Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/04/2022 16:32

Phương pháp cấy chỉ giảm đau

Cấy chỉ hay còn gọi là nhu châm, chôn chỉ, vùi chỉ, là một phương pháp châm cứu cải tiến, ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật với nền tảng là hệ thống lý luận của châm cứu truyền thống, là kỹ thuật cao của châm cứu Việt Nam.

I. Giới thiệu phương pháp cấy chỉ

Cấy chỉ hay còn gọi là nhu châm, chôn chỉ, vùi chỉ, là một phương pháp châm cứu cải tiến, ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật với nền tảng là hệ thống lý luận của châm cứu truyền thống, là kỹ thuật cao của châm cứu Việt Nam.

Cụ thể cấy chỉ là phương pháp đưa một đoạn chỉ tự tiêu vào vị trí huyệt trong cơ thể nhằm duy trì sự kích thích liên tục lên các huyệt này qua đó để đạt hiệu quả điều trị.



*Sơ lược các loại chỉ cấy hiện nay:

·      Chỉ catgut với ưu điểm kích thích huyệt mạnh, tiêu nhanh, tái tạo tổ chức tốt , giá thành rẻ.

·      Chỉ Polyglecaprone (PCL): Là chỉ trung tính, kích thích khá nhẹ nhàng, phù hợp với các thể bệnh, khii cấy bệnh nhân không đau nhiều, không sợ.

·      Chỉ PCL-C: Chỉ PCL kèm vitamin C(chống viêm, giảm đau, tái tạo tổ chức) ứng dụng cho vị trí viêm, xơ hoá, điểm đau, điểm kích hoạt.

·      Chỉ PDO: Tác dụng kích thích tăng sinh Collagen - tái tạo tổ chức. Nên được ứng dụng trong ngành làm đẹp.

·      Chỉ PDS: giảm đau tốt, kích thích mạnh nên phù hợp cấy các huyệt có khối cơ lớn, trong các trường hợp đau nhiều, teo cơ, tê liệt, giảm cảm giác, dùng phá xơ .

II. Lịch sử phương pháp cấy chỉ

​Cấy chỉ được khởi đầu bằng việc xuất hiện các loại chỉ tự tiêu trong phẫu thuật sau đó ứng dụng vào lĩnh vực thẩm mỹ vào những năm 70 của thế kỷ XX. Sau đó việc đưa chỉ tự tiêu vào những vị trí huyệt trong cơ thể với mục đích điều trị bệnh bắt đầu xuất hiện từ những cách hết sức đơn giản như rạch da chôn chỉ, thắt gút chỉ…và cho đến hiện nay nó đã không ngừng cải tiến để nhằm điều trị bệnh nhưng giảm đau đớn và thuận tiện hơn cho người bệnh rất nhiều. Cụ thể:

​- Trên thế giới

   + Tại Hungari, năm 1990 cấy chỉ được chọn là phương pháp điều trị chính thức tại Hội điều trị bằng các phương pháp tự nhiên Hungari. Sau đó cấy chỉ đã được sử dụng điều trị cho bệnh nhân nội ngoại trú ở Viện châm cứu và phục hồi chức năng Yamamoto Budapest. Cấy chỉ được xem là một phương pháp điều trị chính thống, được giảng dạy ở các trường y khoa với hiệu quả vượt trội với châm cứu.

   +Tại Hàn Quốc, kim  châm cứu với sợi chỉ Polydioxanone (PDO) sử dụng cho các cơ ở lưng với mục đích giảm đau và kích thích cơ yếu và từ đó được áp dụng nhiều hơn trong nước cũng như xuất hiện ở các nước khác như Singapore, Nhật Bản, Nga…

​- Tại Việt Nam

   + Trước năm 1980, tại Khoa Phổi Viện Quân y 103 đã áp dụng cấy chỉ điều trị Hen phế quản.

   + Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, phương pháp cấy chỉ được áp dụng rộng hơn và mang lại nhiều hiệu quả trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp, tê chân tay, động kinh, bại liệt…

   + Năm 2013, Bộ Y tế đưa quy trình cấy chỉ vào phác đồ điều trị.

