Logo Bệnh viện Nhân dân 115
13/07/2018 12:25

TS.BS Đinh Vinh Quang giải đáp câu hỏi về bệnh nội thần kinh

TS.BS Đinh Vinh Quang, BV Nhân dân 115 giải đáp câu hỏi về bệnh nội thần kinh: phân biệt triệu chứng chóng mặt, bệnh động kinh chữa khỏi được không, mất ngủ ở người bệnh Parkinson giai đoạn cuối...

Đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, hay quên, liệt một bên mặt, run tay, tê tay chân, rối loạn vận động… có khả năng đây là biểu hiện của bệnh nội thần kinh. Nếu có những triệu chứng này, bạn có thể gửi câu hỏi đến Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn để được TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh tổng quát, BV Nhân dân 115 giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến chiều thứ 5 tuần này.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN
FB Huy Hoàng

Chào BS Quang,

Nhờ BS chỉ cho em biết cách phân biệt triệu chứng chóng mặt của hạ huyết áp, thiếu máu khác với chóng mặt do rối loạn tiền đình như thế nào? Chóng mặt do say xe có giống chóng mặt rối loạn tiền đình không ạ? Cảm ơn BS ạ!

TS.BS Đinh Vinh Quang

Chào bạn,

Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có thể do hạ huyết áp, thiếu máu hoặc rối loạn tiền đình. Chóng mặt muốn phân biệt là do nguyên nhân của bệnh lý nào phải hỏi bệnh sử, đo huyết áp, khám lâm sàng.

Nếu chóng mặt là do hạ huyết áp tư thế thì khi khám lâm sàng BS sẽ áp dụng một số nghiệm pháp để phát hiện bệnh, trong đó có cả việc đo huyết áp.

Nếu chóng mặt do thiếu máu thì phải có kết quả xét nghiệm cận lâm sàng.

Còn chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên sẽ có các triệu chứng cơ năng rõ ràng (chóng mặt nhiều, buồn nôn, nôn ói…) nhưng khi khám BS có thể sẽ không tìm thấy các triệu chứng thực thể nào.

Chóng mặt do say tàu xe là do hệ thống tiền đình hay còn gọi là hệ thống thăng bằng của c7 thể không được điều chỉnh để thích nghi kịp thời với những chuyển động của đầu khi chúng ta di chuyển trên tàu xe.

Để chẩn đoán phân biệt chóng mặt là do nguyên nhân gì, bạn nên đến BS để được khám và chẩn đoán một cách chính xác.


FB Thanh N.

Xin chào BS,

Nhờ BS tư vấn giúp, mẹ tôi 92 tuổi, mẹ mắc bệnh Parkinson 10 năm rồi. Mấy hôm nay mẹ tôi không ngủ được, đầu óc nóng nảy, hay hoang tưởng, huyết áp vẫn bình thường.

Mong BS chỉ cho tôi làm cách nào để mẹ tôi ngủ được? Xin cảm ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn,

Mất ngủ là một triệu chứng gặp trong bệnh lý Parkinson, đặc biệt là ở giai đoạn trễ. Để mẹ bạn có một giấc ngủ tốt, bạn nên cho mẹ bạn điều trị bệnh Parkinson một cách đầy đủ.

Bệnh Parkinson là bệnh lý trong đó có hiện tượng mất các noron thần kinh tiết Dopamin. Việc điều trị bệnh này có hiệu quả tốt hay không tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. 

Trong giai đoạn đầu, thuốc có tác dụng rất tốt, làm giảm hầu hết các triệu chứng của bệnh, bệnh nhân gần như bình thường trong mọi sinh hoạt, kể cả giấc ngủ ban đêm, giai đoạn này được gọi là giai đoạn “trăng mật”. 

Nhưng đến giai đoạn trễ, việc điều trị sẽ không còn được đáp ứng tốt như trong giai đoạn đầu, do đó, một số triệu chứng của bệnh kể cả mất ngủ sẽ không được cải thiện triệt để.


FB Ngọc H.

Cháu chào BS,

Cháu 28 tuổi. Cháu bị bệnh động kinh từ bé nhưng đến năm 18 tuổi cháu đỡ được 4 năm. Sau khi lấy chồng và sinh được 2 con thì bệnh của cháu tái phát và cứ nửa tháng lại bị co giật.

Bệnh này có thể chữa khỏi được không BS? Xin BS tư vấn giúp, giờ cháu nên làm gì? Cháu cảm ơn BS ạ!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào em,

Bệnh động kinh có thể có căn nguyên hoặc không có căn nguyên. Bệnh của em bị từ bé, không biết em đã đi khám và điều trị ở nơi nào hay chưa để tìm căn nguyên của bệnh. Nếu bệnh động kinh có căn nguyên thì phải điều trị theo căn nguyên mới đạt hiệu quả cao nhất, nếu không tìm được căn nguyên, khi có chỉ định dùng thuốc cũng sẽ phải điều trị bằng thuốc để ngăn ngừa cơn động kinh.

