Logo Bệnh viện Nhân dân 115
24/05/2019 16:10

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân giải đáp: Lạm dụng corticoid tác hại ra sao?

Với tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng, corticoid được nhiều người coi như “thần dược” để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh cơ xương khớp. Thế nhưng, việc lạm dụng corticoid tiềm ẩn vô vàn biến chứng nguy hiểm.

Trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc AloBacsi, BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ chia sẻ về những tác hại của việc lạm dụng corticoid để quý bạn đọc có thêm thông tin về loại độc dược xếp nhóm B này.

Chương trình do Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp thực hiện.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

1. Với tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng, corticoid thường được dùng để điều trị nhiều loại bệnh. Xin hỏi BS cho biết tại sao corticoid có công dụng như vậy?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Corticoid hay là cortisol là một chất tiết ra từ lớp vỏ của tuyến thượng thận. Sở dĩ có nhiêu tác dụng như vậy sẽ thông qua nhiều cơ chế phức tạp xin phép không trình bày ở đây. Nhưng nhìn chung, thuốc có hiệu quả kháng viêm, kháng dị ứng và ức chế miễn dịch rất tốt. Do đó được xem như là “thần dược”.

Từ năm 1948, corticoid được cấp giải Nobel Y học về những hiệu quả cực kì ngoạn mục về các bệnh lý như da liễu, khớp, dị ứng, miễn dịch, thậm chí trong vấn đề điều trị ung thư.

2. Riêng với các bệnh cơ xương khớp, corticoid sẽ được BS kê đơn trong những trường hợp nào? Và việc sử dụng thuốc kê toa của BS có giúp hạn chế tác dụng phụ của corticoid không, thưa BS?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Đây là một câu hỏi rất rộng. Trong các bệnh về Cơ xương khớp, người ta có thể chia thành 2 mảng chính: tổn thương khớp và đau khớp mang tính cơ năng, liên quan đến những cấu trúc của khớp như thoái hóa khớp, đau lưng, đau thần kinh tọa, viêm gân cơ, dây chằng thì những trường hợp này không được khuyến cáo sử dụng corticoid bằng đường uống toàn thân.

Một số trường hợp được tiêm tại khớp nhưng phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, bởi lạm dụng việc tiêm khớp tại chỗ sẽ gây ra các biến chứng rất nguy hiểm.

Trở lại việc chỉ định nào được corticoid đường uống, đa phần là các bệnh lý miễn dịch, như viêm khớp dạng thấp hoặc 1 số ít trường hợp trong bệnh gout kháng thuốc, không đáp ứng với những thuốc kháng viêm thông thường thì bác sĩ chuyên khoa khớp chúng tôi vẫn sử dụng corticoid với liều cao và ngắn ngày cho bệnh nhân.


3. Sử dụng corticoid có dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc hay không, thưa BS?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Tùy vào thời gian sử dụng mà bệnh nhân có bị lệ thuộc vào thuốc hay không. Thời gian này không giống nhau trên tất cả bệnh nhân mà tùy vào mỗi cá thể. Có những bệnh nhân sử dụng 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng mới bị phụ thuộc.

Hoặc những bệnh nhân chỉ cần sử dụng 2 tháng, thậm chí 1-2 tuần, có thể do thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa hàm lượng corticoid rất cao nên bệnh của họ sẽ phụ thuộc vào thuốc. Điều này rất đáng tiếc vì sau đó, việc cai thuốc sẽ rất khó khăn.

4. Nếu bệnh nhân được BS kê toa có corticoid nhưng sợ tác dụng phụ nên tự ý ngừng thuốc, xin BS cho biết điều này có hậu quả gì?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Những trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc kháng dị ứng thông thường không có cải thiện thì bác sĩ kê toa có chứa corticoid. Do hiểu rõ những tác dụng phụ của thuốc, các bác sĩ sẽ không lạm dụng thuốc.

Nếu thuốc sử dụng trong thời gian ngắn sẽ không để lại tác dụng phụ với điều kiện không sử dụng lại nhiều lần. Bệnh nhân thường có xu hướng mua lại thuốc theo toa thuốc cũ, chính vì điều này khiến cho bệnh nhân phụ thuộc vào corticoid ngoài ý muốn của bác sĩ.

Mặc khác, đối với những bệnh nhân đã bị phụ thuộc vào corticoid, bác sĩ cho toa và giảm liều để tránh tình trạng bùng lên sau khi ngưng thuốc đột ngột.

Người dân mình thường có tâm lý khi uống thuốc không kê toa sẽ có tâm lý rất thoải mái, nhưng khi được bác sĩ kê toa thường lo lắng thuốc có chứa “dexa” hay không. Nếu nghe thuốc có chứa “dexa” sẽ hoảng lên và tự ý cắt thuốc ấy.

