Logo Bệnh viện Nhân dân 115
02/06/2020 16:25

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng: Vì sao trào ngược dạ dày thực quản lâu khỏi, nhanh tái phát?

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh tiêu hóa nhưng có một số biểu hiện giống hô hấp, tai mũi họng nên khó phát hiện, bệnh lâu khỏi, nhanh tái phát. TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - BV Nhân dân 115 sẽ giải thích cách nhận biết và điều trị căn bệnh này.

PHẦN 1: TỔNG QUAN VỀ BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

Những người bị bệnh dạ dày lâu năm hẳn là quen thuộc với cái tên bệnh “trào ngược dạ dày thực quản”. Xin hỏi BS, bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường xuất hiện độc lập một mình hay đồng hành cùng những bệnh dạ dày khác ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Khi chúng ta ăn vào, thức ăn sẽ đi từ thực quản xuống dạ dày, nhưng trào ngược dạ dày thực quản lại đi theo con đường ngược lại, và gây ra một số triệu chứng khó chịu, dẫn đến một vài hệ lụy.

Bình thường cơ thể chúng ta vẫn có thể bị trào ngược dạ dày thực quản, tuy nhiên trong 1 giờ số lần bị trào ngược dạ dày thực quản sinh lý khoảng 2-3 lần, nhưng trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý có thể lên tới 7, 8 lần (trong 1 giờ).

Như vậy, trào ngược dạ dày thực quản có thể đơn thuần là trào ngược dạ dày thực quản thôi, nhưng có thể là bệnh lý của trào ngược dạ dày thực quản kết hợp với tổn thương của những cơ quan khác và cơ quan hay gặp nhất là ở dạ dày tá tràng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra như thế nào, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Đa phần bệnh nhân đến khám bác sĩ có rất nhiều triệu chứng như nóng rát vùng trước ngực, đau thượng vị, ợ hơi… Tuy nhiên trong 10 ca trào ngược dạ dày thực quản chỉ có 2 ca có triệu chứng điển hình, 8 ca còn lại có triệu chứng không điển hình, hay còn gọi là những triệu chứng ngoài thực quản.

Ví dụ, các bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản trước đây đi khám rất nhiều chuyên khoa khác nhau như Tai Mũi Họng với biểu hiện là khàn tiếng, ho, ngứa họng… nhưng đây cũng là một trong những triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản.

Hoặc một số em bé có tình trạng viêm mũi, viêm họng,viêm tai giữa cũng có thể là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản. Những biểu hiện như hôi miệng, hư răng và một bệnh cảnh đặc biệt làm cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản vô cùng lo lắng đó là đau ngực, khiến bệnh nhân hiểu lầm mình bị bệnh tim mạch, thiếu máu cơ tim, hô hấp…

Do đó, biểu hiện của bệnh này rất đa dạng.


Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản chỉ có 20% biểu hiện ở đường tiêu hóa. Ảnh: Internet


Với những người chưa đi khám bệnh dạ dày, nhờ BS cho biết dấu hiệu nào gợi ý họ có thể bị trào ngược dạ dày thực quản?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản là đo pH trong lòng thực quản, nhưng đây là khảo sát tương đối khó thực hiện và hiện tại không phổ biến ở Việt Nam.

Vì vậy, để chẩn đoán bác sĩ thường dựa vào triệu chứng điển hình của bệnh nhân như ợ nóng, trớ, ợ hơi, đau vùng thượng vị hoặc các biểu hiện ngoài thực quản. Do đó, có 20% biểu hiện trong thực quản, nhưng lại đến 80% biểu hiện ngoài thực quản như ho kéo dài, khàn tiếng, đau họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang hay cơn đau ngực…

Sau đó bác sĩ sẽ một số test để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị trào ngược dạ dày thực quản hay không.

Trong một số trường hợp bệnh nhân loại trừ được những yếu tố nguy hiểm thì thường bệnh nhân sẽ được điều trị thử để vừa chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có dễ chẩn đoán không? Bệnh nhân cần làm những xét nghiệm gì, có cần nội soi không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Chúng ta biết rằng trào ngược dạ dày thực quản là thức ăn đi từ dạ dày lên thực quản, nếu không gây ra các biến chứng thì nội soi không thể chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản.

Trong trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định nội soi đó là:

- Những triệu chứng không điển hình để loại trừ hoặc chẩn đoán xác định những bệnh lý khác như tổn thương ở dạ dày tá tràng,...