Về việc điều trị động kinh, khi đã có chỉ định dùng thuốc thì em phải dùng thuốc liên tục và đầy đủ, thời gian dùng thuốc ít nhất là 2 năm, sau đó có giảm hoặc ngưng thuốc được hay không tùy theo căn nguyên của bệnh mà BS điều trị sẽ quyết định giảm liều hoặc ngưng thuốc cho em.


Huỳnh Minh Quang - TP Đà Nẵng

Chào BS,

Cho em hỏi con em là bé gái, sinh non, hiện nay được 22 tháng tuổi, khi khám siêu âm, bé được chẩn đoán là không có vách trong suốt, thể chai bình thường. Bé vẫn phát triển bình thường, hơi nhẹ cân, thóp đầu vẫn chưa đóng hết.

Xin hỏi không có vách trong suốt có nguy hiểm không, có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé không ạ? Bệnh này chữa được không ạ. Xin cảm ơn BS.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Minh Quang thân mến,

Vách trong suốt là vách nằm giữa 2 não thất bên của não bộ.



Hiện nay, các nhà khoa học cũng chưa xác định 1 cách rõ ràng và chính xác về ảnh hưởng của vách trong suốt lên sự phát triển của bé. Vì vậy, bạn nên theo dõi sự phát triển của bé về thể chất cũng như trí tuệ. Nếu có bất thường, bạn nên cho bé đi khám ngay tại các trung tâm y tế có chuyên khoa Nhi.


Thao Nguyen - genzo...@gmail.com

Chào BS,

Em là nữ, 25 tuổi. Hiện tại làm nhân viên văn phòng và thường xuyên chịu nhiều áp lực căng thẳng trong công việc. Thường xuyên làm việc với máy vi tính.

Gần đây khoảng 1 tháng trở lại, em thường xuyên bị đau nửa đầu bên tay phải. Cảm giác đau và nặng cả vùng mắt và mặt bên phải. Cơn đau xuất hiện rõ nhất khi em tập trung làm việc.

Đồng thời em hay bị tê cứng chân tay bên phải, thường xuyên cảm giác bị choáng, đi loạng choạng và mất kiểm soát trong vài giây.

Em có đi khám thì BS chẩn đoán em mắc bệnh migrane. Em dùng thuốc được kê đơn điều đặn nhưng cơn đau vẫn xuất hiện.

Xin BS tư vấn giúp em. Em lo lắng mình bị tai biến hay là triệu chứng của đột quỵ vì trong gia đình, em có người thân bị đột quỵ và tai biến qua đời. Em chân thành cảm ơn!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào em,

Triệu chứng đau đầu của em thường đau bên phải và có kèm theo các triệu chứng như em mô tả, có thể gặp trong đau đầu migraine, đau đầu căng cơ, hoặc đau đầu trong các bệnh lý khác, nhưng đau đầu này của em ít nghĩ đến đau đầu do tai biến hay đột quỵ.

Đau đầu trong tai biến hay đột quỵ thường kèm thêm 1 số triệu chứng: buồn nôn, nôn ói, méo miệng qua 1 bên, yếu/liệt tay chân 1 bên,…

Để em bớt lo lắng về triệu chứng đau đầu của mình, em nên đi khám BS chuyên khoa thần kinh để có chẩn đoán xác định và điều trị đau đầu, đồng thời cũng kiểm tra các yếu tố nguy cơ của đột quỵ cho em.



Nguyễn Hoa - mixa...@gmail.com

Chào BS,

Em lúc đi ngủ thì toàn nghĩ đến chuyện vẩn vơ, hơn nữa không hiểu sao từ rất nhỏ cỡ 5 tuổi bụng em cứ nhột nhột. Ba em có dẫn em đi chụp X-quang lúc đó nhưng chẳng có cái gì hết. Chính vì nhột bụng xảy ra cộng với suy nghĩ vẩn vơ nên thường xuyên bị mất ngủ.

Em nghe nói mất ngủ sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ và độ minh mẫn. Vậy xin hỏi BS khi mà mình ngủ đầy đủ giấc rồi trí nhớ, và độ minh mẫn có phục hồi lại không ạ? Và cái nhột nhột ở bụng nó có vấn đề gì không ạ? Em cảm ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Bạn Nguyễn Hoa thân mến,

Trí nhớ và giấc ngủ có 1 mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi bạn ngủ đủ giấc sẽ tăng cường trí nhớ và ngược lại. Theo các nghiên cứu, các noron thần kinh chịu trách nhiệm về trí nhớ khi được kích hoạt sẽ làm cho chúng ta buồn ngủ và đi vào giấc ngủ, nên khi ngủ các noron thần kinh này phát huy tác dụng của nó. Vì thế, khi bạn ngủ đủ giấc trí nhớ và độ minh mẫn của bạn sẽ cải thiện tốt hơn.

