Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/08/2018 00:15

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng giải đáp về dị ứng thuốc, sốc phản vệ

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng - trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, BV Nhân dân 115 trả lời các câu hỏi của bạn đọc AloBacsi: có nên sơ cứu sốc phản vệ tại nhà? Phân biệt dị ứng thuốc, tác dụng phụ của thuốc và sốc phản vệ? Thuốc nào dễ gây dị ứng?

Sau một số trường hợp tai biến khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ, nhiều chị em lo lắng gửi câu hỏi đến AloBacsi: làm sao để biết mình có bị dị ứng thuốc hay sốc phản vệ với thuốc tê hay không? Và nhiều bạn đọc khác cũng thắc mắc: bị dị ứng với vắc xin thì làm sao để chích ngừa an toàn? Có phải người từng dị ứng thuốc kháng sinh thì dễ bị sốc phản vệ? Sơ cứu sốc phản vệ thế nào là đúng cách…

Sáng thứ hai (13/8), Thầy thuốc ưu tú -TS.BS Vũ Đình Thắng - trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhân dân 115 sẽ giải đáp với quý bạn đọc về dị ứng thuốc, sốc phản vệ, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về vấn đề này.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN


FB N. Thanh Diệu (và một số bạn đọc có câu hỏi tương tự)

Thưa BS,

Em đọc tin thấy trường hợp ở Bình Phước tử vong sau khi phun xăm lông mày mà em sợ quá. Trước giờ em có đi phun lông mày và phun môi nhưng không bị sao cả, giờ đọc báo thấy nói: “người đi phun xăm thẩm mỹ có thể tử vong nếu ngộ độc với một số loại thuốc tê, thuốc chống sưng trong quá trình làm thủ thuật”.

Nhưng BS ơi, việc phun, xăm giúp em tự tin hơn rất nhiều mà đỡ mất thời gian trang điểm, tẩy trang. Mong BS tư vấn giúp em, làm sao để làm đẹp an toàn? Làm sao em biết em dị ứng thuốc gì để mà tránh?

Em cảm ơn BS rất nhiều, chúc BS dồi dào sức khỏe!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào bạn,

Trường hợp bệnh nhân ở Bình Phước tử vong là do sốc phản vệ, có thể gặp ở tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc bổ, thậm chí là thức ăn cũng có thể gây sốc phản vệ.

Để hạn chế nguy cơ này thì bạn nên theo dõi, ghi chép tiền sử dị ứng với thuốc hay thức ăn gì không và phải thông báo cho bác sĩ/cơ sở làm đẹp về thông tin này.

Theo tôi thì bạn vẫn có thể làm đẹp thoải mái nhưng điều quan trọng là lựa chọn làm đẹp tại cơ sở có giấy phép hoạt động, có uy tín, đảm bảo công tác vô khuẩn và có phương tiện cấp cứu sốc phản vệ.



FB K. Quy

Xin chào BS,

Tôi có thắc mắc là làm sao người dân bình thường phân biệt dị ứng thuốc, tác dụng phụ của thuốc và sốc phản vệ ạ?

Và khi gặp tác dụng phụ của thuốc thì mình có thể chịu đựng đến mức độ nào, mức độ nào thì phải đi BV ạ? Mong BS giải đáp giúp tôi, cảm ơn BS!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào bạn,

Dị ứng thuốc thường xảy ra sau vài phút đến vài giờ, đặc trưng là có mẩn ngứa và có thể tiến triển rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng.

Tác dụng phụ của thuốc thì tùy vào từng loại thuốc mà có biểu hiện khác nhau nhưng thường xảy ra chậm hơn, và không có triệu chứng nổi mẩn ngứa.

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của dị ứng.

Bất kể sau khi uống thuốc có triệu chứng gì đặc biệt thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế, bởi vì bệnh nhân rất khó để phân biệt dị ứng thuốc với tác dụng phụ của thuốc, và mức độ nguy hiểm của tình trạng mình đang gặp phải.


FB K. Khánh

Chào BS,

Vài ngày trước em bị đứt tay do tôn. Khi em đi tiêm phòng uốn ván thì được báo là em bị dị ứng với thuốc.

BS cho em hỏi em có nên tìm đến BV khác để tiêm phòng uốn ván hay không? Và nếu vẫn bị dị ứng thì em tuyệt đối không được tiêm phòng luôn phải không ạ? Như vậy có cách nào giúp em loại bỏ nguy cơ bị bệnh uốn ván không BS?

Và sau này trước khi tiêm phòng bất cứ bệnh gì em đều phải thử thuốc, có phải không ạ? Mong BS hướng dẫn em. Em cảm ơn BS!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào em,

Phòng uốn ván có 2 loại: huyết thanh kháng độc tố uốn ván (có tác dụng giải độc ngay lập tức) và vắc xin phòng uốn ván (khi tiêm vào cơ thể sẽ tạo ra kháng thể, tác dụng chậm hơn).

Thuốc em tiêm bị dị ứng khả năng là huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT). Khi em đã bị dị ứng thì không nên tiếp tục tiêm.

Để phòng uốn ván em có thể tiêm vắc xin phòng uốn ván.

Sau này, khi đi tiêm phòng các bệnh khác, em nên báo với BS về tiền sử dị ứng với SAT.


FB L. Th. Nga

Em chào BS ạ,

BS cho em hỏi, cách đây 1 tháng em bị ho nhiều, đi khám ở bệnh viện họ kết luận viêm phế quản cấp. BS chỉ định tiêm kháng sinh liều cao.

Sau 5 ngày tiêm, em bị dị ứng, nổi mẩn đỏ ở tay, bụng và cổ, hằng ngày nó cứ lặn rồi nổi.

BS tư vấn giúp em ạ, bây giờ em nên làm thế nào để hết bị nổi mẩn? Và đây có phải là dấu hiệu em dễ bị sốc phản vệ không ạ? Khi xảy ra triệu chứng nào là nguy hiểm, cần đi BV gấp?

Em rất mong được BS tư vấn!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Nga thân mến,

Qua mô tả, tôi nghĩ trường hợp của em là dị ứng thuốc. Em không nên tiếp tục dùng loại kháng sinh này nữa và có thể dùng thuốc chống dị ứng.

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của dị ứng thuốc, có thể xảy ra khi em bị dị ứng thuốc (không thể biết trước được là sẽ xảy ra hay không).

Ngoài triệu chứng mẩn ngứa, nếu em có bất cứ khó chịu nào khác (mệt, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tụt huyết áp…) thì em nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất vì sốc phản vệ có thể xảy ra rất nhanh, đe dọa tính mạng.


Vũ Kiều Linh - huongh...@gmail.com

BS ơi,

Cháu bị chó cắn, khâu 3 mũi, tiêm huyết thanh từ hôm 24/7 và tiêm vacxin mũi 4 hôm 7/8.

Đến 10/8 cháu bị mẩn ngứa, mấy hôm nay ngứa hết cả người. Uống thuốc dị ứng vẫn không đỡ.

Xin BS tư vấn cháu phải làm sao ạ? Tình trạng của cháu có nguy hiểm không ạ? Cháu cảm ơn BS!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào Kiều Linh,

Cháu nên đi khám lại để bác sĩ xem triệu chứng nổi mẩn ngứa có phải là do dị ứng thuốc hay không (phân biệt với các bệnh da liễu khác).

Nếu đúng là dị ứng, có thể BS sẽ xem xét đổi thuốc cho cháu vì hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống dị ứng.

Chúc cháu mau khỏe!


Thăng Nguyễn - nhthan...@gmail.com

Kính chào Alobacsi.vn,

Cách nay 2 ngày tôi có đi khám tại BV Chấn thương chỉnh hình do tê tay và được chẩn đoán là thoái hóa cột sống cổ. BS kê toa thuốc cho 2 tuần bao gồm:

1. Calcium Nic Extra

2. Decketoprofen (Infen-25)

3. Diacerhein (Seocem-50)

4. Pregabalin 75mg (Pregasafe-75)

5. Rabeprazol (Rabesta-20)

Tôi uống đầy đủ theo hướng dẫn ngay ngày đầu thì không bị gì.

Sang ngày thứ 2, buổi sáng tôi uống 1v Rabesta trước khi ăn sáng nhẹ 30p. Sau khi ăn sáng 30p tôi uống 1v Infen và 1 ống Calcium.