- Những triệu chứng báo động nguy hiểm có nguy cơ dẫn đến biến chứng trào ngược dạ dày thực quản như sụt ký, thiếu máu (mệt, chóng mặt), nuốt nghẹn, ho kéo dài…

- Hoặc trong một số trường hợp, trào ngược dạ dày thực quản điều trị khó, thất bại hoặc tái phát nhiều lần thì lúc này mới có chỉ định nội soi.

Một số người bị viêm họng lâu ngày mới phát hiện bị trào ngược dạ dày thực quản thì họ nên điều trị ở chuyên khoa Tai Mũi Họng hay chuyên khoa Tiêu hóa?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Rất nhiều bệnh nhân đã đến khám ở nhiều chuyên khoa vì không có biểu hiện ở đường tiêu hóa mà lại có triệu chứng khác như thường xuyên bị viêm họng, khàn tiếng, đặc biệt những nghề phải sử dụng tiếng nói nhiều như MC, cô giáo lại đi khám ở Tai Mũi Họng vì thường xuyên khàn tiếng, đôi khi điều trị nhiều lần những không thuyên giảm.

Và đến khi được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản và điều trị thì triệu chứng giảm bớt rất nhiều. Đó là triệu chứng ngoài đường tiêu hóa kéo dài của trào ngược dạ dày thực quản mà bệnh nhân cần lưu ý.

Các bác sĩ Tai Mũi Họng và Tiêu hóa luôn có sự phối hợp chặt sẽ với nhau, đôi khi bệnh nhân có triệu chứng của đường Tai mũi họng nhưng khi bác sĩ thăm khám hoặc nội soi đường tai mũi họng có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thì sẽ phối hợp với nhau để điều trị.

Hoặc khi bệnh nhân đến chuyên khoa Tiêu hóa điều trị, bác sĩ nhận thấy bên cạnh việc trào ngược nó còn gây triệu chứng viêm, phù nề họng hoặc có hạt thành sau họng, tiết dịch thì sẽ phối hợp với bác sĩ Tai Mũi Họng để bệnh nhân được điều trị hiệu quả nhất.

Do đó, bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng việc phải bắt buộc đến chuyên khoa nào.

Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra mang theo bao nỗi lo toan đến với mọi người thì câu hỏi về bệnh trào ngược dạ dày thực quản gửi đến AloBacsi cũng nhiều hơn. BS có thể giải thích vì sao bệnh này có liên quan chặt chẽ đến yếu tố tâm lý vậy ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Cơ chế dẫn đầu tiên đến trào ngược dạ dày thực quản là do cơ vòng giữa thực quản và dạ dày, giúp ngăn trào ngược trở lại từ dạ dày về thực quản. Tuy nhiên trong 1 số trường hợp có rối loạn vận động của cơ vòng dưới thực quản, gây ra trào ngược dạ dày thực quản.

Cơ chế thứ 2 là hoạt động của thực quản hay tiết dịch của thực quản góp phần gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Cơ chế thứ 3 là ở dạ dày, tình trạng làm chậm, làm trống dạ dày, dạ dày căng đầy và trào ra bên ngoài.

Ngoài ra, còn có các yếu tố thuận lợi gây trào ngược dạ dày thực quản như:

- Những người áp lực công việc nhiều, hay lo lắng, căng thẳng, mất ngủ…

- Chế độ ăn hoặc thực phẩm không phù hợp: ăn chua, cay, chất béo… quá nhiều. Lúc ăn quá no, lúc nhịn đói quá lâu, hoặc ăn khuya. Đây là thói quen không tốt và dễ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.

Để hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, nên ăn cách giờ đi ngủ từ 3-4 tiếng trở lên.

- Dùng thuốc như kháng viêm, đau khớp, an thần, tim mạch, huyết áp… cũng có thể gây trào ngược.

- Cơ địa béo phì, phụ nữ có thai, bệnh gan, làm gắng sức khiến tăng áp lực ổ bụng.

Do đó trong dịch COVID-19, khi chúng ta quá lo lắng về đại dịch sẽ làm bản thân bị stress, dẫn đến phản ứng tăng tiết hoocmon và các chất này làm thay đổi hoạt động của dạ dày thực quản khiến tăng tiết nhiều axit, axit mật, rối loạn co bóp ở cơ vòng dưới thực quản, dạ dày chậm đào thải… tất cả yếu tố này làm trào ngược dạ dày thực quản tăng lên.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh tiêu hóa mãn tính. Ảnh: Internet


Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nếu không điều trị có thể dẫn đến ung thư thực quản không, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Các biến chứng đơn thuẩn của trào ngược dạ dày thực quản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Những những biến chứng gây ra viêm thực quản trào ngược sẽ đẫn đến hẹp thực quản, xuất huyết thực quản, hoặc nặng hơn là thủng thực quản.

