Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/09/2017 13:14

BS.CK2 Tạ Phương Dung lý giải thắc mắc về bệnh suy thận

Dưới đây là một số thắc mắc của thân nhân, bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nội thận - Miễn dịch ghép được BS.CK2 Tạ Phương Dung trực tiếp giải đáp tại chương trình sinh hoạt CLB Bệnh nhân thận lần 4/2017.
Xin được trích đăng một số thắc mắc tiêu biểu để quý bệnh nhân được cập nhật.

1. Bệnh nhân Trần Thị Chè (70 tuổi, Quận Tân Bình, TPHCM) thắc mắc:

Chào BS Dung, hiện nay tôi được chẩn đoán bị dư kali máu, tuy nhiên tôi lại rất khó mua thuốc làm giảm kali máu (kalimate). Xin hỏi bác sĩ, ngoài phương pháp sử dụng thuốc kalimate thì có cách nào để làm giảm kali máu hay không? Cảm ơn bác sĩ.

Bệnh nhân Trần Thị Chè

Trước khi giải đáp thắc mắc này của cô Trần Thị Chè, BS.CK2 Tạ Phương Dung yêu cầu bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc tự làm giảm kali máu.

Cô Trần Thị Chè chia sẻ: Bệnh nhân hạn chế tuyệt đối các loại hoa quả nhất là chuối, cam, bưởi. Đối với các loại rau xanh, củ trong khẩu phần ăn, bệnh nhân thường chỉ ăn sau khi luộc kĩ trên 2 lần để làm giảm lượng kali trong rau củ.

Chia sẻ nhận được đồng tình và hưởng ứng của BS.CK2 Tạ Phương Dung và hội trường.

BS Phương Dung lý giải:

Ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, kali không được đào thải qua đường tiểu mà bị giữ lại cơ thể. Biến chứng nguy hiểm của việc tích tụ kali là làm cho các cơ yếu, không hoạt động dễ dẫn đến tình trạng tử vong.

Có 2 cách để giải quyết tình trạng kali là sử dụng một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ và chủ động hạn chế dung nạp lượng kali vào cơ thể như đã đề cập trên. Điều đặc biệt là nên hạn chế các chế phẩm khô như nho khô, chuối khô... Ở trong những trái nho, chuối bình thường đã chứa nhiều kali thì trong nho, chuối khô thì lượng kali cao đến gấp 5 lần.
Khi luộc rau, nên ăn rau ở lần luộc thứ 2. Ở một số loại đậu như đạu tương, đậu phộng... rất nhiều đạm, tốt cho bệnh thận nhưng lại nhiều kali. Chúng ta giải quyết tình trạng này cũng bằng cách luộc kĩ các loại đậu này để hạn chế tối đa lượng kali mà vẫn có thể dung nạp lượng đạm từ những thực phẩm này.

Một điều lưu ý nữa là trong một số thuốc rất tốt cho bệnh thận đó là thuốc ức chế men chuyển thì nó lại có nhược điểm: gây ho và tăng kali. Vì thế, mặc dù nó tốt cho bệnh thận nhưng bác sĩ vẫn nên tránh không cho bệnh nhân sử dụng thuốc đó.

Trong trường hợp này, nên đổi thuốc thay vì nhóm ức chế men chuyển thì đổi sang nhóm thuốc khác có tác dụng tương tự nhưng không làm tăng kali như ức chế thụ thể, ức chế canxi...

Khi đi khám, bác có thể trình bày với bác sĩ là bản thân hay bị tăng kali hoặc bác sĩ sẽ nhìn vào xét nghiệm hàng tháng của mình và tự có cân nhắc để điều chỉnh thuốc.

2. Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu (70 tuổi - Thanh Hóa) đặt câu hỏi:

Chào bác sĩ và anh chị em,

Tôi đã khám bệnh ở khoa Nội thận - Miễn dịch ghép được rất lâu rồi. Tôi cũng bị bệnh tiểu đường từ năm 1999. Ban đầu, bác sĩ cho tôi các loại thuốc uống, thuốc viên nén rồi chuyển sang tiêm chích. Xin hỏi bác sĩ: có phải tôi đã uống thuốc quá nhiều khiến gan, thận không thể lọc được các chất độc không. Một câu hỏi nữa: hiện tại tôi chấp hành đúng theo yêu cầu của các sĩ nhưng ăn không biết ngon, ăn rất ít. Tôi cũng không dám ăn nhiều loại trái cây vì không biết chúng có làm tăng kali hay không. Như vậy: tôi nên dùng loại sữa nào để bổ sung cho người vừa bị bệnh thận và bệnh đái tháo đường. Xin cảm ơn bác sĩ.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu

BS.CK2 Tạ Phương Dung giải đáp:

Chào Dì, cảm ơn Dì đã đặt câu hỏi.

Tình trạng kém ăn của Dì thường gặp ở khá nhiều bệnh nhân thận. Càng bệnh nhân thận giai đoạn sau thì càng có triệu chứng kém ăn. Bởi vì ure khiến bệnh nhân cảm thấy đầy bụng; cái thứ hai là bản thân niêm mạc đường tiêu hóa của bệnh nhân có ure đóng đầy ra rồi khiến không hấp thu được. Cho nên những người bị suy thận nặng, đặc biệt những người bị suy thận do đái tháo đường, các lỗ niêm mạc hấp thu thức ăn bị bít kín khiến không thể hấp thu.

