Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/08/2019 09:07

BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan: Bảo vệ sức khỏe khi đi thăm nuôi bệnh

Trong cuộc sống, có thể nói khó tránh khỏi trong mỗi người có vài lần vào bệnh viện thăm nuôi người thân. Vậy làm thế nào để đảm bảo cho bản thân không bị lây bệnh, những ai không nên đi thăm bệnh...?


BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Có thể nói, trong cuộc sống mỗi người khó tránh khỏi việc có vài lần vào bệnh viện để thăm nuôi người thân. Tuy nhiên, chắc hẳn có một số tình huống chúng ta không nên đi thăm nuôi, đó là những trường hợp nào, thưa BS?

Chúng ta cần phân biệt người nuôi bệnh và người thăm bệnh, vì người thăm bệnh chỉ vào bệnh viện thăm người bệnh một lát rồi về còn người nuôi bệnh thì ở lại bệnh viện cả ngày để chăm sóc người bệnh, thậm chí nhiều ngày.

Người thăm bệnh:

- Tuân thủ quy định giờ thăm bệnh của bệnh viện (mỗi bệnh viện có quy định riêng)

- Số khách thăm bệnh không vào thăm quá đông, nói chuyện lớn tiếng ảnh hưởng người bệnh xung quanh

- Vui lòng không vào thăm bệnh nếu bạn: Nôn mửa, tiêu chảy, ho, cảm hoặc cúm, các bệnh truyền nhiễm khác

- Trẻ em hạn chế vào bệnh viện (trừ bệnh viện sản, nhi) hiện nay chưa có qui định cụ thể về độ tuổi cấm trẻ em vào bệnh viện (mỗi bệnh viện có quy định riêng), thường là trẻ em dưới 15 tuổi thì nên hạn chế.

- Không ngồi trên giường bệnh hoặc đụng vào vết thương, chỗ chảy dịch, ống dẫn lưu hoặc để tư trang cá nhân lên giường bệnh.

- Vui lòng rửa tay trước và sau khi thăm bệnh

- Khách thăm bệnh tại phòng cách ly phải tuân thủ các quy định dán bên ngoài phòng bệnh cách ly. Theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

2. Theo BS, phụ nữ có thai có nên vào bệnh viện thăm nuôi không? Trường hợp bất khả kháng, không bố trí được người khác thay thế và thai phụ phải đi thăm nuôi thì chị em cần lưu ý điều gì để bảo vệ sức khỏe của mình?

Phụ nữ có thai vẫn có thể thăm bệnh bình thường như hướng dẫn trên. Nhưng nếu nuôi bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, hôn mê thì chị em hạn chế vì phải làm việc nặng như phụ bệnh nhân xoay trở, đi lại, vệ sinh ảnh hưởng đến thai nhi, cần có người nhà hỗ trợ.

3. Người thăm nuôi có thể phải ngồi lâu bên cạnh bệnh nhân, ăn uống mất ngon, thiếu ngủ vì ở môi trường lạ… Nhờ BS hướng dẫn, người thăm nuôi nên có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt như thế nào để bảo vệ sức khỏe cho chính mình?

Theo thói quen truyền thống của người Việt Nam chúng ta, khi có người nhà bị bệnh chúng ta đến bệnh viện để thăm hỏi, an ủi, động viên chia sẽ cũng như phụ giúp người bệnh và thường vào rất đông.

Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh và người nuôi bệnh các bệnh viện cũng đã qui định mỗi người bệnh chỉ nên có 1 người nuôi bệnh ở lại bệnh viện và có thể thay phiên nhau người chăm sóc bệnh nhân, ban ngày người này chăm sóc, ban đêm người khác.

BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan trong buổi tập huấn chuyên đề: " Phòng chống lây nhiêm virus Ebola và cúm cho nhân viên Y tế - Ảnh: Alobacsi tổng hợp

4. Nhiều người cho rằng khi đến khoa Hô hấp, khoa Bệnh nhiệt đới/ khoa Nhiễm, hay đến bệnh viện chuyên điều trị bệnh lao để thăm nuôi thì người nhà cần phải cẩn thận nhiều nhất. Theo BS, họ có cần đeo khẩu trang liên tục khi thăm nuôi tại các khu vực này không?