Và trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản, mặc dù tỷ lệ này không cao.

Khi bệnh nhân có những biến chứng gọi là thực quản Barrett mà không ghi nhận được chuyển sản, nghịch sản, loạn sản thì tỷ lệ ung thư chiếm 0.5%.

Tuy nhiên, nếu trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng Barrett nhưng ghi nhận có tình trạng nghịch sản, loạn sản, chuyển sản thì nguy cơ ung thư lên 10%, thậm chí 40%.

Do đó, bệnh này cần được theo dõi và điều trị để loại trừ những biến chứng nguy hiểm.

Nói về thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các nhà nghiên cứu luôn cải tiến để đưa ra những loại thuốc để giúp bệnh nhân điều trị tốt hơn với bệnh này. BS có thể điểm qua một số loại thuốc thường dùng điều trị trào ngược dạ dày thực quản? Những loại thuốc này có ưu - nhược điểm gì không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Thứ nhất, nguyên tắc điều trị trào ngược dạ dày thực quản là loại bỏ các yếu tố thuận lợi, các nguy cơ gây ra bệnh như ăn quá cay, quá chua, rượu bia, thuốc lá, cà phê, dùng chất kích thích…. Khi không có nguyên nhân thì trào ngược dạ dày thực quản có thể tự hồi phục hoặc điều trị dễ dàng hơn.

Thứ 2, trào ngược dạ dày thực quản liên quan đến lối sống như cách ăn và thực phẩm ăn. Chúng ta nên giảm dần và ăn có kiểm soát, không nên ăn quá no, nhịn đói quá lâu, hoặc ăn khuya…. nên đi ngủ sau khi ăn được 3-4 tiếng.

Ngoài ra, khi nằm ngủ chúng ta nâng đầu cao để hạn chế trào ngược xảy ra.

Còn ở trẻ em khi cho bé bú xong, cha mẹ nên nâng đầu bé cao để bé ợ hơi 1 cái, thì đó cũng là biện pháp hạn chế tình trạng trào ngược.

Sau khi đã thay đổi lối sống, hạn chế bớt yếu tố thuận lợi gây trào ngược thì vấn đề kế tiếp là sử dụng thuốc.

Thuốc điều trị chính phải ức chế tiết axit của dạ dày như thuốc trung hòa axit, làm giảm giảm hoặc ức chế sự tiết axit. Ngày nay, loại thuốc được chọn lựa điều trị là thuốc ức chế bơm proton (PPI). PPI cũng có thể là 1 bài test để vừa chẩn đoán vừa điều trị trong trào ngược dạ dày thực quản.

Thời gian sử dụng thuốc thường 4-8 tuần. Đôi khi điều trị 7-10 ngày khỏi, nhưng chuyện tái phát rất nhanh. Vậy nên cần lưu ý những thuốc như PPI nếu sử dụng mà ngưng đột ngột có thể gây tăng tiết axit bộc phát và khiến bệnh trở lại nhanh chóng.

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm PPI, tuy nhiên sự chọn lựa loại nào bác sĩ sẽ dựa vào hiệu quả ức chế axit của thuốc, thời gian ức chết axit của thuốc và tương tác của thuốc với thuốc khác. Vì có thể bệnh nhân sẽ kèm theo nhiều bệnh lý khác như huyết áp, đái tháo đường…

Do đó, nếu sử dụng mà thuốc tương tác với nhau sẽ gây tăng độc tính hoặc mất tác dụng.

Đặc biệt, trong quá trình điều trị bệnh nhân cần tuân thủ thời gian và liều lượng uống từ chỉ định của bác sĩ. Việc tuân thủ sẽ góp phần làm cho thành công điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Theo nghiên cứu, trong các loại PPI thì Rabeprazole là thuốc tương đối tiết axit khá nhanh và duy trì nồng độ pH kéo dài do đó triệu chứng bệnh nhân sẽ giảm nhanh và ít tái phát lại.

Khi sử dụng PPI cần có axit dạ dày, vì vậy chúng ta nên uống 30 phút trước bữa ăn. Trong 1 số trường hợp bệnh nhân ăn xong mới nhớ thì chúng ta có thể lựa chọn PPI ít ảnh hưởng bữa ăn. Do đó bác sĩ sẽ là người lựa chọn thuốc phù hợp cho từng bệnh nhân.

