Logo Bệnh viện Nhân dân 115
28/10/2020 09:34

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng: 80% cục huyết khối hình thành từ tim sẽ lên não gây đột quỵ

Đột quỵ do nguyên nhân tim mạch là nỗi lo ngại lớn nhất của các bác sĩ, bởi 80% cục huyết khối hình thành từ tim sẽ lên não gây đột quỵ tắc mạch máu lớn, tạo ra vùng chết não rất rộng.

Trong chương trình: “Giải pháp tầm soát đột quỵ”, đài Truyền hình Vĩnh Long ngày 9/10/2020, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về việc tầm soát, phòng ngừa đột quỵ.


PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch hội Đột quỵ TPHCM, trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115

80% cục huyết khối hình thành từ tim sẽ lên não gây đột quỵ

Đột quỵ có nhiều nguyên nhân nhưng các bác sĩ chúng tôi e ngại nhất là đột quỵ do tim. Bởi vì khi buồng tim có bất thường, đặc biệt là trong trường hợp rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) sẽ tạo ra huyết khối (cục máu đông) trong buồng tim và 80% trường hợp các cục huyết khối này sẽ chạy lên não.

Tại sao cục huyết khối lại “ưu tiên” chạy lên não mà không đến chỗ khác? Bởi vì 2 động mạch cảnh ở hai bên cổ chúng ta có áp lực dòng máu chảy lên rất mạnh để cung cấp máu cho não - một cơ quan đặc biệt quan trọng của cơ thể, mặc dù trọng lượng não nhỏ nhưng nhu cầu máu lại rất lớn.

Khi lên não, thông thường cục huyết khối sẽ làm tắc những mạch máu lớn, gây ra tình trạng nhồi máu não với vùng thiếu máu và chết não rất rộng.

Theo nghiên cứu của chúng tôi tại Bệnh viện Nhân dân 115, cứ 100 người bị đột quỵ liên quan đến rung nhĩ thì 40% tử vong tại bệnh viện, 40% tàn phế nằm tại giường, chỉ có 20% bệnh nhân trở về nhà vẫn đi lại được thôi.

Tuy nhiên, mặc dù hậu quả nặng  nề như vậy nhưng việc phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân tim mạch lại đơn giản và hiệu quả.

Nếu bệnh nhân không có bệnh tim mạch, việc uống Aspirin với mục đích kháng đông máu chỉ giảm 10% khả năng bị đột quỵ. Nhưng với người bệnh rung nhĩ không do van tim mà uống thuốc kháng đông máu, sẽ giảm được 70% nguy cơ đột quỵ. Cho nên nếu bệnh nhân tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, theo dõi kỹ việc uống thuốc kháng đông thì việc phòng ngừa đột quỵ có hiệu quả rất tốt.

90% nguyên nhân gây ra xuất huyết não là cao huyết áp

Xuất huyết não dễ phòng ngừa hơn tắc mạch não. Nếu một bệnh nhân bị tắc mạch não do cao huyết áp, do tiểu đường, để đạt được hiệu quả phòng ngừa đột quỵ phải đặt ra nhiều mục tiêu ví dụ: huyết áp < 130mmHg, đường huyết < 120mg/dl, mỡ máu luôn tốt và đời sống lành mạnh.

Còn đối với xuất huyết não, điều quan trọng nhất là kiểm soát huyết áp, vì 90% nguyên nhân gây ra xuất huyết não là cao huyết áp.

Một điều đáng lo ngại ở Việt Nam là mọi người thường quan niệm sai lầm rằng người lớn tuổi có huyết áp cao là chuyện đương nhiên. Nhiều cô bác đến khám, huyết áp đo được 150-160mmHg mà nói là “Tôi bình thường, lớn tuổi thì huyết áp phải cao thôi!”. Điều này không đúng.

Ở bất cứ lứa tuổi nào, huyết áp bình thường nằm trong ngưỡng 90-120mmHg. Nếu huyết áp nhích lên trên 130mmHg, chúng ta đã ở giai đoạn “tiền cao huyết áp”, từ 140mmHg trở lên thì chắc chắn đã bị cao huyết áp rồi và phải chấp nhận uống thuốc kiểm soát huyết áp suốt đời.

Sở dĩ phải uống thuốc suốt đời là vì thuốc điều trị cao huyết áp không có tác dụng chấm dứt bệnh cao huyết áp mà chỉ giúp kiểm soát huyết áp. Như vậy, mức huyết áp được kiểm soát tốt chỉ khi chúng ta duy trì việc uống thuốc.

Nhiều người bệnh sau khi kiểm soát huyết áp tốt rồi thì lại tự ý giảm liều hoặc ngưng thuốc, huyết áp sẽ tăng lên trở lại, lúc này việc phòng ngừa đột quỵ được xem là thất bại.

25% bệnh nhân đột quỵ sẽ tái phát trong 5 năm đầu tiên

Đột quỵ xảy ra rồi, việc đi khám không gọi là tầm soát nữa mà là “khám định kỳ” và uống thuốc suốt đời. Rất nhiều bệnh nhân sau khi phục hồi và bỏ thuốc điều trị thì đột quỵ quay trở lại. Tôi chắc chắn rằng khi đột quỵ đã xảy ra thì khả năng nó quay trở lại là rất lớn.

Người ta ước tính 25% trường hợp đột quỵ sẽ quay trở lại trong 5 năm đầu tiên. Đột quỵ quay lại sớm hay muộn phụ thuộc vào việc chúng ta kiểm soát được các nguyên nhân và tuân thủ điều trị tốt hay không.

Còn một người chưa bị đột quỵ đi khám thì mới gọi là “tầm soát”.

Có những bệnh nhân rất trẻ, mới vài tuổi đã bị đột quỵ, tuy nhiên tỷ lệ này rất thấp, chúng ta không cần đưa những cháu bé hay các thanh niên đi tầm soát đột quỵ. Lứa tuổi “ưa thích” của bệnh đột quỵ là khoảng 60 tuổi trở đi, bởi vì có những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của đột quỵ liên quan tới tuổi. Chẳng hạn người trẻ ít khi nào bị cao huyết áp nhưng sau 40 tuổi chuyện này có thể xảy ra.

Nếu chúng ta quan tâm đến sức khỏe của mình thì không chờ đến khi có triệu chứng mà thỉnh thoảng nên đi khám một lần. Còn nếu đã bị đột quỵ rồi thì cần tái khám thường xuyên.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080