Ở người bình thường, từ 3-4 tiếng thì trong dạ dày không còn gì hết, thức ăn chui xuống ruột non và được hấp thu rồi. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân suy thận, buổi sáng ăn, buổi trưa ói thì thức ăn còn nguyên. Nhiều bệnh nhân ăn không được phải ăn với sự hỗ trợ của nước, mà nước lại phải hạn chế. Vậy phải làm thế nào?

Sữa có 2 loại là sữa dành cho những người lọc máu rồi và chưa lọc máu. Trong loại sữa dành cho người lọc máu rồi, tại sao lại khắt khe: thứ nhất là người ta được phép ăn nhiều hơn, thứ hai là quá trình lọc máu khiến bệnh nhân mất nhiều đạm chính vì thế đạm sẽ nhiều hơn đối với những người chưa lọc máu. Thành phần kali trong sữa của người đã lọc máu được phép cao hơn một chút so với những người chưa lọc máu.

Như thế, Dì có thể uống sữa bình thường. Tuy nhiên, sữa dành cho người bị đái tháo đường thì lượng đạm không thích hợp cho người bị bệnh thận. Nó sẽ làm tăng ure, làm tăng triệu chứng của tiền hôn mê. Cho nên, đối với bệnh nhân suy thận thì sữa phù hợp cho bệnh nhân thận là sữa Nepro 1 (bệnh nhân suy thận chưa lọc máu) và sữa Nepro 2 (bệnh nhân suy thận đã lọc máu).

3. Chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên (Huyện Bình Chánh, TPHCM) thắc mắc:

Chào bác sĩ, cho em được hỏi: Mẹ em bị suy thận, khi mẹ uống viên sắt thì có thấy phân có màu hơi sạm đen. Không biết là nguyên nhân do thuốc sắt hay do xuất huyết bao tử? Xin cảm ơn bác sĩ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên

BS.CK2 Tạ Phương Dung trả lời:

Chào em,

Thông thường bệnh nhân uống viên sắt được ghi nhận bị bón nhiều hơn. Có khi một ngày đi một lần hoặc 2-3 ngày mới đi một lần. Còn đối với những người bị xuất huyết tiêu hóa thì một ngày họ đi rất nhiều lần, phân nhão và có mùi tanh, hôi... Chính vì thế, khi nghi ngờ bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa thì nên ngưng lại việc sử dụng viên sắt để tránh lẫn lộn giữa hai tác dụng phụ với nhau.

Có một cách để em thử là dùng chút nước đổ vào bồn cầu, nếu không có màu gì cả thì có thể yên tâm, nếu nước đổi màu và có màu máu, nâu thì đó mới là xuất huyết tiêu hóa. 

4. Chị Nguyễn Thị Thanh (TPHCM) đặt câu hỏi bên lề buổi sinh hoạt CLB:

Chào bác sĩ, chồng em bị suy thận giai đoạn 3-4. Em nghe nói là một số thuốc như Ích Thận Vương hay những loại thuốc của bên đông y khá hay. Xin bác sĩ cho em ý kiến. Cảm ơn bác sĩ.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào chị,

Tụi tôi thường nói rằng: nhiều bệnh nhân đang yên đang lành, đang điều trị rất bình thường tự dưng vào cấp cứu do bị phù nhiều quá, thiếu máu... Câu đầu tiên tôi hỏi là có uống thực phẩm chức năng phải không, hay thuốc nam - thuốc bắc gì phải không? Bệnh nhân của mình rất tội nghiệp, ở thế nghe người này người nọ hoặc quá tin vào những lời quảng cáo nên bán tính bán nghi. Nhiều người còn quả quyết rằng, bệnh viện trả về nhưng uống thuốc này thuốc kia lại khỏi. Người ta bảo là "có bệnh thì vái tứ phương" vì thế cũng không thể trách bệnh nhân được.

Phải khẳng định chắc chắn rằng, thuốc nam cũng có tác dụng riêng của nó. Tuy nhiên, cần phải đề phòng có không ít cơ sở bán thuốc nam "tráo" các vị thuốc có công dụng, thành phần tương tự. Tuy nhiên, họ lại quên mất một điều là tuy có cùng thành phần đó nhưng vị thuốc tương tự đó lại cũng có những thành phần khác nữa. Mà chính những thành phần khác đó lại có hại cho thận. Hoặc là chính những thuốc nam thuốc bắc đó lại tồn tại những độc chất trong đó. Hoặc nhiều khi nó tốt cho bệnh thận nhưng lại gây hại cho những bệnh khác... Vì thế, muốn điều trị bệnh là phải có cái nhìn tổng thể, không thể chỉ nhìn nhận đau tai là do tai, mà quên mất nó có thể do xoang, dây thần kinh hay cơ quan khác mà ra.

Tóm lại, đông y vẫn có những cái hay của nó mà không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cần xem xét một cách bài bản vì một số chất của vị thuốc có thể gây hại cho thận cho nên không sử dụng được. 

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080