Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/05/2020 16:13

Những điều cần biết về nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng (colonoscopy) hiện nay đã trở nên phổ biến rộng rãi, trở thành “tiêu chuẩn vàng” trong khảo sát đại tràng. Đây không chỉ là phương tiện chẩn đoán mà còn cho phép nhà nội soi cùng lúc thực hiện các thủ thuật như sinh thiết, can thiệp điều trị như cắt polyp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội soi đại tràng được chỉ định rộng rãi nhằm khảo sát những bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa dưới hoặc với mục đích tầm soát ung thư đại trực tràng ở những bệnh nhân có nguy cơ. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tổng quan về những điều cần lưu ý khi nội soi đại tràng.

Chỉ định nội soi đại tràng

-          Bệnh nhân có những triệu chứng liên quan đến rối loạn chức năng đại tràng như táo bón, tiêu chảy, thay đổi thói quen đại tiện, đau vùng bụng dưới, rối loạn hấp thu.

-          Đi tiêu ra máu hoặc đi phân đen.

-          Sụt cân chưa rõ nguyên nhân.

-          Thiếu máu thiếu sắt chưa rõ nguyên nhân.

-          Xét nghiệm phân có máu ẩn.

-          Tầm soát ung thư đại trực tràng và theo dõi sau điều trị.

-          Cắt polyp và theo dõi sau cắt polyp.

 

Những ai nên được tầm soát ung thư đại tràng?

Ngoài những chỉ định kể trên, bệnh nhân không có triệu chứng nên được nội soi đại tràng với mục đích tầm soát ung thư đại tràng trong những trường hợp sau:

-          Bệnh nhân ≥ 50 tuổi.

-          Tiền sử gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột) bị ung thư đại tràng.

-          Tiền sử polyp đại tràng hay gia đình có bệnh đa polyp di truyền.

-          Tiền sử viêm loét đại tràng mạn tính hay bệnh Crohn.

 

Chống chỉ định nội soi đại tràng

-          Viêm phúc mạc.

-          Viêm túi thừa đại tràng cấp.

-          Tắc ruột.

-          Nghi ngờ thủng đại tràng.

-          Bệnh nhân suy hô hấp, huyết động không ổn định, mới nhồi máu cơ tim cấp trong vòng 3 tuần trước

 

Chuẩn bị trước nội soi đại tràng

1.    Đồng ý làm thủ thuật

Nội soi là một thủ thuật xâm lấn, bệnh nhân cần được nghe giải thích về quá trình nội soi để có thể hiểu rõ hơn và hợp tác với bác sĩ trong khi soi.

Nội soi đại tràng hiện nay tại khoa Nội Tiêu Hóa Bệnh viện Nhân dân 115 bao gồm nội soi không gây mê và nội soi gây mê (nội soi không đau). Nếu chọn nội soi gây mê, cần người nhà đi cùng để đưa bệnh nhân về sau khi thực hiện nội soi.

2.    Chuẩn bị đại tràng

Chuẩn bị đại tràng trước khi nội soi là rất quan trọng. Nếu đại tràng chuẩn bị không sạch thì phân, chất cặn bã sót lại trong lòng đại tràng sẽ làm tốn nhiều thời gian soi và tiến hành soi khó khăn hơn. Đại tràng không sạch còn có thể gây hạn chế quan sát, đưa đến bỏ sót tổn thương, đặc biệt là những polyp có kích thước nhỏ.

Để giúp đại tràng sạch hơn, 2 ngày trước khi soi, bệnh nhân nên dùng thức ăn lỏng, những thực phẩm có ít chất xơ, dễ tiêu hóa như bánh mì, thịt nạc, các loại trái cây không hạt, rau củ nấu chín. Cần tránh các loại trái cây có hạt, thực phