Logo Bệnh viện Nhân dân 115
11/05/2019 17:58

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh hướng dẫn: Chăm sóc sau gãy xương thế nào là đúng cách?

Những thắc mắc về chăm sóc sau gãy xương được ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh - Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115 tư vấn sáng ngày 10/5/2019.

Chăm sóc sau gãy xương là một công đoạn kéo dài nhiều tháng. Sau khi xuất viện, nhiều vấn đề xảy ra khiến bệnh nhân và người nhà lúng túng khi không có bác sĩ ở bên: ăn uống thế nào giúp mau lành xương? bổ sung canxi bao lâu thì đủ? tháo bột rồi nhưng sao vẫn sưng nề? nối gân xong tay tê quá phải làm sao?…

Đến với chương trình giao lưu trực tuyến tuần này, ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh - khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc sau gãy xương để giúp bệnh nhân mau hồi phục.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

NỘI DUNG TƯ VẤN

PHẦN 1: Giải đáp chủ đề "Chăm sóc sau gãy xương thế nào là đúng cách?"

Sau một chấn thương dẫn tới gãy xương, việc đầu tiên bệnh nhân phải đối mặt là hiện tượng sưng đau. Xin hỏi BS, làm cách nào để giảm bớt sưng đau sau gãy xương ạ?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Thưa các bạn,

Sau khi gãy xương có tình trạng sưng đau là do chảy máu từ trong ổ gãy, đồng thời cơ chế chấn thương làm đụng, dập những phần mềm khiến bệnh nhân sưng đau vùng xương gãy.

Việc đầu tiên cần phải làm là cố định chỗ gãy để không cho máu tiếp tục chảy và chi đỡ đau, giảm phù nề.

Một số trường hợp sau khi mổ xương hoặc bó bột xong, bệnh nhân còn tình trạng phù nề hay sưng đau là do cơ chế ứ trệ tuần hoàn. Vì gãy xương kích thích máu đến nuôi ổ gãy nên khi máu lưu thông bị cản trở thì bệnh nhân dễ sưng đau hơn.

Để giảm bớt vùng sưng đau chi bị gãy thường có 2 cách:

- Cách thứ nhất, tập vận động sớm vì đó là sự co cơ, ép tĩnh mạch ngoại vi giúp máu trở về tim dễ dàng hơn, giảm sưng nề.

- Cách thứ hai, kê chi gãy cao hơn so với lồng ngực 20cm giúp sự lưu thông của tĩnh mạch trở về dễ dàng, bệnh nhân sẽ giảm sưng, đau.

Đối với trường hợp gãy xương kín, ngoài việc đau ổ gãy thì không có tình trạng đau vết thương. Còn gãy xương hở do gãy hở bên ngoài, có thể có nguy cơ nhiễm trùng nên trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhiều hơn.

Sau khi có vết thương ở chân, bệnh nhân đi lại sẽ bị sưng, nhưng khi nằm sẽ hết là hiện tượng bình thường, BS Mỹ Anh cho biết. - Ảnh tư liệu: Chân của bệnh nhân sau mổ nối gân 1 tháng.

Ở những người trải qua phẫu thuật nối thần kinh, thường bị mất cảm giác. Xin hỏi BS, tình trạng này bao lâu sẽ hết? Trường hợp nào phải tái khám trước hẹn để BS kiểm tra lại ạ?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Dây thần kinh gồm hai chức năng: cảm giác và vận động. Chức năng vận động thường được đánh giá bởi bác sĩ thăm khám và một phần bệnh nhân tự phát hiện. Còn các triệu chứng của phần cảm giác thì bệnh nhân sẽ tự phát hiện sớm.

Bệnh nhân có cảm giác tê bì là do việc tổn thương dây thần kinh, mức độ nhiều hay ít tùy thuộc vào vị trí tổn thương. Nếu tổn thương ở vị trí thấp (gần đầu ngón tay, chân) thì dây thần kinh sớm phục hồi hơn. Nếu tổn thương ở vị trí cao thì dây thần kinh phục hồi chậm hơn.

Tại mối nối khâu của dây thần kinh, sự hồi phục muốn qua được vị trí khâu nối đó thì bệnh nhân phải mất hết 6 tuần (1,5 tháng). Sau đó, với điều kiện lý tưởng sẽ tăng lên 0,7 - 1 mm mỗi ngày. Các bạn có thể tính từ vị trí tổn thương cho đến phần các bạn mất cảm giác, mỗi mm mỗi ngày và thời gian qua chỗ khâu nối 1,5 tháng thì đó chính là thời gian sẽ hết tê.

