Logo Bệnh viện Nhân dân 115
15/11/2019 15:32

TS.BS Trương Hoàng Minh: Thăm khám tuyến tiền liệt cần chuẩn bị gì?

Tuyến tiền liệt có vai trò quan trọng trong chức năng sinh lý của nam giới. TS.BS Trương Hoàng Minh - Trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp với bạn đọc AloBacsi: Tuyến tiền liệt có những bệnh gì, thăm khám thế nào?

TS. BS Trương Hoàng Minh – Trưởng khoa Ngoại niệu – Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Thưa BS, tuyến tiền liệt nằm ở đâu và cấu tạo như thế nào gì ạ?

Bắt đầu từ tuần thứ 7 của thai kỳ, thai nhi đã hình thành tuyến tiền liệt (tiền liệt tuyến) ở nam giới. Đây là cơ quan đảm nhiệm chức năng của nam giới, nằm dưới bàng quang trên hoành chậu, sau xương mu, trước trực tràng. Bình thường kích thước tiền liệt tuyến khoảng 15 - 25ml, trung bình khoảng 18ml. Bao gồm 3 thùy, gồm 2 thùy bên và 1 thùy giữa. Và có 4 vùng, gồm vùng trung tâm, vùng ngoại vi, vùng đệm. Trong tiền liệt tuyến có 70% là mô tuyến, còn lại là mô đệm và mô xơ.

2. Tuyến tiền liệt có vai trò gì với sinh lý nam, thưa BS?

Tuyến tiền liệt có vai trò tiết ra chất dịch màu trắng, nhờn để làm cho môi trường tinh trùng có thể di động được. Trong môi trường đó, tinh trùng sẽ được nuôi dưỡng và chúng có thể di chuyển tới vị trí của trứng, nhằm hỗ trợ các vấn đề trong sinh sản.

3. Xin BS cho biết, để biết tình trạng sức khỏe của tuyến tiền liệt, nam giới được kiểm tra những gì ạ?

Khi nam giới bắt đầu trưởng thành, tiền liệt tuyến trong trạng thái bình thường. Nhưng bắt đầu trên 40 - 45 tuổi, đặc biệt trên 50 tuổi, tuyến tiền liệt thường có xu hướng bị phì đại. Và trong quá trình sinh hoạt, có sẽ xuất hiện các bệnh của tiền liệt tuyến.

Tiền liệt tuyến có rất nhiều bệnh lý xuất hiện tại vị trí này. Chẳng hạn viêm tiền liệt tuyến, phì đại tiền liệt tuyến, ung thư, sỏi/ nang tiền liệt tuyến, áp xe tiền liệt tuyến,...

Vì vậy, mỗi khi đi vệ sinh hay cơ thể có những dấu hiệu bất thường, nam giới cần đi đến cơ sở thăm khám. Người bệnh sẽ thông báo cho bác sĩ biết các triệu chứng gặp phải về đường tiểu xem có bị bế tắc không, có triệu chứng về rối loạn đường tiểu hay không…, dấu hiệu toàn thân như nhiễm trùng, các biểu hiện bất thường khác của cơ thể…

Chẳng hạn trong ung thư tiền liệt tuyến, nếu ở giai đoạn tiến xa sẽ gây ra tình trạng đau nhức ở xương khớp, có thể là bệnh lý của tiền liệt tuyến nhưng triệu chứng lại xuất hiện ở những cơ quan khác.


Chính vì vậy, chúng ta cần phải khám tổng thể để bác sĩ có thể thăm khám tiền liệt tuyến qua đường trực tràng để nhận biết mật độ tiền liệt tuyến như thế nào, có nhân cứng không, kích thước có phì đại không, rãnh giữa còn không...Tất cả những yếu tố đó giúp đánh giá sơ bộ bằng lâm sàng.

Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đi khám cận lâm sàng như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm đặc hiệu trên tiền liệt tuyến mà dấu ấn sinh học như thử PSA. Chất này là kháng nguyên đặc hiệu cho tiền liệt tuyến để đánh giá nguy cơ ung thư, viêm hay có những bất thường nào trên tiền liệt tuyến hay không.

Ngoài ra, có thể đánh giá bằng xét nghiệm tinh dịch ở trong niệu đạo, qua đó đánh giá có bị viêm nhiễm không. Sau khi làm xét nghiệm máu còn có thể làm những xét nghiệm khác để tầm soát những giai đoạn phát triển của bệnh.

Còn một phương pháp khác là siêu âm. Đây là phương pháp sử dụng hình ảnh học rất dễ thực hiện mà rất tiện lợi cho bệnh nhân. Vì phương pháp này có thể thực hiện ở bất cứ cơ sở tuyến quận/ huyện. Qua đó, đánh giá kích thước tiền liệt tuyến và những nhân bất thường tại vị trí này hoặc tiền liệt tuyến có thể phát triển xâm lấn vào trong bàng quang hay không... Siêu âm thông qua trực tràng, ổ bụng có thể đánh giá về tiền liệt tuyến và bàng quang.

