Logo Bệnh viện Nhân dân 115
08/03/2018 17:16

Sức khoẻ phụ nữ và bệnh thận

“Phụ nữ và bệnh thận” là đề tài được các bác sĩ khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân Dân 115 chọn để chia sẻ cùng thân nhân và bệnh nhân thận trong lần sinh hoạt thứ 3 năm 2018 của CLB bệnh nhân thận, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Buổi sinh hoạt đặc biệt này được tổ chức vào sáng ngày 7/3, tại hội trường bệnh viện với các nội dung hoàn toàn nói về sức khoẻ phụ nữ và bệnh thận, nhằm đề cao vai trò, quyền bình đẳng trong xã hội cũng như quyền được chăm sóc sức khoẻ của người phụ nữ.


Buổi sinh hoạt gồm 3 bài báo cáo với sự trình bày của các bác sĩ, BS.CK2 Lê Thị Hồng Vũ, BS Nguyễn Thị Tuyết Huyên và BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân Dân 115.

Mở đầu với chủ đề “Thận và sức khoẻ phụ nữ”, BS Hồng Vũ đề cập đến vấn đề mang thai và bệnh thận như thế nào?

Mang thai là giai đoạn thử thách đối với sức khoẻ của người phụ nữ. Bởi vì đây là thời kỳ nhạy cảm, những bệnh thận tiềm ẩn có thể khởi phát trong quá trình mang thai, các bệnh lý tự miễn, bệnh lý di truyền cũng có xu hướng bùng phát. Theo BS Hồng Vũ, khi mang thai mà có bệnh thận thì sẽ có những tác động không tốt đến người mẹ và thai nhi.


Đối với phụ nữ khoẻ mạnh khi mang thai thì thường gặp các rối loạn về thận như: viêm bàng quang cấp (biểu hiện là đi tiểu dắt, tiểu buốt nhiều lần, tiểu có đạm), suy thận cấp và tiền sản giật có nguy cơ dẫn đến sinh non và tử vong. Thai phụ nếu mắc bệnh, em bé có thể sinh non, nhẹ cân là yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh chuyển hóa, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch ở trẻ khi đến giai đoạn trưởng thành.

Ngược lại, khi phụ nữ đã mắc bệnh thận thì khả năng mang thai là rất khó, thậm chí là không thể có thai. Bệnh thận mạn tính dẫn đến rất nhiều rối loạn trong cơ thể, do đó khi mang thai ở bệnh nhân thận sẽ gây ra nhiều rối loạn, giảm chức năng thận và là yếu tố thúc đẩy dẫn đến suy thận mạn tính giai đoạn cuối và phải lọc máu sau này.

Tiến triển của bệnh thận mạn khi mang thai tuỳ thuộc vào độ nặng của bệnh thận sẵn có, tiên lượng thai tùy vào mức chức năng thận vào lúc bắt đầu có thai. Khi có thai, nếu bị tăng huyết áp, có tiền sản giật, protein niệu là các yếu tố nguy cơ làm cho bệnh thận mạn tiến triển ngày càng xấu đi.


Theo BS Hồng Vũ, để điều trị bệnh thận mạn khi có thai thì bệnh nhân phải phối hợp với bác sĩ theo dõi chặt chẽ từng giai đoạn, đo huyết áp hàng tuần, theo dõi chức năng thận mỗi tháng, theo dõi sự sống còn của thai nhi, duy trì chế độ ăn hạn chế muối, kiểm soát tốt huyết áp…

BS Hồng Vũ kết thúc bài báo báo bằng lời nhắn nhủ tới các chị em phụ nữ “Mỗi người cần yêu quý bản thân, cũng như trái thận của mình để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Tiếp theo, BS Nguyễn Thị Tuyết Huyên trình bày về “Sự so sánh giữa nam giới và phụ nữ trong vấn đề bệnh thận mạn”.

Bệnh thận mạn chiếm khoảng 1/10 dân số trên toàn thế giới, nguyên nhân có thể do: Yếu tố gia đình (gia đình có người bệnh thận); yếu tố sức khoẻ (có bệnh lý cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì,…); yếu tố chủng tộc (người Mỹ gốc Phi, dân tộc có nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường cao) và lối sống (dùng quá nhiều thuốc giảm đau, thuốc phiện).

Theo BS Huyên, bệnh thận mạn có tất cả 5 giai đoạn, tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh gồm: Bệnh nhân có tổn thương thận hoặc suy giảm chức năng thận và các chẩn đoán phải kéo dài thời gian bắt buộc là trên 3 tháng thì công nhận là bệnh thận mạn.


Sự khác biệt giữa nam và nữ trong bệnh thận mạn:

Tần suất mắc bệnh tự miễn xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam, tỉ lệ được lọc máu và làm cầu nối FAV ở phụ nữ thấp hơn nam giới, tỉ lệ được ghép thận ở phụ nữ ít hơn so với nam giới và đặc biệt, phụ nữ lại có khuynh hướng cho thận nhiều hơn. Từ đó cho thấy sự điều trị ở 2 giới vẫn còn chênh lệch.

Các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và xơ cứng bì hệ thống ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ và được đặc trưng bởi viêm hệ thống, dẫn đến rối loạn chức năng cơ quan đích, bao gồm thận.

BS Huyên đưa ra các khuyến cáo, bệnh nhân cần được chuyển đến chuyên khoa thận khi có những bất thường về nước tiểu, khi chức năng thận bị suy giảm < 30ml/phút hoặc những suy thận tiến triển nhanh > 5ml/phút/năm hoặc không giải thích được, tăng kali máu kéo dài, khi có các bệnh thận khác đi kèm như (sỏi, bệnh thận di truyền).

“Cách phòng ngừa tốt nhất là thay đổi lối sống lành mạnh, đối với bệnh đái tháo đường nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, dùng thuốc để kiểm soát nồng độ đường trong máu, ở người cao huyết áp thì nên thường xuyên nói chuyện với các bác sĩ của mình về thuốc điều trị, tập thể dục, giảm căng thẳng, hay khi bị bệnh thận đa nang thì cũng không nên quá ưu phiền mà vẫn có thể thay đổi lối sống để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh,…”. BS Huyên chia sẻ.

Bài báo cáo cuối cùng, BS.CK2 Tạ Phương Dung trở lại vấn đề dinh dưỡng, là nội dung được nhắc đến thường xuyên: “Giải pháp dinh dưỡng cho bệnh nhân thận mạn”.


Một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và tử vong ở bệnh nhân thận là do không được đáp ứng đủ dinh dưỡng hàng ngày. Dinh dưỡng kém thì gặp ở cả 5 giai đoạn của bệnh thận.

Giai đoạn 1-2 tiên lượng tốt, giai đoạn 3-4 phải cẩn thận và giai đoạn 5 bắt buộc phải lọc máu hoặc ghép thận. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đưa ra rất nhiều chế độ ăn đối với bệnh nhân thận và được áp dụng đối với mỗi giai đoạn, mỗi người khác nhau.

BS Tạ Phương Dung bày tỏ: “Tôi luôn mong muốn tại mỗi buổi sinh hoạt như thế này, mọi người hãy chịu khó lắng nghe để áp dụng cho chính bản thân mình” và bác sĩ cũng gửi lời chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đến tất cả những bệnh nhân nữ.

Mặc dù rất bận rộn, nhưng trước khi kết thúc buổi sinh hoạt BS Tạ Phương Dung vẫn cố gắng dành thêm 30 phút để trả lời những thắc mắc, cũng như ghi nhận những ý kiến đóng góp của bệnh nhân dành cho bệnh viện.

Nguyễn Chúc
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080