Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/10/2017 18:54

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan tư vấn về bệnh cơ xương khớp

Chiều 13/10, ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng khoa Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) đã tư vấn về bệnh cơ xương khớp trên Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn. Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Được cả nước biết đến qua bài báo "Nữ bác sĩ giải mã gene của người Việt để chữa loãng xương", ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng khoa Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch luôn trăn trở với vấn đề loãng xương và hiện trạng bệnh nhân lạm dụng corticoid do tự ý điều trị các bệnh về cơ xương khớp.

Bên cạnh công tác giảng dạy, lãnh đạo khoa, khám chữa bệnh..., BS Lan còn nghiên cứu khoa học, có những đóng góp hết sức thiết thực cho nền y học nước nhà. Công trình nghiên cứu của bác sĩ đã và đang thực hiện bao gồm có mật độ xương ở người Việt Nam; ảnh hưởng của chế độ ăn chay đến xương; gãy xương đốt sống ở phụ nữ Việt sau mãn kinh; thực trạng thiếu vitamin D ở Việt Nam; ảnh hưởng của các thuốc điều trị lao đến sự chuyển hóa của vitamin D và calcium...
Nội dung tư vấn trực tiếp của ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
- Bạn đọc Hoàng Kì Thư - tranhu...@gmail.com
 
Thưa bác sĩ,
 
Em 21 tuổi. Em có vấn đề về vai trái, bị đau khá lâu tầm gần 2 năm.

Em đi khám ở BV nhiều lần và BS bảo em bị hội chứng vai cánh tay và căng cơ, cho em đi tập vật lí trị liệu, nhưng uống hết thuốc thì nó vẫn bị lại. Ngồi khoảng 30 phút vai bắt đầu nhức.

Vài ngày gần đây ngón tay em bị giật bất thường khoảng vài giây, cho em hỏi đó là triệu chứng của bệnh gì và có nghiêm trọng không?
 

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào em,

Em chưa mô tả kỹ triệu chứng đau của mình như đau có lan xuống cánh tay và cẳng tay hay không hoặc có kèm tê tay hay không, nên chưa thể nói chính xác em có vấn đề gì. Tuy nhiên ở vị trí vai, cánh tay, 2 bệnh thường gặp nhất là viêm chu vai và đau rễ thần kinh cột sống cổ.
 
2 bệnh này có hướng điều trị hoàn toàn khác nhau nên cần được khám chính xác và thực hiện thêm 1 vài xét nghiệm để có chẩn đoán xác định. Vì vậy, em nên đến 1 đơn vị y tế chuyên về cơ xương khớp như khoa Cơ Xương Khớp BV 115 để được khám thêm.

- Bạn đọc Nguyễn Ý Nhi - Jena...@gmail.com
 
Chào BS,

Cháu 19 tuổi, tay trái của cháu vì không thuận nên yếu hơn tay phải rất nhiều, cầm nắm rất nhanh mỏi. Ngoài ra, ngón út và áp út của tay trái còn bị nhức và hay giật, đốt cuối của ngón út còn không thể duỗi thẳng được.

BS có thể cho cháu hay cháu có khả năng bị bệnh gì được không ạ? Cháu xin cảm ơn ạ.

 
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Nhi thân mến,
 
Vấn đề chính của cháu là kém vận động bên tay không thuận. Để khắc phục điều này cháu cần tập vận động mỗi ngày, chú ý tập vận động tay trái, cháu nhé.
 
- Bạn đọc Hoa Bong - bong...@gmail.com

Dạ chào BS Thục Lan,

BS cho em hỏi là má em  74 tuổi, đi khám và chụp MRI thì là bệnh thoát vị đĩa đệm và bị áp xe vùng cụt.

Áp xe thì đã rạch mủ, xét nghiệm không bị gì. Nhưng hiện giờ 2 bên mông bị tê, mất cảm giác, đi vệ sinh không biết nữa. Nằm viện hơn 2 tuần, BV cho về bồi bổ sức khỏe. Thuốc cho xuất viện chỉ uống 1 tuần và không hẹn tái khám, BS nói về tập vật lý trị liệu.

Bác cho em hỏi áp xe đã rạch nhưng bây giờ em thấy ửng đỏ nhưng không chảy máu, vết mổ thì liền nhưng mục áp xe hơi mềm. Vậy có phải mua thuốc uống thêm hay làm gì không thưa BS? Em rất mong BS sớm trả lời giúp em, em cám ơn BS nhiều!


ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào em,
 
Mẹ em có thoát vị đĩa đệm được xác định qua MRI, có thể đây chính là nguyên nhân gây chèn ép tủy cột sống, gây triệu chứng tê mông, mất cảm giác và đi vệ sinh không biết, kết hợp với vấn đề áp xe vùng cụt đã được rạch mủ và điều trị, tuy nhiên chưa khỏi hẳn. Tốt nhất em nên đưa mẹ đi tái khám sau 1 tuần uống thuốc tại BV đã chẩn đoán và điều trị cho mẹ em.

- Bạn đọc Nguyễn Công Hiệp - Nghệ An
 
Thưa BS,

Cháu 18 tuổi, bị ngã xẹp đốt sống D12 và được điều trị bảo tồn 3 tuần nhưng vẫn thấy mỏi lưng. Vậy cháu muốn hỏi bị như vậy có sao không? Và khoảng bao lâu thì khỏi ạ?

 
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào em Hiệp,
 
Thứ nhất, em bị ngã từ độ cao và tư thế như thế nào? Thứ 2, em được chẩn đoán xẹp đốt sống D12 và được điều trị bảo tồn 3 tuần ở đâu? Thông tin em cho biết chưa phù hợp giữa chẩn đoán xẹp đốt sống D12 là một bệnh cảnh nặng và triệu chứng lâm sàng chỉ có mỏi lưng.
 
Cho nên, trước tiên em cần được xác định lại chẩn đoán có thật sự bị xẹp D12 hay không và ngay cả khi có xẹp thì sau khi điều trị bảo tồn 3 tuần, em chỉ còn mỏi lưng thì diễn tiến bệnh cũng đã ổn định, em không phải lo lắng mà chỉ cần đi lại vận động như bình thường kèm vật lý trị liệu để cải thiện độ đàn hồi khối cơ lưng là đủ.

- Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng - Bình Định

Thưa BS Thục Lan,

Năm 2014 tôi có phẫu thuật nội soi dây chằng chéo trước và chéo sau. Từ đó tới tháng 5/2017 tôi vẫn hoạt động và chơi thể thao bình thường. Nhưng thời gian này chân tôi bị đau và nhô ra 1 cái vít, có đi chụp phim và BS cho biết là vít sinh học phản ứng.

Tôi đã bị 2 lần rồi, uống thuốc 1 thời gian vít tự xẹp xuống và bây giờ lại bị lần thứ 3. Xin hỏi BS có cách gì trị dứt điểm mà vẫn đảm bảo được dây chằng và khớp gối hoạt động tốt không?
Rất mong nhận được ý kiến của BS. Xin cảm ơn!
 
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào anh Hùng,
 
Nếu như anh có phẫu thuật nội soi khớp và dùng vít sinh học, theo lý thuyết thì vít này sẽ tự tiêu trong vòng 1-5 năm. Hiện tại anh được 3 năm và đã xảy ra phản ứng tại chỗ 3 lần, tốt nhất anh nên tái khám tại nơi đã phẫu thuật nội soi cho anh.

Tuy nhiên trong thời gian tới, vít sinh học có thể tự tiêu và khớp gối của anh sẽ hoạt động bình thường lại.
 
- Bạn đọc Vũ Công Văn - Ninh Bình

BS cho tôi hỏi,

Bố tôi 53 tuổi, đi chụp CT thì kết luận là u xương thái dương. Bệnh này điều trị ra sao ạ? Cảm ơn BS!
 
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào anh Văn,

U xương thái dương thuộc nhóm u xương sàn sọ, là 1 bệnh lý rất phức tạp, thường đòi hỏi phải phẫu thuật để bóc tách khối u. Tốt nhất anh nên đưa ba anh đến khám tại khoa ngoại thần kinh của các BV như BV Nhân dân 115, BV ĐH Y dược, BV Chợ Rẫy…
 

- Bạn đọc Vũ Minh Toàn - Bạc Liêu
 
Xin chào các BS,

Hiện em đang chơi môn thể hình, tuần vừa qua sau khi tập về em bị đau ở vai những khi cử động như đưa tay ra trước song song mặt đất, đưa tay sang ngang lên cao quá mang tai, đưa tay ra sau.
Vậy các BS cho em hỏi có phải em bị trật khớp vai hay không? Và em cần đi chụp gì ạ?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Minh Toàn thân mến,