- Đối với bệnh viện chuyên điều trị bệnh lao thì người thăm nuôi cần đeo khẩu trang liên tục khi thăm nuôi tại các khu vực này

- Tuy nhiên đối với khoa Hô hấp, khoa Bệnh nhiệt đới của các bệnh viện đa khoa thì điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau (hen phế quản, COPD) những bệnh lý này không lây, hoặc khi bệnh nhân có bệnh lao, BK + cũng chuyển qua điều trị tại các bệnh viện chuyên điều trị bệnh lao, do vậy mọi người không cần thiết phải đeo khẩu trang liên tục khi thăm nuôi tại các khu vực này

5. Xin BS cho biết, những đồ vật như: tay nắm cửa, van vòi nước, gáo múc nước… ở những nơi đông người sử dụng như bệnh viện, khách sạn, nhà trọ… nếu không được vệ sinh đúng mức thì có thể lây truyền những bệnh gì ạ?

- Chúng ta có thể bị lây truyền bệnh lý đường ruột, qua con đường tiếp xúc, gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy

- Enterococus, E. coli

- Vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigella

- Tụ cầu vàng staphylococcus aeureus, Clostridium Difficile

Những vi sinh vật này sẽ gây bệnh tiêu chảy nhiễm trùng, thương hàn, lỵ trực trùng. Do đó, chúng ta phải vệ sinh tay trước và sau khi ăn để giảm nguy cơ lây bệnh.

6. Khi xuất viện, một số người e ngại việc đem các vật dụng đã dùng ở bệnh viện về nhà, vì sợ những đồ vật này có thể mang mầm bệnh. BS có ý kiến thế nào về việc này?

Đối với các vật dụng có dính máu và dịch của người bệnh thì chúng ta không nên đem về nhà. Còn các vật dụng khác thì chúng ta có thể đem về giặt hoặc lau chùi sạch sẽ trước khi sử dụng

7. Rất nhiều bạn đọc AloBacsi thắc mắc các vi sinh vật gây bệnh có thể sống bao lâu khi ra khỏi cơ thể người, chẳng hạn: vi trùng HP, vi trùng lao, virus HIV, virus HPV, virus viêm gan... BS có thể chia sẻ thông tin này không ạ?

Vi trùng lao:

- Trong điều kiện môi trường thích hợp, vi khuẩn lao có thể sống được trong không khí từ 3 đến 4 tháng. Đặc biệt, ở trong môi trường ẩm ướt, có bóng tối thì vi khuẩn lao có thể tồn tại lâu hơn.

- Tuy nhiên nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trên 35 độ c thì sẽ chỉ tồn tại được trong khoảng một tiếng rưỡi, nếu gặp nhiệt độ 42 độ c thì sẽ ngừng sinh trưởng và với nhiệt độ trên 80 độ c chết trong vòng 10 phút.

Virus HPV (human papilloma virus)

- Virus HPV bắt buộc phải có vật chủ để ký sinh và hút chất dinh dưỡng, nên sẽ không có khả năng sống quá lâu ngoài môi trường, nếu không vật chủ virus HPV chỉ có thể tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn ngoài môi trường.

- Tùy vào điều kiện độ ẩm, nhiệt độ cụ thể mà thời gian virus HPV tồn tại bao lâu sẽ có sự thay đổi khác nhau.

- Tuy nhiên, nếu được tiếp xúc với cơ thể con người, chúng có thể tấn công và bùng phát nhanh chóng sau một khoảng thời gian ủ bệnh. Trong điều kiện đó, virus HPV có thể tồn tại khoảng 1 ngày thậm chí một tuần.

Vi trùng HP:

- Có nhiều trong nước bọt, trong mảng cao răng, trong niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường ăn uống.

- Tuy nhiên ngoài môi trường tự nhiên, sức sống của chúng khá yếu ớt và thời gian sống ngắn.

- Trong môi trường đất, không khí ,tuổi thọ của vi khuẩn HP là vài giờ sau khi ra ngoài cơ thể.

- Trong môi trường nước Vi khuẩn HP chỉ tồn tại được một vài giờ nếu ở dạng xoắn, còn ở dạng cầu khuẩn HP có thể tồn tại trong nước đến 1 năm.

Virus HBV tồn tại 7 ngày trong bề mặt môi trường ở nhiệt độ bình thường

Virus HCV 16-23 giờ

Virus HIV kém ổn định trong môi trường, khoảng vài giờ sau khi ra khỏi cơ thể con người sẽ bị tiêu diệt.

~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của BS.CK2 Đặng Thị Thanh Lan, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp quý vị có nhiều kinh nghiệm hơn về viếc thăm nuôi người bệnh, qua đó có cách bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: Bệnh viện Nhân dân 115

Hộp thư: bvnd115tphcm@gmail.com

Trân trọng!
Chương trình được phối hợp thực hiện bởi
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com.
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080