Do tiền liệt tuyến ôm lấy niệu đạo sau của nam giới, khi có bất thường như phì đại sẽ ảnh hưởng đến đường lưu thông của nước tiểu, dẫn đến tình trạng rối loạn về dòng tiểu. Phương pháp siêu âm có thể phát hiện được lượng nước tiểu tồn lưu sau khi đi tiểu nhằm phát hiện những bất thường như phì đại tuyến tiền liệt khiến việc đi tiểu của bệnh nhân vẫn còn ứ đọng trong bàng quang. Tùy theo mức độ bệnh mà lượng nước thải tồn đọng trong bàng quang nhiều hay ít, từ đó có thể đánh giá tình trạng bệnh.


Ngoài ra, nếu cần sẽ thực hiện các xét nghiệm khác như chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp CT scan đánh giá thương tổn ra ngoài vỏ bao tiền liệt tuyến hoặc mật độ trong tiền liệt tuyến, hay bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến ác tính qua có các hạch di căn.

Khi các dấu hiệu về sinh học tăng như PSA tăng và thăm khám có nghi ngờ thì bệnh nhân sẽ được thực hiện chẩn đoán bằng sinh thiết qua hậu môn trực tràng. Hiện nay, người ta phối hợp giữa siêu âm bằng đầu do siêu âm được đưa qua trực tràng bằng kim được chọc qua các ổ nghi ngờ. Hiện đại hơn, bệnh nhân được sử dụng phương pháp phối hợp giữa siêu âm và MRI để chọc chính xác vào vị trí tổn thương của tiền liệt tuyến.

Cho đến hiện nay có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán. Tùy theo triệu chứng lâm sàng và bệnh lý mà bác sĩ nghi ngờ sẽ được cho các chỉ định cận lâm sàng phù hợp.

4. Trước khi đi khám tuyến tiền liệt, nam giới có cần nhịn ăn hay kiêng cữ gì không, thưa BS?

Đối với người bệnh, khi đi khám thường không khám riêng liệt tuyến tiền vì có thể bao gồm những bệnh kết hợp khác, hoặc bệnh nhân sẽ thăm khám khi có các triệu chứng lâm sàng.

Mặc dù thăm khám tuyến tiền liệt thì không cần nhịn ăn nhưng tôi thường khuyên bệnh nhân khi đi thăm khám nên nhịn ăn để thực hiện các xét nghiệm cho bệnh đồng mắc khác.

Lý do vì ngoài các bệnh lý về tuyến tiền liệt thường gặp ở người lớn tuổi và thường có những bệnh kết hợp như tiểu đường, huyết áp, mỡ máu... nên khi bệnh nhân làm xét nghiệm thường được yêu cầu nhịn ăn.

Ngoài ra, bệnh nhân khi đi khám tuyến tiền liệt, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ cũng có thể làm CT hoặc chụp MRI, khi chụp cần tiêm thuốc cản quang, cản từ nên bệnh nhân cần nhịn ăn.

5. Siêu âm có thể giúp phát hiện những bệnh gì ở tuyến tiền liệt? Khi nào bác sĩ siêu âm qua đường bụng và khi nào siêu âm qua đường trực tràng? Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm?

Siêu âm qua đường bụng giúp đánh giá kích thước tuyến tiền liệt chỉ tương đối chính xác. Mặc khác có thể đánh giá được lượng nước tiểu tồn lưu và siêu âm qua đường bụng có thể thực hiện ở bất kỳ cơ sở nào, thuận lợi cho bệnh nhân.

Siêu âm qua đường trực tràng thì rất ít cơ sở thực hiện được. Nhưng phương pháp này có thể phát hiện chính xác kích thước của tuyến tiền liệt qua 3 chiều. Bình thường tuyến tiền liệt có kích thước khoảng 4cm, cao khoảng 3cm và dày khoảng 2,5cm.

Đồng thời, siêu âm qua trực tràng, đầu dò có thể tiếp xúc được mặt sau của tuyến tiền liệt nhằm ghi nhận những dấu hiệu bất thường tại đây để làm các xét nghiệm tiếp theo như MRI, sinh thiết tuyến tiền liệt... cho nên siêu âm qua đường trực tràng là phương pháp rất có lợi.

Theo tôi, để tầm soát ta nên siêu âm qua đường bụng trước. Đây là phương pháp có giá thành tương đối rẻ, đơn giản và cơ sở nào cũng có thể thực hiện được. Khi cần chính xác hơn, bệnh nhân có thể chọn thực hiện siêu âm qua đường trực tràng.

Nếu siêu âm qua đường bụng, thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu uống nhiều nước làm cho bàng quang căng lên, bên cạnh đó, môi trường nước sẽ giúp siêu âm được chính xác tuyến tiền liệt.

Về đường trực tràng khi siêu âm, bệnh nhân nên để cho trực tràng tương đối rỗng (sạch phân). Tùy từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn ăn hoặc dùng thuốc xổ để kết quả siêu âm được chính xác.

 

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com




TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080