Gần 12g trưa tôi uống 1v Pregasafe và 1v Seocem trước khi ăn. Sau đó tôi đi ăn trưa ở quán ăn thường xuyên với những món ăn quen thuộc.

Ngay khi về nhà sau bữa trưa, tôi phát hiện 2 mắt sưng húp, gần như không mở mắt được nên lập tức chạy tới BV khám. BS cho là dị ứng nên sưng mắt, sưng phù nề, nhưng BS không xác định được lý do vì sao.

Vì lo lắng nên tôi tra trên mạng Wikimed thì có thấy thuốc Rabesta-20 có tác dụng phụ là làm sưng mắt, mặt, môi... Thuốc Pregasafe cũng có liên quan tới sưng mắt.

Vậy BS cho tôi hỏi có phải là tôi bị dị ứng 1 trong 2 loại thuốc trên hay không vì tôi không dám tiếp tục uống trong khi còn cả 12 ngày thuốc theo đơn của BS chấn thương chỉnh hình.

Tôi đã hơn 50 tuổi và đây là lần đầu tiên trong đời tôi bị dị ứng như vầy. Thuốc thì nhiều nên không xác định được bị dị ứng do đâu. Tôi cũng chưa từng bị dị ứng từ thức ăn bao giờ.

Làm thế nào để biết bản thân mình dị ứng với cái gì thưa BS?

Tôi chân thành cảm ơn sự hồi âm và hỗ trợ nhanh của Alobacsi.vn. Trân trọng.

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào anh,

Về nguyên tắc thì tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra dị ứng nhưng trong 5 loại thuốc của anh thì khả năng gây dị ứng nhiều nhất là Decketoprofen (Infen-25).

Theo tôi thì anh có thể ngưng cả 5 loại thuốc và có thể uống Magiê B6 để chữa tê tay, dùng phương pháp vật lý trị liệu để chữa thoái thóa đốt sống cổ. Tuy nhiên, anh vẫn nên quay lại BS đã khám và kê đơn cho anh để được tư vấn cụ thể hơn.

Về câu hỏi “làm thế nào để biết bản thân mình dị ứng với cái gì”, vấn đề nay anh cần tự theo dõi, ghi chép lại và báo với BS khi đi khám bệnh, bởi vì người ta có thể dị ứng với rất nhiều nguyên nhân: thuốc, thực phẩm, thời tiết…

 

Nguyễn Hà M. - minhha…@gmail.com

Xin chào BS,

Em sinh được 2 cháu. Cháu lớn ngày trước đi tiêm phòng bị sốc phản vệ, may lúc đó 2 mẹ con còn ở BV nên cháu được can thiệp ngay.

Giờ cháu nhỏ được 2 tháng sắp phải đi tiêm ngừa vắc xin 5 trong 1, em lo quá, liệu cháu nhỏ có dễ bị sốc như cháu lớn không ạ?

Và lỡ may, về nhà rồi cháu mới bị sốc thì em nên sơ cứu như thế nào? Mong BS hướng dẫn em cách sơ cứu đúng nhất. Em cảm ơn BS rất nhiều!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào em,

Sốc phản vệ có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ khi nào, nên không có cơ sở nào để nói trước khả năng sốc phản vệ của bé nhỏ. Điều quan trọng là em phải đề phòng và sẵn sàng cấp cứu khi xảy ra sốc phản vệ.

Nếu về nhà rồi mà cháu có xảy ra bất kể triệu chứng gì bất thường (không chờ đến bị sốc) thì em phải đưa cháu đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và nếu cần thì cấp cứu kịp thời.


Minh Hằng - hangt...@gmail.com

Em chào BS,

Em 26 tuổi. Lúc trước khi tiêm thuốc về bệnh da liễu em có bị sốc thuốc (tiêm vào khoảng 5 phút thì em bị khó thở, tay chân tê cứng...).

BS cho em hỏi là hiện tại em có thể tiêm ngừa ung thư cổ tử cung được không? Khi tiêm ngừa có cần xét nghiệm gì không? Và khi tiêm em nghe nói có làm thêm một vài xét nghiệm bên phụ khoa phải không ạ?

