Logo Bệnh viện Nhân dân 115
06/04/2019 17:51

Sau mổ tim bệnh nhân cần biết những gì?

Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức chia sẻ với bệnh nhân sau mổ tim về việc sử dụng thuốc kháng đông, làm việc sau phẫu thuật, sinh hoạt tình dục, thể dục thể thao...
Bệnh nhân Ng.T.T 62 tuổi được người nhà đưa vào cấp cứu với tình trạng nôn ói nhiều, lơ mơ. Bệnh nhân có tiền căn mổ thay van động mạch chủ đang dùng thuốc chống đông, thăm khám lâm sàng và chụp CT scan sọ não bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não do thuốc chống đông. Sau đó bệnh nhân được điều chỉnh đông máu và tiến hành phẫu thuật lấy máu tụ trong não. Sau mổ bệnh nhân tiếp tục được hồi sức 3 hôm sau thì tỉnh lại và xuất viện sau 2 tuần điều trị.

Bệnh nhân trên rất may mắn được đưa vào viện và phẫu thuật kịp thời. Một bệnh nhân sau khi mổ tim cần có một số kiến thức nhất định để tự theo dõi cho bản thân, đồng thời cần sự quan tâm theo dõi của gia đình rất nhiều vì nếu không được đưa vào viện kịp thời thì tính mạng bệnh nhân sẽ nguy hiểm mà chi phí cho cuộc mổ tim rất tốn kém cũng trở nên vô ích.


Phẫu thuật tim dùng để chỉ đến tất cả những bệnh lý tim có liên quan đến phẫu thuật bao gồm cả mổ tim kín (không phải chạy máy tim phổi nhân tạo) đến mổ tim hở (phải dùng máy tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên để đơn giản người ta chỉ quan tâm là sau mổ tim có phải dùng thuốc chống đông hay không? Vậy khi nào phải dùng thuốc chống đông? Sau mổ tim dùng thuốc chống đông khi phải thay van nhân tạo cơ học như van 2 lá, van động mạch chủ…

Sau mổ tim khi gặp vấn đề về sức khỏe bạn cần báo cho bác sĩ hay nha sĩ biết là bạn đã từng được mổ tim và được làm gì: thay van, sửa van hay bắc cầu nối mạch vành….để bác sĩ có chiến lược cho kháng sinh trước khi làm các thủ thuật để ngăn ngừa nhiễm trùng và có phương án phòng ngừa chảy máu vì thường bạn phải dùng thuốc kháng đông như Sintrom hay Coumadin… để tránh kẹt các van tim cơ học, nhưng các thuốc này làm cho máu của bạn khó hình thành cục máu đông. Có nhiều điểm bạn cần biết khi dùng Sintrom hay Coumadin:

- Bạn cần thử máu thường xuyên (prothrombine time, INR) để chỉnh liều thuốc kháng đông vì nếu máu quá loãng bạn dễ có nguy cơ xuất huyết, còn nếu máu không đủ loãng INR <1 thì nguy cơ kẹt van tim cơ học sẽ gây suy tim cấp và có nguy cơ tử vong. Bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào cần thử máu. Tùy vào số lượng van được thay, nguy cơ kèm theo mà bác sĩ sẽ dùng thuốc chống đông để duy trì INR thích hợp từ 2,5-3,5. Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông mà INR tăng quá cao 8, 9, hay thậm chí là 10 thì rất nguy hiểm vì nguy cơ xuất huyết rất cao nhất là xuất huyết não có thể nguy hiểm đến tính mạng. Lúc đó bạn nên đến bác sĩ để được điều chỉnh lại liều thuốc chống đông máu.

- Khi dùng thuốc chống đông máu bạn sẽ có nguy cơ chảy máu bất kỳ lúc nào. Bạn và người thân cần chú ý những dấu hiệu của xuất huyết và báo cho bác sĩ:
+ Bất cứ chảy máu bất thường nào
+ Đi tiêu phân đỏ hay đen
+ Nước tiểu có màu đỏ
+ Nhức đầu dữ dội, hôn mê, đau bụng hay thắt lưng
+ Choáng váng hay chóng mặt
+ Ói ra máu tươi hay “bã cà phê”
+ Vết bầm lan rộng
+ Chảy máu mũi nhiều
+ Vàng da, vàng mắt

- Nên uống Sintrom hay Coumadin vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ĐỪNG bao giờ uống bù cử đã quên bằng liều gấp đôi.