​Hiện nay, Cấy chỉ được đưa vào chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo Y khoa cũng như được dùng phổ biến tại nhiều cơ sở y tế trong cả nước, trong đó có Bệnh viện Nhân dân 115 chúng tôi đã ứng dụng cấy chỉ trong một số bệnh lý để điều trị như Viêm mũi dị ứng, hội chứng vai gáy, đau thần kinh tọa, đau lưng, thoái hóa khớp gối,  mất ngủ, rối loạn tiểu tiện, liệt thần kinh VII ngoại biên, di chứng đột quỵ não… mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

 

III. Cơ chế và ứng dụng của phương pháp cấy chỉ

* Về cơ chế

-          Theo Y học hiện đại:

​Cũng giống như châm cứu việc cấy chỉ vào huyệt sẽ tạo ra tình trạng dãn mạch và tăng tuần hoàn tại chỗ, giải phóng các chất trung gian gây nên tác dụng giảm đau, không chỉ vậy việc kích thích các cơ, tổ chức tại chỗ rồi thông qua sợi thần kinh sẽ truyền những tín hiệu đến các cơ quan nội tạng, vùng não tương ứng từ đó sẽ gây những phản ứng toàn thân nhằm điều hòa lại những rối loạn chức năng ở tổ chức bệnh.

​Ngoài ra với bản chất các sợi chỉ là những Protein tự tiêu, khi sợi chỉ tiêu sẽ gây ra quá trình phản ứng hóa sinh, do đó cấy chỉ còn có tác dụng:

Tăng tái tạo protein và carbonhydrat , giảm dị hóa, tăng đồng hóa, tăng protein, giảm acid lactic, tăng dinh dưỡng cho cơ.

Tăng sinh mạch máu nhỏ, cải thiện tuần hoàn máu ở vùng tác động.

Kích thích sinh những sợi thần kinh mới trong bó cơ.

-          Theo Đông y

Khi bị bệnh cơ thể sẽ có những phản ánh tại các huyệt. Người thầy thuốc sau khi khám bệnh để tìm ra được nguyên nhân, cơ chế bệnh rồi từ đó đưa ra phương pháp điều trị, phương huyệt cụ thể để tác động vào qua đó điều chỉnh lại những rối loạn chức năng trong cơ thể.

Như đã đề cập ở trên việc cấy chỉ vào huyệt nhất định, huyệt đó sẽ được kích thích liên tục và sẽ tạo ra không chỉ tác dụng lưu thông khí huyết tại chỗ mà còn có thể điều hòa kinh lạc, tạng phủ bị rối loạn, loại trừ nguyên nhân gây bệnh từ đó đạt mục đích trị bệnh.

*Về ứng dụng:

Cấy chỉ được thực hiện bởi Bác sĩ đã qua đào tạo chuyên ngành y học cổ truyền, được cấp chứng chỉ hành nghề, theo Quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.

Với sự tiện lợi và hiệu quả của phương pháp cấy chỉ, phương pháp này được ứng dụng trong rất nhiều các chuyên khoa khác nhau, từ cơ xương khớp, thần kinh, tiêu hoá… trong đó vấn đề đau mạn tính đang được quan tâm khá nhiều (đau lưng, đau dây thần kinh tọa, thoái hoá khớp…) với hiệu quả và tính an toàn đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu từ trong nước cho đến nước ngoài, cũng như từ thực tế lâm sàng tại khoa YHCT -PHCN Bệnh viện nhân dân 115 cho thấy:

 Các bệnh lý thoái hoá cột sống cổ, đau vai gáy, đau dây thần kinh tọa, thoái hoá khớp gối hiệu quả của phương pháp cấy chỉ tùy thuộc mức độ nặng nhẹ, tuổi tác, nguyên nhân nhưng thông thường trải qua khoảng 2-8 liệu trình (lần) mang lại hiệu quả tích cực.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế (2013), Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu.
  2. Lê Thuý Oanh (2010), Cấy chỉ, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
  3. Trịnh Thị Diệu Thường (2020), Cấy chỉ cơ bản trong thực hành lâm sàng, Nhà xuất bản Y học.
  4. Cho Y, et al (2018), “Thread embedding acupuncture for musculoskeletal pain: a systematic review and meta-analysis protocol”, BMJ Open, 8:e015461. doi:10.1136/bmjopen-2016-015461
  5. Park JM, Lee JS et al (2018), “A systematic review ơn thread embedding therapy of knee osteoarthritis”, Korean Journal of Acupunture, 35(4):159-165.

 

BS CKI  Đinh Thị Thanh Nhàn

         Khoa YHCT - PHCN

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080