Triệu chứng nhột nhột ở bụng của bạn đã có từ 5 tuổi nhưng khi khám “chẳng có cái gì hết” bởi vì X-quang không phát hiện được các bất thường về cảm giác. Triệu chứng này bạn mô tả không rõ ràng và cụ thể nên rất khó xác định là bạn bị bệnh gì và không thể nói có vấn đề gì hay không. Bạn nên đi khám lại để có chẩn đoán xác định.


Nguyễn Mai Phương - maiphuong...@gmail.com

Xin chào BS Quang,

Tôi có các triệu chứng bệnh như: đau đầu, choáng, khó ngủ, ê buốt 2 hàm răng cấm, tay run ít. Ngày 7/7/2018 tôi có đến Bệnh viện 115 khám bệnh. Kết quả chẩn đoán: Đau đầu căng thẳng. BS kê đơn thuốc cho tôi uống trong 10 ngày tái khám. Tính đến nay là 5 ngày uống thuốc chỉ giảm được khoảng 30%.

Vậy xin hỏi BS, triệu chứng bệnh nêu trên của tôi có phải là một trong số bệnh liên quan đến thần kinh không? Và nếu đến lần tái khám, tôi phải yêu cầu BS điều trị cho tôi làm xét nghiệm gì để biết rõ kết quả bệnh của tôi? Xin BS trả lời giúp tôi. Chân thành cảm ơn.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào chị Mai Phương,

Để việc điều trị đau đầu căng thẳng có hiệu quả tốt, chị cần phải có thời gian uống thuốc và chế độ sinh hoạt hợp lý. Đôi khi thời gian điều trị kéo dài vài tuần đến vài tháng. Chị được điều trị từ ngày 7/7 đến nay (12/7) là 5 ngày, các triệu chứng đã giảm được 30% cho thấy việc điều trị có kết quả khá tốt.

Khi đến ngày tái khám, BS khám và sẽ cho chị làm thêm cận lâm sàng nếu cần thiết, do đó chị không nên quá lo lắng phải yêu cầu BS điều trị cho chị làm thêm cận lâm sàng gì.

Thân mến!


Đinh Thị Thu Hằng, 28 tuổi - Đồng Nai

BS cho em hỏi,

Em hay bị đau đầu, thường đau bên trái nhiều hơn, mỗi lần đau là đau từ sau gáy rồi kéo lên đỉnh đầu, đôi lúc choáng. Mỗi lần đau là ôm đầu bóp hoặc đập vào đầu mới đỡ được chút ít.

Dạo gần đây là ngày nào em cũng bị đau, đi khám BS bảo là bị đường vận mạch máu lên não không đều, cho thuốc uống nhưng không thấy đỡ.

Không biết như vậy là em bị gì, có ảnh hưởng gì đến thị lực hay không nhưng đi khám mắt chỉ cận 0.5 độ mà đôi lúc mắt em bị nhòa không thấy gì.

Mong BS giải đáp dùm em. Em cảm ơn nhiều.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào Thu Hằng,

Triệu chứng đau đầu như em mô tả có thể gặp trong đau đầu migrane, đau đầu căng cơ, hoặc đau đầu trong các bệnh lý khác như: đau dây thần kinh chẩm, đau do thoái hóa cột sống cổ… vì vậy để có chẩn đoán xác định và điều trị tối ưu, em nên đi đến BS chuyên khoa thần kinh khám bệnh.


Nguyễn Văn Đạt, 38 tuổi - Vũng Tàu

BS cho cháu hỏi thăm,

Cháu bị trầm cảm, hồi hộp, sợ sệt nhưng cháu đã điều trị hơn 1 năm nay đã khỏi bệnh. Bây giờ chỉ có khó ngủ thôi. Cháu không thể ngủ được, rất khó ngủ, thức đến sáng nhưng không mệt mỏi.

BS cho cháu lời khuyên với ạ! Cháu cảm ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn Đạt,

Việc điều trị trầm cảm để bệnh thuyên giảm và hết các triệu chứng đôi khi cần có thời gian lâu dài, nên để điều trị trầm cảm hiệu quả, bạn phải điều trị một cách đầy đủ và kiên trì. Ngoài ra bạn nên tham gia các hoạt động xã hội, thể dục thể thao, ăn uống điều độ và ngủ đủ giấc.

Việc ngủ đủ giấc trong trầm cảm đôi khi cần đến sự hỗ trợ của thuốc, vì vậy, bạn nên được điều trị và theo dõi liên tục bởi BS chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần.


Kate Lora - TPHCM

Chào BS,

Em 25 tuổi. Hiện tại em bị chứng bệnh nhược cơ giai đoạn III, khó ăn-thở-nuốt-nhìn, khó khăn khi phải vận động tay chân, không còn đi đứng được, khó nói chuyện với mọi người, phải dùng thuốc mỗi ngày mỗi giờ. Hiện em được điều trị tại khoa nội thần kinh BV 115, đã có 6 lần nằm ở phòng bệnh nặng được BS ở đó chăm sóc đặc biệt, thở oxy, đặt ống thông dạ dày 2 lần.

Bây giờ em phải làm gì để có thể chống chọi với mọi thứ khi trường hợp xấu xảy ra đột ngột với mình? Rất mong BS Đinh Vinh Quang tư vấn về bệnh tình của em được không ạ? Xin cảm ơn BS.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn,

Bệnh nhược cơ được chia làm 4 mức độ từ độ I - độ IV tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong độ III, sự yếu cơ ảnh hưởng đến các cơ như cơ hô hấp, các cơ vùng hầu họng,… nên bạn dễ bị sặc khi ăn uống, viêm phổi, khó thở, yếu chi…

Để cải thiện sức cơ, bạn nên uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của BS, tái khám định kỳ hoặc khi có các triệu chứng bất thường như: khó thở, yếu chi nặng hơn, ăn uống bị sặc nhiều…

Đồng thời, bạn nên tập hít thở sâu, vật lý trị liệu, vỗ lưng để tránh ứ đọng đàm nhớt gây viêm phổi, tránh 1 số thuốc làm nặng tình trạng liệt cơ như một số thuốc kháng sinh. Tốt nhất bạn không nên uống thuốc mua ở tiệm thuốc tây mà không có chỉ định của BS điều trị chuyên khoa thần kinh.


Phan Minh Ánh - anhphan...@yahoo.com

Thưa BS Đinh Vinh Quang,

Năm nay tôi 60 tuổi. Tháng 5 vừa qua tôi bị nhồi máu não, chân tay bên phải yếu. Sau khi điều trị 10 ngày xuất viện về nhà tiếp tục uống thuốc theo đơn, đi bộ buổi sáng khoảng 45=>60 phút.

Hiện tại chân tay có dấu hiệu hồi phục tốt nhưng vẫn thấy trong người như mất thăng bằng, như vậy thời gian bao lâu thì hết tình trạng này thưa BS? Xin cảm ơn BS.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào chị Minh Ánh,

Nhồi máu não là tình trạng mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn, do đó các tế bào não được cấp máu bởi động mạch bị tắc nghẽn sẽ bị tổn thương và chết, dẫn đến một phần cơ thể do những tế bào não đó chi phối bị mất chức năng như yếu tay chân, mất thăng bằng, méo miệng…

Để đánh giá sự hồi phục trong điều trị nhồi máu não, cần thời gian ít nhất là 3 tháng, đôi khi các triệu chứng trong nhồi máu não sẽ không hồi phục và để lại di chứng vĩnh viễn. Để việc hồi phục được tiến triển tốt hơn, chị cần điều trị, uống thuốc đầy đủ, kết hợp tập vật lý trị liệu…


Phan Sĩ Đức - phansi...@gmail.com

BS ơi,

Em khó ngủ, ngủ hay tỉnh giấc và rất khó ngủ trở lại. Thỉnh thoảng đầu có hiện tượng đau nhói nhói một tí. Em mất ngủ cũng hơn 5 tháng rồi. Xin BS tư vấn điều trị ạ? Em cảm ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào Sĩ Đức,

Để điều trị mất ngủ được hiệu quả, cần thiết phải xem xét mất ngủ do nguyên nhân gì và điều trị các nguyên nhân đó, nhất là các nguyên nhân về tâm lý. Do đó, bạn nên đi khám để BS tìm được nguyên nhân gây mất ngủ cho bạn và có điều trị hợp lý.


Bi Bé - buzz...@gmail.com

Chào BS,

BS cho em hỏi tình trạng của em.

Em 29 tuổi. Vài năm gần đây em cảm thấy trí nhớ em giảm đi mất tập trung và hay quên trước quên sau. Khoảng nữa năm trở lại đây em còn có triệu chứng là hay nói bậy.

Ví dụ là em muốn nói cái thau màu xanh thì em lại nói cái thau màu đỏ. Em muốn nói khai trương mà em lại nói là khánh thành. Em cộng các con số ra kết quả là đúng mà em lại nói sai (5+6=11 mà em lại nói là 10, nhưng em biết nó là 11 nhưng lại nói thế... còn nhiều lắm).

Dạo gần đây em hay suy nghĩ nhiều rồi nhức đầu. Em không biết mình sao nữa.

BS cho em biết là em mắc bệnh gì không ạ? Nếu đi TPHCM thì em nên khám ở đâu (em ở Bạc Liêu). Mong các BS hồi âm. Xin chân thành cảm ơn BS.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn,

Năm nay bạn 29 tuổi, hay bị nhầm lẫn, nói bậy, đau đầu nhưng bạn không mô tả rõ về triệu chứng đau đầu nên BS không thể xác định nguyên nhân đau đầu của bạn là gì. Bạn nên đi khám ở các BV có chuyên khoa thần kinh như BV Nhân dân 115, BV ĐH Y dược TPHCM…


Hồ Thị Thảo - thaotrang...@gmail.com

Chào BS,

Em bị bệnh ngưng thở khi ngủ, khó ngủ và mất ngủ hàng ngày và diễn ra lâu năm rồi ạ.

