Logo Bệnh viện Nhân dân 115
06/04/2018 17:10

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch

Choáng đầu, chóng mặt khi uống thuốc trị rối loạn nhịp tim, cách phòng ngừa đột quỵ cho người bị rung nhĩ, ngất xỉu khi đang chạy xe máy, tim đập nhanh khi ngủ trưa... là những câu hỏi của bạn đọc/bệnh nhân đã được TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh giải đáp.
Nhận lời tư vấn với bạn đọc AloBacsi tuần này là TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - trưởng khoa Nhịp tim học, BV Nhân dân 115. Nếu bạn hay người thân đang bị suy tim, rung nhĩ, bệnh mạch vành, đặc biệt là rối loạn nhịp tim như (rối loạn nhịp nhanh, rối loạn nhịp chậm, ngoại tâm thu, hội chứng Brugada, hội chứng QT dài...) bạn có thể gửi câu hỏi đến chương trình để được BS Mỹ Hạnh giải đáp.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

- Nguyễn Thanh - TPHCM

Chào BS,

Mẹ em cách đây không lâu bị cao huyết áp và tim đập nhanh (sau khi uống cafe), vào BV vài ngày thì khỏi và được cho về. Sau đó 1 tuần thì bị lại như vậy huyết áp 16 và nhịp tim 117 và nhập viện. BS cho em hỏi:

1. Bệnh mẹ em mắc phải là gì?

2. Những biện pháp nào có thể phòng ngừa?

3. Nếu đi khám cần những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

Em xin chân thành cảm ơn.

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Chào bạn Thanh,

Với những thông tin có được do bạn cung cấp:

- Tôi không đủ cơ sở để chẩn đoán bệnh cho mẹ em. Không rõ khi ra viện lần trước bà được chẩn đoán gì, có được kê toa thuốc uống liên tục không, có được hẹn tái khám không…

Bạn cũng lưu ý một số người có tình trạng nhạy cảm với cà phê, sau uống cà phê có tình trạng hồi hộp, nôn nao, huyết áp và nhịp tim có thể tăng, và nếu huyết áp và nhịp tim tăng chỉ xuất hiện sau khi uống cà phê thì không được chẩn đoán là tăng huyết áp.

Để xác định một người có thực sự bị tăng huyết áp hay không, cần đo huyết áp vài lần, không uống cà phê, hút thuốc lá ít nhất 30 phút, ngồi nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.

Như vậy, trường hợp của mẹ bạn cần đến phòng khám chuyên khoa tim mạch ở các cơ sở khám chữa bệnh để được khám và hướng dẫn thêm.

- Nếu bà có tăng huyết áp và hồi hộp khó chịu sau khi uống cà phê thì không nên uống cà phê.

- Tùy theo tình trạng của bà khi khám, các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm và cận lâm sàng tương ứng, bạn nhé.


- Tran Luong - tranluong…@yahoo.com.vn

Kính chào BS,

Em là nam, 30 tuổi. Cuối năm 2017 đang đi xe trên đường tự nhiên ngực em cảm thấy khó chịu, nôn nao rất khó tả, cảm giác như bị khựng khựng lại, nặng ngực, đầu óc thì choáng, mắt hoa lên, như kiểu muốn ngất xỉu. Cũng may là em tấp xe vào lề đường và nhờ người giúp kịp.

Hôm sau em đi BV khám tổng quát, HA 110/70, làm siêu âm tim, động mạch cảnh, điện tim, điện não, chụp XQ tim phổi thẳng đứng.

Mấy cái kia thì bình thường nhưng siêu âm tim và điện tim thì kết quả là block nhánh phải không hoàn toàn. BS nhìn kết quả chẩn đoán em bị thiếu máu não thoáng qua, block nhánh phải không hoàn toàn. Sau đó kê toa thuốc em uống 1 tháng.

Tuy nhiên em về uống 2-3 ngày vẫn có cảm giác ngực hồi hộp, lo âu nên ra BV quận khám lại xem sao. BS ở đây kê toa cho em uống thì sau khoảng 2-3 ngày em thấy nhẹ người hơn.

Em song song uống 2 thứ trong vòng 1 tháng thì ngưng không uống nữa. Do chưa có thời gian nên tới giờ em chưa đi tái khám.

Tuy nhiên từ lúc uống thuốc đến khi ngưng và tới bây giờ khi đi xe máy em vẫn bị tình trạng lâu lâu tim như bị khựng lại, thốc, nấc lên 1 cái, ngực lâu lâu thấy hơi nặng nặng, còn đầu em thì cũng lâu lâu thấy choáng lên 1 cái, rùng mình 1 cái thì hết.

