Logo Bệnh viện Nhân dân 115
23/05/2019 18:14

Hội thảo chuyên môn: Kiểm soát hiệu quả bệnh gút

Tại hội thảo chuyên môn về bệnh gút diễn ra tại Bệnh viện Nhân dân 115, các báo cáo viên đã trình bày nội dung: Tăng acid uric máu và nguy cơ tim mạch/thận; Chẩn đoán và điều trị gút; Hồ sơ dược lý và giá trị lâm sàng của Febuxostat.

Hội thảo chuyên môn về bệnh gút diễn ra tại Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 21/5 gồm 3 bài báo cáo của: GS Thomas nguyên Chủ tịch Hội thấp khớp học Pháp, nguyên trưởng khoa Khớp BV Lariboisière -Paris, Pháp; BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115; PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy.


Tăng acid uric máu và nguy cơ tim mạch/thận
Báo cáo viên: GS Thomas Bardin, , nguyên trưởng khoa Khớp BV Lariboisière -Paris, Pháp

GS Thomas Bardin cho biết: Tăng acid uric máu có tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng, là yếu tố nguy cơ được chứng minh cho bệnh gút, liên quan đến bệnh lý tim mạch và thận được ghi nhận từ thế kỷ 19 nhưng quan hệ nhân quả còn tranh luận.

Nội dung bài báo cáo của GS Thomas Bardin gồm các nghiên cứu thực nghiệm trên chuột (ở động vật gậm nhấm, tăng acid uric máu gây tăng huyết áp, bệnh thận mạch máu và hội chứng chuyển hóa), dữ liệu quan sát trên người (tăng acid uric máu và tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, suy tim, rung nhĩ, đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh thận), phương pháp ngẫu nhiên Mendel, hiệu quả của thuốc hạ acid uric máu (Urate lowering drugs – ULDs).


Chẩn đoán và điều trị gút
Báo cáo viên: BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115


Gút là bệnh nằm nhóm bệnh viêm khớp tinh thể, gây ra do lắng đọng tinh thể sodium urate monohydrate trong khớp và mô mềm quanh khớp. BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân cho biết: ngày nay, thuật ngữ gút không chỉ giới hạn trong khớp mà được dùng cho một nhóm bệnh có các đặc điểm sau:
- Tăng nồng độ acid uric máu
- Viêm khớp cấp trong đó có tinh thể monosodium urate monohydrate được tìm thấy trong tế bào bạch cầu trong dịch khớp
- Sự lắng đọng tinh thể sodium urate monohydrate tại trong và quanh khớp gây biến dạng khớp
- Sỏi thận urate - Bệnh thận liên quan đến tồn thương cầu thận, ống thận, mô kẽ, mạch máu thận
> Gút thể biểu hiện bằng sự kết hợp bất kì 2 trong 5 đặc điểm trên

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh gút: 0,14% dân số năm 2003; 1,0% dân số (940.000 bệnh nhân) vào năm 2014. 96% là nam giới, 38% ở lứa tuổi 40, với 75% trong độ tuổi lao động. Hơn 50% bệnh nhân gút có tăng huyết áp và các bệnh rối loạn chuyển hoá khác.

Tiêu chuẩn chẩn đoán gút: tìm thấy tinh thể monosodium urate monohydrate khi soi dịch khớp gối bằng kính hiển vi phân cực, đây là tiêu chuẩn vàng.

Tiêu chuẩn phân loại theo ACR/ EULAR 2015, nếu tổng điểm ≥ 8 kết luận là gút


Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau
1. Viêm khớp tinh thể:
- Gút = acid uric
- Vôi hóa sụn khớp (Chondrocalcinose) = Pyrophosphate de calcium.
- Viêm khớp do Hydroxyapatite = Hydroxyapatite.
2. Viêm khớp nhiễm trùng: do cùng triệu chứng sốt, viêm 1 khớp, bạch cầu tăng, CRP cao
3. Cơn viêm sung huyết thoái hóa khớp: khớp gối.

Phần sau của báo cáo, BS Trân trình bày về điều trị gút theo hướng dẫn EULAR 2016: cơn gút cấp, dự phòng cơn gút cấp, điều trị hạ acid uric máu.


Hồ sơ dược lý và giá trị lâm sàng của Febuxostat

Báo cáo viên: PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong phần trình bày của mình, PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa chia sẻ về cơ chế thuốc hạ acid uric máu và khác biệt giữa Febuxostat và allopurinol.


Khác biệt về chuyển hóa và thải trừ:


Theo PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa, Febuxostat có hiệu quả hạ acid uric máu tốt hơn allopurinol và mức độ an toàn cao với tỷ lệ dị ứng thấp và ít phản ứng chéo với allopurinol, là lựa chọn tốt cho các đối tượng bệnh nhân:
- Không đạt mục tiêu điều trị với allopurinol
- Bệnh nhân suy thận
- Bệnh nhân có nguy cơ cao dị ứng với allopurinol


Kim Quy
Ảnh: Phòng Công tác xã hội

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080