Logo Bệnh viện Nhân dân 115
01/12/2020 09:05

Nang bao hoạt dịch và u bao hoạt dịch có phải là một? Vì sao hay tái phát?

Bạn đọc AloBacsi hỏi nang bao hoạt dịch - u bao hoạt dịch là một hay hai bệnh, vì sao điều trị rồi vẫn hay tái phát… BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp bạn đọc nhận diện nang bao hoạt dịch và cách phòng tránh.

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115


1. Nang bao hoạt dịch và u bao hoạt dịch có phải là một?

Nhờ BS cho biết bao hoạt dịch là gì? U bao hoạt dịch và nang bao hoạt dịch có giống nhau không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Bao hoạt dịch là một màng sinh học tự nhiên nằm ở phía trong cùng của bao khớp. Nó là bao khớp chứa một loại dịch sánh giúp cho khớp vận động, bôi trơn trong vùng khớp. Bao hoạt dịch cũng có thể nằm ở một số vị trí của bao gân.

U bao hoạt dịch, nang bao hoạt dịch là một. Trong giới chuyên môn, bác sĩ chuyên khoa gọi đó là bọc bao hoạt dịch hay nang bao hoạt dịch.

Nang bao hoạt dịch là một bệnh lành tính và không thể trở thành ung thư. Một nang bao hoạt dịch khi vỡ sẽ có hai tình huống: vỡ kín (vỡ phần phía trong của vùng đó, thoát dịch ra ngoài tạo thành u phần mềm), vỡ hở (có thể gây ra nhiễm trùng tại chỗ và cần điều trị).

2. Nang bao hoạt dịch có thể xuất hiện ở những khớp nào? Đặc điểm nhận biết nang bao hoạt dịch?

Nang bao hoạt dịch có thể xuất hiện ở những khớp nào, thưa BS? Nhìn bề ngoài, nang bao hoạt dịch có thể dễ nhầm với các loại u khác hay không ạ? BS có thể chia sẻ đặc điểm riêng để nhận biết nang này không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Nang bao hoạt dịch có thể xuất hiện ở tất cả các khớp, từ khớp nhỏ nhất là khớp bàn ngón tay cho đến những khớp lớn như khớp gối.

Nhìn bề ngoài, chúng ta có thể nhầm lẫn với một số u khác nhưng có những vị trí rất đặc biệt để có thể xác định được nó là nang bao hoạt dịch. Thường thì nang hoạt dịch là một khối tròn và mềm, nhẵn, di động, không đau.

3. Cách thăm khám nang bao hoạt dịch?

Xin bác sĩ cho biết bệnh nhân được thăm khám những gì để chẩn đoán nang bao hoạt dịch?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Để xác định một nang bao hoạt dịch, bác sĩ cần phải khám lâm sàng bằng cách là nhìn và sờ. Sau đó, chúng ta cần một số phương pháp cận lâm sàng để giúp xác định rõ như là siêu âm phần mềm để xác định đó là một cái nang có dịch, một cái bã hay một cái nang mỡ.

Những trường hợp cần phân biệt sâu hơn thì ta sẽ sử dụng X-quang nhằm phát hiện những chồi xương hay có gì bất thường không. Ngoài ra có những có nang hoạt dịch ở phía trong sâu, nằm ở trong các khớp vai, khớp gối. Lúc đó các bác sĩ cần chụp MRI để xác nhận.

4. Nang bao hoạt dịch được điều trị như thế nào?

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị nang bao hoạt dịch ạ? Trong đó phương pháp nào được ưu tiên sử dụng nhiều nhất?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Hiện tại, việc điều trị nang bao hoạt dịch theo những "bậc thang". Nếu nang hoạt dịch không ảnh hưởng gì thì không cần thiết phải điều trị, không cần can thiệp hay làm gì hết, bác sĩ chỉ theo dõi.

Tăng thêm một bậc là phương pháp điều trị bảo tồn nghĩa là bác sĩ sẽ cho bệnh nhân bất động chi và theo dõi từ 2-3 tuần. Bác sĩ có thể day ấn ở vị trí nang hoạt dịch.

