Logo Bệnh viện Nhân dân 115
18/08/2017 20:56

Thủng ruột, thủng mạch máu... chỉ vì hóc xương cá

Mới đây, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận một ca cấp cứu bị thủng ruột da xương cá. Đây là trường hợp của bệnh nhân H.T. (Nam giới, 25 tuổi) được nhập viện vì đau bụng và sốt.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp và được chỉ định nội soi cắt ruột thừa. Sau khi bơm hơi và đặt ống soi quan sát khoang bụng, bác sĩ nhận thấy ở thành ruột có một tổ chức mô hạt xùi lên; ở giữa tổ chức mô hạt này nhô ra một dị vật. Khoang bụng sạch và ruột thừa được nhận định là bình thường.

Vị trí thủng ruột, thủng mạch máu của anh H.T. được các bác sĩ gắp dị vật

Dị vật được gắp ra khỏi thành ruột và đó là một mẩu xương cá có chiều dài khoảng 3 cm. Mẩu xương cá được lấy ra ngoài. Thành ruột, nơi có mô hạt viêm và mẩu xương cá xuyên qua, được khâu vùi bằng kĩ thuật nội soi.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển khá tốt và sau 6 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được xuất viện.

Theo ThS.BS Trần Thanh Hiền - khoa Ngoại tổng quát - Bệnh viện Nhân dân 115: Xương cá là dị vật thường gặp nhất của ống tiêu hóa. Chỉ một phần nhỏ các trường hợp xương cá bị mắc kẹt lại ở trên đường di chuyển của nó sau khi bị nuốt vào. Sự mắc kẹt của xương cá có thể gây ra những biến chứng trầm trọng, thậm chí có thể tử vong.

“Hầu hết các trường hợp nuốt xương cá là vô ý. Yếu tố nguy cơ lớn nhất của nuốt nhầm xương cá là có răng giả. Răng giả làm giảm cảm nhận của màn hầu (khẩu cái mềm) đối với vật cứng, nhọn (xương cá) bị lẫn trong thức ăn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: ăn quá nhanh, người lớn tuổi, say rượu hay mắc bệnh tâm thần…” - ThS.BS Trần Thanh Hiền cho hay.


Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân H.T. hoàn toàn bình phục

Xương các có thể mắc kẹt ở bất kỳ vị trí nào trên đường đi của nó. Tuy nhiên, vị trí mắc kẹt thường gặp nhất là vùng hầu, ở vị trí ngang với tuyến hạnh nhân khẩu cái. Ở thực quản cổ, xương cá thường mắc kẹt ở ngang mức sụn nhẫn-giáp. Có thể thấy một quy luật chung của vị trí mắc kẹt của xương cá, đó là những chỗ hẹp tự nhiên trên đường di chuyển, nơi tiếp giáp giữa đoạn di động và đoạn cố định và nơi đường đi bị “cua” (cong).

Trong quá trình công tác, ThS.BS Trần Thanh Hiền gặp không ít tình trạng bệnh nhân bị phiền toái chỉ vì một mẩu xương cá. BS Hiền khẳng định: Xương cá tuy nhỏ, nhưng hậu quả của nó có thể rất lớn.

Xương cá nằm hoàn toàn trong thành của ống tiêu hóa. Phản ứng của mô đối với dị vật sẽ tạo ra một tổ chức hạt viêm bao phủ dị vật đó. Tổ chức viêm này đôi khi được chẩn đoán nhầm là u tân sinh. Thực tế, đã có nhiều trường hợp mắc xương cá trên bệnh nhân được chẩn đoán nhầm là ung thư lưỡi, có một khối u ở dạ dày hay ung thư tụy…

Xương cá gây thủng thành của ống tiêu hóa, dẫn đến nhiễm trùng khoang ngoài ống tiêu hóa, dẫn đến áp-xe cổ, áp-xe trung thất hay viêm phúc mạc toàn diện.

Nguy hiểm hơn, xương cá có thể gây thủng các mạch máu lớn lân cận như động - tĩnh mạch cảnh, động mạch chủ ngực, tĩnh mạch chủ bụng. Các biến chứng về mạch máu của xương các có dự hậu rất nặng nề và tỉ lệ tử vong rất cao.
Chẩn đoán biến chứng của mắc xương cá thường không thể dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Hầu hết bệnh nhân không nhớ về sự cố nuốt phải xương cá. Biểu hiện lâm sàng của biến chứng của mắc xương cá không đặc hiệu. Khi gây biến chứng ở khoang bụng, bệnh nhân mắc xương cá thường được chẩn đoán trước mổ là viêm ruột thừa hay viêm túi thừa.

ThS.BS Trần Thanh Hiền cũng khuyến cáo: Nếu bệnh nhân vô tình nuốt phải xương cá hoặc có những yếu tố nguy cơ thì nên đưa thẳng vào bệnh viện để được can thiệp. Bệnh nhân không nên sử dụng những phương pháp dân gian như: ngậm viên C sủi, nuốt một miếng cơm có kích thước lớn, uống nhiều nước, vuốt xuôi chiều họng… “Những cách làm này được cho phương pháp phản khoa học, không những không cứu vãn được tình hình mà đó có thể vô tình làm cho xương cá cắm sâu vào thành ruột, gây ra hậu quả nặng nề hơn” - ThS.BS Trần Thanh Hiền nhấn mạnh.

Theo Lê Bình

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080