Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/10/2017 14:46

Tập huấn PCCC: Chỗ trú ẩn an toàn và cách phá cửa sổ hiệu quả

Buổi tập huấn phòng cháy chữa cháy tại Bệnh viện Nhân dân 115 gồm 4 nội dung: công tác phòng cháy, kỹ năng thoát hiểm, biện pháp chữa cháy và hướng dẫn sử dụng thiết bị phòng cháy chữa cháy mới.
Sáng 13/10, Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai tập huấn phòng cháy chữa cháy (PCCC) năm 2017 với sự tham gia của thành viên đội PCCC cơ sở tại mỗi khoa/phòng. Buổi tập huấn gồm 4 nội dung gồm: công tác phòng cháy, kỹ năng thoát hiểm, biện pháp chữa cháy và hướng dẫn sử dụng thiết bị PCCC mới.

Buổi tập huấn sáng 13/10 có nhiều kiến thức bổ ích về kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy
Ở phần kỹ năng thoát hiểm, hướng dẫn viên Lê Dương Linh đưa ra tình huống có hỏa hoạn ở tòa nhà cao tầng, mọi người làm cách nào để thoát hiểm?

Với tình huống này, chắc chắn mọi người không nên vào thang máy vì điện sẽ bị ngắt. Có thể dùng thang bộ, tuy nhiên, nếu cháy ở tầng dưới, thang bộ ngập khói, không đi xuống được thì làm sao?

Có ý kiến là nên chạy lên sân thượng, nơi đó thoáng khí, có thể đợi người đến cứu. Nhưng đây không phải là phương án hay, bởi cửa lên sân thượng thường khóa để chống trộm. Hơn nữa, khói hoàn toàn có thể bốc lên đến đây khiến mọi người chết ngạt khi mắc kẹt ở lối lên sân thượng. Điều đáng chú ý là 80% nạn nhân thiệt mạng trong hỏa hoạn là do ngạt khí độc.

Phương án tốt nhất theo hướng dẫn viên Lê Dương Linh là mọi người nên tập trung ở cách nơi đang cháy 2-3 tầng, đợi lực lượng cứu hộ. Nếu lên tầng cao hơn thì bạn sẽ được cứu chậm hơn.

Để tìm chỗ trú ẩn an toàn, mọi người nên chọn một căn phòng có cửa sổ. Sau đó dùng vải ướt chèn vào khe cửa để ngăn khói xộc vào phòng, hoặc bít khe cửa bằng băng keo. Nếu không có nước thì làm ướt vải bằng nước tiểu.

Nên ngồi gần cửa sổ, vì nếu bạn có bị ngất xỉu thì cảnh sát PCCC cũng dễ tìm thấy bạn hơn. Tuyệt đối không mở bất kỳ cánh cửa nào, kể cả cửa sổ vì lượng oxy tràn từ bên ngoài vào phòng có thể giúp bắt lửa gây cháy, hoặc khói tràn vào phòng. Chỉ khi nghe tiếng còi xe cứu hỏa, bạn mới mở cửa sổ.

Nhân viên y tế tập sử dụng búa thoát hiểm 4 trong 1
Tuy nhiên, cửa sổ ở các tầng cao thường là cửa kính liền kề, không mở ra được. Lúc này phải phá cửa. Nếu không có dụng cụ gì thì dùng mũi giày hoặc gót giày, chú ý nghiêng người và che mặt để tránh mảnh kính vỡ.

Nếu cửa sổ là kính cường lực thì sao? Cần có búa chuyên dụng để đập vỡ kính (“búa thoát hiểm” 4 trong 1) hoặc một vật dụng tương tự có đầu nhọn-nhỏ. Đập vào góc của tấm kính sẽ dễ vỡ nhất.

Búa thoát hiểm 4 trong 1
Sau khi phá cửa sổ, mọi người thường lập tức kêu cứu nhưng cách này không hiệu quả, bởi đám cháy rất ồn ào. Tốt hơn hết là dùng vải để vẫy hay dùng đèn pin, điện thoại để rọi, gây chú ý. Nếu có búa thoát hiểm thì cán búa chính là một chiếc đèn pin.

Hướng dẫn viên trình bày cách phân biệt các loại bình cứu hỏa và cách sử dụng phù hợp với mỗi loại bình
Để dập lửa thì cần nắm rõ nguyên tắc, một đám cháy có 3 yếu tố: nhiệt độ, oxy và vật liệu cháy. Chỉ cần loại bỏ một trong 3 yếu tố này, lửa sẽ tắt nhanh chóng. Trong đó, hiệu quả nhất là dùng bình cứu hỏa. Khi rút chốt bình cứu hỏa, nên dùng ngón giữa vì đó là ngón khỏe nhất của bàn tay.

Thành viên của các khoa/phòng của Bệnh viện Nhân dân 115 tham gia buổi tập huấn PCCC.
Kim Quy
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080