Đối với những bệnh nhân này, những người đang phụ thuộc vào thuốc hoặc những người có bệnh lý mà chuyên khoa khớp gọi là bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bác sĩ buộc phải xài nhóm thuốc này để ức chế quá trình viêm của bệnh nhân vì nếu ngưng thuốc đột ngột sẽ làm bùng các cơn viêm khớp hoặc những triệu chứng phụ thuộc vào corticoid khiến bệnh nhân đau bụng, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ,…

Do đó với thuốc được kê toa bởi bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa thì bệnh nhân nên tuân thủ theo toa và trao đổi với bác sĩ những tác dụng phụ mà bản thân lo lắng để được tư vấn rõ ràng hơn.


Dấu hiệu sạm da và những vết bầm rải rác ở bệnh nhân bị tác dụng phụ của corticoid - Ảnh tư liệu

5. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều người vẫn tự ý mua thuốc giảm đau khi bị bệnh xương khớp, hoặc tiếp tục mua thuốc theo toa cũ của BS, trong có có thuốc chứa corticoid mà không tái khám. Điều này có tác hại như thế nào ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Corticoid có 3 dạng tác dụng, bao gồm tác dụng ngắn, tác dụng trung bình và tác dụng kéo dài. Tùy theo chỉ định của từng bệnh mà bác sĩ sẽ chọn lựa loại thuốc thích hợp. Do đó, nếu một bệnh lý cấp tính mà vô tình được cho sử dụng hoặc mua thuốc mà tác dụng kéo dài thì tác dụng phụ rất nhiều.

Corticoid có 5 tác dụng chính: dị hóa đạm, tăng cơ sinh đường dễ làm tăng đường huyết, tăng giữ nước và muối dễ gây phù, tăng huyết áp, làm tăng hoạt tính của chất kháng vitamin D và làm giảm hấp thu canxi ở ruột. Do đó nếu lạm dụng sẽ gây ra tình trạng ức chế sự hoạt động của các tế bào tạo xương, làm rối loạn hệ miễn dịch, dễ gây cho bệnh nhân tình trạng nhiễm trùng.
6. Nhờ BS hướng dẫn cách nhận biết thuốc có chứa corticoid? Thường thì những thuốc đó có chữ gì trên bao bì ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Có nhiều tên thuốc khác nhau có chứa corticoid. Trong đó có thể tìm thấy prednisolone, prednisone, methylprednisolone, betamethasone, dexamethasone... Những tên thuốc có âm cuối “sone” cũng nên thận trọng.

Do tác dụng của thuốc mạnh nên khi uống 2-3 viên sẽ thấy kết quả khác hẳn, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu. Vì thế, bệnh nhân sẽ tiếp tục uống và tình trạng ổn một cách giả tạo. Và đây là điều khiến các bệnh nhân lạm dụng, tiếp tục uống theo toa thuốc cũ. Vì vậy, sẽ đưa đến tác động rối loạn trên các cơ chế như rối loạn đường, rối loạn phân bố mỡ và nhiều ảnh hưởng không tốt.

7. Xin BS cho biết có những dấu hiệu nào để bệnh nhân nhận biết mình đã bị tác dụng phụ của corticoid?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Dấu hiệu đầu tiên dễ nhận biết nhất là khuôn mặt bệnh nhân tròn lên. Những người có thân hình gầy nhưng tự dưng mặt tròn ra, bị giữ nước, cảm giác nặng mặt, lâu dài hơn sẽ có những phân bố mỡ ở vùng vai. Những u mỡ giờ gồ lên như lưng trâu và bụng to ra nhưng tay chân sẽ teo nhỏ lại, nhìn người mập ra nhưng rất mất cân đối. Ở những trường hợp nặng hơn sẽ gây ra hiện tượng tại lông - tóc - móng như nữ sẽ mọc ria mép, lông tay- lông chân mọc nhiều hơn.


Sau khi dùng thuốc đông y không rõ loại để điều trị chứng đau khớp, mặt bệnh nhân từ từ tròn ra, trong khi tay chân teo, ngón tay co rút… là biểu hiện của hội chứng cushing do lạm dụng corticoid - Ảnh tư liệu

8. Thường thì sử dụng corticoid trong bao lâu mới xuất hiện các tác dụng phụ này, thưa BS? Nếu một người nghi ngờ mình bị tác dụng phụ của corticoid thì nên đến khoa nào của bệnh viện để làm xét nghiệm ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Sẽ không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Vì tùy người, có những người uống rất lâu nhưng không bị, nhưng có những người uống 1-2 tháng đã bị tác dụng phụ. Thường những bệnh nhân lớn tuổi có thể không gặp tình trạng nặng mặt mà sẽ ghi nhận là tình trạng da mỏng đi, dễ bị bầm và xuất huyết. Vì vậy, tác dụng phụ xảy ra với mỗi người có cơ địa khác nhau sẽ biểu hiện khác nhau.

Về nguyên tắc, nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường, dễ nhận biết nhất là khi người bệnh uống theo toa thuốc, nhưng khi ngưng không sử dụng thuốc cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, bủn rủn tay chân. Nếu bệnh nhân có các bệnh lý về khớp sẽ cảm thấy sưng đau nhiều hơn.
Trong những trường hợp trên, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa. Bệnh nhân bị hen suyễn, bệnh lý về tai- mũi- họng thì nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa tai- mũi- họng để bác sĩ cho mình hướng điều trị đúng hơn.

