Logo Bệnh viện Nhân dân 115
04/09/2017 18:51

Sinh thiết lỏng ctDNA - vũ khí đắc lực giúp tìm tế bào ung thư

Sinh thiết lỏng ctDNA, xét nghiệm đột biến gen EGFR, đột biến gen kháng thuốc T790M là 3 nội dung quan trọng trong buổi hội thảo cuối tuần qua tại TPHCM của các bác sĩ, chuyên gia ngành ung thư.
Đứng trước một bệnh nhân có khối u ở phổi, bác sĩ cần chẩn đoán xác định là u lành hay u ác. Khi đã xác định được u ác, bước kế tiếp bác sĩ sẽ chẩn đoán giai đoạn ung thư, từ đó, đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng giai đoạn.

Có 2 loại ung thư phổi: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN). Ung thư tế bào nhỏ chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn khu trú và giai đoạn lan tràn. UTPKTBN được chia thành 4 giai đoạn: giai đoạn I (A, B); giai đoạn II (A, B); giai đoạn III (A, B); giai đoạn IV.

Hiện điều trị ung thư phổi được áp dụng bằng nhiều mô thức phẫu trị, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Nếu bệnh nhân ở giai đoạn sớm thì phải phẫu thuật (từ IIIA trở về trước), sau đó phối hợp điều trị bằng hóa trị và xạ trị.

Đối với UTPKTBN, giai đoạn IIIB, IV không còn chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán tình trạng đột biến gen ở khối bướu để quyết định điều trị xạ trị, hóa trị hay liệu pháp nhắm trúng đích.

Buổi hội thảo “Kết quả xét nghiệm đột biến gen EGFR và T790M trong quyết định điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ” diễn ra tại TPHCM cuối tuần qua thảo luận các vấn đề xét nghiệm và điều trị khi bệnh nhân tái phát sau điều trị nhắm trúng đích. Hội thảo có sự tham dự của 75 bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực ung thư tại TPHCM, Đồng Nai và Cần Thơ.

Điều hành buổi hội thảo là 2 vị chủ tọa: PGS.TS.BS Cung Thị Tuyết Anh - Khoa xạ 4, BV Ung Bướu TPHCM và BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Nhân dân 115. 3 báo cáo viên là TS.BS Hoàng Anh Vũ - PGĐ Trung tâm y sinh học phân tử, Đại học Y dược TPHCM, ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, BV Quận Thủ Đức và và BS.CK1 Nguyễn Thiện Nhân khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Nhân dân 115.

Đề tài “Thực trạng của xét nghiệm đột biến gen EGFR tại Việt Nam và tính ứng dụng của ctDNA” do TS.BS Hoàng Anh Vũ - PGĐ Trung tâm y sinh học phân tử, Đại học Y dược TPHCM trình bày nhận được sự quan tâm từ các bác sĩ bởi ctDNA (sinh thiết lỏng) là phương pháp không xâm lấn, giúp hạn chế rủi ro về mặt thủ thuật so với sinh thiết mô.

TS.BS Hoàng Anh Vũ với vai trò là đại diện của các phòng xét nghiệm chia sẻ những thông tin mới nhất về các kỹ thuật tân tiến với các bác sĩ chuyên ngành ung thư

Khi tế bào chết đi, thành phần tế bào sẽ được giải phóng vào trong mạch máu. ctDNA được tìm thấy khi các khối u phát tán vật liệu di truyền vào dòng máu. Sinh thiết lỏng là việc lấy một mẫu máu để tìm ra ctDNA của tế bào khối u. Phương pháp sinh thiết này thường lấy nhiều nhất 2 ống máu, sau đó gửi tới phòng xét nghiệm sinh học phân tử để tách chiết DNA lưu hành trong máu và tìm đột biến gen EGFR.

PGS.TS.BS Cung Thị Tuyết Anh bàn về một số bất cập trong công tác nghiên cứu về bệnh ung thư, chẳng hạn như sau khi lấy mẫu máu mang đi xét nghiệm thì giải thích, trả lời với bệnh nhân như thế nào, một số rào cản về văn hóa, y đức, chi phí thực hiện…

ThS.BS Nguyễn Sơn Lam - Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, BV Phạm Ngọc Thạch đóng góp ý kiến về các trường hợp xét nghiệm âm tính giả, dương tính giả, phải làm lại xét nghiệm bao nhiêu lần, cách nhau bao lâu…

Tiếp đến, ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu BV Quận Thủ Đức trình bày: “Giá trị của xét nghiệm đột biến gen EGFR trong điều trị UTPKTBN từ y học chứng cứ đến thực hành lâm sàng”.

Bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn tiến xa có đột biến hoạt hóa EGFR được điều trị với các thuốc ức chế tyrosin kinase (TKI) sẽ trì hoãn tiến triển bệnh, tiện lợi, an toàn và cải thiện chất lượng sống tốt hơn so với hóa trị.

Vì vậy để tối ưu hóa trong điều trị UTPKTBN giai đoạn tiến xa, sau khi đã xác định được mô học là carcinôm tuyến, cần phải tiến hành làm xét nghiệm tìm đột biến hoạt hóa gen EGFR. Xét nghiệm đột biến gen hiện nay đã được sử dụng rộng rãi tại các phòng xét nghiệm sinh học phân tử, với chi phí chấp nhận được tại các bệnh viện và trung tâm điều trị ung thư tại Việt Nam.

ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ - người góp nhiều công sức trong việc gầy dựng khoa Ung bướu, BV Quận Thủ Đức

BS Nguyễn Triệu Vũ cũng đề cập đến vấn đề có cần xét nghiệm đột biến EGFR đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm hay không, vì một số chương trình nghiên cứu cho thấy vai trò của thuốc nhắm trúng đích vẫn mang lại lợi ích nào đó với những bệnh nhân còn mổ được, nhưng điều này chưa được đồng thuận.

Đề tài cuối cùng của buổi hội thảo là “Phát hiện đột biến T790M trên thực hành lâm sàng” của BS.CK1 Nguyễn Thiện Nhân - Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Nhân dân 115.

BS.CK1 Nguyễn Thiện Nhân trình bày về 5 trường hợp lâm sàng phát hiện đột biến T790M bằng cách sinh thiết ở nhiều vị trí khác nhau

Liệu pháp trúng đích hiệu quả rõ rệt với nhóm bệnh nhân có đột biến đáp ứng với thuốc ức chế hoạt tính TKI của gen EGFR. Tuy nhiên, sau khoảng 10-20 tháng điều trị, đa số bệnh nhân ung thư phổi xuất hiện tình trạng kháng thuốc thứ phát do sự phát sinh một số biến đổi ở cấp độ phân tử của khối u, trong đó có sự xuất hiện đột biến mới T790M. Đột biến T790M là nguyên nhân hàng đầu của kháng thuốc EGFR TKI thứ phát, chiếm đến 60% trường hợp.

Ung thư tái phát, các tổn thương có thể gặp ở nhiều nơi trên cơ thể, đặt ra khó khăn cho bác sĩ khi quyết định sinh thiết (lại) ở vị trí nào. Trong báo cáo của mình, BS Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 5 trường hợp lâm sàng phát hiện đột biến T790M bằng cách sinh thiết ở nhiều vị trí khác nhau.

Điều này cho thấy rằng không nhất thiết phải sinh thiết ngay tại khối u nguyên phát mà có thể thực hiện tại những tổn thương di căn ngoài phổi để hạn chế nguy cơ tai biến cho bệnh nhân, chẳng hạn: hạch di căn, dịch màng phổi, tổn thương thành ngực, sinh thiết lỏng...

Trong phần hỏi đáp, nhiều vấn đề được các bác sĩ trao đổi thẳng thắn và tích cực như: thời gian có kết quả xét nghiệm ở một số đơn vị còn chậm, phương án tầm soát cho các đối tượng nguy cơ cao, lấy và bảo quản mẫu xét nghiệm thế nào để đảm bảo hiệu quả và chính xác, giải thích ra sao với bệnh nhân, chia sẻ các tài liệu hay cần tham khảo…

Là một bác sĩ “rất thương” bệnh nhân, BS Trần Đình Thanh - Trưởng khoa Ung bướu, BV Phạm Ngọc Thạch trăn trở về chi phí điều trị và việc thuyết phục BHYT chi trả một số hạng mục chưa được hỗ trợ…

Những vấn đề cần trao đổi dường như bất tận khiến buổi hội thảo kết thúc muộn hơn dự kiến. Có thể thấy, ung thư là chuyên ngành có số lượng hội thảo nhiều nhất, và các chiến sĩ áo trắng vẫn ngày đêm nghiên cứu, học hỏi để tiến gần hơn tới ngày chiến thắng căn bệnh quái ác này.

Theo Hồng Nhung

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080