Em không mập, không ngáy khi ngủ, không bị stress cuộc sống hay dùng chất kích thích nhưng ngủ rất ít. Xung quanh có tiếng ồn nhẹ là tỉnh giấc không ngủ lại được. Cơ thể thấy rất mệt mỏi. Đặc biệt là ngưng thở khi ngủ.

Vậy cho em hỏi là em bị về bệnh gì và cách chữa trị như thế nào, chi phí điều trị là khoảng bao nhiêu ạ? Cảm ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Bạn Thảo thân mến,

Ngưng thở khi ngủ là bệnh trong khi ngủ bạn bị một hoặc vài cơn ngưng thở. Ngưng thở khi ngủ được chia làm 3 loại: ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương, ngưng thở phối hợp cả 2 loại trên.

Ngưng thở tắc nghẽn là do đường thở bị nghẽn gây ngưng thở. Ngưng thở trung ương là khi não không chỉ huy được các cơ quan kiểm soát thở.

Để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, BS sẽ chẩn đoán cho em bị loại nào và sẽ có điều trị theo nguyên nhân đó.


Mai Le - ngocmai...@gmail.com

Chào BS,

Em tên Mai, 25 tuổi, khoảng 3 năm trở lại đây em cảm giác như trí nhớ của mình giảm sút rất nhiều, em rất hay quên, đặc biệt là khoảng nữa năm trở lại đây em cảm nhận được trí nhớ đã giảm đi khoảng 40% vậy.

Em sinh con bé đã được 16 tháng nhưng được 2 bên ông bà nội ngoại trông nom từ lúc sinh đến giờ nên cũng không quá bị áp lực. Giờ em đã đi làm nhân viên văn phòng nhưng công việc cũng thoải mái, chuyện gia đình em thì mọi chuyện vẫn ổn hạnh phúc, sức khỏe của em thì bình thường không mắc bệnh gì.

Thi thoảng em cũng có bị đau đầu, dạo gần đây có khi em đi đến nhà chơi mà hỏi gia đình bạn ăn cơm chưa tới 3 lần mà không hề nhớ mình đã hỏi cách đó không lâu 2 lần rồi.

Trong công việc thì em cứ nhớ lộn xộn tùm lum địa chỉ với tên công ty và gần như quên rất nhiều trong công việc, thậm chí đến tên một số người bạn em cũng phải suy nghĩ chút mới nhớ ra.

Em rất hoang mang không biết nên khám gì và uống thuốc gì? Mong BS tư vấn giúp em, xin cảm ơn!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Mai thân mến,

Trí nhớ sẽ giảm sút theo tuổi tác, càng lớn tuổi trí nhớ chúng ta sẽ càng suy giảm. Đặc biệt khi trên 60 tuổi. Khả năng nhớ tùy thuộc vào một số yếu tố như: thể chất, trí não, sự tập luyện bao gồm tập luyện về trí nhớ cũng như thể chất.

Năm nay bạn 25 tuổi nhưng theo bạn đánh giá, trí nhớ đã giảm đi khoảng 40%, như vậy có vấn đề về trí nhớ của bạn. Bạn nên đi khám BS chuyên khoa thần kinh để được đánh giá mức độ suy giảm trí nhớ của bạn theo các thang điểm cụ thể để có chẩn đoán và điều trị chính xác.


Ng. Thị Thanh Kiều - ntk...@gmail.com

Xin chào BS,

Xin nhờ AloBacsi giải đáp giúp tôi: Tôi nghe nói hiện nay có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho những bệnh nhân có nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Xin tư vấn giúp tôi nơi tiêm, chi phí, và cần tiêm bao mũi, thời gian ngăn ngừa là bao năm?

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào Thanh Kiều,

Đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý về máu…

Đột quỵ gồm 2 thể: nhồi máu não (khi mạch máu não bị tắc nghẽn) và xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ). Khi đột quỵ nhồi máu não xảy ra, một số phương pháp để làm tái thông mạch máu như tiêm thuốc, dùng dụng cụ lấy huyết khối… như vậy, sau khi bị nhồi máu não mới có thuốc tiêm để làm thông mạch máu.

Hiện nay không có thuốc tiêm ngừa đột quỵ cho những bệnh nhân có những nguy cơ dẫn đến đột quỵ, chỉ có những thuốc để điều trị các yếu tố nguy cơ như: bệnh lý tim mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường… mà thôi.


Nguyễn Thị Thắm - Hà Nội

Chào BS Quang,

Tôi 38 tuổi, bị đau đầu, đã chẩn đoán bị cường giao cảm, rối loạn vận mạch não, có thỉnh thoảng điều trị thuốc. 2 năm trước đã chụp CT não không sao.

Tôi xét nghiệm định lượng Estradiol là 473.7 pmol/L, vậy chỉ số của tôi có cao và có khả năng bị u não không? Xin BS cho tôi lời khuyên.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào chị Thắm,

Chị bị đau đầu đã được chẩn đoán là do rối loạn vận mạch, đã được chụp CT não không phát hiện bất thường, do đó hiện tại chị không bị u não. Còn việc sau này chị có u não hay không thì không thể xác định được. Chị nên điều trị rối loạn vận mạch và theo dõi định kỳ để có thể phát hiện những bất thường trong não 1 cách sớm nhất.