BS cho em hỏi, tình trạng của em bây giờ là như thế nào, em đã bị gì vậy? Xin cám ơn BS nhiều.

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Chào bạn,

Theo các triệu chứng bạn mô tả, có thể bạn có cơn ngất hoặc gần ngất. Nếu cơn xảy ra khi bạn đang tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm.

Có rất nhiều nguyên nhân, bệnh lý khác nhau có thể gây ra cơn ngất, trong đó có những nguyên nhân cần phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu hơn về ngất: như theo dõi điện tim liên tục 24 - 48 giờ, nghiệm pháp gắng sức, nghiệm pháp bàn nghiêng tùy theo bệnh cảnh cụ thể…

Các thông tin bạn cung cấp chưa đủ để có thể đưa ra chẩn đoán cho trường hợp của bạn. Bạn nên nhanh chóng đến đăng ký khám tại các phòng khám chuyên khoa tim mạch ở các bệnh viện, khi đi mang theo toàn bộ các xét nghiệm cận lâm sàng và hồ sơ của những lần khám trước đây của bạn để các bác sĩ tiện theo dõi và không phải làm lại các xét nghiệm cận lâm sàng bạn đã được làm.

Khoa Nhịp tim học Bệnh viện Nhân dân 115 của chúng tôi cũng thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán chuyên sâu cho ngất. Nếu vị trí địa lý thuận tiện cho bạn, bạn có thể liên hệ đến khám với chúng tôi.


- Quynh Nguyen - quynhnguyen…@gmail.com

Thưa BS Hạnh,

Em 23 tuổi, 2 năm trước em có dấu hiệu khó thở, ngáp nhưng không buồn ngủ, đi khám thì BS bảo không sao, uống thuốc chỉ đỡ được 1 thời gian rồi lại bị trở lại.

Năm 2017, em lên BV đa khoa Thủ Đức khám cũng được chẩn đoán là không sao và có kê thuốc uống, rồi cũng đỡ được 1 thời gian lại trở lại. 2 tuần nay em có dấu hiệu trở lại căn bệnh này.

Hôm chủ nhật tuần rồi em có đi khám ở trung tâm Medic Hòa Hảo và được BS chẩn đoán là hở van tim 2 lá 1.5/4, 3 lá 1/4.

BS cho em biết em cần điều trị thế nào mới có thể tiến triển hơn? Với lại hở van tim thì khó thở chứ đằng này em lại hay ngáp nữa, lấy hơi để ngáp, và khó thở nữa. Em mong chờ hồi âm của BS.

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Bạn Quynh Nguyen thân mến,

Thông tin bạn cung cấp không đủ để tôi có thể đưa ra chẩn đoán về các biểu hiện của bạn, tuy nhiên ở lứa tuổi của bạn, và nếu bạn đã đi khám ở các bệnh viện nhiều lần và các bác sĩ không phát hiện bệnh lý thực thể nào, bạn thử tìm đến các phương pháp tập luyện thể dục thể thao.

Một số người có chuyện lo âu, buồn bực, công việc căng thẳng… có thể có những biểu hiện giống của bạn do mất cân bằng hệ thống thần kinh tự động mà không do bệnh lý thực thể gây ra.

Hở van hai lá và ba lá 1/4, 1.5/4 có thể gặp ở người bình thường và không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng bạn có.


- Minh Trung - Kiên Giang

BS ơi,

Em bị hở động mạch chủ 2/4. Chức năng tâm thu thất trái bảo tồn. Cho em hỏi bệnh tình của em có nguy hiểm không và có cần phải mổ không?

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Minh Trung thân mến,

Hở van động mạch chủ 2/4 là mức độ hở van trung bình. Hở van mức độ này không gây ảnh hưởng đáng kể lên huyết động và chức năng tim, không làm hạn chế hoạt động thể lực bình thường của bạn.

Ngoài mức độ hở van, các bác sĩ cũng quan tâm đến nguyên nhân gây hở van động mạch chủ.

Quyết định phẫu thuật thay van động mạch chủ dựa trên tổng hợp nhiều yếu tố: triệu chứng lâm sàng, mức độ hở van, ảnh hưởng của hở van trên hình thái và chức năng tim…

Tuy nhiên, mức độ hở van động mạch chủ 2/4 không nặng và không có chỉ định phẫu thuật.

Thông thường, để theo dõi tiến triển của hở van động mạch chủ của bạn, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch có thể kiểm tra siêu âm tim cho bạn một năm 1 lần nếu diễn biến lâm sàng của bạn và thăm khám cho bạn không có thay đổi.