Dây thần kinh không phục hồi “một ngày một bữa” mà tính bằng đơn vị tháng nên không cần thiết tái khám trước hẹn. Các bác sĩ thường theo dõi mỗi tháng, do đó các bạn nên đến găp bác sĩ mỗi tháng 1 lần để bác sĩ đánh giá sự hồi phục của dây thần kinh.


Sau gãy xương, bệnh nhân nên ăn uống như thế nào để vết thương mau lành, thưa BS? Có cần bổ sung viên canxi không ạ, và bổ sung bao lâu thì dừng?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Hiện tại, đối với gãy xương không có chống chỉ định bệnh nhân ăn uống chất nào, bỏ chất nào. Tuy nhiên, bệnh nhân gãy xương cần nhiều nguyên liệu hơn so với người bình thường để sự lành xương diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là các chế phẩm chứa canxi.

Việc bổ sung viên uống canxi bằng viên uống là điều cần thiết vì bổ sung bằng đường ăn uống là chưa đủ. Khi nào đánh giá sự lành xương diễn ra hoàn tất và xương vững chắc thì không cần bổ sung canxi nữa.

MC Mỹ Thi trao đổi cùng ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh sáng 10/5/2019 để gửi phần tư vấn hữu ích nhất đến bạn đọc AloBacsi

Khá nhiều bạn đọc AloBacsi băn khoăn vì nghe nói việc quan hệ tình dục sẽ khiến cho vết thương lâu lành. Theo BS điều này có đúng?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Câu hỏi này rất nhạy cảm, chẳng có sách vở nào đề cập đến nhưng rất thực tế vì nhiều bệnh nhân cũng hỏi tôi như vậy.

Theo quan điểm của tôi, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục trong trường hợp vết thương đã lành, không còn chảy máu, gãy xương đã hồi phục và không còn cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, làm sao cho chuyện quan hệ không ảnh hưởng tới vấn đề gãy xương (ví dụ bệnh nhân chống tay, chống chân làm gãy thêm thì điều đó không tốt) và tùy tình trạng sức khỏe của bản thân.

Một số trường hợp, quan hệ tình dục giống như bài tập có thể kích thích sự lưu thông máu tốt hơn, kích thích hô hấp. Đặc biệt, sự khoái cảm người bệnh giảm đau đớn do trong não tiết Endorphins có tác dụng giảm đau.


Thuốc trị sẹo nên bôi lúc nào, thưa BS? Thuốc này bệnh nhân tự mua có được không? Và nên thoa bao lâu thì dừng?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Một vết sẹo được đánh giá ổn định hay không trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng. Thuốc điều trị sẹo có thể áp dụng sau khi bệnh nhân được cắt chỉ và vết thương lành thì có thể sử dụng được.
 
Trên thị trường, thuốc trị sẹo không cần phải theo sự chỉ dẫn của toa, bệnh nhân có thể tự mua thuốc. Nhưng để tốt hơn, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn. Thời gian sử dụng thuốc dao động từ 3-6 tháng.


Sau phẫu thuật kết hợp xương, nối gân, thời điểm nào bệnh nhân bắt đầu tập vật lý trị liệu ạ? Các bài tập có công dụng gì, mỗi ngày nên tập bao lâu? Nếu tập quá ít hay quá nhiều có hại gì không ạ?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Về phần đứt gân, sau khi khâu nối gân, các bác sĩ sẽ cho làm 1 cái nẹp bột để cố định lại hoặc sau khi vết thương ổn định sẽ được thay thế sử dụng các nẹp tập, bao gồm nẹp tập gân gấp và nẹp tập gân duỗi. Việc tập này nên tập càng sớm càng tốt. Trong trường hợp đứt gân, nếu tập không đúng, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị đứt gân lại.

Bệnh nhân nếu không được tập sớm sẽ có nguy cơ bị dính gân, làm hạn chế vận động, sau này tập lại sẽ rất khó khăn. Nên gặp bác sĩ để được hướng dẫn nẹp tập và các cách tập cụ thể.

Đối với trường hợp gãy xương, nếu đã được mổ phẫu thuật kết hợp xương vững chắc thì bệnh nhân nên tập vận động sớm. Nếu trong trường hợp bệnh nhân bó bột, bệnh nhân vẫn tập vận động, như gồng cơ trong bột để tránh tình trạng teo cơ. Nếu bệnh nhân tập muộn, các cơ sẽ teo và bệnh nhân tập đi lại sẽ rất khó khăn, kéo dài hơn.