- Không nên dùng Aspirin, bất cứ thuốc nào có Aspirin hay thuốc nào đó mà không hỏi ý bác sĩ bởi vì nó có thể làm tăng chảy máu khi dùng chung với Sintrom hay Coumadin.

- Uống rượu quá nhiều có thể gây chảy máu khi dùng Coumadin. Nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống rượu.
Tốt nhất bạn nên để trong bóp của mình một thẻ cho mọi người biết là bạn đang dùng Sintrom hay Coumadin.
Sau khi bạn được mổ tim về còn nhiều việc bạn cần phải biết để tự theo dõi và giúp Bác sỹ theo dõi sức khỏe cho bạn.

Đồng thời có những việc bạn được làm và không nên làm là:

- Trong khi xương ức đang lành tránh nâng vật nặng hơn 4,5kg hay các hoạt động kéo/đẩy bằng tay.
- Được phép tắm bằng vòi sen nhưng tắm bồn chỉ được khuyến khích vào 4 -6 tuần sau hay cho đến khi vết thương lành. Bạn có thể rửa nhẹ nhàng (không chà xát) vết mổ với xà bông. Không được dùng kem hay sữa tắm cho đến khi vết mổ lành.
- Tránh lái xe hơi 4 - 6 tuần sau mổ vì phản ứng của bạn vẫn còn chậm do còn yếu, mệt mỏi và/hoặc do thuốc và tránh nguy cơ va chạm tay lái gây chấn thương xương ức. Khi lái xe, nên nghỉ mỗi 1- 2 giờ để duỗi thẳng chân, điều này giúp cải thiện tuần hoàn ở chân và tránh sưng chân.
- Không được bắt chéo chân khi nằm hay ngồi. Điều này sẽ tạo nên sức ép lên các tĩnh mạch dưới gối và làm máu chảy chậm. Nếu chân hay bàn chân bị sưng, bạn nên kê chân cao hay gác chân lên ghế khi ngồi.
- Tránh căng cơ: như rặn khi đại tiện, kéo/đẩy vật nặng, hay làm việc mà phải giơ tay cao khỏi đầu. Những hoạt động này làm tăng huyết áp không đồng đều và tạo áp lực lên trái tim đang hồi phục.
- Điều quan trọng là phải chia nhỏ và thực hiện từng bước các hoạt động của bạn để hạn chế mệt mỏi. Nếu bạn cảm thấy mệt thì NGƯNG ngay và nghỉ ngơi một lúc. Đừng ép buộc mình phải hoàn tất công việc ngay.
- Nên có thời gian nghỉ ngơi ít nhất 1 lần/ngày trong vài tuần, còn lúc đầu thì nên nghỉ ngơi 2 lần, sáng và trưa. Ngủ thì không cần thiết nhưng phải nghỉ ngơi.
- Không khuyến khích leo cầu thang. Tránh dùng tay vịn vào lan can rồi gắng sức để nâng người lên. Nên mang vớ có độ đàn hồi suốt ngày và tháo ra vào ban đêm. Bạn nên mang vớ ít nhất là 2 tuần sau khi xuất viện hoặc hơn nếu cổ chân vẫn còn sưng. Vớ giúp máu lưu thông và giảm sưng chân.
- Chỗ sưng hay u lên của vết mổ ở ngực có thể làm bạn chú ý, nhưng nó sẽ biến mất vài tháng sau.
- Bạn có thể cảm thấy khó chịu ở vết mổ trên xương ức. Nhưng không sao, nó sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng có thể tái lại khi thời tiết thay đổi hay hoạt động quá mức. Đừng do dự dùng thuốc giảm đau khi bạn muốn. Nhưng quan trọng là phải phân biệt những khó chịu ở vết mổ với cơn đau thắt ngực, mà có thể bạn đã từng có trước khi phẫu thuật. Nên đến tái khám ngay nếu đúng là đau thắt ngực. Nếu vết mổ ở ngực hay chân không lành (như: đỏ, rỉ dịch, sưng, dễ vỡ…) nên báo cho bác sĩ ngay.
- Đo thân nhiệt mỗi sáng trong tuần đầu sau khi xuất viện. Báo cho bác sĩ nếu thân nhiệt của bạn trên 38,5 độ C kéo dài hơn 1 ngày, hay lạnh run.
- Kiểm tra cân nặng của bạn mỗi sáng trong 2 tuần đầu. Nếu bạn tăng cân đột ngột thì báo bác sĩ ngay.
- Khi bạn buồn, tim của bạn làm việc nhiều hơn. Tốt nhất là biết trước và tránh những tình huống, con người, hay cuộc nói chuyện mà sẽ làm bạn căng thẳng hay giận dữ.
- Hãy nhớ chế độ ăn, thuốc, chế độ vận động mà bác sĩ đã hướng dẫn cho riêng bạn. Bởi vì không có người bạn hay hàng xóm hay người bệnh nào đó mà có cùng chế độ điều trị giống như bạn. Luôn mang theo đơn thuốc và giấy ra viện của bạn khi đi du lịch.
- Mệt hay khó thở tăng dần bạn nên đi khám ngay.
- Đau bất thường hay các triệu chứng khác mà không giảm khi dùng thuốc theo toa thì cũng nên đi khám lại.

