Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/12/2018 00:34

Quy trình thực hiện chụp mạch vành như thế nào?

Tại buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân của khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân Dân 115 với chủ đề: “Tìm hiểu bệnh mạch vành”, ThS.BS Trương Lệ Quyên đã chia sẻ với bệnh nhân về quy trình thực hiện chụp mạch vành, cần chuẩn bị gì trước khi chụp, lưu ý sau khi chụp…


Chụp mạch vành là gì?

Chụp mạch vành là thủ thuật sử dụng hình ảnh tia X để quan sát mạch máu của tim. Thuốc nhuộm có thể nhìn thấy bằng máy X-quang được tiêm vào mạch máu. Sau đóm máy X-quang nhanh chóng chụp một loạt các hình ảnh (chụp mạch). Nếu cần thiết, bác sĩ có thể mở thông các động mạch tim bị tắc nghẽn (nong mạch) trong khi chụp động mạch vành.

Khi nào bệnh nhân cần chụp mạch vành?

Khi có các triệu chứng củabệnh động mạch vànhnhưđau ngực(đau thắt ngực)

Bạn có một khuyết tật tim (bệnh tim bẩm sinh)

Kết quả bất thường về xét nghiệm tim gắng sức không xâm lấn

Các vấn đề về mạch máu khác hoặc chấn thương ngực

Một vấn đề van tim đòi hỏi phải phẫu thuật


Nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện chụp mạch vành?

Không nên ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 8 giờ trước khi chụp động mạch vành.

Có thân nhân để ký mẫu chấp thuận và trong quá trình và sau khi chụp mạch vành.

Y tá sẽ đo huyết áp, đặt đường truyền tĩnh mạch và làm các xét nghiệm cần thiết.

Hãy cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân bị dị ứng với hải sản, đã từng bị phản ứng xấu với thuốc nhuộm tương phản, đang dùng thuốc sildenafil (Viagra) hoặc nếu có thai.



Quy trình thực hiện chụp mạch vành như thế nào?

Thời gian thực hiện chụp mạch vành: 30-45 phút

Khi làm thủ thuật này, bệnh nhân sẽ nằm ngửa trên bàn chụp X-quang, được thắt dây an toàn gắn cố định ở ngực và chân. Máy ảnh X-quang có thể di chuyển qua lại, xung quanh đầu và ngực bệnh nhân để chụp ảnh từ nhiều góc độ.

Bệnh nhân được theo dõi huyết áp, điện tâm đồ, oxy máu

Lông ở tay hoặc háng của bệnh nhân sẽ được cạo sạch tại vị trí đưa ống dẻo (ống thông) vào. Khu vực này được rửa sạch, khử trùng và được gây tê bằng thuốc tiêm gây tê cục bộ.

Bác sĩ sẽ rạch một vết rạch nhỏ tại vị trí đặt ống đưa vào động mạch, ống thông được đưa vào mạch máu và cẩn thận luồn vào tim hoặc động mạch vành.

Luồn ống thông không gây đau và bệnh nhân sẽ không cảm thấy nó di chuyển trong cơ thể. Hãy nói với bác sĩ hoặc y tá nếu bạn có bất kỳ khó chịu nào.

Tiếp đó, thuốc nhuộm được tiêm qua ống thông, khi đó, bệnh nhân có thể có cảm giác phừng phừng hoặc nóng. Hãy nói với bác sĩ hoặc y tá nếu bệnh nhân cảm thấy đau hoặc khó chịu.

Thuốc nhuộm dễ nhìn thấy trên hình ảnh X-quang, khi nó di chuyển vào các mạch máu, bác sĩ có thể quan sát dòng chảy của nó và xác định bất kỳ tắc nghẽn hoặc khu vực lưu thông bị hạn chế.

Tùy thuộc vào những gì bác sĩ phát hiện trong khi chụp động mạch, bệnh nhân có thể có thêm các thủ thuật đặt ống thông khác cùng lúc, như nong động mạch hoặc đặt stent để mở rộng động mạch bị hẹp.

Sau khi chụp X-quang, ống thông được lấy ra khỏi cánh tay hoặc háng và vết rạch được đóng lại bằng lực nén thủ công như kẹp hoặc phích cắm nhỏ.

Bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi sức để quan sát và theo dõi. Khi tình trạng ổn định bệnh nhân sẽ trở về phòng để được theo dõi thường xuyên.



Bệnh nhân nên làm gì sau khi thực hiện chụp mạch vành?

Nên thư giãn và uống nhiều nước, không hút thuốc hoặc uống rượu.

Bác sĩ sẽ tháo băng sau 24 giờ, nếu vết thương có rỉ nước, hãy đắp băng gạc mới thêm 12 giờ.

Trong hai ngày đầu sau khi chụp mạch vành, bệnh nhân không nên quan hệ tình dục hoặc tập thể dục nặng. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên tắm, sử dụng bể sục hoặc hồ bơi, thoa kem dưỡng da gần chỗ đâm kim trong 3 ngày.

Sau khi làm xét nghiệm 1 tuần, hãy đến tái khám để bác sĩ xem xét tình trạng. Bệnh nhân hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Các biến chứng & tác dụng phụ

Tương tự hầu hết các thủ thuật được thực hiện trên tim và mạch máu, chụp động mạch vành có một số rủi ro, như phơi nhiễm bức xạ từ tia X được sử dụng, nhưng các biến chứng lớn là rất hiếm.

Nguy cơ và biến chứng tiềm tàng bao gồm:

- Đau tim

- Đột quỵ

- Tổn thương động mạch thông

- Nhịp tim không đều (loạn nhịp)

- Phản ứng dị ứng với thuốc nhuộm hoặc thuốc được sử dụng trong thủ thuật

- Tổn thương thận

- Xuất huyết quá mức

- Nhiễm trùng

Do đó, sau khi chụp động mạch vành, người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ được bác sĩ xử trí kịp thời.

Khoa Tim mạch tổng quát, BV Nhân Dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080