- Thao Le - lethao…@gmail.com

Chào BS Mỹ Hạnh,

Em là nữ, năm nay 23 tuổi. Khoảng nửa năm gần đây em hay có triệu chứng khó thở, hơi thở không đều, mạch lúc nào cũng nhanh, nhưng mỗi lần xuất hiện triệu chứng thì thường 2-3 ngày liên tiếp, xong rồi ngưng, 1 tháng em mới bị như vậy lại.

Ba em bị bệnh tắc van động mạch chủ. Em cũng muốn đi kiểm tra nhưng chưa sắp xếp được thời gian, mong BS tư vấn thêm cho em để em biết rõ hơn về trạng thái sức khỏe của mình ạ, em cảm ơn BS.

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Chào em,

Em thu xếp thời gian đi kiểm tra sức khỏe nhé, vì triệu chứng của em không điển hình cho một loại bệnh lý nào đặc biệt nên cần khám và làm một số cận lâm sàng mới chẩn đoán và tư vấn điều trị cho em được.


- Vinh Xuan - xuanvinh…@gmail.com

Xin chào BS,

Năm 19 tuổi, cao 1m7 nặng 80kg có nguyện vọng nhập ngũ, khám 2 lần rồi trước đều trượt vì lý do huyết áp, 2 lần do trước là 150/90mmHg. Những ngày bình thường huyết áp em là 120/70mmHg. Vậy cho em hỏi làm sao để đi khám nghĩa vụ mà không bị tăng huyết áp và nhịp tim?

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Chào em,

Huyết áp của em bình thường không cao, nhưng khi đi khám nghĩa vụ huyết áp có thể tăng do em hồi hộp, căng thẳng.

Lần tới, em nên đến sớm, ngồi nghỉ ít nhất 5 phút trước khi đo huyết áp, không uống cà phê hoặc hút thuốc lá ít nhất 30 phút trước khi đo huyết áp, không để mắc tiểu trước khi đo huyết áp.

Chúc em thành công.


- Nguyễn Thị Yến Nhi - TPHCM

BS ơi,

Em 20 tuổi, cao 1m60, nặng 43kg, có triệu chứng mạch đập mạnh ở bụng, khoảng vài năm rồi, thi thoảng có cảm giác đau ở khu vực từ sườn cho tới bụng trên bên trái.

Em hay bị khó thở, dạo gần đây tần suất khó thở nhiều hơn. Thể trạng của em thuộc dạng yếu, thời gian gần đây em thường xuyên bị chống mặt, triệu chứng cụ thể là đột nhiên nặng đầu kinh khủng, cảm giác như máu đột nhiên tuột xuống, cộng thêm không đứng vững, mọi thứ tối sầm lại, các triệu chứng xảy ra đồng loạt khoảng 5 giây rồi từ từ mất.

Em tìm hiểu trên mạng thấy mạch đập ở bụng là triệu chứng của phình động mạch. Em còn có tiền sử viêm xoang khoang mũi, đau bao tử, viêm họng, đại tràng kích thích.

Em có nên đi khám không BS? Nếu đi khám thì sẽ làm những xét nghiệm gì, chi phí khoảng bao nhiêu thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Chào Yến Nhi,

So với chiều cao của em, em cần tăng thêm 2-3kg, em nhé.

Với các triệu chứng em mô tả, em nên đăng ký khám nội tổng quát và tai mũi họng để xác định bệnh, từ đó các bác sĩ có hướng điều trị cho em. Em có thể tham khảo thông tin về chi phí khám bệnh trên website của các bệnh viện nhé.


- FB K. Thy

BS Hạnh ơi,

Mẹ em bị rối loạn nhịp tim ạ. Mẹ dùng thuốc ở BV Tâm Đức và BV 115 thì có đỡ, nhưng 2 hôm nay mẹ bị choáng đầu, chống mặt.

Em muốn hỏi là bệnh rối loạn nhịp tim có gây các triệu chứng đó không ạ? Em có nên đưa mẹ cháu đi tái khám ngay không, hay có thể khắc phục tại nhà bằng cách nào thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Chào bạn Thy,

Mẹ bạn đang uống thuốc rối loạn nhịp tim, bị choáng váng chóng mặt có thể do tác dụng phụ của thuốc, cũng có thể do nguyên nhân khác.

Bạn cần đưa mẹ bạn đi tái khám để xác định nguyên nhân thì mới có hướng xử trí thích hợp, bạn nhé.


- FB Vũ H.

Thưa BS,

Thời gian gần đây em cứ bị tim hồi hộp, đập nhanh.

