Logo Bệnh viện Nhân dân 115
16/03/2020 10:46

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị u tá tràng “khổng lồ”

Tuần vừa qua, khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115 đã phẫu thuật lấy khối u tá tràng “khổng lồ” thành công cho một bệnh nhân. BS CKI Đặng Khải Toàn (bác sĩ trong kíp phẫu thuật và điều trị bệnh nhân) đã cho biết thêm:

Đó là trường hợp của ông N.V.P, 50 tuổi, ở tỉnh Long An, tiền căn chưa ghi nhận bệnh lý bất thường.

Cách đây 6 tháng ông P bắt đầu cảm thấy mệt, thỉnh thoảng đau bụng, ăn uống kém. 2 tháng gần đây ông P đau bụng nhiều hơn, ăn vào là bị ói, sụt 7 kg nên nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115 và chuyển khoa Ngoại Tổng quát điều trị.

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận tổng trạng bệnh nhân suy kiệt, niêm nhợt, khám bụng có một khối u chắc, chiếm 1/4 bụng trên bên phải, đường kính khối u khoảng 25 cm.

Kết quả một số cận lâm sàng đáng chú ý:

- Tổng phân tích tế bào máu: WBC: 9.75 K/uL, RBC: 3.07 M/uL, Hgb: 5.4 g/dL, Hct: 19.8%, MCV: 64.5 fL, MCH: 17.6 pg, MCHC: 27.3 g/dL, PLT: 404 K/uL.

- CT scan bụng: Sang thương khối ổ bụng phải, khả năng GIST (u mô đệm) ruột non.

Hình ảnh khối u (chú thích bằng mũi tên đỏ) trên phim CT csan bụng của bệnh nhân

- Nội soi thực quản – dạ dày có sinh thiết: Theo dõi K vùng nhú vater.

- Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán là u mô đệm tá tràng và chỉ định phẫu thuật Whipple (phẫu thuật cắt khối tá tụy). Ca phẫu thuật diễn ra trong 5 giờ, bác sĩ phẫu thuật mở bụng đường giữa, u to chiếm 1/4 ổ bụng bên phải, cắt ngang dạ dày, ống mật chủ, cắt ngang thân tụy, cắt một phần gan và mặt trước thận do u xâm lấn, lấy trọn khối u. Khối u có kích thước 25x20 cm, nặng gần 4 kg. Bệnh nhân được truyền 10 đơn vị máu, sử dụng kháng sinh, dinh dưỡng tĩnh mạch. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy khối u là u mô đệm tá tràng (GIST).

Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân diễn tiến tốt dần, bệnh nhân không còn đau bụng, ăn uống được và được cho xuất viện.

Theo TS. BS CKII. Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115, phẫu thuật viên chính của ca mổ thì:

- Đây là ca phẫu thuật khó, do u tá tràng lớn chiếm hết 1/4 ổ bụng trên bên phải nên bác sĩ phẫu thuật khó khăn trong việc nhận định u xuất phát từ cơ quan nào, ngoài ra u có nhiều mạch máu tăng sinh và xâm lấn các cơ quan lân cận (gan, thận phải) nên trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân mất máu nhiều. Trường hợp trên đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có kinh nghiệm cắt khối tá tụy, vừa mổ, vừa cầm máu và truyền máu cho bệnh nhân.

- Bệnh lý u mô đệm đường tiêu hóa hay còn gọi là GIST là tên viết tắt của Gastrointestinal Stromal Tumor, là một loại sarcoma. Sarcoma là ung thư của các mô liên kết và xương. Chúng chiếm khoảng 0,1 đến 3% ung thư đường tiêu hóa. Thông thường, GIST thường xuất hiện ở những người tuổi trung niên, đỉnh điểm là khoảng 58 tuổi, tỉ lệ như nhau ở cả 2 giới.  Khối u GIST có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa và phân bố ở dạ dày là 60-70%; ở tá tràng- ruột non là 20-30%, đại trực tràng 5%, thực quản và phần khác là dưới 5%. GIST được nghi ngờ và phát hiện dựa trên các triệu chứng như thiếu máu, đau bụng thậm chí có thể gặp khối u GIST hoại tử gây loét dẫn đến có máu trong phân, nôn ra máu hoặc thiếu máu.

- Bệnh nhân  P. đã rất may mắn khi được phẫu thuật kịp thời vì u đã có kích thước rất lớn, rất mềm có thể vỡ bất cứ lúc nào nếu xảy ra va chạm trong sinh hoạt như té ngã, chấn thương vào vùng bụng. Khi đó máu chảy nhiều và bệnh nhân nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh này có tiên lượng khá tốt nếu được phẫu thuật kịp thời và điều trị hóa trị sau mổ.

- Bệnh nhân lưu ý khi có triệu chứng đau bụng, nôn ói, sụt cân nên đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm và nếu là u thì phẫu thuật càng sớm càng tốt khi u còn nhỏ.

Nhựt Quang


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080