Bao lâu sau khi gãy xương chân, bệnh nhân có thể tập đi được ạ? Thời điểm tập đi có khác nhau tùy theo vị trí xương gãy không? Nhờ BS hướng dẫn phương pháp tập đi đúng cách?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Đối với việc gãy xương chi dưới, việc đi lại đúng cách giúp bệnh nhân hạn chế được tình trạng té ngã và những biến chứng dài hay ngắn chi sau khi mổ kết hợp xương, đó là điều rất quan trọng.

Khi đứng trên 2 chân, trọng tâm của cơ thể sẽ nằm ở giữa nên khi đi lại bằng nạng, phải đi làm sao để nạng giữ trọng tâm ở tư thế thăng bằng, hạn chế té ngã và đi đúng cách. Chẳng hạn gãy xương chi dưới bên trái thì chân phải chịu lực trụ chính của cơ thể:

Khi bệnh nhân đi lại bằng 2 nạng cần chú ý, 2 nạng của hai tay mục đích là nâng đỡ chân đau, tức là chân trái, khi bệnh nhân chuẩn bị bước đi thì chân phải trụ, chân trái bước lên và 2 nạng của 2 tay đi theo chân trái để đỡ cho chân trái đang gãy. Khi đó, trọng tâm chân phải giở lên, chân trái kèm theo hai nạng để giữ thăng bằng.

Đối với trường hợp đi bằng 1 nạng, đa số bệnh nhân đi bên phải để cảm giác dễ chịu hơn nhưng khi đó làm nghiêng khung chậu và chi bên trái có cảm giác dài hơn.

Cách đi đúng đó là tay trái cầm 1 nạng vì nạng này sẽ hỗ trợ cho chân gãy. Chân đi đâu, nạng đi theo đó để hỗ trợ. Trọng tâm của người bệnh sẽ không bị lệch, làm biến dạng khung chậu hoặc vẹo cột sống.


Còn với người bị gãy xương đòn và xương tay, sau bao lâu họ có thể đi xe máy được, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Đi xe máy ở nước ta là một phương tiện rất phổ biến. Đối với trường hợp điều trị bảo tồn, tức bó bột hoặc mang đai thì việc di chuyển bằng xe sẽ không thuận tiện.

Sau khi tháo bột, bệnh nhân có thể đi xe máy với điều kiện các khớp của bệnh nhân hoạt động tốt, không có tình trạng cứng khớp, chân tay bệnh nhân sẽ linh hoạt.

Đối với những trường hợp kết hợp xương, lúc này tay vẫn hoạt động được, không gây cảm giác đau nhức. Vì vậy, bệnh nhân càng có xu hướng hoạt động sớm hơn. Tuy nhiên, sử dụng xe sớm hơn do lúc này toàn bộ lực chịu trên 1 cái nẹp nên nếu bệnh nhân hoạt động sớm thì tình trạng chạy bị rung và làm tuột các ốc vít ra. Vì thế, nếu muốn sử dụng xe gắn máy, đối với những trường hợp lành xương sớm nhất cũng nên đợi sau 2 tháng, tốt nhất nên sau 3 tháng để tránh làm bung các nẹp, vít.
 Bệnh nhân gãy xương đòn tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Hồng Nhung


Một số bệnh nhân bị sưng nề sau khi tháo bột, điều này có bình thường không ạ? Làm cách nào để giảm sưng nề? Trường hợp nào phải tái khám trước hẹn để BS kiểm tra lại ạ?


ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Sưng nề là một phản ứng của cơ thể khi có chấn thương, máu sẽ huy động tuần hoàn đến ổ gãy để nuôi ổ gãy.

Vì bó bột trong một thời gian dài, viêc lưu thông máu tĩnh mạch sẽ nhờ vào hai cơ chế, gồm: sự co cơ và áp lực trong lồng ngực. Đặc biệt là vùng chi dưới, ép những mạch máu và tĩnh mạch trở về tim và dẫn lưu.

Bó bột khiến chi chân không hoạt động, ít vận động cơ nên làm suy tĩnh mạch, làm hẹp hoặc làm teo nhỏ lại. Sau khi tháo bột, máu tuần hoàn nhiều trở lại nhưng hình dạng của mạch máu chưa trở lại bình thường dẫn đến tình trạng sưng sau khi hoạt động.

Các bác sĩ cần giải thích rõ cho bệnh nhân biết sau khi tháo bột, hoạt động trở lại, bệnh nhân sẽ bị sưng là tình trạng bình thường, không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhân sẽ sưng nhiều hơn, thậm chí bị viêm da, đỏ ửng. Những trường hợp này nên đến bác sĩ thăm khám. Để hạn chế sưng phù, tuyệt đối không nên xoa bóp dầu nóng tại khu vực đó. Cách tốt nhất là chườm lạnh.

