Tôi sẽ liệt kê một số marker mà các bạn thường đến các trung tâm để thử nhiều nhất, chẳng hạn marker CA 125 có thể tăng lành tính trong một số trường hợp như tràn dịch đa màng do lao, suy tim, hội chứng thận hư, u xơ tử cung, bệnh lý về màng trong, thai ngoài tử cung, viêm ruột thừa, viêm phúc mạc... Thường CA 125 sẽ nhỏ hơn 35 đơn vị quốc tế/ ml. Chúng tôi chỉ chẩn đoán chỉ số này tăng ác tính trong trường hợp tăng trên 200 đơn vị/ ml và thường đây là ung thư biểu mô của buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung, thậm chí 40% ung thư phổi thì CA 125 cũng cao.

Để chỉ định thì đây là chỉ số tumor marker tiêu chuẩn để theo dõi trong và sau điều trị ung thư buồng trứng.

Hoặc CA 15.3 là một trong những tumor marker thường được chỉ định xét nghiệm. Với CA 15.3 thì chỉ số bình thường của chúng là nhỏ hơn 25 đơn vị, tuy nhiên cũng có thể tăng trong những trường hợp ác tính như ung thư vú, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư buồng trứng, ung thư phổi và nó cũng có thể tăng trong 1 số bệnh lành tính như bệnh viêm gan, bệnh xơ gan tắc mật, những bất thường của đường mật trong gan, ngay cả những bệnh nhân đang mang thai cũng có thể có CA 125, CA 15.3 cao. Chỉ số tumor marker CA 15.3 còn được dùng để theo dõi và phát hiện sớm đối với các trường hợp ung thư vú.

Hoặc CA 27, CA 29 cũng có thể tăng ở một số bệnh nhân ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư buồng trứng.

CA 19.9 cũng là marker rất thường xuyên được yêu cầu để chẩn đoán cho các bệnh nhân ung thư tụy, ung thư buồng trứng, ung thư dạ dày, ung thư đường mật; chỉ số này phải lớn hơn 1000 đơn vị thì mới nghĩ nhiều đến nó. CA 19.9 cũng có thể tăng ở những trường hợp bệnh nhân có viêm tụy, bệnh lý về đường mật, bệnh lý về xơ gan. Với CA 19.9 này thì chúng tôi cũng dùng theo dõi sau điều trị ung thư tụy cũng như ung thư đại trực tràng.

Một tumor marker hay được thử là CAE (glycoprotein), giá trị bình thường là 2.5 nanogram/ ml ở những người không hút thuốc và nhỏ hơn 5 nanogram ở những người hút thuốc. Chỉ số tăng ở trong những bệnh lành tính như những người hút thuốc lá có thể tăng lên 19%, còn những người bệnh nhân của bệnh lý viêm loét đường tiêu hóa, nhiễm trùng vùng chậu, những bất thường đường mật, viêm tụy có thể làm tăng CAE và thường tăng ác tính khi nó lớn hơn 10 nanogram/ ml. Thường chỉ số này sẽ tăng khi bệnh nhân có các bệnh lý như ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư phổi,...

Tương tự, CEA cũng được dùng để đánh giá vấn đề đáp ứng điều trị cũng như theo dõi khi bệnh có yếu tố nguy cơ tái phát. Đối với những ung thư đặc thù như Alpha - fetoprotein (AFP) với ung thư gan, đặc biệt với ung thư gan nguyên phát. Nó cũng có thể tăng trong một số bệnh lý bất thường về đường mật như mang thai, nhiễm trùng vùng chậu. Đặc biệt với Alpha-fetoprotein (AFP) chúng tôi dùng để theo dõi, đánh giá, đáp ứng điều trị ở trong một số bệnh về ung thư gan nguyên phát.

Còn PSA là tumor marker rất phổ biến và đặc hiệu trong ung thư tiền liệt tuyến. Nhưng nó cũng có thể tăng trong các bệnh lành tính của tuyến tiền liệt. Thường chỉ số này sẽ tăng ác tính trong tuyến tiền liệt khi mà kết quả PSA lớn hơn 10 nanogram/ ml và thường nó được dùng trong vấn đề tầm soát, chẩn đoán, đánh giá đáp ứng điều trị đối với bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Ngoài ra, còn có rất nhiều tumor marker mà chúng tôi không thể kể hết như Beta HCG, một số về ung thư thần kinh nội tiết, ung thư phổi tế bào nhỏ,... thì đây cũng là một trong những marker ung thư mà căn bản khi đi tới các trung tâm tầm soát thì bệnh nhân thường được thử.

Tốt nhất khi các bạn có kết quả sau khi làm tumor marker thì nên đến gặp các bác sĩ chuyên ngành về ung thư sẽ có một sự giải thích rõ ràng, mạch lạc hơn về chỉ số này để không quá lo lắng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080