Laboon - vlxd...@gmail.com

Thưa BS,

Em bị tai nạn 7 năm trước, sau đó BS báo em bị chấn thương dây thần kinh số 2, thị lực 1 bên em mất hoàn toàn.

Cho em hỏi là đến giờ đã có phương pháp nào điều trị chưa? Em xin cảm ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào em,

Em đã bị tai nạn 7 năm trước và bị chấn thương làm mất thị lực 1 bên hoàn toàn nên hiện tại rất khó để điều trị hồi phục. Chúc em luôn khỏe và lạc quan.


M. T. Huỳnh Trang - TP.HCM

Xin chào BS,

Tôi bị rối loạn tiền đình và đi xe luôn bị say xe rất nhiều nếu không dùng thuốc say xe. Nhưng không biết có phải thời gian sử dụng thuốc say xe quá nhiều nên tác dụng phụ xảy ra không? Nếu có hôm tôi đi xe mà không sử dụng thuốc say xe thì triệu chứng càng nặng hơn. Hầu như sau chuyến đi tới nơi người mềm nhũn.

Tôi có đang sử dụng Tanakan và Neurobion nhưng lại xuất hiện thêm triệu chứng thức giấc nửa đêm kèm hồi hộp. Tôi từng chụp cả MRI nhưng chẩn đoán là bình thường.

Mong BS chẩn đoán về cách điều trị tốt nhất! Xin cảm ơn.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Huỳnh Trang thân mến,

Theo như bạn mô tả và đã chụp MRI não chẩn đoán là bình thường, tôi nghĩ bạn bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, nhưng để chẩn đoán xác định, BS cần phải khám lâm sàng cho bạn. Để được điều trị tốt nhất, bạn nên đi khám BS chuyên khoa thần kinh.


Đ. Văn Hà - daov...@...vn

Thưa BS,

Dấu hiệu cơn thiếu máu não thoáng qua cần khám như thế nào để phát hiện bệnh sớm? Cảm ơn BS.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn Hà,

Cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ xảy ra đột ngột với 1 hoặc vài triệu chứng như: méo miệng, nói khó, yếu liệt nửa người… Để phát hiện sớm nguy cơ bạn có bị cơn thiếu máu não thoáng qua hay không, bạn nên tầm soát và điều trị các yếu tố nguy cơ như: bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,…


Nguyen Ngoc Truc, 47 tuổi

BS cho tôi hỏi,

Bị chèn ép dây thần kinh ngoại biên số 7 có cách nào không mổ mà có thể chữa hết không? Cảm ơn BS rất nhiều!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn Ngọc Trúc,

Tùy thuộc vào dây thần kinh số 7 ngoại biên bị chèn ép do nguyên nhân gì, có do chấn thương hay không mà sẽ có phương pháp điều trị tương ứng, có thể mổ hay không phải mổ.


Tâm Nguyễn - friendship...@gmail.com

Chào BS,

Cháu 15 tuổi. Từ trước đến giờ cháu luôn bị chóng mặt thậm chí là không nhìn thấy gì hết mỗi khi cúi xuống 1 lúc rồi lại đứng lên.

Nhưng từ năm ngoái đến bây giờ cháu còn bị thêm cả chứng mất tập trung nữa, đầu óc cháu không thể tập trung vào 1 vấn đề nào được, cứ luẩn quẩn giai điệu bài hát hoặc bộ phim.

Cháu có đi khám thì não cháu không bị làm sao cả, BS chỉ bảo cháu bị thiếu máu lên não và cháu uống thuốc nhiều rồi nhưng vẫn không khỏi.

Cháu phải làm sao bây giờ? Mong bác giúp đỡ!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào cháu,

Năm nay cháu đang ở độ tuổi 15, cháu hay bị chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế, hay mất tập trung… và đã đi khám, điều trị nhưng không biết thời gian điều trị của cháu là bao lâu, có được theo dõi điều trị chặt chẽ hay không? Tốt nhất cháu nên đi khám lại và được theo dõi bởi 1 BS chuyên khoa thần kinh, cháu nhé.

 
Wan Ying - Hà Nội

Chào BS,

Mẹ tôi 70 tuổi, có tiền sử huyết áp cao, (không bị tiểu đường và mỡ máu). Hàng ngày vẫn uống thuốc huyết áp.

Một hôm mẹ tôi có vấn đề về gia đình nên tâm lý bị ảnh hưởng và gây tăng huyết áp (tự đo ở nhà là 190). Gia đình cho uống ngay 1 viên hạ huyết áp, nhưng do mẹ tôi đau đầu dữ dội nên gia đình khẩn trương đưa vào BV (từ lúc khởi phát đến lúc vào viện là 3 tiếng).