Phẫu thuật tim hở là một công việc rất phức tạp. Kết quả phẫu thuật là sự đóng góp của một tập thể từ bác sĩ nội tim mạch đến bác sĩ gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, bác sĩ tuần hoàn ngoài cơ thể… và các điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân.

BS.CK1 Trần Nam Trung hướng dẫn cho bệnh nhân cách chăm sóc sức khỏe tại nhà

CÁC HOẠT ĐỘNG MÀ BỆNH NHÂN CÓ THỂ LÀM SAU MỔ TIM

Mổ tim là một cuộc mổ lớn đòi hỏi cần có nhiều thời gian để bệnh nhân phục hồi. Danh sách sau đây sẽ giúp cho bạn xác định những hoạt động có thể thực hiện sau khi xuất viện. Nếu có hoạt động nào mà bạn thích nhưng không được liệt kê ra, xin vui lòng hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn.
Ngay sau khi xuất viện
+ Chơi bài, chơi cờ.
+ Đi bộ/ đạp xe tại chỗ.
+ Rửa chén.
+ Nấu ăn.
+ Nâng vật nhẹ dưới 4,5kg.
+ Đi xe ôtô.
+ Việc nhà/làm vườn nhẹ.
+ Tắm vòi sen.
+ Đi chợ.
+ Đi ăn tiệc.

Sau 6 tuần
+ Điều khiển máy hút bụi.
+ Lái xe ô tô.
+ Sử dụng máy cắt cỏ tự hành.
+ Tới hồ bơi (hồ có bậc thềm hay cầu thang để lên xuống hồ, vì không được dùng tay gắng sức nâng người khi muốn lên bờ).
+ Tắm bồn.

Sau 2 tháng
+ Lái máy cắt cỏ.
+ Lái máy kéo.
+ Giặt quần áo.
+ Chạy xe đạp ngoài trời.
+ Câu cá.

Sau 3 tháng
+ Bơi lội.
+ Câu cá.
+ Đánh golf.
+ Chơi bowling.
+ Đi săn (dùng cung/súng).
+ Chèo thuyền/ lái canô.
+ Chạy mô tô.
+ Chẻ củi.
+ Chơi quần vợt.
+ Đào / xúc đất.
+ Lướt ván nước.
+ Tham gia các môn thi đấu đối kháng.

Điều cần nhớ là:
- Chia nhỏ và thực hiện từ từ, tuần tự các vận động.
- Tránh các hoạt động quá nặng ở 1 tay trong 3 tháng đầu.

HOẠT ĐỘNG TÌNH DỤC

Nên biết rằng có sự thoả mãn tình dục mà không cần phải giao hợp. Hãy ở gần nhau, ôm ấp, âu yếm, vuốt ve là những hoạt động làm tăng sự thân mật và vui lòng. Bởi vì những hoạt động này tốn rất ít năng lượng, bạn có thể thực hiện những hành động này bất cứ lúc nào sau khi xuất viện. Có nhiều cặp vợ chồng cho biết là những cách thể hiện tình cảm này giúp họ có được sự tự tin trong quan hệ vợ chồng sau này.