Phẫu thuật điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản là phương pháp mà nhiều bệnh nhân nghĩ đến với mong muốn chấm dứt căn bệnh dai dẳng này. Và phẫu thuật này cũng trong tầm tay các BS Việt Nam. Tuy nhiên, vì sao rất ít bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Trào ngược dạ dày thực quản liên quan đến nhiều cơ chế khác nhau như cơ vòng dưới thực quản hoặc áp lực, hoạt động thực quản, áp lực dạ dày, sự làm chống dạ dày…

Trong đó, yếu tố quan trọng là cơ vòng dưới thực quản thì có thể can thiệp phẫu thuật, nhưng còn nhiều yếu tố phụ thuộc khác, nếu vận động thực quản kém hoặc sự làm trống dạ dày kém thì sau phẫu thuật bệnh nhân có thể không khỏi hết mà vẫn còn những khó chịu.

Đó là còn chưa nói đến các yếu tố thuận lợi, ví dụ trên cơ địa người béo phì, người sử dụng thuốc ảnh hưởng gây trào ngược, thói quen, cách sống,… Do đó có thể phẫu thuật xong sẽ dễ bị tái phát.

Vì vậy, phẫu thuật để điều trị trào ngược dạ dày thực quản sẽ được chỉ định trong một số trường hợp:

- Khi bệnh nhân có các biến chứng của bệnh

- Bệnh nhân điều trị không thành công, thất bại nhiều và ảnh hưởng cuộc sống

- Tổn thương cơ vòng dưới thực quản

- Bệnh lý đi kèm

Tuy nhiên, đa phần bác sĩ luôn khuyến cáo bệnh nhân nên điều trị nội khoa trước khi quyết định phẫu thuật. Vì nếu chúng ta tuân thủ điều trị, thời gian, thuốc thì chúng ta vẫn có thể ổn định với thuốc trào ngược dạ dày thực quản.

Như vậy, theo BS, để việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản được “thuận buồm xuôi gió”, tránh kéo dài dai dẳng, tránh tái phát nhanh chóng thì bệnh nhân cần quan tâm đến những vấn đề gì ngoài việc uống thuốc ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Thứ nhất, bệnh nhân phải được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản một cách bài bản.

Thứ hai, đã có các biến chứng gì chưa.

Bác sĩ cần được biết, bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở bệnh nhân này có những yếu tố thuận lợi nào và cần được can thiệp ra sao để hạn chế nguy cơ bệnh nặng hơn.

Hay có liên quan đến cách sống không, để cải thiện, thay đổi và hạn chế bớt những yếu tố ở hoạt động hàng ngày gây ra.

Điều trị phải đảm bảo thời gian 4-8 tuần và tuân theo chỉ định bác sĩ. Không nên tự ý ngưng thuốc sẽ dẫn dễ tái phát.

Sự lựa chọn thuốc điều trị sẽ theo chỉ định bác sĩ, để tìm loại thuốc phù hợp với từng bệnh nhân mà ít ảnh hưởng tổng trạng sức khỏe và tương tác thuốc.

Bên cạnh đó, không nên để bản thân bị căng thẳng, stress, nên sống thoải mái, vui vẻ hơn thì đôi khi trào ngược dạ dày thực quản sẽ ít hơn và có thể sống chung mà không chị ảnh hưởng nhiều hay gặp các biến chứng của bệnh.


TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115


PHẦN 2: TRẢ LỜI CÂU HỎI BẠN ĐỌC

Phạm Quốc Tuấn

Chào BS, hễ ăn no là em bị đầy hơi, đêm ngủ tới 3 giờ sáng em bị cảm giác đầy hơi. Mong BS tư vấn.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản liên quan đến triệu chứng đầy hơi và một số bệnh lý khác kèm theo như hội chứng khó tiêu, hội chứng ruột kích thích. Với triệu chứng đầy hơi, bạn Tuấn nên lưu ý một chế độ ăn như không ăn quá nhiều chất béo, chất ngọt hoặc ăn quá no và lưu ý đến chế độ làm việc nữa nhé.

Đầy hơi cũng liên quan đến những tổn thương đường ruột hoặc bệnh cơ năng, bệnh thực thể. Trong một số trường hợp, nếu triệu chứng đầy hơi quá khó chịu, bạn Tuấn nên đến gặp bác sĩ khoa Tiêu hóa để được khám, xem triệu chứng đày hơi thuộc bệnh lý gì và có phương pháp điều trị hiệu quả.

Triệu chứng đầy hơi thường xảy ra vào ban ngày nhiều hơn, nhưng ở bạn Tuấn lại xảy ra ban đêm, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến giấc ngủ và bạn cũng cần lưu ý đến bệnh thực thể của đường tiêu hóa hoặc một số bệnh lý liên quan đến gan mật nữa nhé.

