Logo Bệnh viện Nhân dân 115
15/12/2020 10:32

Đau lưng và các nguyên nhân thường gặp

Khoảng 65%- 80% dân số sẽ trải qua cảm giác đau lưng ít nhất một lần trong suốt cuộc đời. Đau lưng thường được mô tả là cảm giác đau nhức vùng cột sống thắt lưng, đau có thể từ lưng lan xuống mông, đùi, cẳng bàn chân một hoặc hai bên.

I. Các nguyên nhân thường gặp:

Đau lưng là một triệu chứng thường gặp của các bệnh lý sau:

1. Thoái hóa cột sống thắt lưng:

Thường gặp sau 50 tuổi. Triệu chứng đau lưng xuất hiện khi người bệnh vận động, xoay trở vùng cột sống thắt lưng, đặc biệt thường khởi phát sau một vận động cột sống thắt lưng quá mức, kéo dài. Triệu chứng này thường giảm khi người bệnh nằm nghỉ ngơi.

2. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:

Thường gặp ở lứa tuổi 20-50. Triệu chứng đau lưng thường xuất hiện khi người bệnh ngồi lâu, đứng lâu hoặc cúi người về phía trước hoặc vận động mạnh, đột ngột sai tư thế như cúi lưng khiêng nặng, té đập mông. Đau lưng giảm khi người bệnh nằm nghỉ hay thay đổi tư thế. Đau lưng thường lan xuống vùng mông, đùi, cẳng bàn chân một hoặc hai bên.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 2/3 trường hợp thoát vị đĩa đệm thì khối thoát vị có thể tự hấp thu một phần hay hoàn toàn sau 6 tháng; khoảng 10% trường hợp vẫn còn đau sau 6 tuần điều trị bảo tuần, khi đó cần xem xét đến chỉ định phẫu thuật giải áp.

Cần lưu ý những triệu chứng lâm sàng thường có giá trị trong việc điều trị. Các chẩn đoán hình ảnh học như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng chỉ được chỉ định trong trường hợp cần thiết khi nghi ngờ chẩn đoán khác hay khi cần can thiệp phẫu thuật khi điều trị nội thất bại.

3. Hẹp ống sống:

Người bệnh có triệu chứng đau cách hồi thần kinh: cảm giác đau, nóng rát, kiến bò hay châm chích vùng lưng lan mông, đùi, cẳng chân, xuất hiện khi người bệnh đứng hay đi lại; giảm khi người bệnh cúi người ra phía trước. Chẩn đoán xác định bằng lâm sàng và chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.

4. Loãng xương:

Thường gặp ở nữ giới sau mãn kinh hoặc người bệnh dùng corticoid kéo dài; bệnh thường diễn tiến âm thầm không triệu chứng, triệu chứng thường xuất hiện khi người bệnh có dấu hiệu gãy xương do loãng xương; ví dụ như đau lưng khi có gãy xẹp đốt sống thắt lưng, hay đau vùng khớp háng khi có gãy cổ xương đùi.

5. Bệnh lý khác:

Đa phần triệu chứng đau lưng thường thuyên giảm sau khi người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo sau: đau lưng nhiều khi mới ngủ dậy và giảm khi vận động, đau lưng kèm sốt, sụt cân, đau lưng về đêm, đau lưng kèm yếu liệt chân hoặc rối loạn tiêu tiểu. Khi có các dấu hiệu cảnh báo này thì người bệnh có khả năng đang bị các vấn đề cần nhập viện để điều trị như: viêm cột sống dính khớp, viêm thân sống đĩa đệm, lao cột sống, ung thư di căn cột sống, đa u tủy hay chèn ép tủy cấp.

II. Một vài trường hợp lâm sàng đáng chú ý:

Trường hợp 1:

Người bệnh Trương Thị B, nữ, sinh năm 1946. Nhập viện vì đau vùng cột sống thắt lưng, đau lưng dai dẳng kéo dài 3 tháng, đau lưng không giảm khi nằm nghỉ, kèm mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ về chiều, sụt khoảng 5 kg trong vòng 3 tháng, không ho đàm, không ho ra máu.

Xét nghiệm ban đầu ghi nhận tốc độ máu lắng tăng cao (VS1: 100; VS2: 145); XQ cột sống thắt lưng: hình ảnh xẹp khoang đĩa đệm và bào mòn xương tại đốt sống L4, L5; chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng: tổn thương viêm thân sống đĩa đệm L3,L4,L5; kèm áp xe cạnh sống.

Chẩn đoán: Theo dõi lao cột sống thắt lưng.


Trường hợp 2:

Người bệnh Nguyễn Văn C, nam, sinh năm 1949. Nhập viện vì đau vùng cột sống thắt lưng 2 tháng, đau lưng nhiều về đêm khiến người bệnh mất ngủ kèm sụt cân 10 kg trong 2 tháng qua. Người bệnh yếu 2 chân tăng dần kèm mất cảm giác 2 chân.

Cận lâm sàng ban đầu ghi nhận XQ cột sống thắt lưng: hình ảnh bào mòn xương tại T12; Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng: hình ảnh hủy thân sống và cung sau T10, T12 chèn ép đoạn tủy ngực tương ứng.

Chẩn đoán: Theo dõi ung thư di căn cột sống, chèn ép tủy ngực.



III. Tóm lại:

Đau lưng là một triệu chứng thường gặp. Đa phần các nguyên nhân là bệnh lý lành tính như đau căng cơ, thoái hóa cột sống.

Tuy nhiên khi đau lưng đi kèm các tính chất mang tính cảnh báo như: thay đổi tổng trạng (sụt cân, mệt mỏi), sốt, vận động khó khăn, tê yếu hai chân hoặc thay đổi tính chất đau như đau tăng dần không giảm khi nghỉ ngơi, đau về đêm, cứng khớp buổi sáng trên một giờ… thì người bệnh cần đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để tránh chẩn đoán muộn gây khó khăn cho việc điều trị.

Việc thực hiện các phương pháp cận lâm sàng về hình ảnh học như chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Tránh lạm dụng không cần thiết hay thậm chí gây thêm hoang mang cho người bệnh.

Cuối cùng, chế độ sinh hoạt, vận động, kiểm soát cân nặng, tính chất công việc… cũng quyết định rất nhiều vào việc kiểm soát hiệu quả triệu chứng đau lưng.


ThS. BS. Đỗ Trung Thành

- Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115






TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080