Giao hợp đòi hỏi tốn nhiều năng lượng hơn, do đó, nói chung cần đợi 1 - 3 tuần sau khi xuất viện. Tư thế cũng rất quan trọng. Bởi vì xương ức bị cưa lúc mổ, sự thay đổi tư thế là cần thiết để tránh tổn thương xương ức hay đau vết mổ. Tập thể dục sẽ tăng sức chịu đựng của tim cũng như thể trạng chung của cơ thể. Trong khi luyện tập đi bộ, chứng cứ rõ nhất là bạn tăng được sức chịu đựng và sự tự tin, thì bạn sẽ biết được khi nào mình đã sẵn sàng cho hoạt động tình dục. Năng lượng cho hoạt động giao hợp thì tương đương với đi nhanh hay đi thang bộ lên 2 tầng lầu. Nhịp tim hiếm khi tăng > 120 nhịp/phút và huyết áp chỉ tăng nhẹ và tạm thời.

Bệnh nhân sau mổ tim hở có lẽ biết rõ về nhịp tim, sự thở, và sự căng cơ của họ. Nếu họ cảm thấy bình thường thì có nghĩa là không có gì phải lo lắng. Sợ không dám làm và trầm cảm là 2 yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng lớn đến ham muốn và khả năng tình dục. Những điều này được xem là bình thường trong thời kỳ dưỡng bệnh và đa số trường hợp biến mất trong vòng 3 tháng. Nếu trầm cảm tiếp tục sau 3 - 6 tháng , nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Có nhiều thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng và/ hoặc chức năng tình dục. Nếu điều này xảy ra, nên đi khám lại. Thường thì thay đổi thuốc hoặc liều thuốc có thể giải quyết vấn đề. Không bao giờ được ngưng bất kỳ thuốc nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Có nhiều cách để chuẩn bị cho việc hồi phục hoạt động tình dục. Bước đầu tiên là luyện tập thể lực như đã trình bày ở trên. Bước thứ hai là tập kiểm soát các cảm xúc. Trong một thời gian ngắn sau mổ tim hở, cảm giác không ổn định, dễ kích động và tâm trạng hay thay đổi. Cố gắng tập từng ngày và nên nhớ rằng những cảm giác vui vẻ là một yếu tố hỗ trợ quan trọng. Bước thứ ba là cố gắng điều chỉnh nhu cầu tình dục của cả hai. Đôi khi những đáp ứng về thể chất cũng như tinh thần gây nên những lo lắng về tình dục nhưng đó là bình thường. Do đó, bạn đừng quá kỳ vọng vào lần đầu tiên.

Một vài hướng dẫn chung:
- Hãy thư giãn và nghỉ ngơi trước khi giao hợp. Tránh quan hệ tình dục nếu bạn đang mệt hay buồn.
- Chọn tư thế mà không hạn chế hô hấp và căng cơ, gắng sức nhiều.
- Duy trì nhiệt độ phòng thích hợp và tạo khung cảnh quen thuộc, thoải mái cho cả hai.
- Báo cho bác sĩ nếu bạn bị đau vết mổ, đau thắt ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, hay quá mệt khi hoạt động tình dục.
- Chờ ít nhất một giờ sau khi ăn hay uống thức uống có cồn, trước khi quan hệ tình dục.
- Nói chuyện thẳng thắn với nhau (về mọi vấn đề) cũng là việc làm quan trọng.
- Sau khi mổ tim đòi hỏi một quá trình tập luyện lâu dài giúp cơ thể tăng dần sức chịu đựng và giúp tim làm quen dần với cường độ hoạt động. Sau đây là chương trình luyện tập cụ thể giúp hồi phục cơ thể.