 
Với phẫu thuật gắn nẹp vít để kết hợp xương, bao lâu thì bệnh nhân có thể tháo nẹp được? Nếu vì e ngại phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa mà bệnh nhân không tháo nẹp thì có ảnh hưởng gì không, thưa BS?

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Tình huống này có rất nhiều vấn đề để bàn bạc. Về mặt sách vở, các tác giả thường khuyên rằng, khi liền xương có thể lấy dụng cụ sau 1 năm đối với đinh nội tuỷ, 1,5 năm đối với nẹp vít.

Nhưng theo bản thân tôi nhận thấy, vì can xương trực tiếp nên thường để lâu hơn, có thể đến 2 năm, tránh trường hợp tháo nẹp vít ra sau đó bị gãy trở lại.

Thường ở những bệnh nhân trẻ, bác sĩ khuyên sẽ nên lấy ra vì phần vít được xem như vật lạ bên trong cơ thể, gây bất tiện chẳng hạn khi đi qua cửa an ninh nếu bạn thường xuyên đi máy bay.

Đối với một số trường hợp như những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi hoặc điều kiện bệnh nhân không cho phép mổ một cuộc phẫu thuật nữa, bác sĩ thường khuyên không nên tháo nẹp vít.


ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị chấn thương chỉnh hình, vi phẫu và phẫu thuật bàn tay, các bệnh lý thần kinh ngoại biên. BS Mỹ Anh còn được nhiều bệnh nhân khen ngợi vì đường mổ rất thẩm mỹ, sẹo mảnh như một nếp da.


PHẦN 2: Giải đáp thắc mắc của bạn đọc

Nguyễn Mai Sương, Quảng Bình

Bác sĩ ơi cho cháu hỏi với ạ,

Cách đây 7 tháng trước cháu bị gãy xương đùi phải và đã nẹp vít hồi phục lại bình thường nhưng sau 3 tháng bỏ nạng và bắt đầu tập đi nhắc nhắc được 10 ngày thì đã bị cong nẹp. Cháu đã đi khám và tiến hành ca mổ lại từ đầu lấy nẹp vít ra và bắt đầu đóng đinh nội tuỷ được 2 tháng rồi. Bây giờ cháu có thể đi lại được chưa ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Chào bạn,

Gãy thân xương đùi bước đầu điều trị đóng đinh sẽ vững chắc hơn.

Dùng nẹp vít có nguy cơ gãy nẹp hoặc cong nẹp nên phương pháp điều trị sau cùng mà các bác sĩ khuyên dùng là đóng đinh nội tủy. Sau 2 tháng, bệnh nhân có thể đi lại bằng 2 nạng với chân đau chịu lực 50%.

Tuy nhiên, vì bạn đã mổ 2 lần nên chất lượng xương tương đối kém nên khi đi bằng nạng tránh té ngã để hạn chế gãy xương hoặc gãy đinh.

Thân mến.

 
Ha Tran, thuha...@gmail.com


Em bị đứt dây thần kinh mác chung phẫu thuật nối lại được 2 tuần. Bàn chân em đã lắc ngang được nhưng gập lên phía cơ thể thì chưa được ạ.

Trường hợp của em bao lâu bàn chân mới gập lên phía cơ thể được ạ? Em có thể tháo nẹp ra và xoa bóp bàn chân rồi tập đi được chưa ạ? Xin bác sĩ tư vấn giúp em ạ. Em xin chân thành cảm ơn.

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Bạn thân mến,

Trường hợp của bạn đứt dây thần kinh mác chung sẽ làm bàn chân và các ngón chân không gấp được phía mu chân. Vì đã mổ được 2 tuần nên cần giữ nẹp thêm đến đủ thời gian 3 tuần, sau 3 tuần bỏ nẹp thì có thể tập vận động chủ động và thụ động cổ chân và bàn chân nhằm kích thích sự mọc của các dây thần kinh và tránh teo cơ.

Dây thần kinh mác chung đứt tùy vào vị trí mà thời gian phục hồi có thể dài hay ngắn. Nếu đứt càng cao phục hồi càng lâu. Tuy nhiên, việc khâu nối thần kinh tỉ lệ phục hồi không phải lúc nào cũng đạt được như mong muốn. Vì vậy, sau thời gian theo dõi, khoảng 6 tháng sẽ đành giá lại nếu không phục hồi, các bác sĩ sẽ làm phẫu thuật chuyển gân phục hồi ban đầu.