Bệnh nhân uống thuốc vì đau khớp phải đến chuyên khoa cơ xương khớp để kiểm tra. Có những bệnh về khớp bác sĩ bắt buộc phải kê nhóm thuốc đó nhưng sẽ dặn dò bệnh nhân các tác dụng phụ của thuốc để bệnh nhân hiểu rõ, không tự ý dừng thuốc và giúp giảm liều lượng thuốc tùy theo diễn tiến của bệnh, tránh được tình trạng bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc.

Nếu sử dụng lâu, kéo dài, bị hội chứng cushing do tuyến thượng thận hoạt động quá mức dẫn đến suy tuyến thượng thận, kéo theo việc suy tuyến yên với trục tuyến yên và tuyến thượng thận thì nên đi khám ở chuyên khoa nội tiết.

9. Khi đã bị hội chứng cushing - hay còn gọi là suy tuyến thượng thận, người bệnh được điều trị như thế nào để “giải độc” corticoid ạ? Thời gian điều trị là bao lâu thưa BS?

Việc điều trị này phụ thuộc hoàn toàn vào bệnh nhân. Có những bệnh nhân có biểu hiện cushing rất rõ và được đánh giá bằng phương pháp đo cortisol trong máu vào lúc 8 giờ sáng và nhận thấy có những bệnh nhân giảm xuống bằng 0. Nhưng sau 1 thời gian, bệnh nhân đang sử dụng thuốc liều cao thì sẽ không thể giảm liều lượng đột ngột, gây ra tình trạng cai thuốc không hiệu quả. Vì vậy, nếu đang sử dụng liều cao, bệnh nhân sẽ giảm liều dần.

Nếu bệnh nhân không biết đang sử dụng liều lượng ở mức nào thì có thể dùng liều sinh lý như hydrocortison 100mg 1 viên buổi sáng hay 1 viên buổi chiều. Liều lượng sẽ được bác sĩ chuyên khoa định mức, bệnh nhân không được tự ý điều chỉnh. Thường khuyến khích dùng buổi sáng để bệnh nhân không bị phụ thuộc nhiều vào thuốc.

Bản thân tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân có thể cai được thuốc với điều kiện bệnh nhân không bị các yếu tố khác tác động thêm như bệnh lý nhiễm trùng gì khác,…thì lúc đó bệnh nhân vẫn có thể ngưng được thuốc.



10. Lời khuyến cáo của BS dành cho những người đang dùng thuốc có corticoid được kê toa hoặc tự ý mua?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân:

Nếu đi mua thuốc ở nhà thuốc tây, người bán thường đưa thuốc có tác dụng kháng viêm rất mạnh nên khi sử dụng, những triệu chứng sưng đau, sổ mũi, khó thở,… được cải thiện rất nhanh. Vì thế, bệnh nhân khi đi mua thuốc nên dặn người bán đừng lấy thuốc “dexa”.

Nên tránh sử dụng những thuốc kê toa “cao tay”, tức là không nên thấy bệnh nhân khác sử dụng có tác dụng nhanh rồi mua theo đơn thuốc của họ.

Những thuốc được quảng cáo nhưng không rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, mang tên chung chung như cao đơn hoàng tán, thuốc gia truyền… theo tôi thấy, những bệnh nhân khi uống thuốc này sau 1 thời gian có dấu hiệu bị phù nề. Khi làm xét nghiệm nhận thấy được trong thành phần những loại thuốc này đều có chứa corticoid.

Những bệnh về khớp như đau lưng, đau thần kinh tọa, viêm gân cơ sẽ không cần xài corticoid dạng đường uống. Như vậy, những thuốc nào uống cho bệnh khác, nhưng sau khi uống cảm thấy hết đau thì khả năng cao thành phần thuốc có chứa corticoid.

Những bệnh nhân khi bị hội chứng cushing rất dễ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp, loãng xương, nhiễm trùng. Trên những bệnh nhân mang sẵn những bệnh lý này và thêm hội chứng cushing do thuốc thì nguy cơ đáp ứng điều trị những bệnh khác rất kém, bởi vì corticoid tương tác với rất nhiều thuốc khác, như thuốc kháng lao, thuốc tiểu đường, thuốc ngừa thai, thuốc ngừa virus sống, thuốc hạ huyết áp, thậm chí những chất điện giải,… làm giảm tác dụng của các thuốc kể trên, hoặc ngược lại làm giảm hay tăng tác dụng của corticoid. Vì vậy, nếu bệnh nhân sử dụng chung với nhau nhưng không nắm rõ sự tương tác thuốc sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm công dụng của các thuốc kia hoặc làm tăng tác dụng phụ của corticoid.

~~~~~~~~~

Hy vọng qua những chia sẻ của BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ Xương Khớp của BV Nhân dân 115, mọi người sẽ hiểu hơn về sử dụng thuốc, đặc biệt là sử dụng thuốc corticoid đúng cách để mang lại hiệu quả và đảm bảo an toàn.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS Huyền Trân!

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Minh Khuê - Hồng Nhung
Theo Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080