Sau chiếu chụp BS kết luận có tổn thương nhẹ (mẹ tôi chỉ bị đau đầu dữ dội, không có biểu hiện khác về đột quỵ như nhận thức, hay méo miệng) sau 2 hôm thì mẹ tôi khá hơn và đi lại ăn uống đã bình thường.

Câu hỏi tôi muốn hỏi chương trình như sau: Tôi có tìm hiểu xem cách sơ cứu đối với người bị tai biến mạch máu não (TBMMN) thì thấy nhiều bài báo có nói đến việc không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp trong khi chờ xe cấp cứu.

Tôi rất chú ý đến chi tiết này (các chi tiết khác tôi hiểu và không đề cập). Người ta giải thích là có thể TBMMN do tắc nghẽn hoặc do xuất huyết não. Nếu do tắc nghẽn mà uống hạ áp thì gây nguy hiểm hơn. Điều này tôi đồng ý.

Nhưng trường hợp mẹ tôi là tiền sử huyết áp cao, không bị mỡ máu. Do cảm xúc quá nên gây tăng huyết áp đột ngột thì liệu có được dùng thuốc hạ áp trước khi chuyển đi bệnh viện hay không?

Xin BS làm rõ giúp tôi vấn đề đó. Chân thành cảm ơn!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn,

Bạn đã biết tai biến mạch máu não có 2 thể là nhồi máu não (80% trường hợp) và xuất huyết não (20% trường hợp). Nhồi máu não là khi mạch máu não bị tắc nghẽn và xuất huyết não là khi mạch máu não bị vỡ.

Trong nhồi máu não, các tế bào não do vùng chi phối của động mạch bị tắc không được cung cấp máu nên nếu để huyết áp hạ thấp, các tế bào này sẽ bị thiếu máu nhiều hơn, làm nặng thêm tình trạng tổn thương tế bào não. Do vậy, không nên tự ý dùng thuốc hạ huyết áp sau khi bị nhồi máu não.

Trong trường hợp xuất huyết não, nếu huyết áp quá cao, có thể gây ra tình trạng máu tiếp tục chảy và làm tăng thể tích máu tụ trong não nên BS sẽ điều trị huyết áp để về mức tối ưu (khoảng 140/90mmHg). Nhưng nếu điều trị huyết áp xuống quá thấp sẽ làm nặng thêm tình trạng thiếu máu cho những tế bào não ở xung quanh khối máu tụ.

Do đó, bạn cần phải xác định là thể đột quỵ nào mới nên dùng thuốc hạ áp cho bệnh nhân trước khi được chuyển đến BV. Nếu không xác định được thể đột quỵ nào, bạn không nên tự ý dùng thuốc hạ áp, trừ trường hợp huyết áp quá cao.


Phan Thị Biên - bien...@gmail.com

Chào BS,

Em 35 tuổi, hơn nửa tháng nay em cảm thấy nặng ở trán cảm giác hai mắt thấy rất nặng như muốn sập xuống vậy, cảm giác lâng lâng lan ra cả trên đỉnh đầu, đôi lúc thấy buồn nôn.

Xin hỏi BS em bị bệnh gì ạ? Em cảm ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn,

Bạn bị nặng ở trán kèm theo cảm giác lâng lâng trên đầu, đôi lúc buồn nôn nên bạn phải đi khám bệnh để BS xác định bạn bị đau đầu thuộc nhóm nào (đau đầu nguyên phát hay thứ phát), lúc đó BS mới xác định bạn bị bệnh gì và có hướng điều trị cho bạn.


Nguyễn Thanh Toàn - toan...@gmail.com

Xin chào BS,

Tôi đôi lúc bị xanh mặt một cách bất ngờ, tim đập nhanh, thở không sâu, tay chân cảm giác bị tê. Nhưng thường khoảng 15 phút sau đó thì tôi lại bình thường.

Trước đây 2 năm thì tôi có bị 3 con ong chích vào đầu. Khi chích thì tôi ra rất nhiều mồ hôi, và ngất đi rất nhanh sau đó tỉnh lại. Và sau đó có 2 lần tôi bị ngất (đang đứng thì bị ngã, và tỉnh sau đó).

Mỗi lần tôi mệt là có đi khám, nhưng khi tới bệnh viện thì mọi thứ lại bình thường. Chụp X-quang đầu, X-quang phổi, đo điện tâm đồ thì BS bảo là bình thường hết nên họ không tìm ra nguyên nhân. Có người nói tôi bị đột quỵ nhẹ.

Xin BS tư vấn, tôi nên đi khám ở đâu hoặc cần phải làm gì để có thể phát hiện được bệnh? Xin chân thành cảm ơn.

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Chào bạn Toàn,

Theo như các triệu chứng bạn mô tả ở trên thì bạn có thể bị 1 trong 2 nhóm bệnh lý về thần kinh hoặc tim mạch. Bạn nên đi khám ở BV đa khoa nơi có 2 chuyên khoa trên để BS xác định bệnh cho bạn (BV Nhân dân 115, BV ĐH Y dược, BV Nhân dân Gia Định…). Tại đây các BS sẽ cho bạn làm cận lâm sàng tương ứng để tìm ra bệnh cho bạn.