Phượng Nguyễn

Em bị viêm dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản 6 tháng nay, hay bị nóng bụng, nôn nao giống say xe vào chiều tối. BS cho hỏi điều trị như thế nào?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Thông qua những triệu chứng bạn kể, có 2 vấn đề cần đặt ra:

Thứ nhất, về chẩn đoán viêm dạ dày - trào ngược thực quản, liệu bạn đã được chẩn đoán và điều trị bài bản hay chưa, bởi vì thời gian bị bệnh của bạn cũng khá lâu (6 tháng).

Thứ hai, liệu có kèm theo bệnh lý gì khác không, có những biến chứng nào chưa?

Đặc biệt, bạn có những triệu chứng nôn nao, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, đây là những biểu hiện cần kiểm tra lại và có thể bổ sung thêm một số xét nghiệm để xem bạn có thiếu máu hay không, trào ngược đã có biến chứng lên thực quản hay chưa (mới gây ra cảm giác nóng rát, buồn nôn). Bác sĩ sẽ hỏi thêm một số triệu chứng như bạn có sụt cân hay không, ăn uống ngon miệng không, có những triệu chứng về hô hấp, tim mạch hay không để có biện pháp điều trị tích cực hơn.

Nếu có điều kiện, bạn Phượng có thể đến Bệnh viện 115 để được bác sĩ tư vấn rõ ràng và thăm khám kỹ càng hơn. Cám ơn bạn.

Phương Nguyên

Buổi tối khi đi ngủ em nằm ngửa thì bụng rất khó chịu, cảm giác sôi bụng mặc dù đã ăn no. Trước đó em đã bị trào ngược dạ dày thực quản. Xin hỏi với người đã có tiền sử bệnh này nên ngủ trong tư thế nào là tốt nhất?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Như phần trước bác sĩ đã có chia sẻ, trào ngược dạ dày thực quản hay xảy ra ở tư thế nằm đầu thấp, vì vậy, với những trẻ sau khi bú xong, thường phải nâng đầu bé lên để trẻ ợ, đó là tư thế để giảm trào ngược dạ dày thực quản. Đối với người lớn cũng như vậy, khi nằm ngủ nên kê đầu cao hơn một chút để hạn chế tình trạng trào ngược.

Một số trường hợp có ý kiến nằm đầu cao tuy hạn chế trào ngược nhưng làm đau vùng sau gáy, làm sao để khắc phục? Với tình trạng này cũng có phương pháp hỗ trợ. Gần đây một số cơ sở tạo ra những cái gối riêng cho điều trị trào ngược, khi nằm sẽ khắc phục đau cổ, mỏi gáy…

Tư thế thứ hai cũng dễ gây tình trạng trào ngược là gắng sức gập người về phía trước nhanh. Do đó, nên tránh các hoạt động gắng sức hoặc những động tác gập người về phía trước.


Để hạn chế các triệu chứng của GERD, người bệnh khi nằm ngủ nên kê đầu cao. Ảnh: Internet

Miêu Miêu

Mỗi khi ngủ dậy cổ họng em luôn đau rát nhưng em không bị viêm họng. Đó có phải là trào ngược không?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Chào bạn Miêu Miêu, với tình trạng cổ họng đau rát, đó là những biểu hiện ở họng, có thể là bệnh lý đơn thuần ở họng, hoặc là bệnh lý của trào ngược dạ dày thực quản biểu hiện ở Tai Mũi Họng.

Với kết luận không bị viêm họng chắc có lẽ bạn đã  được thăm khám bởi bác sĩ Tai Mũi Họng rồi, do đó, nếu không viêm họng nhưng lại đau rát bạn nên đến bác sĩ Tiêu hóa để được tầm soát thêm có bị trài ngược dạ dày thực quản hay không?

Thuy Ngoc Nguyen

Em có mua thuốc gì nhưng không nhớ tên, màu hộp tím tím nhưng lại không thấy hết. Có thuốc gì tác dụng nhanh nhanh sớm trị dứt cơn trào ngược không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Chào bạn, những thuốc màu tím khá đa dạng trên thị trường. Trong vấn đề điều trị còn có vấn đề trào ngược kháng trị, nghĩa là điều trị nhưng không khỏi. Như vậy, trong những trường hợp trào ngược kháng trị có thể phải đổi thuốc, ví dụ từ Esomeprazole, Omeprazole có thể thay đổi bằng Rabeprazole hoặc Pantoprazole…

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy Rabeprazole là thuốc tương đối có hiệu quả nhanh, kéo dài, ít tương tác nên sử dụng khá an toàn. Tuy nhiên, nếu muốn thay đổi thuốc bạn nên  đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để có hướng dẫn cụ thể.