Cách đây nửa tháng em có đi kiểm tra sức khỏe tổng quát ở BV Đại học Y Dược TPHCM, BS bảo kết quả xét nghiệm không có dấu hiệu bệnh lý về tim, chỉ có điện tim thì nhịp tim nhanh.

BS có kê đơn thuốc Concor 2.5mg cho em uống, ngày uống vào buổi sáng 1/2 viên nhưng vẫn còn hồi hộp lắm BS.

Cho em hỏi bệnh này em phải điều trị trong bao lâu, có thể trị khỏi hẳn không ạ? Em cảm ơn BS!

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Chào bạn Vũ,

Với tình trạng của bạn, nếu triệu chứng hồi hộp của bạn vẫn còn, bạn nên đi tái khám để các bác sĩ điều chỉnh thuốc cho bạn.

Bạn nên kết hợp tập luyện thể dục thể thao như đạp xe, bơi lội, đi bộ, tập yoga, tập gym… 30-60 phút mỗi ngày, chú ý đến kỹ thuật hít thở trong lúc tập, giảm bớt các áp lực căng thẳng trong cuộc sống sẽ có thể giúp điều hòa nhịp tim và tâm trí hiệu quả hơn cả dùng thuốc.


- FB Never…

Chào AloBacSi,

Hiện em bị chẩn đoán sa van 2 lá, hở 1/4. BS không kê thuốc.

Nhưng sau khi khám em vẫn bị triệu chứng nhịp tim đột ngột đập mạnh 1 cái rồi bình thường (hình như gọi là nhịp ngoại tâm thu), người mệt mỏi, có cảm giác nóng sốt, các cơ và khớp mỏi.

Khi em nằm xuống thì nghe rõ nhịp tim đập nhanh và mạnh hơn, xuất hiện nhịp ngoại tâm thu nhiều hơn, có cảm giác thở nông, nặng ngực.

Vậy em có khả năng bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng không ạ?

Trước khi xuất hiện các triệu chứng đó em có bị cảm ho kéo dài gần 3 tuần.

Em nằm xuống thường xuyên bị tim đập nhanh nên khó ngủ, tâm lý cũng không ổn định, lo lắng nữa. Em nhờ BS tư vấn giúp em, em cảm ơn nhiều ạ!

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Chào bạn,

Hở van 2 lá 1/4 do sa van không cần uống thuốc. Thỉnh thoảng bị ngoại tâm thu, nhất là sau khi bị cảm, cũng không cần điều trị.

Các triệu khác của bạn có thể do bạn quá lo lắng. Bạn nên tái khám tại phòng khám chuyên khoa tim mạch hàng năm hoặc khi có triệu chứng bất thường để được theo dõi và tư vấn thêm, bạn nhé.


- FB Hương T.

Chào BS,

Cháu năm nay 29 tuổi, không làm việc nặng. Nhưng những lúc đang ngủ trưa, nhịp tim cháu bỗng đập nhanh như hồi trống giục, khó thở, mắt co giật, tay chân run khoảng 5 phút thì hết. Hiện trạng này cứ tái diễn hoài ạ.

Mong BS tư vấn giúp cháu. Cảm ơn BS rất nhiều ạ!

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh:

Hương thân mến,

Các triệu chứng mà bạn mô tả có thể do rối loạn nhịp tim gây ra. Bạn nên đăng ký khám tại phòng khám chuyên khoa tim mạch để xác định nguyên nhân chính xác và được điều trị thích hợp, bạn nhé.


Các phương pháp kỹ thuật điều trị kỹ thuật cao tại khoa Nhịp tim học, BV Nhân dân 115:

Khoa chuyên sâu về chẩn đoán, điều trị rối loạn nhịp tim như (rối loạn nhịp nhanh, rối loạn nhịp chậm, ngoại tâm thu, hội chứng Brugada, hội chứng QT dài...) Áp dụng những kỹ thuật cũng như những thiết bị hiện đại nhất trên thế giới như:

- Cấy đặt máy tạo nhịp tạm thời

- Cấy đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn

- Cấy máy shock điện tự động ICD

Các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại:

+ Máy ghi điện tâm đồ gắng sức

+ Máy ghi điện tâm đồ 24h

+ Máy kích thích tim để thăm dò chức năng nút xoang và dẫn truyền nhĩ thất

+ Máy programmer để kiểm tra, theo dõi và điều chỉnh máy Pace maker, ICD...

+ Máy tạo nhịp tạm thời

+ Máy thăm dò và cắt đốt điện sinh lý.


Theo Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080