Logo Bệnh viện Nhân dân 115
18/08/2017 21:08

“Cấy” nẹp vít vào người, có cần phải lấy ra?

Theo BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nhân dân 115: Để chỉ định lấy định vít ra hay không thì tùy vào độ tuổi, vị trí nẹp, chất liệu nẹp cũng như thể lý của từng bệnh nhân.
Mới đây, chúng tôi nhận được thắc mắc của chị Nguyễn Thị H. (35 tuổi, Đồng Nai). Do tai nạn giao thông nên chị được phẫu thuật gãy xương cẳng chân cẳng chân cách đây được 5 năm. Hiện tại cuộc sống sinh hoạt của chị hoàn toàn toàn, bình thường. Chị H. thắc mắc: trường hợp của mình có nên tháo đinh ra hay không; sau phẫu thuật tháo nẹp vít thì mình có thể đi lại bình thường được như trước và có an toàn?

Một thắc mắc khác của bạn Trần T.T. (sinh viên tại TPHCM) bị rạn xương bả vai và được phẫu thuật cố định xương cách đây 5 tháng. Bạn T.T. thắc mắc: Việc vận động của mình đã khá tốt, trở về trạng thái bình thường. Bạn T.T. hỏi có nên tháo nẹp vít ra không vì tại vị trí nẹp thường xuyên cảm thấy đau nhức, có cảm giác nẹp vít luôn nhô lên, khá bất tiện...
BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - BV Nhân dân 115

Giải đáp thắc mắc của bạn đọc, BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: Để quyết định có nên tháo nẹp ra hay không thì trước tiên phải hiểu về sinh lý của nẹp vít.

“Modul đàn hồi của xương theo sinh học là mềm, dẻo. Trong khi đó, nẹp vít được chế tạo là một loại thép không gỉ. Hai modul đàn hồi khác nhau thì chỉ giúp xương lành tương đối, không lành chắc và đặc biệt rất dễ gãy. Vì thế có thể nẹp với xương sẽ không tương thích được với nhau và sẽ có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu sử dụng trong thời gian dài. Như vậy, bản thân chúng tôi vẫn khuyến khích bệnh nhân trong độ tuổi lao động thì nên tháo nẹp ở những bệnh nhân cố định xương ở chi dưới, đối những bệnh nhân ở chi trên thì có thể để nguyên” -  BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm cho biết.

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm đang tư vấn cho bệnh nhân sau phẫu thuật cố định xương bả vai

Với những trường hợp ở chi dưới không lấy nẹp ra, nếu chẳng may gặp tai nạn thì bệnh nhân rất dễ gãy, đặc biệt là gãy ngay tại vị trí nẹp vì xương chưa lành. Việc lấy nẹp tại các vị trí chi dưới giúp tủy xương được thông thương, xương sẽ lành cách chắc chắn hơn. Ở một số người già, ít nhu cầu đi lại hoặc vận động thì bác sĩ khuyến khích nên để nguyên vị trí nẹp, không nhất thiết phải tháo ra. 

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm cũng cho biết thêm, tại một số nước tiên tiến trên thế giới, nẹp vít được thiết kế bằng chất lượng titan với modul đàn hồi giống hệt với xương người nên có thể để chung sống hòa bình được với cơ thể. Tuy nhiên, ở nước ta, nẹp được sử dụng là titan cải biên và thép không gỉ... không thích hợp với sự đàn hồi của xương. Theo nghiên cứu và ghi nhận, tỉ lệ loãng xương ở bệnh nhân không tháo nẹp ở chi dưới thường cao hơn đối với bệnh nhân có được tháo trước đó.

“Khi di chuyển, do chịu lực tì đè nên cơ thể tạo ra bè xương theo hướng chịu lực. Trường hợp đinh thép được lấy ra thì lực sẽ tác động lên xương. Điều này giúp xương chắc hơn, vỏ xương dày thêm, có thể chịu tác động mạnh. Nếu đinh thép chưa được lấy ra thì lực sẽ tác động lên cả đinh thép và xương. Điều này khiến xương không chắc, không chịu được lực tác động mạnh nên dễ gãy” - BS Tâm giải thích.

Một số trường hợp đặc biệt như bệnh nhân đang điều trị các bệnh khác cần đến chụp cắt lớp hoặc nhiễm trùng xương sau phẫu thuật thì cần tháo nẹp xương ngay. Biểu hiện của xương bị viêm là sốt, đau nhức nhiều. Hoặc có trường hợp vít, ốc, đinh bị bung, để lộ dưới da hay trồi ra dưới mông nên ngồi khó chịu, cũng nên lấy ra. Những trường hợp chỉ cố định tạm để chờ vết thương lành như: nắn trật khớp háng, khớp gối, khớp vai; những ca gãy xương phức tạp cần cố định tạm để chuẩn bị can thiệp cho cuộc phẫu thuật lần hai... đều phải lấy đinh ốc ra sau đó.

Theo Lê Bình

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080