 
Lê Thị Thanh, Nghệ An

Bố em trước đây bị lao khớp háng, nay đi khám bác sĩ chẩn đoán bị tiêu chỏm khớp háng, mỗi lần thời tiết thay đổi đau nhức khó chịu, thấy bố đau đớn em càng thấy thương.

Em muốn đưa bố ra viện Việt Đức để thăm khám và được tư vấn xem có thể làm phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bố được không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em và nếu phẫu thuật thì bố em có được hưởng bảo hiểm không ạ?

 ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Chào bạn Thanh,

Lao khớp háng là tình trạng nhiễm trùng khớp do lại vi trùng đặc biệt là vi trùng lao, tiến triển của bệnh làm hoại tử chỏm xương đùi và ổ cối. Vì lao là vi trùng đặc biệt, phải dùng thuốc điều trị lao đặc hiệu đúng thời gian và đúng liều. Sau khi được các bác sĩ trung tâm lao kết luận là đã hết vi trùng lao thì bệnh nhân có thể phẫu thuật thay khớp háng.

Hiện tại, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đã được thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào giá thành của khớp háng nhân tạo và loại khớp có được thanh toán bảo hiểm y tế hay không.

Bạn nên gặp bác sĩ đã giải thích bạn phẫu thuật để tư vấn bạn cụ thể nhé!

Chúc bố bạn sớm bình phục.
 

Võ Minh Phúc, Q.4 TPHCM

Sau khi chụp X-quang và siêu âm thì bác sĩ bảo em bị:

1. Rách dây chằng sụn chêm trong đoạn chày.

2. Tụ dịch máu phía ngoài bao hoạt dịch dưới xương bánh chè gối phải nhưng em có thể co gối lại sát được, bác sĩ cho uống thuốc rồi về, 7 ngày sau tái khám.

Cho em hỏi uống thuốc có lành không, có cần phải phẫu thuật không? Tắm nước nóng hay lạnh thì tốt cho đầu gối, có cần phải sử dụng bao gối khi đi lại không? Em xin cảm ơn.


ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Chào bạn Minh Phúc,

Trường hợp của bạn nêu với chỉ xét nghiệm X-quang và siêu âm thì không đủ cơ sở để chẩn đoán rách sụn chêm, bạn cần chụp MRI khớp khối để xác định chẩn đoán.

Trong trường hợp bạn nêu, tôi nghĩ đó là tràn dịch khớp gối cụ thể là tràn máu thì trong khớp gối của bạn có thể đã tổn thương sụn chêm, dây chằng, xương… Vì vậy, bạn nên cần chụp MRI và nên mang nẹp gối khi đi lại.

Cách xử trí tốt nhất là nên kết hợp dùng thuốc và chườm đá lạnh vào gối mỗi ngày ít nhất 3 lần. Việc tắm nước nóng hay lạnh không ảnh hưởng đến tình trạng gối của bạn.

 
An Thanh - thanhan...@gmail.com

Tôi bị té gãy liên mấu chuyển xương đùi, đã mổ được 3 tháng, tập đi nạng hơn nửa tháng, chịu 1 phần trọng lượng cơ thể chạm đất.

Cho hỏi bao lâu tôi mới chạm chân hoàn toàn, trọng lượng cơ thể chạm đất và đi lại bình thường? Kính mong bác sĩ tư vấn giúp, thành thật cảm ơn.

ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh trả lời:

Bạn thân mến,

Trường hợp của bạn nêu, tôi không rõ mổ thay khớp hay đã kết hợp xương.

Nếu là kết hợp xương bằng đinh, nẹp vít, thì sau 3 tháng bạn có thể chống chân một phần trên nạng. Khi kết quả chụp X-quang lần gần nhất mà vùng ổ gãy có can thì bạn có thể chống chân nhiều hơn.

Nếu bạn được phẫu thuật thay khớp háng thì tùy tình trạng chất lượng và sự vững chắc của khớp được thay, bạn có thể đi lại chống chân nhiều hơn.

~~~~~~~~~
AloBacsi chân thành cảm ơn ThS.BS Nguyễn Văn Mỹ Anh đã chia sẻ những thông tin cụ thể về việc chăm sóc sau gãy xương, giúp bệnh nhân và người nhà biết cách xử trí đúng khi gặp tình trạng sưng nề, hiểu được phương pháp tập đi đúng và vận động trở lại sau phẫu thuật!

Thực hiện: Mỹ Thi - Phương Nguyên
Ảnh: Hoàng Long
Theo Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080