Logo Bệnh viện Nhân dân 115
18/03/2019 16:33

Từ thành công ca mổ u não bằng robot thần kinh…

Tạp chí Sức khỏe đã có cuộc phỏng vấn ThS. BS Chu Tấn Sĩ – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BV Nhân dân 115, người vừa trực tiếp mổ thành công ca u não đầu tiên của Việt Nam và cũng của châu Á bằng robot này.
Bệnh viện Nhân Dân 115 vừa phẫu thuật thành công ca u não bằng hệ thống Robot thần kinh. Đây là Robot được đánh giá là trí tuệ nhân tạo siêu việt. Nhưng siêu việt hơn cả sự siêu việt của robot, chính là những BS trong ekip phẫu thuât – những người mà ngay cả cha đẻ của Robot này, cũng phải thán phục.

Tạp chí Sức khỏe đã có cuộc phỏng vấn ThS. BS Chu Tấn Sĩ – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BV Nhân dân 115, người vừa trực tiếp mổ thành công ca u não đầu tiên của Việt Nam và cũng của châu Á bằng robot này.

KA: Thưa BS, BS có thể chia sẻ cùng bạn đọc về ca mổ này?

BS: Bệnh nhân nữ, 67 tuổi, quê ở Tây Ninh, đến với triệu chứng nhức đầu, liệt nửa người bên phải và gặp khó khăn trong phát âm. Sau khi tiến hành khảo sát bằng cộng từ phát hiện ra tổn thương nằm dưới vỏ não, sâu 3cm, kích thước tổn thương khoảng 2 – 2,5cm. Đây là 1 vùng có chức năng quan trọng đến khả năng vận động, ngôn ngữ. Nếu bóc tách không khéo sẽ để lại những di chứng thần kinh mà bệnh nhân sẽ không hồi phục, ảnh hưởng đến cuộc sống sau phẫu thuật của bệnh nhân.

Đây cũng là bệnh nhân đầu tiên được chọn phẫu thuật bằng rô-bốt ở Bệnh viện 115. Ca mổ được tiến hành vào sáng ngày 15-02-2019.

Hệ thống rô-bốt này không giống những rô-bốt ở những bệnh viện khác. Các cánh tay của rô-bốt sẽ làm việc theo động tác của kỹ thuật viên. Rô-bốt của phẫu thuật thần kinh trong trường hợp này được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay. Người phát minh ra hệ thống này tại Mỹ rất bất ngờ vì bệnh viện tại Việt Nam có thể đầu tư con rô-bốt như thế. Rô-bốt này siêu việt đến mức có thể đề xuất những liệu trình mổ từ rạch da, mở sọ, mở màng cứng, màng não để đi vào vùng tổn thương…

Đồng thời, máy còn kèm những khuyến cáo cho kỹ thuật viên nhằm giảm tối thiểu những di chứng thần kinh cho bệnh nhân. Tất cả hình ảnh thu thập, dữ liệu của bệnh nhân sẽ được rô-bốt mã hóa. Từ đó, vẽ thành bản đồ của não. Khi dùng thiết bị đi kèm đưa vào, hệ thống sẽ định hướng đường đi cho các thiết bị, tối ưu hóa để tiếp cận vùng bị thương tổn, phòng tránh những vùng lân cận bị ảnh hưởng.

Chỉ 2 tiếng sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã được hồi tỉnh và bỏ chạy máy thở, thực hiện được những yêu cầu của bác sĩ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Khoa Ngoại thần kinh và bệnh nhân dần tỉnh hoàn toàn trong 24 giờ.


KA: Lần đầu tiên thực hiện ca mổ u não bằng robot thần kinh, đội ngũ có gặp những khó khăn nào không, thưa BS?

BS: Với những ca mổ đầu tiên thì việc gặp áp lực là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra đây là một ca đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là ca đầu tiên của châu Á. Vì vậy, chúng tôi phải hết sức tập trung, đặt mục tiêu an toàn cho bệnh nhân lên trên hết.

Trước khi phẫu thuật, bản thân tôi cảm thấy rất lo lắng. Nhưng khi bắt đầu vào phẫu thuật, mở đường cắt đầu tiên, mở hộp sọ mọi nỗi lo lắng được gác lại. Khó khăn trong ca mổ này là phẫu thuật viên phải thay đổi thói quen khi phẫu thuật.

Cụ thể đối với một ca phẫu thuật bình thường, bác sĩ chỉ cần thực hiện bằng cách can thiệp trực tiếp vào phần cần được giải phẫu. Nhưng đối với phẫu thuật bằng rô-bốt, phẫu thuật viên mặc dù vẫn thực hiện trực tiếp bằng tay nhưng phải thông qua màn hình led bên trên. Điều này dẫn đến một số khó khăn nhất định.

Do quá trình học tập ở nước ngoài, được thực hành trực tiếp trên xác tươi, với những trường hợp khó hơn, vì thế nên tôi cũng rất tự tin khi thực hiện ca phẫu thuật này. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của giáo sư Mỹ và sự giúp sức đắc lực nhất, chính là rô-bốt phẫu thuật: giúp phân biệt các bó dẫn truyền thần kinh, phân biệt các cấu trúc giữa não lành và mô bệnh để bác sĩ bóc tách và lấy khối tổn thương ra nguyên vẹn, không để ảnh hưởng đến những mô lành xung quanh. So với những ca phẫu thuật trước kia, sau khi khối u được lấy ra vẫn để lại những di chứng và vỏ não không thể tự lành đối với vùng bị khối u gây ra.

Sau khi khối u được lấy ra, giáo sư người Mỹ đã dành những lời khen cho phẫu thuật viên cùng đội ngũ ekip phẫu thuật Việt Nam. Đây được xem như 1 ca phẫu thuật thành công và đáng tự hào không chỉ với Bệnh viện 115 nói riêng mà còn là một bước tiến cho nền y học Việt Nam nói chung. Nếu ưu điểm của rô-bốt này được tận dụng tối đa thì trong tương lai, các ca phẫu thuật quy mô hơn sẽ được thực hiện.

KA: BS đánh giá gì về xu hướng của y học trong năm 2019 này?

BS: Tôi muốn chia sẻ một tin vui, từ 2016, tôi đã đọc được 1 thông tin trên hệ thống thông báo chuyên môn trong ngành Y, dự báo vào năm 2019 sẽ là năm đột phá về các tiến bộ của y học. Trong 2019 sẽ có sự bùng nổ của Gen học, miễn dịch học trong điều trị, sinh học phân tử… phẫu thuật bằng rô-bốt đứng ở vị trí số 8 trong 10 dự đoán đột phá. Và BV Nhân dân 115 đang đi đúng hướng cùng xu thế tiến bộ của y học thế giới.

Cám ơn BS.

Tư vấn chuyên môn:
ThS. BS Chu Tấn Sĩ
Trưởng khoa Ngoại thần kinh của BV 115
Trưởng Bộ môn Ngoại thần kinh – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Minh Khuê
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080