Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/05/2019 08:03

Rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ

BS Nguyễn Phạm Cao Minh - khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ với bệnh nhân các thông tin cần biết về thuốc chống đông, hướng dẫn uống thuốc đúng cách để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.
Tại buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân của khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115, BS Nguyễn Phạm Cao Minh cho biết: Người bị rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) có thể không có triệu chứng gì, một số khác lại thấy rất khó chịu. Nếu bạn bị rung nhĩ, bạn có thể có cảm giác như tim đập rất nhanh (đánh trống ngực), khó thở, cảm giác hụt hơi. Choáng váng, vã mồ hôi và đau ngực cũng có thể xảy ra, đặc biệt khi tần số thất rất nhanh.

BS Nguyễn Phạm Cao Minh - khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115

Khi rung nhĩ không được điều trị và tim thường xuyên phải đập rất nhanh, sẽ làm tim giãn ra và tống máu không hiệu quả. Đây là một nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết. Nó có thể gây khó thở, cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động thể lực và phù.

Rung nhĩ được chẩn đoán bằng điện tâm đồ (ECG) - đây là một xét nghiệm thường quy. Rung nhĩ cũng có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như Holter điện tâm đồ.

Mục tiêu điều trị rung nhĩ là dự phòng biến chứng do dung nhĩ gây ra: vì rung nhĩ dễ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ, cục máu đông có thể di chuyển theo dòng máu đi khắp cơ thể và gây tắc mạch, hay gặp nhất là mạch não gây đột quỵ não. Để phòng ngừa hình thành cục máu đông, các bệnh nhân bị rung nhĩ dược chỉ định dùng thuốc chống đông máu.

Điều trị rung nhĩ còn nhằm chuyển về nhịp xoang bình thường và kiểm soát nhịp đập của tâm thất:

- Đối với các trường hợp bị rung nhĩ cơn hoặc cấp tính, có thể chuyển về nhịp bình thường nhờ thuốc, sốc điện.

- Khi bị rung nhĩ mạn tính, việc chuyển về nhịp bình thường khó khăn và hay tái phát nếu chuyển nhịp thành công. Còn đa số bệnh nhân bị rung nhĩ mạn tính được dùng thuốc, nhằm mục đính kiểm soát nhịp thất ở trong giới hạn bình thường, bằng các thuốc có tác dụng ngăn chặn các xung động điện từ nhĩ xuống tâm thất. Việc dùng thuốc, dùng biện pháp can thiệp qua da hay phẫu thuật phụ thuộc vào triệu chứng, mức độ bệnh và các bệnh kèm theo của bạn.

Việc chống đông trong rung nhĩ cũng là phòng ngừa đột quỵ. Thuốc chống đông còn gọi là thuốc làm loãng máu ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông.

Thuốc kháng vitamin K: Có nhiều loại protein trong quá trình đông máu được tổng hợp nhờ vitamin K. Thuốc kháng vitamin K (VKAs) sẽ ngăn chặn quá trình tổng hợp các loại protein đông máu này. Đây là nhóm thuốc có lịch sử lâu đời nhất trong các thuốc chống đông phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ, trong đó Warfarin (Coumadin) là thuốc kháng vitamin K đầu tiên được phê duyệt năm 1954.

Thuốc ức chế trực tiếp Thrombin: Thrombin là một enzym trong quá trình hình thành cục máu đông. Bằng cách ức chế Thrombin, con đường đông máu bị ngăn chặn qua đó làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. VD: Dabigatran (Pradaxa).

Thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não, bên cạnh đó, thuốc chống đông có nguy cơ chảy máu. Mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau.


Thuốc kháng vitamin K

- Ưu điểm:

+ Có thể sử dụng các thuốc đối kháng để đưa quá trình đông máu về bình thường.

+ Giá thành thấp nhất

- Nhược điểm:

+ Nhiều loại rau xanh chứa nhiều vitamin K→ sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc kháng vitamin K.

+ Một số thuốc khác cũng có sự tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc kháng Vitamin K.

+ Phải kiểm tra đông máu định kỳ

+ Xét nghiệm PT- INR cần duy trì từ 2.0- 3.0


Thuốc kháng đông mới

- Ưu điểm:

+ Dễ sử dụng hơn trên lâm sàng, ít tương tác với các thuốc, chế độ ăn so với thuốc kháng vitamin K.

+ Không phải đi kiểm tra máu định kỳ.

+ Nguy cơ gây xuất huyết não thấp hơn thuốc kháng vitamin K.

- Nhược điểm:

+ Thuốc đối kháng chưa sẵn có.

+ Giá thành cao



Sử dụng thuốc chống đông đúng cách:

- Uống đúng liều lượng theo toa BS

- Nên có lịch để chia thuốc trong tuần

- Uống thuốc liên tục

- Nếu quên liều thuốc:

+ Nếu quên < 8 giờ, uống theo liều cũ

+ Nếu quên > 8 giờ, bỏ qua liều, chờ liều tiếp theo

+Không được uống gấp đôi liều để bù lại

- Khi mang thai hay dự tính có thai, báo BS

- Tái khám ngay khi có chảy máu chân răng…bầm máu

- Khi nhổ răng, thủ thuật, phẫu thuật, báo thuốc chống đông

Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa

- Theo dõi và khám bệnh định kỳ.

- Thay đổi lối sống

- Chế độ ăn: ít muối và hạn chế chất béo bão hòa có trong thực phẩm chế biến sẵn.

- Uống kháng vitamin K: nên ăn cố định lượng rau xanh

- Tập thể dục hàng ngày

- Bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc.

- Duy trì cân nặng hợp lý.

- Uống rượu vừa phải

Kim Quy

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080