Em rất mong nhận được câu trả lời của BS. Kính chúc các BS dồi dào sức khỏe. Em xin chân thành cảm ơn!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào Minh Hằng,

Hiện tượng dị ứng thuốc/ sốc phản vệ có thể xảy ra ở thuốc này mà không xảy ra ở thuốc khác, điều này không thể nói trước được. Để đề phòng, sau này khi dùng bất kể loại thuốc gì, kể cả chích ngừa, em phải thông báo với BS về tình trạng phản ứng thuốc của em.


Hong Vo - thanhh...@gmail.com

Dạ chào BS,

Con 21 tuổi, có mổ bướu ở ngực và có một vết sẹo lồi. Sau thời gian con đi tái khám BS mổ cho con có tiêm cho con loại thuốc k-cort để trị sẹo.

Một thời gian sau sẹo của con lan ra, lớp da bị mỏng ra là lộ cách mạch máu, da con mỏng thấy được lớp mỡ ở trong. Con tìm hiểu thì do tác dụng phụ của thuốc.

Thưa BS về trường hợp của con thì có cách nào điều trị không ạ? Con thật sự rất lo lắng. Con cảm ơn BS rất nhiều. (Con mổ lúc tháng 12/2017 và con tiêm sẹo vào cuối tháng 2/2018 ạ).

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào em,

Trường hợp của em, theo tôi em nên ngưng tiêm K-cort và qua thời gian thì thì trạng sẽ ổn định dần.


L.V.M. - TPHCM

Chào BS,

Tôi có sử dụng ma túy đá 3 lần, sau đó đều bị đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, khó chịu... Tôi sợ bị sốc thuốc. Nếu bị ngộ độc ma túy đá thì cần đến BV nào thưa BS?

Tôi xin hỏi thêm là có cách nào làm cho chất ma tuý đá trong người mau sạch không? Có thể ăn gì hoặc uống gì, hay lọc máu để cơ thể mau sạch không vậy BS? Xin chân thành cảm ơn BS. 

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào bạn,

Nếu bị ngộ độc ma túy đá thì bạn nên đến BV có đơn vị chống độc như BV Chợ Rẫy, BV Nhân Dân 115, BV Nhân Dân Gia Định.

Cách làm sạch tốt nhất là bạn ngừng sử dụng ma túy đá, cơ thể sẽ tự đào thải.


FB Quỳnh Liên

Xin chào BS Thắng,

Em 32 tuổi, bị viêm dạ dày và Hp dương tính. BS đang cho thuốc: Trymo, Tetracyclin, Metronidazole, Esomeprazol.

Em dùng thuốc và hay bị tim đập nhanh, lo sợ, dạ dày khó chịu, buồn nôn. Em có tham khảo trên mạng thì đây là tác dụng phụ của thuốc.

Vậy em nên làm gì để giảm tác dụng phụ của thuốc ạ? Em có nên quay lại BS tiêu hóa để xin đổi thuốc không ạ? Em cảm ơn BS!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào bạn,

Dùng thuốc để trị Hp có thể làm cho người bệnh gặp những triệu chứng khó chịu như bạn kể.

Theo tôi, bạn nên cố gắng điều trị cho hết liều thuốc, nhưng nếu khó chịu quá thì bạn quay lại BS kê toa để BS xem xét đổi thuốc.


Thanh Tuấn, Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu

Chào BS,

Tôi bị dị ứng với bột mì. Tất cả các loại bánh có bột mì khi tôi ăn bị sưng phù môi và mặt. Thỉnh thoảng khi bệnh phải uống thuốc tây, tôi cũng bị tương tự.

Xin hỏi BS có phải do trong thuốc tây có bột mì nên tôi bị dị ứng không? Làm sao biết thuốc nào có phụ gia là bột mì để tránh? Cảm ơn BS!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào Thanh Tuấn,

Bất cứ loại thuốc nào ngoài hoạt chất chính thì có thêm tá dược. Một số loại bột thể dùng làm tá dược cho thuốc (như tinh bột ngô). Thường các loại tá dược không được ghi trên nhãn thuốc. Bạn nên để ý loại thuốc nào gây dị ứng thì lần sau tránh dùng và thông báo cho các BS về tình trạng dị ứng bột mì khi đi khám bệnh.


