Logo Bệnh viện Nhân dân 115
27/11/2019 18:17

TS.BS Đinh Vinh Quang: Mất ngủ vì sao?

Mất ngủ là tình trạng phổ biến, khoảng 1/3 người dân có triệu chứng rối loạn giấc ngủ. TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ với bạn đọc những nguyên nhân gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ ở người trẻ, người già và cách điều trị.


TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Mất ngủ ở mức độ như thế nào thì được các bác sĩ chẩn đoán là “rối loạn giấc ngủ”, thưa bác sĩ?

Mất ngủ là tình trạng phổ biến, nhiều người gặp, theo thống kê cho thấy khoảng 1/3 người dân có triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Trên thực tế, có những người cần 9 - 10 giờ ngủ trong một đêm và những người khác thì ngủ ít hơn, chỉ khoảng 3 - 4 giờ/ đêm, do đó độ dài về thời gian của giấc ngủ không luôn luôn tương ứng với rối loạn giấc ngủ.

Quan trọng nhất là ở mỗi người làm sao để sau mỗi giấc ngủ không cảm thấy buồn bã, ủ rũ, chán nản mà có thêm sinh khí để làm việc cũng như sinh hoạt hằng ngày. Điều này chứng tỏ người dân đã có một giấc ngủ tốt.

Có 4 triệu chứng chính đặc trưng của các rối loạn giấc ngủ là: chứng mất ngủ, ngủ nhiều, các rối loạn liên quan đến giấc ngủ và rối loạn nhịp thức ngủ.

 

2. Nguyên nhân gây ra mất ngủ/rối loạn giấc ngủ là gì ạ? Trong đó, những nguyên nhân nào thường gặp nhất?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ như khi chúng ta lo lắng về vấn đề gì đó (thi cử, phỏng vấn, người thân mất,...) hoặc các bệnh lý nội khoa, tâm thần,... Nhưng chung quy lại gồm 3 nhóm nguyên nhân chính:

- Rối loạn giấc ngủ liên quan với rối loạn tâm thần

- Rối loạn giấc ngủ khác (do bệnh nội khoa và sử dụng chất)

- Rối loạn giấc ngủ nguyên phát (hay còn gọi là mất ngủ không tìm thấy được nguyên nhân)

Trong tất cả những trường hợp rối loạn về giấc ngủ, đa số người lớn tuổi thường hay gặp là sau những bệnh lý về nội khoa. Hoặc ở những người trẻ là những vấn đề về lo lắng trong sinh hoạt hằng ngày, các vấn đề về xã hội.

 

3. Nếu một người bị mất ngủ sau một sự kiện gây ảnh hưởng tới tinh thần, tâm lý (thi cử, chia tay người yêu, người thân qua đời…) thì đó có phải là bệnh lý hay không? Tình trạng này kéo dài bao lâu thì cần phải can thiệp ạ?

Các sự kiện liên quan với lo âu như thi cử hoặc chia tay người yêu, người thân qua đời, phỏng vấn việc làm, sự thất bại, thay đổi cuộc sống, stress… được gọi là một giai đoạn ngắn của chứng mất ngủ.  Giai đoạn này thường không nghiêm trọng và thường không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh có biểu hiện trong giai đoạn loạn thần hoặc trầm cảm nặng, đôi khi triệu chứng khởi đầu bằng mất ngủ, do đó cần loại trừ những bệnh lý này.

Hiện nay chưa có thời gian nhất định để xác định rằng người dân bị mất ngủ và cần can thiệp. Nhưng người ta cho rằng 1 tuần có 3 đêm không ngủ được và tình trạng này kéo dài khoảng 1 tháng trở lên thì lúc này nên đi khám và điều trị tình trạng mất ngủ. Nếu cần phải điều trị trong giai đoạn này thì chỉ điều trị với thuốc ngủ trong thời gian ngắn.

 

4. Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm không ạ? Và thường mất ngủ kéo dài bao lâu sẽ dẫn đến bệnh này?

Theo một số nghiên cứu cho thấy rằng người bị mất ngủ kéo dài có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với người bình thường. Nếu giấc ngủ bị xáo trộn lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ như mắc bệnh trầm cảm, mất trí nhớ, sa sút về trí tuệ.

Do đó, chúng ta nên đề phòng những bệnh lý trầm cảm ở những người rối loạn giấc ngủ, nên điều trị rối loạn này thật tốt.

Tỷ lệ những người có bệnh lý trầm cảm thường có tình trạng mất ngủ và những lúc bệnh nhân không ngủ được thì kéo dài bệnh lý trầm cảm của bệnh nhân. Hoặc những người đã điều trị bệnh lý trầm cảm kèm theo mất ngủ và đã hồi phục thì khả năng tái phát trở lại cao hơn.

Các nghiên cứu đã cho thấy khi bệnh nhân trầm cảm bị mất ngủ, thì nguy cơ bệnh trầm cảm tái diễn sẽ cao hơn so với những người không bị mất ngủ. Mất ngủ chính là nguyên nhân khởi phát cũng là yếu tố gây kéo dài bệnh trầm cảm.

5. Vì sao càng lớn tuổi chúng ta càng khó ngủ ạ? Với người lớn tuổi, giấc ngủ như thế nào được đánh giá là tốt?

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là khá phổ biến. Khi càng lớn tuổi, thói quen sinh hoạt và giấc ngủ cũng thay đổi là vì:

- Hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi tuổi càng cao, tất cả các tế bào và cơ quan trong cơ thể đều trở nên lão hóa, trong đó có các tế bào thần kinh cũng bị lão hóa, bị hủy hoại và suy giảm chức năng hơn so với khi còn trẻ tuổi, từ đó gây ra mất ngủ, khó ngủ, luôn cảm thấy buồn ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.