Tăng thêm bậc nữa là can thiệp, phẫu thuật. Tối thiểu thì các bác sĩ làm thủ thuật còn tối đa là can thiệp phẫu thuật.

5. Các phương pháp phẫu thuật nang bao hoạt dịch?

Khi nào nang bao hoạt dịch cần phẫu thuật ạ? Chúng ta có những phương pháp phẫu thuật nào?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Các trường hợp nang bao hoạt dịch có chỉ định phẫu thuật:

- Nang bao hoạt dịch có kích thước lớn và gây đau, chèn ép một số cơ quan như chèn ép mạch máu, chèn ép thần kinh.

- Nang bao hoạt dịch bị tái phát khi điều trị bảo tồn thất bại.

- Nang bao hoạt dịch đã phẫu thuật không thành công, cần phẫu thuật lại.

- Nang bao hoạt dịch nằm ở vị trí mất thẩm mỹ.

Có hai phương pháp phẫu thuật chính là dùng biện pháp mổ hở và mổ nội soi.

- Mổ hở là mổ vào nang, cắt hết cái bao nang mạc dịch ấy rồi khâu lại. Sau đó bệnh nhân phải bất động vùng phẫu thuật từ 2-3 tuần

- Mổ nội soi là bác sĩ đưa những ống nội soi vào những vùng có những nang hoạt dịch cần can thiệp nội soi, ví dụ như ở vùng khớp vai và khớp gối thì các bác sĩ sẽ sử dụng các ống soi đặc biệt để đưa vào và cắt hết các bao màng dịch gây chèn ép.

6. Vì sao nang bao hoạt dịch dễ tái phát?

Nhờ bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân cần làm gì để tránh tái phát?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Ban đầu, nang bao hoạt dịch là một bệnh lành tính nhưng nó nằm ở bộ phận vận động nên đây là bệnh lành tính nhưng dễ tái phát.

Khả năng tái phát phụ thuộc vào chấn thương, vi chấn thương ở những bộ phận vận động mà cứ lặp đi lặp lại như cổ tay, khuỷu tay hay vùng khớp gối… do đó có nhiều động tác chúng ta phải hạn chế. Cần hỗ trợ thêm những vùng đó sau chấn thương, sau phẫu thuật như bất động bằng những băng, nẹp để hạn chế xuất hiện những nang hoạt dịch.

Ngoài ra, khả năng tái phát còn phụ thuộc vào một số nghề nghiệp.

7. Những yếu tố nguy cơ nào có thể dẫn đến nang bao hoạt dịch?

Những ai dễ bị nang bao hoạt dịch? Chúng ta có thể phòng tránh được không?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Những yếu tố nguy cơ thúc đẩy xuất hiện nang hoạt dịch thường gặp nhất là những chấn thương trước đó tại cổ tay, ở vùng khớp gối, ở vùng cổ chân… là những vùng vận động lặp đi lặp lại nhiều lần. Những vi chấn thương là những chấn thương cứ lặp đi lặp lại ở vùng cổ tay khiến bao khớp yếu dần, làm phình nang hoạt dịch. Sau khi chấn thương mà chúng ta không điều trị đúng thì có thể sẽ xuất hiện nang hoạt dịch sau đó.

Theo thống kê thì nữ dễ mắc bệnh này nhiều hơn nam và những nghề nghiệp liên quan như nội trợ, làm việc tay nhiều, những phụ nữ có tuổi, bị viêm nhiều lần ở khớp cổ tay, khớp bàn ngón, khớp gối… cũng có thể xuất hiện nang mạc dịch.

Để tránh tái phát nang bao hoạt dịch, bệnh nhân cần hạn chế một số động tác hoặc có những hỗ trợ đặc biệt. Khi các nang hoạt dịch khi xuất hiện, cần phải kiểm soát, theo dõi thật chặt chẽ và khi cần, các bác sĩ sẽ chọn phương pháp can thiệp nhẹ nhàng để tránh hiện tượng tái phát lặp đi lặp lại.


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com



TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080