Bảo Quỳnh  - quynhle...@gmail.com

BS cho tôi hỏi,

Các loại thuốc nào thường gây dị ứng và sốc? Khi uống thuốc bao lâu thì có cảm giác sốc hay dị ứng thuốc? Dấu hiệu nhận biết như thế nào ạ?

Có cách nào giải thuốc khi bị dị ứng không ạ? Có thể cho người bệnh nôn ói ra trong vòng bao lâu thì thuốc chưa phân hủy? Và trường hợp nào phải đi cấp cứu?

Rất mong BS hướng dẫn giúp tôi. Xin cảm ơn BS ạ!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào Bảo Quỳnh,

Về nguyên tắc, tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra dị ứng, nhưng thông thường hay gặp là kháng sinh, giảm đau,…

Phản ứng dị ứng/sốc phản vệ thường xảy ra trong vài phút đến vài giờ sau khi uống thuốc và không thể dự đoán mức độ tiến triển nhẹ hay nặng, dẫn tới tử vong. Vì vậy, nếu có triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc (mẩn ngứa, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng…) thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và theo dõi, nếu cần thì cấp cứu kịp thời.

Không nên dùng các biện pháp kích thích nôn ói vì có nguy cơ hít sặc vào phổi.


Trần Quốc Khánh - Củ Chi

Chào BS ạ,

Tôi 63 tuổi, phải uống thuốc huyết áp, mỡ máu, tiểu đường chung hàng ngày. Tôi lo lắng không biết uống chung như vậy có dễ gây sốc thuốc không?

Nếu mỗi loại thuốc phải uống cách nhau ra thì hay quên, bỏ liều.

Vậy việc uống chung nhiều loại thuốc như vậy có sao không, thưa BS?

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào anh Quốc Khánh,

Theo nguyên tắc thì không nên uống chung quá nhiều loại thuốc bởi khi xảy ra dị ứng hay tác dụng phụ của thuốc thì khó xác định được là do thuốc gì và gây khó khăn hơn khi cấp cứu bệnh, đồng thời có thể xảy ra tương tác thuốc.

Trường hợp của anh đã dùng thuốc lâu nay như vậy rồi thì anh có thể tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của BS điều trị.


Văn Thị Hòa - Nghệ An

Kính gửi BS,

Tôi bị cao huyết áp, đi khám bảo hiểm BS cho thuốc về uống thì bị phù nề, hai chân sưng cứng lên, các khớp xương đau nhức.

Có phải tôi không hợp với thuốc huyết áp đó không? Tôi có nên báo lại với BS để xin đổi thuốc không? Trân trọng cảm ơn BS.

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào bạn Hòa,

Hiện tượng phù nề, hai chân sưng cứng lên, các khớp xương đau nhức có thể là tác dụng phụ của thuốc bạn đang dùng. Bạn nên quay lại BS điều trị để BS xem xét đổi thuốc.


Chu Phương Uyên - TX Bình Long, Bình Phước

Xin BS cho biết dấu hiệu của dị ứng thuốc và ngộ độc thuốc? Cách xử trí khi bị dị ứng thuốc và ngộ độc thuốc khác nhau như thế nào? Khi nào thì cần phải nhập viện? Chân thành cảm ơn BS!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào Phương Uyên,

Trong thực tế, nhiều khi rất khó phân biệt dị ứng thuốc và ngộ độc thuốc. Nhưng dị ứng thuốc có đặc trưng là nổi mẩn ngứa và xảy ra nhanh sau vài phút đến vài giờ.

Còn ngộ độc thuốc thường gặp ở những người uống liều lượng thuốc lớn hơn liều điều trị thông thường.

Khi xảy ra dấu hiệu bất thường (mẩn ngứa, mệt, chóng mặt, khó thở, buồn nôn, đau bụng…) sau khi dùng thuốc thì bệnh nhân phải đến cơ sở y tế gần nhất để BS theo dõi và xử lý.