BS Lưu Kính Khương trả lời bệnh nhân trong chương trình tư vấn trực tuyến


VẬN ĐỘNG

Thể dục nhịp điệu là hình thức vận động được khuyến cáo là tăng cường sức mạnh cho tim và hệ thống mạch máu. Các nghiên cứu cho thấy là tập thể dục nhịp điệu 3-4 lần/tuần, ít nhất 30 phút, sẽ giúp cho tim mạch hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ hồi phục sau phẫu thuật 4-6 tuần, cường độ và tần suất của tập thể dục phải được tính toán để bảo đảm an toàn và hiệu quả.

Trong khi bạn tập phục hồi tại nhà sau phẫu thuật, bạn nên bắt đầu từ mức độ thấp, nhẹ nhàng. Tương tự như lúc tập đi lại trong thời gian nằm viện, bạn nên tập từ từ, nhiều lần trong ngày để tăng dần sức chịu đựng một cách an toàn. Sau 4-6 tuần, bạn có thể tăng dần thời gian tập luyện và giảm số lần tập.

Tốc độ đi sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim và cảm giác của bạn. Kiểm tra nhịp tim trước và trong khi đi bộ. Bạn không được để nhịp tim tăng quá 20 nhịp/phút so với trước đó (lúc nghỉ ngơi). Thang điểm đánh giá sự gắng sức (“ Rate of Perceived Exertion” (P.P.E) scale) cũng giúp cho bạn lượng giá tim phải gắng sức như thế nào khi bạn vận động. Chọn số trong bảng mà mô tả đúng nhất cảm giác của bạn khi vận động. Hãy cảm nhận chính xác cảm giác toàn thân, cảm xúc cơ thể khi gắng sức, và sự mệt mỏi. Bạn có thể dùng thang điểm này cho bất cứ hoạt động thể lực nào.

R.P.E Scale
0 : không có gì
1/2: rất, rất nhẹ
1: rất nhẹ
2: nhẹ
3: vừa
4: hơi nặng
5: nặng
6: nặng
7: rất nặng
8: rất nặng
9: rất, rất nặng
10: rất, rất nặng

Một khi bạn có thể đi bộ 20 phút không nghỉ, bạn nên bắt đầu kết hợp 2 quá trình “làm ấm” (nghĩa là bước khởi động, chuẩn bị tập thực sự) và “làm lạnh” (nghĩa là tập chậm lại để cơ thể giảm hoạt động trước khi ngưng tập). Quá trình “làm ấm” và “làm lạnh” rất quan trọng bởi vì nó chuẩn bị cho cơ thể thích nghi với sự thay đổi mức độ vận động như là ít làm thay đổi thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim, và hô hấp.

Quá trình “làm ấm” và “làm lạnh” tối thiểu là 5 phút và bao gồm cả việc đi chậm. Nhịp tim nên đo lúc trước khi “làm ấm” , trong khi tập, và sau khi “làm lạnh”. Nếu nhịp tim tăng nên tập chậm lại. Ngược lại, nếu nhịp tim không tăng (và bạn vẫn cảm thấy nhẹ nhàng), tập thêm một lúc nữa rồi bắt đầu “làm lạnh”. Sau khi “làm lạnh”, nhịp tim của bạn sẽ trở về gần với mức lúc trước khi “làm ấm”. Nếu nó không giảm, bạn nên kéo dài thời gian “làm lạnh” để chờ nhịp tim giảm. Việc tiến hành sẽ được trình bày cụ thể dưới đây.

