Logo Bệnh viện Nhân dân 115
28/05/2020 11:07

Nứt hậu môn là gì?

Nứt hậu môn là bệnh được đặc trưng bởi một vết loét nông giống như một vết rách ở ống và rìa hậu môn. Bệnh gặp khá nhiều, đứng thứ ba sau bệnh trĩ và các bệnh nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng. Bệnh không nguy hiểm tới tính mạng nhưng làm người bệnh đau đớn khi đi cầu.

Hình ảnh tổn thương

Hình ảnh tổn thương là một vết rách ở da, niêm mạc của vùng lược. Vết rách đi từ rìa hậu môn ở phía ngoài tới đường lược phía trong, hầu hết nằm ở phía sau, vị trí 6 giờ. Kèm theo một vết nứt hậu môn thường có đầu ngoài là một búi trĩ hay là một mảnh da thừa, đầu trong là một nhú phì đại. Như vậy bộ ba kinh điển của thương tổn nứt hậu môn gồm có: búi trĩ, loét, nhú phì đại.


Tiến triển: gồm hai giai đoạn

- Giai đoạn cấp tính: Tổn thương là một vết rách rất nông, hình cái vợt mà đầu to ở phía ngoài đầu nhỏ ở phía trong, bờ thấp, đáy màu hồng. Tiếp sau giai đoạn cấp tính là giai đoạn mạn tính.

- Giai đoạn mạn tính: Thương tổn là một ổ loét sâu, bờ nổi cao, đáy màu trắng và có những sợi vòng của thớ cơ thắt trong chạy ngang qua. Tổn thương có thể được phủ bởi một u hạt viêm, khi bị nhiễm trùng thì có một vài giọt mủ. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả thì ổ loét của nứt hậu môn có thể tiến triển thành áp xe hậu môn và rò hậu môn.

Triệu chứng:

- Đau khi đi cầu, lúc phân qua hậu môn, nhất là khi phân cứng, đau rất nhiều, có thể kéo dài đến vài giờ.

- Máu đỏ tươi trên phân hoặc giấy vệ sinh sau khi đi cầu.

- Một vết nứt có thể nhìn thấy ở vùng da xung quanh hậu môn.

- Một mẩu da thừa gần vết nứt hậu môn.

Nguyên nhân phổ biến của bệnh nứt hậu môn bao gồm:

- Đi cầu khối phân lớn hoặc cứng.

- Táo bón và rặn nhiều khi đi cầu.

- Tiêu chảy mãn tính.

- Giao hợp qua đường hậu môn.

- Sinh con.

Các biến chứng của bệnh nứt hậu môn:

- Chuyển sang mạn tính: Vết nứt hậu môn không lành trong vòng tám tuần được coi là mãn tính.

- Tái phát:  Khi bạn đã từng bị nứt hậu môn, bạn rất dễ có nguy cơ bị tái phát.

- Vết nứt hậu môn lan tới cơ thắt vòng hậu môn, làm cho vết nứt hậu môn khó lành hơn.

- Áp xe hậu môn và rò hậu môn.

Chẩn đoán:

- Nội soi trực tràng: Thường được thực hiện ở bệnh nhân dưới 50 tuổi, không có yếu tố nguy cơ bệnh lý ruột non hay ung thư đại tràng.

- Nội soi đại tràng: Thực hiện đối với bệnh nhân trên 50 tuổi, cho phép khảo sát toàn bộ đại tràng.

- Đo áp lực hậu môn: Nhằm đánh giá trương lực cơ thắt hậu môn, cũng như đo độ nhạy cảm và chức năng của trực tràng.

Điều trị:

1. Thay đổi lối sống:

- Uống nhiều nước, không uống nước có chứa caffein (vì uống quá nhiều caffein và rượu có thể gây mất nước).

- Ăn một chế độ ăn giàu chất xơ, để tránh táo bón, mục tiêu là 20 đến 35 gram chất xơ mỗi ngày. Bạn có thể tăng lượng chất xơ bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: rau, trái cây như chuối, đu đủ, các loại trái cây có múi, các loại ngũ cốc còn nguyên cám, các loại hạt…

- Sử dụng thuốc nhuận tràng để giúp làm mềm phân.

- Nên đi cầu ngay khi có cảm giác mắc, không nên cố gắng nhịn vì có thể dẫn đến táo bón, phân trở nên cứng hơn có thể gây ra vết rách và đau đớn.

- Không nên rặn nhiều và ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu vì có thể làm tăng áp lực ống hậu môn.

- Sau khi đi cầu nhẹ nhàng rửa sạch và lau khô vùng hậu môn.

- Tránh các chất gây kích ứng cho da, chẳng hạn như xà bông thơm hoặc chất tạo bọt.

- Điều trị táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy.

- Ngâm nước ấm có thể thúc đẩy chữa lành vết nứt hậu môn. Bằng cách ngồi trong bồn nước ấm hai hoặc ba lần một ngày trong 10 đến 15 phút, có thể giúp làm sạch hậu môn, cải thiện lưu lượng máu và thư giãn cơ thắt hậu môn.

Những biện pháp trên thường có thể chữa lành hầu hết các vết nứt hậu môn trong vòng vài tuần đến vài tháng.

2. Dùng thuốc:

- Thuốc mỡ làm giảm đau chống phù nề: Anusol-HC, oxit kẽm…. giúp làm giảm khó chịu từ vết nứt nhẹ.

- Nitrogylcerin: bôi nitroglycerin vùng hậu môn giúp giãn mạch và gia tăng lượng máu đến vết nứt, giúp vết nứt mau lành. Liệu pháp này cũng giúp làm giảm áp lực cơ thắt hậu môn, giúp giảm bớt sự co thắt và giảm đau. Các tác dụng phụ có thể bao gồm đau đầu, huyết áp thấp và chóng mặt.

- Botox: Tiêm một liều nhỏ của onabotulinumtoxinA (Botox) vào cơ vòng hậu môn làm liệt các cơ thắt trong vài tháng, gây giãn cơ thắt. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau tại chỗ tiêm hay tạm thời rò rỉ khí hoặc phân (hậu môn không kiểm soát).

- Thuốc chẹn kênh calci: nifedipine (Adalat) và diltiazem (Cardizem) uống hoặc nghiền thành một chất gel và bôi, góp phần làm giãn cơ thắt.

3. Phẫu thuật

- Nứt hậu môn mãn tính nếu không chữa lành được với phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật cắt giảm một phần nhỏ của cơ vòng hậu môn để giảm co thắt và đau, giúp vết nứt mau lành.

Phòng ngừa: Có thể ngăn ngừa bệnh nứt hậu môn bằng các biện pháp để ngăn ngừa táo bón hoặc tiêu chảy. Ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên để tránh phải rặn nhiều khi đi cầu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.    Nguyễn Đình Hối- Hậu môn trực tràng học. NXB Y Học 2002.

2.    “Treatment for Anal Fissures” 14 – 06 - 2018, WedMD.com.

BS CK2. Đinh Thu Oanh

                                                             Trưởng Đơn vị nội soi - Bệnh viện Nhân dân 115


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080