Logo Bệnh viện Nhân dân 115
03/11/2017 15:00

BS.CK2 Trần Xuân Thông tư vấn bệnh răng hàm mặt

Chiều 2/11, BS.CK2 Trần Xuân Thông, BV Nhân dân 115 giải đáp thắc mắc về bệnh răng hàm mặt với bạn đọc Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn.

Khoa Răng hàm mặt - Mắt, BV Nhân dân 115 chuyên khám và điều trị về răng hàm mặt và mắt, phẫu thuật cho các bệnh nhân về chấn thương hàm mặt, chấn thương mắt, mổ Phaco, các bệnh lý chuyên khoa răng và mắt… Trong buổi giao lưu trực tuyến vào chiều 2/11, BS.CK2 Trần Xuân Thông giải đáp câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về các bệnh thuộc chuyên khoa này.

 


Nội dung tư vấn trực tiếp của BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
- Truong Tieu Nguyet - game...@gmail.com
 
Chào BS,

Con tôi 11 tuổi, do bị ngã xe nên bị gãy một nửa chiếc răng cửa. Vậy cho tôi hỏi nó có mọc tiếp được không? Nếu không thì phải điều trị như thế nào ạ?
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Chào bạn,

Răng sữa được thay từ 6-12 tuổi. Con bạn 11 tuổi, răng cửa bị gãy là răng vĩnh viễn, do đó không thể mọc được nữa.

Cháu nên đến phòng nha để được theo dõi và điều trị tủy nhằm giữ chân và thân răng lại. Khi có điều kiện thì trám hoặc bọc lại (bọc răng sứ).
 
- Chu Thi Thuy - chuthi...@gmail.com
 
BS ơi cho em hỏi,

Con em vừa bị quai bị một bên má phải bây giờ thì đã xẹp rồi khi đi khám quai bị thì phát hiện amidan quá phát. Em đã lấy thuốc uống một tuần nay rồi nhưng thấy hai bên vẫn còn to lắm.

Vậy BS cho em hỏi em nên đưa cháu đi BV nào thì tốt nhất?
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Chào bạn,

Quai bị là bệnh viêm tuyến nước bọt do virus. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 1-2 tuần, thời kỳ toàn phát từ 24-48g, sưng tuyến nước bọt, sốt, toàn bộ da phủ căng bóng, có thể có hạch dưới hàm. Bệnh tiến triển từ 8-10 ngày, thông thường, khởi đầu sưng 1 bên, sau đó là sưng tiếp bên còn lại, tỷ lệ khoảng 70%.

Nếu con bạn dưới 15 tuổi thì nên đến BV Nhi đồng khám, còn trên 15 tuổi thì đến Khoa Bệnh nhiệt đới của các BV đa khoa để khám, điều trị và tư vấn về các biến chứng.

- Shin Lee - vanthi...@gmail.com
 
Cháu chào BS,

Năm nay cháu 21 tuổi, mấy ngày nay cháu thấy đau trong miệng, ăn gì cũng khó khăn. Soi vào mới biết cháu bị lở loét khoang miệng, rất đau.

Cháu rất lo lắng, không biết là cháu bị bệnh gì? Và cách nào chữa khỏi? Mong BS hồi đáp sớm cho cháu. Cháu cảm ơn ạ!
 
 

Ảnh do bạn đọc cung cấp
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Hình ảnh của bạn là triệu chứng của bệnh áp-tơ niêm mạc miệng, dân gian hay gọi là “nhiệt”. Áp-tơ thông thường gây đau rát, nhất là khi tiếp xúc với gia vị cay, mặn. Tình trạng này thường tự hết sau 7-10 ngày.

Để phòng ngừa, bạn nên thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, thức ăn mát (đậu xanh, bột sắn dây…). Về điều trị, bạn có thể bôi thuốc Watermelon, Kamistad-gel N… lên trên vết áp-tơ.
 
- Hoàng Hiền, bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - hỏi bác sĩ trả lời
 
Bác sĩ ơi,

Con trai em năm nay 6 tuổi, hiện tại thì răng sữa của cháu chưa có cái nào lung lay, nhưng lại có 2 răng cố định của cửa dưới đã mọc.

Em có tìm hiểu thì được biết là bắt buộc phải nhổ 2 răng sữa để răng cố định mọc lên. Cháu rất nhút nhát, có lần cháu bị sâu răng em đưa cháu lên bệnh viện khám và cháu khiếp luôn.

Em dự định đưa cháu lên bệnh viện khám và nhổ răng. Mong bác sĩ cho em lời khuyên. Thành thật cảm ơn bác sĩ.
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Bạn Hiền thân mến,

Hệ răng sữa được thay từ 6-12 tuổi. Đầu tiên là 2 răng cửa giữa hàm dưới. Thời điểm thay răng, răng sữa sẽ lung lay và được nhổ.
 