Lý Vị Ương

Em có các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản và khá lâu. Em cũng đã dùng qua một số loại thuốc nhưng không cảm thấy khá hơn. Dạo gần đây em còn bị sụt cân và đau bụng vùng thượng vị khá nhiều. Bác sĩ có thể cho em một số lời khuyên được không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Chào bạn Vị Ương,

Không chỉ bạn mà đối với tất cả người bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nếu đã mắc bệnh trong thời gian dài và điều trị không khỏi, hoặc có những triệu chứng báo động, cụ thể trong tình trạng cụ thể của bạn là sụt ký phải đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ chẩn đoán, xác định lại đây là bệnh gì, và bệnh này đã có biến chứng gì chưa.

Bạn nên đi khám sớm để có câu trả lời chính xác và điều trị hiệu quả nhé.

Viết Hưởng

Em thường đau vùng thượng vị, nóng rát vùng họng, có đi khám và uống thuốc được một thời gian thì giảm, nhưng khi căng thẳng thì đau lại. Em cần làm gì để kiểm soát được bệnh này?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Yếu tố liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản là về tâm lý, thần kinh, mất ngủ, căng thẳng làm xuất hiện trào ngược. Như vậy, sau khi điều trị trào ngược bài bản, bạn nên hạn chế căng thẳng.

Nhưng nếu tình trạng căng thẳng không thể khống chế được, có thể bạn phải tiếp tục điều trị lại nhưng với mức độ nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh các thuốc điều trị trào ngược, có thể bác sĩ chỉ định thêm một số loại khác để bạn  đỡ căng thẳng và áp lực hơn, giúp ổn định tình trạng trào ngược.

Na Na

Trào ngược dạ dày thực quản có chữa dứt điểm được không bác sĩ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Đối với trào ngược dạ dày thực quản chưa có biến chứng có thể điều trị dứt điểm được, nhưng có tái phát hay không là vấn đề khác. Nhiều khi đã điều trị rồi, giảm bớt áp lực hoặc các yếu tố gây trào ngược thì vẫn có thể khỏi bệnh nhưng nếu tiếp tục các yếu tố thuận lợi hoặc những nguyên nhân dẫn đến trào ngược vẫn có thể bị trở lại.

Do đó, trong điều trị trào ngược như bác sĩ trình bày, ngoài dùng thuốc còn phải điều chỉnh lối sống, thay đổi một số ngyên nhân dẫn đến trào ngược.

Trần Ngọc Thạch

Thưa BS, có thuốc nào kiểm soát triệu chứng trào ngược nhanh từ ngày đầu tiên không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Đây là câu hỏi của nhiều bạn đọc. Làm sao để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, tức ngực, đau ngực, khàn tiếng… là điều mong muốn của tất cả bệnh nhân. Chính vì vậy phải lựa chọn thuốc nào hiệu quả nhất, hiệu quả nhanh cũng làm mong muốn của bác sĩ. Việc điều trị liên quan đến một số yếu tố và từng cá thể người bệnh.

Nhưng có một nghiên cứu năm 2012 khảo sát trên 2.000 bệnh nhân và nhận thấy rằng có một sản phẩm mà hoạt chất là Rabeprazole (từ Nhật, tên biệt dược là Pariet) ngay ngày dùng đầu tiên trên 60% bệnh nhân giảm triệu chứng ợ nóng ban ngày lẫn ban đêm.

Nghiên cứu theo dõi trong thời gian 7 ngày, triệu chứng đã giảm trên 90%. Đây là lựa chọn khá tốt cho bệnh nhân nếu điều trị nhiều thuốc mà không khỏi hoặc điều trị lâu khỏi, hoặc muốn giảm nhanh triệu chứng.

Phương Nguyễn

Thưa BS, con của bạn em được hơn 1 tháng tuổi. Khoảng 2 tuần nay cháu thường xuyên bị nôn trớ, bú ít (mỗi cữ chỉ khoảng 60ml, lúc trước 80ml). Đặc biệt mỗi lần bú xong bé tự nhiên khcos ngặt, oằn mình, dỗ kiểu gì cũng không nín. Đi khám bác sĩ nói bé bị trào ngược thực quản nên có cho Nexium 10mg, mỗi ngày/1 lần/ nửa gói.

Bạn em có xem hướng dẫn sử dụng thì thấy thuốc này không nên sử dụng cho bé dưới 12 tháng tuổi. Vậy có nên tiếp tục cho bé dùng không ạ? Vì sao trẻ sơ sinh cũng bị trào ngược ạ? Hướng điều trị và chăm sóc tiếp theo thế nào thưa BS?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Việc dùng thuốc điều trị trào ngược, các bác sĩ thường lo lắng ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai và người lớn tuổi. Ở những đối tượng này cơ thể nhạy cảm, các cơ quan chưa hoàn chỉnh hoặc suy yếu, việc sử dụng thuốc cũng cần thận trọng.