Võ Thị Thanh Thủy - thanhth...@gmail.com

Chào BS,

Con trai của em năm nay 4 tuổi, cháu đã đi khám tại TPHCM, BS cho cháu đo đa ký giấc ngủ và chẩn đoán cháu bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Phương pháp điều trị: thở máy CPAP. Vậy BS cho em hỏi thời gian bao lâu thì mình cai được máy đó? Hiện tại cháu nặng 16kg. Cảm ơn BS!

TS.BS Đinh Vinh Quang 

Thanh Thủy thân mến,

Thời gian điều trị cho cháu bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bằng phương pháp thở máy áp lực dương liên tục tùy thuộc vào đáp ứng của cháu và sự quyết định của BS theo dõi điều trị cho cháu.


Hoài An - bexiu...@gmail.com

Chào BS,

Bạn em bị suy nhược thần kinh, BS có kê cho Olanzapine 5mg ngày uống 1 viên. Bạn em uống được tháng rưỡi và bây giờ giảm xuống 1/2 viên.

BS cho em hỏi khi sử dụng thuốc này lâu ngày có gây phụ thuộc thuốc không ạ?

TS.BS Đinh Vinh Quang

Chào em Hoài An,

Olanzapine là thuốc nhóm tâm thần kinh nên việc dùng thuốc và điều chỉnh liều lượng của thuốc phải do BS điều trị quyết định. Bạn của em không nên tự ý giảm hoặc ngưng thuốc đột ngột vì sẽ làm xuất hiện lại các triệu chứng của bệnh, phải dùng thuốc trở lại và gần như phải lệ thuộc thuốc.

Do đó, bạn của em phải được theo dõi và điều trị bởi BS chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần để có liệu trình giảm và ngưng thuốc hợp lý.


Lương Thị Dung - luongt...@gmail.com

Chào BS,

Tôi đã bị chảy máu dưới nhện tính đến nay hơn 4 tháng.

Sau điều trị 20 ngày tái khám chụp lại não không có tổn thương gì nữa nhưng tôi luôn mang tâm trạng bất an căng thẳng chán nản, u uất như không có lối thoát.

Khi ngồi làm việc phải phân tích dữ liệu kế hoạch đầu óc cứ bì bì nặng trĩu.

Tôi muốn hỏi với bệnh của tôi cần phải làm gì và bao nhiêu thời gian tôi mới hết mệt mỏi chán chường trở lại như trước?

Rất cảm ơn và xin BS tư vấn cho tôi thoát khỏi bệnh tình với ạ.

TS.BS Đinh Vinh Quang

Chào bạn Dung,

Chảy máu dưới nhện là 1 dạng tai biến mạch máu não, là một sang chấn (stress) đối với cơ thể nên sau khi bạn bị chảy máu dưới nhện, bạn sẽ bị tâm trạng bất an, chán nản, u uất… các biểu hiện này là triệu chứng của trầm cảm, do đó bạn phải được điều trị đầy đủ và hợp lý.

Thời gian điều trị có thể phải kéo dài và tùy thuộc vào cơ địa mỗi bệnh nhân, không thể xác định thời gian chính xác bạn hết mệt mỏi, chán chường và trở lại như trước được.


Đức Mạnh - Quảng Trị

Xin chào BS Quang,

Nhờ BS giải đáp giúp em thắc mắc về triệu chứng: Thường xuyên nặng đầu, buồn ngủ, mất tập trung, cơ thể mệt mỏi, không nhớ được nhiều về chuyện xảy ra trong quá khứ. Liệu em có thể mắc bệnh gì ạ? Cám ơn BS.

TS.BS Đinh Vinh Quang

Chào Đức Mạnh,

Theo bạn mô tả, các triệu chứng của bạn có thể gặp trong rất nhiều bệnh: rối loạn lo âu, trầm cảm, suy nhược thần kinh, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn dạng tâm thể... Để xác định bạn mắc bệnh gì, bạn nên đi khám BS chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần.

Chúc bạn mau chóng xác định bệnh và điều trị hiệu quả để có cuộc sống vui khỏe. Thân mến!

LỊCH TƯ VẤN TUẦN 2 THÁNG 7 CỦA ALOBACSI

Chiều tối thứ 2: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát

Chiều tối thứ 3: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát

Chiều thứ 5: BS trưởng khoa Nội thần kinh BV Nhân dân 115 tư vấn trực tuyến

Chiều tối thứ 5: BS Lan Hương tư vấn nội tổng quát

Chiều tối thứ 6: BS Tố Uyên tư vấn nội tổng quát

Sáng thứ 7: BS Đoàn Mạnh Khải tư vấn làm đẹp

Ghi chú: Trước mỗi buổi tư vấn AloBacsi sẽ đăng số điện thoại BS trực và khung giờ cụ thể tại mục Chat với bác sĩ và fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời, mời quý bạn đọc theo dõi.

Kênh thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080