Trường hợp của con bạn, răng vĩnh viễn đã mọc mà răng sữa chưa lung lay thì bạn nên đưa cháu đến BS răng hàm mặt để nhổ răng sữa, giúp răng vĩnh viễn mọc thuận lợi.


 
- Thuong Tuyet M., bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - hỏi bác sĩ trả lời

Chào bác sĩ,

Em bị chảy máu chân răng cũng gần 4 tháng rồi. Em không có sốt. Em có đến phòng khám nha khoa, BS bảo em bị vôi răng nên có lấy vôi răng, nhưng vẫn không bớt.
 
Em nên đi khám ở bệnh viện nào ở TPHCM ạ? Em ở Bình Tân. Em cám ơn BS ạ! 
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Chào bạn,

Trường hợp của bạn thông thường là bệnh viêm nha chu. Bệnh viêm nha chu nên được khám định kỳ 6 tháng 1 lần để lấy vôi răng, nạo túi nha chu và đánh bóng răng.

Bạn ở Bình Tân thì có thể đến BV quận Bình Tân, BV Răng hàm mặt TPHCM… để khám và điều trị.
     
- Huỳnh Trịnh Thanh Hiền - huynh...@gmail.com
 
Chào BS,

Răng khôn tôi bị sâu. Tôi có đi khám nha khoa ở ngoài thì BS có nói là phải làm tiểu phẫu vì chân răng chèn tới dây thần kinh.

Vậy BS cho tôi hỏi có bị ảnh hưởng đến dây thần kinh khi tiểu phẫu không ạ? Chi phí tất cả là bao nhiêu, có nằm viện không ạ? Tôi xin cám ơn BS nhiều ạ. 
     
- Mai Thị Thắm - Bình Dương

Thưa BS,

Em đã nhổ răng số 8 mọc lệch đã được 15 ngày nhưng vẫn còn đau. Há miệng ra để ăn cơm như bình thường không được. Vậy có phải là bị ảnh hưởng gì không ạ BS?
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Chào bạn Hiền và Thắm,
 
Răng khôn là những răng mọc sau cùng trên cung hàm, thường mọc từ 18-25 tuổi. Khi đó, xương hàm đã trưởng thành, không còn tăng trưởng và có độ cứng cao nên răng khôn thường mọc lệch và ngầm.

Răng khôn mọc lệch hoặc ngầm gây nhiều biến chứng ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống: viêm quanh thân răng, sâu mặt xa răng 7, viêm mô tế bào khu trú hoặc lan tỏa…

Để điều trị, răng khôn phải được phẫu thuật để nhổ. Các biến chứng thường gặp liên quan đến phẫu thuật răng khôn gồm đau, sưng nề, há miệng hạn chế, chảy máu, tổn thương thần kinh.

Phẫu thuật răng khôn thông thường không cần nằm viện, trừ những trường hợp có biến chứng nặng. Chi phí khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng tùy cơ sở.
 
- Nghia Trinh - nghia...@gmail.com
 
Chào BS ạ,
 
Em 22 tuổi, vừa rồi bị té xe khiến cho răng cấn vào môi trong phía dưới làm chảy máu và tạo ra vết thương khoảng 0,5 cm.
 
Do khó khăn trong việc ăn uống, nói chuyện nên em đã sát trùng vết thương bằng nước muối và có mua thuốc mouthpaste về sử dụng.
 
BS cho em hỏi là khi sử dụng thuốc bôi vào môi trong thì lỡ nuốt vào có sao không ạ? Em có thể làm gì để vết thương mau lành hơn ạ? Em cảm ơn BS!
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Chào bạn,

Nguyên tắc điều trị các vết thương ở miệng là sát trùng, làm sạch, lấy dị vật và khâu đóng vết thương.
 
Những thuốc bôi được dùng trong miệng nếu lỡ nuốt lượng ít thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng tốt nhất là bạn cố gắng tránh nuốt thuốc.
 
- Cao Ngọc Hằng - TPHCM
 
Thưa BS,

Gần đây cháu có cảm giác rất mỏi hàm, giống như là do nhai quá nhiều vậy, rất khó chịu mặc dù cháu ăn uống bình thường. Cháu đi khám bác sĩ nói là loạn năng thái dương hàm.

Xin hỏi BS đây là bệnh gì, điều trị như thế nào và có tốn nhiều chi phí không ạ? Cháu có BHYT ở bệnh viện quận 1, không biết BHYT có chi trả khi điều trị bệnh này không? Nếu cháu muốn đến khám và điều trị BV Nhân dân 115 thì có được hưởng bảo hiểm không ạ?

