Logo Bệnh viện Nhân dân 115
25/08/2017 02:47

Tập huấn “Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết và Zika - Những điều cần biết”

Trước tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue diễn biến phức tạp, Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức tập huấn “Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết và Zika - Những điều cần biết” cho bác sĩ tại các khoa.
Chương trình tập huấn được tổ chức chiều 24/8 tại Hội trường bệnh viện với sự tham gia của hơn 100 bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2010 trên cả nước ghi nhận 128.831 ca sốt xuất huyết khiến 109 trường hợp tử vong. Tại miền Nam, có tới 80 ca tử vong trên 74.169 ca mắc, so với năm 2009: số mắc tăng 0,3% và thêm 6 bệnh nhân tử vong.

Quang cảnh lớp tập huấn “Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết và Zika - Những điều cần biết”

BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhân dân 115 nhắc nhớ và bổ sung các kiến thức về triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và xử trí sốt xuất huyết Dengue; hướng dẫn chẩn đoán phân biệt sốt xuất huyết với các loại sốt cấp tính; các biểu hiện sốc; nguyên tắc trong điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; phương pháp xử lý ca bệnh, kinh nghiệm điều trị hồi sức cho bệnh nhân…

BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới đang trình bày những kĩ năng tập huấn

Sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy việc điều trị cần dựa trên diễn biến lâm sàng và biến chứng của bệnh. Người bệnh mắc sốt xuất huyết nếu không được điều trị đúng cách hoặc không được điều trị kịp thời có thể gặp phải biến chứng như sốc, xuất huyết tiêu hóa, suy đa tạng... nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.

BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình khuyến cáo: nên tư vấn cho người bệnh khi sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, buồn nôn, nôn nhiều, có thể có xuất huyết trên da… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.


Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt; Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Diệt lăng quăng/bọ gậy; Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Thay nước bình hoa/bình bông. Phòng chống muỗi đốt như: Mặc quần áo dài tay, Ngủ trong màn/mùng, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, diệt muỗi...

Sơ đồ xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

Zika cũng là một loại bệnh được lây truyền qua đường muỗi chích. Mặc dù biến chứng bệnh không nguy hiểm như Sốt xuất huyết nhưng hậu quả để lại là nguy cơ mắc tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Vì thế, phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất.

Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.

“Đây là hoạt động thường niên của bệnh viện nhằm củng cố kiến thức trong điều trị, phòng ngừa bệnh được hiệu quả hơn. Mục đích của mỗi đợt tập huấn này là từ những học viên tham dự sẽ có những sự tập huấn tiếp theo cho những đồng nghiệp tại cơ quan, người thân, người dân trong khu phố...” - BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ.

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080