Logo Bệnh viện Nhân dân 115
23/09/2019 15:10

TS.BS Đinh Vinh Quang: Những nguyên nhân nào gây chóng mặt?

Chóng mặt là hiện tượng thường gặp trong rất nhiều bệnh lý và hầu như đối tượng nào cũng gặp phải. TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như phương pháp phòng ngừa triệu chứng này. Mời bạn đọc đón xem.

1. Chóng mặt hay choáng váng là cảm giác chủ quan của mỗi người, cũng có một số người còn mơ hồ về tình trạng này. Xin BS cho biết chóng mặt là cảm giác như thế nào ạ?

Chóng mặt là một tình trạng chúng ta cảm nhận được bằng cách cảm thấy con người của chúng ta đang bị xoay tròn giữa các sự vật xung quanh hoặc các sự vật xung quanh chúng ta đang chuyển động mặc dù chúng đang đứng yên. Tình trạng này có thể xảy ra với người mặc dù trước đó bệnh nhân vẫn bình thường, tỉnh táo.

2. Chóng mặt là triệu chứng mà hầu như ai cũng gặp và cũng thường bị bỏ qua, trừ khi nó ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt. Xin BS cho biết chóng mặt có những kiểu/loại nào, trong đó kiểu/loại nào là nguy hiểm ạ?

Chóng mặt là một triệu chứng, hoàn toàn không phải là một bệnh lý nào đó. Theo thống kê, cuộc sống con người của chúng ta trên 90% cũng đều trải qua cảm giác chóng mặt. Đây là một triệu chứng rất thường gặp. Thường bệnh nhân chỉ cần nằm nghỉ, sau đó các triệu chứng sẽ giảm dần và khỏi hẳn. 

Trong các loại chóng mặt trên, mọi người nên chú ý chóng mặt do nguyên nhân từ trung ương, bệnh lý của não, hay dây thần kinh số 8, các bệnh lý về tai biến mạch máu não,... là những kiểu chóng mặt nguy hiểm. Thường có các triệu chứng làm cho người bệnh nhân cảm thấy khó chịu như buồn nôn, chóng mặt mức độ đi lại không được, mắt mờ, ù tai,... người bệnh cần đến các cơ sở y tế với các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời.

3. Xin BS cho biết, chóng mặt có thể do những nguyên nhân gì ạ? Khi một người bị chóng mặt, ở mức độ nào họ nên đi khám bệnh, và bắt đầu thăm khám từ khoa nào trong bệnh viện, thưa BS?

Chóng mặt có rất nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân chính như sự rối loạn về thăng bằng của cơ thể, mất cảm nhận, mất sự liên tục, có sự phân tích không chính xác giữa cách hệ thống, như hệ thống thị giác, hệ thống tiểu não, các thụ thể cảm giác,... Khi có sự xáo trộn như vậy thường sẽ gây ra tình trạng chóng mặt. Và người ta chia tình trạng này thành các dạng như chóng mặt có nguyên nhân từ trung ương, ngoại biên, do các bệnh lý về tâm thần,...

Dựa theo triệu chứng của chóng mặt thì đa phần từ các nguyên nhân của bệnh lý thần kinh, trong đó có các bệnh lý thần kinh trung ương cũng như các bệnh lý thần kinh ngoại biên. Vì vậy, bệnh nhân nên đi khám ở các bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

4. Hầu như nhắc đến chóng mặt là mọi người nghĩ ngay đến nguyên nhân “rối loạn tiền đình”. Theo BS điều này có đúng không?

Hệ thống tiền đình có thể đảm trách công việc thăng bằng của cơ thể chúng ta. Vì vậy, khi triệu chứng chóng mặt xảy ra, đó là sự rối loạn về hệ thống tiền đình ngoại biên hoặc hệ thống tiền đình trung ương. Cho nên, khi nói rối loạn tiền đình cũng rất phổ biến, có thể hiểu tương đối giống như chóng mặt.

5. Người bị chóng mặt cũng hay được chẩn đoán “thiếu máu lên não”, “thiểu năng tuần hoàn não”. Theo BS, họ có cần lên tuyến trên để tìm cho ra nguyên  nhân gây thiếu máu lên não không ạ?

Thiếu máu não là một trong những nguyên nhân của chóng mặt. Khi nào các tuyến dưới chẩn đoán không được thì bệnh nhân mới cần lên những tuyến trên. Bởi vì các bác sĩ chuyên khoa hiện nay đã về các bệnh viện tỉnh khá nhiều, cũng như các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh sẽ có khả năng khám và chẩn đoán chính xác những nguyên nhân của chóng mặt. Vì vậy, nếu đã được chẩn đoán và điều trị tốt ở tỉnh thì bệnh nhân không cần phải chuyển lên tuyến trên.

6. Chóng mặt có dễ dẫn đến đột quỵ không, thưa BS?

Đột quỵ là một nguyên nhân của chóng mặt. Trong đó bệnh lý ở vùng tiểu não giúp cho cơ thể giữ thăng bằng bị tắc nghẽn mạch máu hoặc vỡ mạch máu là nguyên nhân gây ra chóng mặt trung ương. Và nguyên nhân bệnh lý mạch máu não ở vùng tiểu não này gây ra chóng mặt chiếm đến 1/3 các nguyên nhân gây chóng mặt trung ương.

Vì vậy, khi thấy các triệu chứng của chóng mặt trung ương, bệnh nhân nên đi khám và nhập viện ngay.

Các triệu chứng của chóng mặt trung ương thường không có biểu hiện rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Nhưng sẽ có đặc điểm riêng của 2 nhóm là chóng mặt trung ương và chóng mặt ngoại biên. Các triệu chứng của chóng mặt trung ương có diễn tiến chậm, khởi phát âm thầm.