- Ở người cao tuổi sẽ thường có các bệnh lý nội khoa đi kèm như bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là những người bị đau nhức xương khớp.

- Rối loạn giấc ngủ do các thuốc bệnh nhân đang dùng thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

- Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như do chế độ ăn, uống, sinh hoạt không hợp lý; môi trường bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, kích động về âm thanh/ ánh sáng, phòng ngủ không gọn gàng sạch sẽ, thoáng mát, hoặc nơi ở chật chội... cũng là nguyên nhân dẫn đến khó ngủ, rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi.

Thời gian giấc ngủ không đánh giá được giấc ngủ đó có tốt hay không mà phải nhận định xem giấc ngủ đó có chất lượng hay không. Dựa vào các yếu tố như sau khi bệnh nhân đi ngủ và có một giấc ngủ sâu hay không, có bị những rối loạn trong khi ngủ hay không (như ác mộng, mộng du…).

Vì vậy, người có giấc ngủ ngon là không có những biểu hiện như: khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ và sau khi đi ngủ họ có giấc ngủ ngon, thức dậy với tinh thần phấn chấn, thoải mái.

 

6. Khi bị mất ngủ và đến khám tại khoa Nội thần kinh, bệnh nhân sẽ được thăm khám như thế nào, có cần xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh không ạ?

Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ rất nhiều, đặc biệt ở những người lớn tuổi có các bệnh lý đi kèm. Còn những người trẻ thường liên quan đến sinh hoạt. Vì thế, ở từng đối tượng, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và thăm khám cho từng bệnh nhân để tìm ra nguyên nhân cụ thể.

Phần hỏi bệnh sẽ được hỏi về khoảng thời gian bệnh nhân lên giường đến khi không ngủ được là bao lâu.

Nếu sau khi thăm hỏi, mà bệnh nhân không có nguyên nhân nào gây ra mất ngủ thì được gọi là mất ngủ nguyên phát. Và từ đó sẽ có những phương án điều trị cho bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân có bệnh lý đi kèm, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán những bệnh đó.

 

7. Rối loạn giấc ngủ được điều trị như thế nào, thưa BS? Một số người lo ngại thuốc điều trị mất ngủ sẽ làm giảm trí nhớ, điều này có đúng không ạ?

Khi có yếu tố gây rối loạn giấc ngủ thì phải giải quyết để làm mất yếu tố này. Điều trị chứng mất ngủ nguyên phát là vấn đề khó khăn nhất của rối loạn giấc ngủ.

Điều trị bao gồm:

- Thư giãn tâm lý: Khi lên giường ngủ, không nên lo lắng, suy nghĩ hay làm gì khác.

- Cần bổ sung trong chế độ ăn cho những người bị mất ngủ các chất như Melatonin và L-tryptophan. Melatonin là một hormone nội sinh được sản xuất bởi tuyến tùng và nó giúp điều hòa giấc ngủ.

- Vệ sinh giấc ngủ: là các biện pháp tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ.

- Dùng thuốc: Chứng mất ngủ nguyên phát thường được điều trị với Benzodiazepin, Zolpidem, Zalepton và các thuốc ngủ khác. Các thuốc ngủ phải được dùng thận trọng. Nói chung, các thuốc ngủ không nên dùng quá 2 tuần vì có thể gây phụ thuộc thuốc.

Khi sử dụng một số thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ gây ra quên, giảm trí nhớ, đặc biệt là các thuốc có thời gian bán hủy dài. Triệu chứng quên sẽ trầm trọng thêm khi phối hợp với uống rượu. Ở các bệnh nhân cao tuổi, thuốc chữa rối loạn giấc ngủ có thể gây giãn cơ và gây té ngã.

Song song với điều trị bệnh chính, chúng ta có thể dùng những biện pháp như tâm lý trị liệu, thậm chí nếu như bệnh nhân vẫn chưa ngủ được sẽ được chỉ định dùng thêm các thuốc an thần, làm cho người bệnh đi vào giấc ngủ dễ hơn.

 

8. Phụ nữ có dự tính mang thai nên ngưng thuốc điều trị mất ngủ trong bao lâu? Phụ nữ đang cho con bú có uống thuốc điều trị mất ngủ được không ạ?

Về nguyên tắc, khi mang thai, tất cả những thuốc, ngay cả thực phẩm chức năng hay thuốc bổ… khi mang thai đều không nên dùng, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Đối với phụ nữ đang cho con bú mà sử dụng thuốc sẽ đi vào tuần hoàn máu của người mẹ và sẽ chuyển hóa qua tuyến sữa thì những em bé bú sữa với nồng độ chất an thần cũng sẽ ảnh hưởng đến đứa bé.
Nếu phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú gặp tình trạng mất ngủ thì tùy thuộc vào bản chất của giấc ngủ, nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ là gì và có tầm ảnh hưởng như thế nào đối với bệnh nhân thì lúc này bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau.

Phần tiếp theo: Phương pháp không dùng thuốc giúp dễ đi vào giấc ngủ

Những chia sẻ của TS.BS Đinh Vinh Quang - khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, đã giúp bạn đọc nhận biết các nguyên nhân gây mất ngủ ở người trẻ, người già, mất ngủ nên điều trị như thế nào. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080