Vũ Thanh Thuỷ - Đà Nẵng

Thưa BS,

Con em 13 tháng tuổi, bé bị sốt trên 38,5 độ nên em cho uống Hapacol gói dạng bột. Nhưng khi uống xong bé bị sưng phù môi và nổi mẩn ngứa. Bé đã bị 3 lần như vậy, dù uống vào vẫn hạ sốt.

Như vậy có phải con em bị dị ứng với paracetamol không? Em muốn làm xét nghiệm dị ứng thuốc cho bé thì nên làm gì? Bệnh viện nào có thực hiện và gồm những xét nghiệm gì? Chi phí có cao không ạ?

Mong nhận được câu tư vấn của BS.

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng

Chào Thanh Thủy,

Có thể con của bạn bị dị ứng với paracetamol nếu bé không dùng thêm thuốc gì khác cùng lúc. Bạn có thể đưa bé đến Trung tâm Miễn dịch - Dị ứng lâm sàng, BV Bạch Mai (Hà Nội) để làm xét nghiệm tìm nguyên nhân gây dị ứng, từ đó BS sẽ tư vấn cụ thể cho bạn.

 

Cao Vũ Huyền Trang - Q. Đống Đa, Hà Nội

Chào BS ạ,

Em có con nhỏ và bé đang trong thời kỳ bú mẹ. Hai hôm nay em bị dị ứng nổi mề đay khắp mặt mũi và chân tay, rất ngứa ngáy và khó chịu.

Em ra hiệu thuốc người ta bán Clopheniramin-4mg và Cestasin (ngày 3 viên mỗi loại). Em tìm hiểu thì 2 loại thuốc này không được chỉ định cho phụ nữ đang cho con bú, nhưng vì khó chịu quá nên em đã uống, nhưng em uống sáng thì đến tối vẫn bị ngứa như như lúc đầu ạ.

Em muốn hỏi bác sĩ là 2 loại thuốc em uống có ảnh hưởng gì đến bé không ạ vì bé bú mẹ hoàn toàn. Và có loại thuốc nào an toàn cho người đang cho con bú không ạ. Hay em phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng dị ứng, ngứa ngáy ạ?

Mong bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. Em xin cảm ơn!

TTƯT.TS.BS Vũ Đình Thắng 

Chào bạn,

Phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể dùng thuốc chống dị ứng với liều thấp và cách xa thời gian cho bú. Bạn có thể áp dụng cách này nếu thấy khó chịu quá. Bạn cũng nên đến BS da liễu khám để BS kê thuốc phù hợp cho bạn nhé.

Thân mến,

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhân dân 115:

- Cấp cứu và điều trị cho các trường hợp ngộ độc, bệnh lý nội khoa nặng, nguy kịch đe dọa tính mạng, từ các khoa trong bệnh viện hoặc từ các bệnh viện khác chuyển đến.

- Công tác điều trị: Các bệnh lý thường găp tại khoa hầu như bao trùm tất cả các chuyên ngành như:

+ Hồi sức: suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn nước điện giải, điện giật, ngạt nước, rắn cắn...

+ Chống độc: ngộ độc thuốc, hóa chất các loại (Paraquat, thuốc trừ sâu, thuốc tẩy rửa…).

+ Bỏng: hồi sức bệnh nhân bỏng nặng, sốc bỏng.

+ Tim mạch: sốc tim, nhồi máu cơ tim, suy tim nặng, phù phổi, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp ác tính...

+ Hô hấp: viêm phổi nặng, hen phế quản ác tính, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xẹp phổi, tràn dịch màng phổi, ALI/ARDS.

+ Tiêu hóa: xuất huyết tiêu hóa nặng, hôn mê gan, xơ gan, viêm tụy cấp, tiêu chảy mất nước, suy gan do viêm gan siêu vi tối cấp hoặc do thuốc…

+ Thận: suy thận cấp, suy thận cấp trên nền mãn tính.

+ Nội thần kinh: xuất huyết não, nhồi máu não, các bệnh lý thần kinh cơ như bệnh lý nhược cơ, hội chứng Guillain-Barre.

+ Nội tiết: hôn mê do đái tháo đường, cơn bão giáp, suy tuyến thượng thận cấp.

+ Da liễu: dị ứng thuốc nặng, Steven - Johnson, Lyell, Lupus gây biến chứng đa cơ quan.


Theo Kênh thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080