Đối với chóng mặt ngoại biên, xảy ra đột ngột, triệu chứng rầm rộ, nặng nề, bệnh nhân chóng mặt nhiều kèm theo nôn ói, thay đổi tư thế của đầu.

Chóng mặt ngoại biên diễn tiến nhanh, đồng thời kết thúc nhanh. Chóng mặt trung ương diễn tiến chậm, ít rầm rộ nhưng ngày càng nặng dần.

7. Bệnh nhân bị chóng mặt kịch phát lành tính được điều trị như thế nào, thưa BS? Thường thì bao lâu bệnh nhân sẽ khỏi ạ?

Chóng mặt kịch phát lành tính là một nguyên nhân của chóng mặt ngoại biên. Trong điều trị chóng mặt ngoại biên sẽ có các phương pháp chính là dùng thuốc và không dùng thuốc.

Về phương pháp dùng thuốc sẽ dùng các nhóm thuốc như thuốc để điều trị chóng mặt, nhóm điều trị hỗ trợ ví dụ như chống nôn. Trong nhóm điều trị triệu chứng của chóng mặt, có các nhóm thuốc như thuốc thăng bằng, điều chỉnh lại hệ thống tiền đình, các nhóm thuốc có tác dụng như thuốc kháng histamin,...Trong nhóm điều trị hỗ trợ có các nhóm thuốc như chống nôn,...Ngoài ra, nếu bệnh nhân lo lắng, chóng mặt không thể ngủ được thì bệnh nhân có thể sử dụng thuốc an thần. 

Nếu như nguyên nhân chóng mặt từ tiền đình ngoại biên, thời gian điều trị trung bình từ 5-7 ngày. Ở những bệnh nhân có nguyên nhân chóng mặt trung ương, các bệnh lý của não như tai biến mạch máu não, u não,... thì bệnh nhân cần thời gian điều trị và có những biện pháp điều trị cụ thể và thích hợp. Chẳng hạn khi bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, tắc mạch máu não thì sẽ cần tái thông mạch máu. Đối với xuất huyết não cần dùng các phương pháp như lấy máu tụ,... Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chóng mặt sẽ có các biện pháp điều trị tương thích hơn và thời gian điều trị sẽ dài hơn so với những trường hợp chóng mặt có nguyên nhân.


TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115

8. Một cái tên quen thuộc với người bị chóng mặt là Tanganil, khá nhiều người hễ bị chóng mặt thì ra tiệm thuốc tây mua thuốc này, cũng như khi đau đầu mọi người thường mua Paracetamol. BS có ý kiến thế nào về việc này ạ?

Chóng mặt là triệu chứng quen thuộc, hầu hết ai trong chúng ta cũng đã từng gặp tình trạng này cho nên điều đầu tiên khi gặp chóng mặt như vậy thì chúng thường ra tiệm thuốc tây để mua thuốc. Và ở tiệm thuốc tây thì cũng được các dược sĩ và các dược tá bán cho những đơn thuốc mà trong đó có Tanganil.

Đây là một loại thuốc để điều trị hiệu ứng chóng mặt bằng cách điều chỉnh sự cân bằng của hệ thống tiền đình. Nếu điều trị bằng Tanganil có thể hết chóng mặt trong vòng 1-2 ngày thì là một điều tốt, ngược lại nếu việc chóng mặt vẫn xảy ra và có tình trạng kéo dài thì chúng ta nên đi khám để gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

9. Nhờ BS hướng dẫn những phương pháp không dùng thuốc giúp giảm bớt triệu chứng chóng mặt?

Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân chóng mặt. Nếu nguyên nhân chóng mặt của bệnh nhân là sự rối loạn tức thời về chuyển động của mắt hoặc sự rối loạn của hệ thống tiền đình ngoại biên thì việc nằm nghỉ ngơi hoặc ăn uống đầy đủ sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Nhưng nếu nguyên nhân là những bệnh lý của hệ thần kinh trung ương có tính chất nguy hiểm thì chúng ta phải đi khám và điều trị sớm, càng sớm càng tốt.

10. Sau khi đi tàu xe, dù đã kết thúc chuyến đi nhưng một số người vẫn bị chóng mặt thêm một vài ngày. Có cách nào để tình trạng chóng mặt này mau kết thúc không, thưa BS?

Say xe là do hệ thống tiền đình, hệ thống cảm giác sâu, hệ thống não bộ chưa thể tương thích với những chuyển động khi đi xe và máy bay có thể gây ra hiện tượng chóng mặt. Nếu muốn hạn chế tình trạng chóng mặt trường hợp này thì chúng ta có thể ngủ nghỉ đầy đủ trước khi lên chuyến xe hay chuyến bay.

Điều thứ 2, chúng ta không nên uống sữa hoặc thức uống có mùi sẽ dễ buồn nôn, chỉ nên uống nước lọc hoặc nước ít gas sẽ làm có tác dụng chống nôn tốt hơn.

Khi đi xe, có thể uống một số loại thuốc tránh say tàu xe nhưng khi chúng ta đã hoàn thành chuyến đi mà tình trạng chóng mặt vẫn còn thì nên nghỉ ngơi và hạn chế di chuyển. Nếu vẫn xảy ra tình trạng chóng mặt thì có thể sử dụng những loại thuốc hỗ trợ.

Để giảm tình trạng này xảy ra, chúng ta không nên nhìn màn hình điện thoại, máy tính, đọc báo trên xe vì điều này sẽ kích thích hệ thống tiền đình bị rối loạn và gây ra hiện tượng chóng mặt.

~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, mọi người sẽ hiểu hơn về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chóng mặt, từ đó có hướng thăm khám và điều trị hợp lý!

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com.


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080