Nếu như em bị trật khớp vai thì không thể cử động được. Triệu chứng em mô tả, phù hợp với tình trạng đau cơ do em tập luyện quá mức hoặc không đúng tư thế. Chỉ cần em nghỉ ngơi, giảm vận động ở tay đau vài ngày, triệu chứng sẽ cải thiện. Nếu không cải thiện, tốt nhất em nên đến 1 đơn vị y tế chuyên Cơ Xương Khớp để khám và điều trị.
 
- Bạn đọc Chương - chuong...@gmail.com
 
Kính gửi BS Thục Lan,

Tôi năm nay 48 tuổi, vừa qua đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Trung tâm Hòa Hảo thì có 1 số bệnh, trong đó có loãng xương, ở mức độ khá nặng (nhờ BS xem kết quả test đính kèm).
Kính nhờ BS tư vấn điều trị. Xin cám ơn BS!
 



Ảnh do bạn đọc cung cấp
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:

Chào anh Chương,
 
Nếu anh là nam mà 48 tuổi, đồng thời không có yếu tố nguy cơ nào khác như: sử dụng corticoid kéo dài hoặc gãy xương trước đó, thì khả năng mắc bệnh loãng xương của anh rất rất thấp hoặc có thể nói là không bị. Do vậy, không cần thiết phải đo mật độ xương.

Xét đến kết quả đo mật độ xương của anh, tôi ghi nhận 1 số điểm như sau:

1. Đây là xét nghiệm đo mật độ xương ở vị trí ngón tay, hoàn toàn không có giá trị để chẩn đoán loãng xương.

2. Ngay cả nếu đo tại vị trí chuẩn là cột sống hoặc cổ xương đùi thì giá trị T score = -1,8 cũng chưa phải là loãng xương.

Tóm lại, không có lý do gì để anh phải lo lắng về sức khỏe xương của anh. Anh chỉ cần vận động điều độ, chế độ ăn chú ý bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa và chế phẩm của sữa. Đồng thời giảm thiểu các chất có hại cho sức khỏe xương như rượu bia, thuốc lá là đủ để bảo vệ bộ xương của mình.
 
- Bạn đọc Vi Thi Ha - Lạng Sơn

Chào BS,

Chị cháu không may bị tai nạn liệt tủy sống dẫn đến liệt tứ chi từ cổ trở xuống, hoàn toàn không có cảm giác được 2 năm rồi. Nằm bất động, đại tiểu tiện không có cảm giác.

Vậy còn cách nào giúp chị cháu có thể hồi phục được không, thưa BS?

 
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào em,
 
Chấn thương cột sống gây liệt tủy sống dẫn đến liệt tứ chi là 1 bệnh cảnh rất nặng. Tuy nhiên, nếu người bệnh có nghị lực, tuân thủ tập vật lý trị liệu nghiêm ngặt, bệnh có thể cải thiện phần nào.
 
- Bạn đọc Cẩm Nhung, 28 tuổi
 
Bác sĩ ơi,
 
Em bị té xe trầy cổ chân, có chảy nước dịch ra. Em đã rửa vết thương bằng nước muối y tế và Povidine. Đi khám thì BS chụp X-quang  và cho thuốc về uống, bảo không sao.

Thế nhưng hơn 1 tuần rồi, chân của em vẫn bị sưng phù to, mày vết thương đã khô nhưng đụng vào vẫn đau.

Có hôm tưởng đã khô, em bịt kín vết thương, chỉ 1 buổi sáng mày đã tróc ra, lộ phần bị thương bên trong còn dịch rất đáng sợ. Nên hàng ngày em đi làm, chỉ băng lúc đi đường để che chắn bụi bặm, nhưng đến công ty và về nhà thì em tháo ra.

Em bị sưng cả bàn chân tới gót chân. Ấn chỗ sưng trên bàn chân xuống không đau nhiều và có cảm giác như có 1 lớp dịch đặc bên dưới da chạy qua chạy lại.

Vậy chân em có bị sao không BS, em lo quá! Cám ơn BS!


ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Cẩm Nhung thân mến,
 
Triệu chứng em mô tả phù hợp với nhiễm trùng phần mềm vùng cổ chân do chăm sóc vết thương ngoài da chưa đúng cách. Em nên đến 1 đơn vị y tế để được chẩn đoán xác định và điều trị dùng kháng sinh phù hợp cũng như được hướng dẫn chăm sóc vết thương đúng cách, em nhé.
 
- Bạn đọc Trí Hải - Vĩnh Phúc
 
Chào BS Thục Lan,
 
Em 34 tuổi. Em bị xơ hóa teo cơ delta. Vậy ở lứa tuổi của em có thể mổ được không ạ? Em cảm ơn BS!
 

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào em Hải,
 
Em chưa nói rõ em bị xơ hóa cơ delta 1 hoặc 2 bên và có kèm xơ hóa ở vị trí nào khác trong cơ thể không? Nếu chỉ 1 bên, khả năng do trước đây em đã có tiêm chích nhiều lần vào vị trí này.
 
Chỉ định mổ cho xơ hóa cơ delta nặng gây dính và co kéo cơ nhiều, có thể thực hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào.
 
- Bạn đọc Lê Thị Thu - TPHCM
 
Xin chào AloBacsi,
 
Em muốn hỏi bệnh thoát vị đĩa đệm L4, L5 với trượt đốt sống lưng L4, L5 là giống nhau hay khác nhau? Cám ơn AloBacsi.
 

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Em Thu thân mến,
 
Thoát vị đĩa đệm với trượt đốt sống là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau, một là do tổn thương đĩa đệm, một bệnh lý là do tổn thương thân đốt sống, nhưng cả 2 bệnh đều gây đau lưng.
 
- Bạn đọc Ngoc Tra - ngoctra…@gmail.com
 
BS ơi,
 
Em bị đau cơ vai, đôi lúc nó rút khớp lại như là trật khớp, lúc sau lại bình thường. Những lần như vậy đau lắm.
 
Em đi chụp X-quang không bị gì, sao em thấy vẫn đau? Nguyên nhân do đâu, BS ơi?

 
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào em,
 
2 bệnh thường gặp phù hợp với triệu chứng em mô tả là viêm chu vai và đau rễ thần kinh cột sống cổ.
 
2 bệnh này có hướng điều trị hoàn toàn khác nhau nên cần được khám chính xác và thực hiện thêm 1 vài xét nghiệm để có chẩn đoán xác định. Vì vậy, em nên đến 1 đơn vị y tế chuyên về cơ xương khớp như khoa Cơ Xương Khớp BV 115 để được khám thêm.
 
- Bạn đọc Trần Quốc Đạt - TPHCM

Thưa BS,
 
Em phẫu thuật dây chằng cách đây 5 tuần, sau phẫu thuật BS nói em bị đứt dây chằng chéo trước kèm theo rách sụn chêm. Hiện tại em có thể đi lại mà không dùng nạng (có dùng nẹp dạng ngắn và mềm). Vậy BS cho em hỏi, việc dùng nẹp ngắn, mềm thay cho loại dài và cứng giữ thẳng chân, có nguy hại gì không ạ?

Khoảng thời gian 5 tuần sau mổ của em có cần hạn chế đi lại không? Nếu cần thì BS cho em biết nếu đi lại nhiều sẽ gây ra những tác hại gì? Việc đứt dây chằng kèm theo rách sụn chêm thì có ảnh hưởng đến vấn đề chơi thể thao, hay thoái hóa khớp gối không ạ? Em xin cám ơn BS.

 
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào em Quốc Đạt,
 
Sau phẫu thuật dây chằng 5 tuần, em cần tập đi lại bình thường, bỏ nẹp. Việc đứt dây chằng kèm rách sụn chêm sẽ là nguy cơ của thoái hóa khớp gối sau này. Vì vậy, em cần có chế độ tập luyện nhằm giữ vững trục khớp gối để giảm thiểu nguy cơ trên.


 Đã hết thời gian GLTT. Chân thành cảm ơn ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan đã chia sẻ những kiến thức hay, bổ ích với bạn đọc, giúp mọi người hiểu hơn về cách điều trị, chăm sóc các bệnh về chuyên khoa Cơ Xương Khớp.

Theo Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080