Chương trình đi bộ cụ thể
Nên nhớ nhịp tim của bạn và Thang điểm đánh giá sự gắng sức phải được theo dõi trong lúc đi bộ. Nhịp tim lúc vận động không vượt quá 20 nhịp/phút so với lúc nghỉ và điểm đánh giá sự gắng sức nên ở mức 1 - 2 . Bạn nên đi bộ trong nhà hay ngoài trời (nếu thời tiết cho phép), trên nền bằng phẳng, không leo dốc.
Tuần 1: đi bộ 3-5 phút, 3 - 4 lần/ngày. Tổng cộng 12 - 20 phút.
Tuần 2: đi bộ 7-10 phút, 2 - 3 lần/ngày. Tổng cộng 21 - 30 phút.
Tuần 3: đi bộ 10-15 phút, 2 lần/ngày. Tổng cộng 20 - 30 phút.
Tuần 4 - 6 : đi bộ 15-20 phút, 1 - 2 lần/ngày. Tổng cộng 30 phút .
Như đã đề cập ở trên, một khi buổi luyện tập của bạn trên 20 phút thì bạn nên kết hợp chặt chẽ “làm ấm” và “làm lạnh” khi luyện tập. Tần suất đi bộ lúc này chỉ còn 1 lần/ngày. Nó bao gồm:
Làm ấm: đi chậm trong 5 phút.
Luyện tập: đi nhanh trong 20 phút.
Làm lạnh: đi chậm trong 5 phút.
Tham khảo ý kiến bác sĩ vào tuần 4 - 6 sau khi xuất viện xem hoạt động thể lực nào tốt nhất đối với bạn. Thông thường, vào thời điểm này bạn đã tập gắng sức và bắt đầu chế độ luyện tập của bệnh nhân tim mạch ngoại trú.
Lưu ý: Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất cứ chương trình tập luyện nào.

Đếm nhịp tim

Học cách đếm nhịp tim là rất thiết thực. Nó cung cấp thông tin của tim khi vận động và giúp cho bạn tiên lượng cường độ của chương trình tập luyện. Đối với các bệnh nhân có dùng thuốc điều chỉnh nhịp tim, đếm nhịp cũng giúp đánh giá hiệu quả của thuốc.

Học cách đếm nhịp tim cũng đơn giản và kỹ năng này có thể học được một cách nhanh chóng chỉ cần một ít kiên nhẫn. Có 2 vị trí dễ bắt mạch nhất là: ở cổ tay (tại động mạch quay) chỗ gốc của ngón tay cái và dùng 2 hay 3 đầu ngón tay của bàn tay kia để bắt mạch. Khi lần đầu tiên học đếm nhịp, lỗi thường gặp là đè quá mạnh. Điều này sẽ làm nghẽn mạch và bạn không cảm thấy gì cả. Đè nhẹ nhưng cố định giúp bạn cảm nhận tốt hơn. Mạch cảnh (tại động mạch cảnh) nằm dọc theo khí quản. Đây là động mạch lớn và là nơi dễ bắt mạch nhất. Tốt nhất là dùng ngón giữa bàn tay phải để bắt mạch cảnh trái và ngược lại. Không được đè cùng một lúc 2 động mạch cảnh. Điều này có thể làm bạn chóng mặt hay lơ mơ, đặc biệt là khi đè gần xương hàm dưới có thể kích thích các thụ thể thần kinh. Cách đúng nhất là chỉ bắt mạch cảnh ở 1 bên.

Để một bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ tim và hòa nhập với cộng đồng đòi hỏi sự cố gắng luyện tập rất nhiều, đồng thời vai trò của những người thân trong gia đình cũng không kém phần quan trọng. Một sự thấu hiểu và thông cảm sẻ chia sẽ mang lại một sức mạnh tinh thần đáng kể giúp bệnh nhân sự tự tin và giảm bớt những mặc cảm bệnh tật.

HỒI PHỤC SAU MỔ TIM HỞ: cần sự hỗ trợ của cả gia đình

Mổ tim hở là một sự kiện tác động đến bệnh nhân, vợ chồng, con cháu, và những người khác trong gia đình. Nó tương tự như tác động một hòn sỏi bỏ xuống ao sẽ tạo nên những cơn sóng lan toả xung quanh chứ không phải chỉ ở điểm mà hòn sỏi rơi xuống, nơi mà trước đó hoàn toàn phẳng lặng. Thêm vào đó, ngoài hồi phục về thể chất cho bệnh nhân, có những khía cạnh tâm lý mà người bệnh cũng như gia đình cần quan tâm.

Đối mặt với những thay đổi trong lối sống là một điều không dễ dàng. Một vài sự thay đổi có thể thực hiện ngay, như thay đổi chế độ ăn hay bỏ hút thuốc lá. Những thay đổi khác phải từ từ, như là xây dựng và duy trì chế độ tập luyện thể lực, hay chế độ điều trị phức tạp, kéo dài. Quan trọng là bệnh nhân phải kiểm soát được ngay từ đầu và duy trì những thói quen tốt cho sức khoẻ. Đây là trách nhiệm của bệnh nhân. Vợ chồng, con cháu, và những người quan trọng khác thường phải đương đầu với nhiệm vụ khó khăn là không để bệnh nhân đi lạc hướng trong điều trị và tập luyện.