Trong trường hợp này nên khám bác sĩ chuyên khoa để được cho lời khuyên phù hợp. Theo bác sĩ được biết, những PPI hiện nay có một số loại sử dụng được ở trẻ em, tuy nhiên ở trẻ sơ sinh cần thận trọng hơn. Quan trọng hơn vẫn là phải thay đổi cách sống và có những động tác hạn chế trào ngược.

Vấn đề trước đây bé bú 80ml nhưng giờ bú 60ml cũng không nên quá lo lắng. Trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em, đôi khi phải giảm số lượng ăn của bé mỗi lần xuống, đảm bảo số lượng trong ngày đủ nhưng số lần nhiều hơn và mỗi lần ít hơn, giúp giảm bớt triệu chứng trào ngược.


TS.BS Tuyết Phượng trong một hội thảo về trào ngược dạ dày thực quản

Hải Yến - TPHCM

Em được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản độ A, xướt 3mm, viêm phù nề, sung huyết hang môn vị nức độ trung bình. Em đã dùng xong toa thuốc của bác sĩ nhưng vẫn đau họng, đau tức ngực, nóng bụng và đắng miệng sau khi ăn. Như vậy có phải do điều trị Hp không thành công hay do bệnh trào ngược? Em có thể nội soi lại sau 1 tháng ngưng kháng sinh không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Câu hỏi của bạn có 2 vấn đề. Thứ nhất bạn có nhiễm Hp. Thứ hai, bạn bị trào ngược dạ dày thực quản và có biến chứng viêm thực quản. Như vậy phải điều trị 2 bệnh.

Trong một số trường hợp, nhiễm Hp có chỉ định điều trị thì bác sĩ sẽ cho toa thuốc và những toa điều trị Hp theo phác đồ thường kéo dài trong 2 tuần. Sau 2 tuần điều trị Hp, bạn cần điều trị triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản để đủ phác đồ.

Bạn nên đến bác sĩ khám lại để được cho toa thuốc đầy đủ, điều trị cả 2 bệnh này. Sau khi điều trị Hp muốn kiểm tra lại phải ngưng thuốc ít nhất từ 4 tuần để kết quả kiểm tra chính xác. Nếu không đủ thời gian thì kết quả kiểm tra không chính xác.

Thanh Hương - Đà Lạt

Cách đây vài tháng, em có cảm giác đau, nghẹn khi nuốt, dù là ăn cơm hay uống nước nên đã đi nội soi tai mũi họng, bác sĩ kết luận viêm họng cấp và kê thuốc kháng sinh. Sau đó em tiếp tục nội soi dạ dày, chẩn đoán viêm. Tuy đã uống thuốc nhưng không hết đau họng, đi khám lại bác sĩ kết luận viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản.

Bác sĩ Phượng cho em hỏi bệnh này có khó điều trị không và có dứt điểm được không ạ? Nếu phải uống thuốc thì phải dùng liên tục trong mấy tháng là hết ạ? Em cám ơn bác sĩ.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Vừa rồi chúng ta cũng đã chia sẻ nhiều về bệnh của bạn. Trào ngược dạ dày thực quản biểu hiện ở họng, Tai Mũi Họng hoặc Hô hấp, Tiêu hóa, với những triệu chứng đa dạng. Để giải quyết tất cả những triệu chứng này cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, giữa các chuyên khoa.

Ngoài việc trào ngược gây viêm họng, đôi khi tình trạng viêm họng không phải đơn thuần là do chất trào ngược gây ra mà còn do bội nhiễm. do đó phải điều trị viêm họng song song với trào ngược. Về lý thuyết, thời gan điều trị trào ngược dạ dày thực quản là 4-8 tuần. Trong một số trường hợp cụ thể tùy từng cá nhân bác sĩ sẽ có chọn lựa thời gian, thuốc thích hợp hơn.