Cháu xin cảm ơn BS.
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Chào cháu Hằng,
 
Khớp thái dương-hàm là khớp giữa lồi cầu xương hàm dưới và hõm khớp xương thái dương, thông qua đĩa khớp. Đây là một khớp phức tạp, bởi ngoài các yếu tố thông thường trên, khớp thái dương hàm còn được chi phối bởi khớp cắn của các răng hàm trên và hàm dưới.

Bệnh của cháu là bệnh rối loạn cơ khớp thái dương hàm. Để điều trị, cháu cần nhai đều 2 bên (nếu có mất răng thì cần làm răng giả), tập vật lí trị liệu, uống thuốc theo toa…

Bệnh này được BHYT chi trả. Nếu cháu muốn điều trị tại BV Nhân dân 115 thì cần có giấy chuyển tuyến để được hưởng BHYT đúng tuyến.



- Thanh Hương - huongtran… @gmail.com
 
Chào AloBacsi,
 
Em đọc thấy AloBacsi có buổi giao lưu với BS Trần Xuân Thông, xin nhờ AloBacsi chuyển câu hỏi cho bác sĩ giúp em ạ,
 
Em năm này 26 tuổi, em đánh răng ngày 2 lần, buổi sáng và trước khi đi ngủ nhưng không hiểu sao răng vẫn ố vàng. Thỉnh thoảng em có uống cà phê, nước ngọt… liệu đây có phải là nguyên nhân không ạ?
 
Nhân tiện em hỏi luôn cho bé nhà em 2 tuổi, vậy nên chăm sóc răng cho trẻ thế nào để không bị sâu răng, hàm răng mọc đều ạ?
 
Chân thành cảm ơn BS Thông đã giải đáp.
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Chào em,
 
Em cho biết đã đánh răng ngày 2 lần nhưng răng vẫn ố vàng thì nên đến BS răng hàm mặt để khám và điều trị (đánh bóng răng). Sau khi dùng những thực phẩm đậm màu, em nên đánh răng để tránh ố vàng.
 
Bé 2 tuổi nên được tập thói quen đánh răng sau khi ăn, khám răng định kỳ.
 
- Ngọc Duyên - Q.Tân Bình, TPHCM
 
Xin chào AloBacsi,
 
Bên hông răng cửa của em bị sâu đục vào một lỗ, thỉnh thoảng uống đồ lạnh gây buốt bác sĩ ạ. Em nghe nói trám răng có thể hết sâu răng phải không thưa BS? Và khi nào cần trám răng?
 
Quy trình trám răng thực hiện ra sao, có cần phải trám định kỳ không hay một lần là xong?
 
Hiện tại BV Nhân dân 115 có những phương pháp trám răng nào? Chi phí ra sao? Bình thường nên chọn phương pháp trám nào vừa an toàn lại vừa hợp túi tiền của người lao động ạ?
 
Em có nhiều thắc mắc quá nhưng rất mong nhận được sự tư vấn của BS ạ.
Chân thành cảm ơn BS đã giải đáp.
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Khi răng bị sâu thì cần phải trám để ngăn chặn sâu răng tiến triển.
 
Quy trình trám răng: thông thường mất 1-2 lần. Hiện tại BV Nhân dân 115, trám răng bằng nhiều vật liệu: composite, amalgam, cement,… Việc chọn chất liệu tùy thuộc vào loại răng và tình trạng răng sâu như thế nào.
 
- Nguyễn Thị Thanh Trà - ctyTNHHMinh…@gmail.com
 
Cháu chào BS Thông, năm nay cháu 28 tuổi, ở TPHCM.
 
Cháu tìm hiểu thông tin trên internet thì thấy trong thời kỳ kinh nguyệt không nên đi nhổ răng vì sẽ đau hơn bình thường. Điều này có đúng không ạ? Xin hỏi BS có thời điểm nào mà mọi người cần tuyệt đối tránh đi nhổ răng và đối tượng nào không được nhổ răng ạ?
 
BS.CK2 Trần Xuân Thông
 
Em Thanh Trà thân mến,
 
Nhổ răng đối với phụ nữ có kinh nguyệt là chống chỉ định tạm thời do lúc này, thời gian máu chảy máu đông kéo dài.

Các trường hợp có bệnh lí toàn thân cần có ‎ý kiến của BS nội khoa (tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp…) trước khi nhổ răng.
 
Người bệnh có bệnh toàn thân giai đoạn cuối, sức khỏe quá yếu thì không nên nhổ răng.

Theo Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080