Hãy nhớ: “Những người xung quanh chỉ có thể hỗ trợ hay động viên, còn bệnh nhân mới là người thực hiện”.

Nhiều thay đổi lối sống sau mổ tim hở có ảnh hưởng lên toàn thể gia đình. Khi bệnh nhân bị bắt buộc phải thay đổi lối sống vì lý do sức khoẻ, kể từ đó mọi người trong gia đình cũng bắt đầu nghĩ về sức khoẻ của chính họ. Điều này đặc biệt đúng khi mà trong gia đình cũng có người có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành như bệnh nhân.

Do đó, nếu bệnh nhân phải bỏ hút thuốc lá, những thành viên trong gia đình tự nhiên có động cơ bỏ hút thuốc lá. Khi chuẩn bị bữa ăn theo chế độ ăn tốt cho tim mạch thì những thành viên trong gia đình cũng được hưởng chế độ ăn đó hay có thông tin về việc ăn uống để bảo vệ tim mạch.

Thời kỳ hồi phục sau mổ tim hở tạo nên thay đổi vai trò tạm thời và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Khi bệnh nhân vừa trở về nhà, họ có những hạn chế về thể lực tạm thời và bị phụ thuộc rất cần sự hỗ trợ của người khác. Người chồng sẽ phải đi chợ và mang vác giúp vợ vì vợ chưa thể tự lái xe hay xách đồ. Người con sẽ cắt cỏ hay đem rác đi đổ, vì người cha bây giờ còn đang hồi phục sức khoẻ.

Ngay lúc này, gia đình cần hợp tác để giúp cho bệnh nhân hồi phục, vì thế họ cần tạo điều kiện cho bệnh nhân tăng dần tính tự lập và lấy lại sự tự tin. Đây là một vấn đề rất tế nhị vì có thể gây hiểu lầm, xích mích trong gia đình. Vẫn tuân theo những hướng dẫn điều trị của bác sĩ mà vẫn tạo sự thoải mái cho bệnh nhân đòi hỏi sự hợp tác, tuân thủ của bệnh nhân, và sự giúp đỡ của gia đình.

Sự hồi phục của bệnh nhân sau mổ tim hở là một thách thức cho chính bệnh nhân và cả gia đình. Đó sẽ là chuỗi ngày phải hoạt động nhiều và mệt nhọc, phải đạt mục tiêu điều trị, có những lúc vui buồn, căng thẳng, lúc lạc quan khi chán nản… xảy ra trong suốt quá trình hồi phục thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân.

Một số mẹo giúp cho hồi phục thành công
Khuyến khích mọi người bày tỏ và thảo luận về cảm xúc của họ. Nói chuyện với nhau nhiều sẽ hạn chế hiểu lầm.
Tìm kiếm sự hỗ trợ bằng cách nói chuyện với những người có kinh nghiệm trong tình huống tương tự.
Thay đổi quá nhiều thói quen một lúc sẽ khó thực hiện. Nên tạo thành một nhóm có cùng thói quen rồi hướng dẫn, giúp đỡ lẫn nhau để thành công.
Phải biết rõ tình trạng của mình.
Hãy học hỏi, tham dự các buổi báo cáo, tư vấn, thảo luận để có thêm kiến thức. Khi mà biết rõ thì giảm lo lắng.
Bắt đầu ngay và duy trì chế độ tập luyện để khoẻ mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Luyện tập chung với người khác để có thêm động lực.
Nếu bạn cảm thấy quá tải, nên xin ý kiến các chuyên gia.
Hãy nhớ, sự hồi phục rất cần có thời gian. Tất cả các vấn đề sẽ được điều chỉnh tuỳ theo khả năng thích ứng với lối sống mới và vai trò mới. Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn và thảo luận mọi vấn đề thì giai đoạn này sẽ dễ dàng hơn./.

BS.CK2 Lưu Kính Khương, BS.CK1 Trần Nam Trung
Khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080