Nguyễn Trần Hoài Bảo - Long An

Em đang bị ho, viêm mũi. Đi khám bác sĩ chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản. Em đang uống thuốc theo đơn gồm có: Levofloxaccine Stavi 500, Hatab trypsin, Loratadin Stada 10mg, Albis. Uống mấy lần trước thì khỏi, nhưng lần này không thấy đỡ mấy. Mong BS cho em lời khuyên.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Trong toa thuốc của bạn có Levofloxaccine là một loại kháng sinh. Có thể do bạn bị viêm họng, viêm mũi nên bác sĩ có chỉ định cho bạn sử dụng kháng sinh này. Thuốc Hatab trypsin có liên quan đến đường họng, làm loãng đờm nhằm giảm ho, có thể bạn bị viêm họng kèm theo ho. Loratadin là thuốc điều trị dị ứng. Albis là loại thuốc có sự phối hợp của Ranitidine - thuốc ức chế axit và Sucralfate - thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Theo bác sĩ nghĩ bạn đã được điều trị 2 bệnh cùng lúc: viêm mũi họng (do nhiễm trùng và dị ứng) và có tình trạng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên phác đồ này khác nhau. Kháng sinh không thể dùng lâu dài 4-8 tuần được. sau khi điều trị kháng sinh đủ liều, trung bình từ 10-15 ngày, bạn cấn khám bác sĩ  để được ngưng kháng sinh và tiếp tục dùng thuốc điều trị trào ngược.

Bui Anh

Em hay bị trào ngược dạ dày thực quản, ra hiệu thuốc thì dược sĩ kê cho uống Gaviscon, uống xong thấy đỡ. BS cho em hỏi uống thuốc này lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Thuốc không phải là bổ, do đó không thể dùng một loại thuốc lâu dài và xem như thức ăn. Trong một số trường hợp, nếu đúng chỉ định thì vẫn có thể sử dụng.

Gaviscon được chiết xuất từ alginate - một chất tạo bề alginate ngăn axit không trào ngược lên thực quản, hoặc nếu có trào lên thì nồng độ axit được pha loãng, bệnh nhân giảm các triệu chứng trào ngược.

Do đó, trong một số trường hợp trào ngược dạ dày thực quản vẫn có thể sử dụng theo chỉ định của bác sĩ mặc dù loại thuốc này có thể mua không cần toa, nhưng trong thời gian điều trị 4-8 tuần bạn đã đỡ nhưng bị lại, hoặc không giảm nhiều, hoặc tái phát thì nên đến bác sĩ khám để có phác đồ rõ ràng hơn.

Lệ Phương Nguyễn

Em bị trào ngược dạ đay thực quản khoảng 1 năm, hay bị nóng bụng, ợ hơi khó chịu. BS cho hỏi em nên điều trị như thế nào?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Bên cạnh một số thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản, triệu chứng ợ hơi khó chịu có thể dụng một số thuốc điều hòa vận động cơ vòng dưới thực quản, giúp hạn chế bớt ợ hơi, nóng bụng.

Vì vậy, nếu cần thiết, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để bác sĩ kê thêm thuốc hỗ trợ điều hòa vận động cơ vòng dưới thực quản hoặc những thuốc ảnh hưởng lên hơi dạ dày hoặc hơi đường ruột cho các triệu chứng của bạn được kiểm soát tốt hơn.


Ợ hơi, nóng bụng là những triệu chứng phổ biến của GERD. Ảnh: Internet

Mỹ Vân

Chào bác sĩ, mẹ em bị đau âm ỉ thượng vị 5 tháng, đã đi khám và nội soi dạ dày, bác sĩ nói trào ngược nhẹ, viêm trợt nhẹ hang vị. Mẹ em đã uống thuốc theo đơn của bác sĩ: Gastevin, Trimebutin và Ventinat. Tuy nhiên tình trạng không đỡ và vẫn có cảm giác âm ỉ nặng bụng. Mẹ em vẫn đi ngoài bình thường 1 lần/ ngày. Bác sĩ nói mẹ em không nên nội soi nhiều lần, vậy cho em hỏi tình trạng của mẹ em là bệnh gì và có phương pháp điều trị không ạ?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng trả lời: Đây là trường hợp bệnh phối hợp khá nhiều và trên cơ địa người lớn tuổi. Người lớn tuổi thường có những bệnh lý đi kèm như huyết áp, đái tháo đường… bệnh nhân phải dùng một số loại thuốc ảnh hưởng co bóp cơ vòng dưới thực quản hoặc sự làm trống của dạ dày nên gây ra những triệu chứng như bạn mô tả.

Chính vì vậy, bên cạnh sử dụng thuốc điều trị tào ngược, mẹ của bạn có thể cần xem lại phác đồ điều trị tổng thể của nhiều loại bệnh đang mắc để có sự điều chỉnh phù hợp, kiểm soát tất cả các triệu chứng dễ chịu hơn.

Ví dụ, một số bệnh nhân đái tháo đường dùng thuốc điều chỉnh đường huyết cũng gây đầy hơi, khó tiêu, hoặc thuốc huyết áp, bệnh mạch vành cũng gây triệu chứng trào ngược nhiều hơn. Cụ thể từng bệnh nhân bác sĩ sẽ có câu trả lời phù hợp nhất.


Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com







TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080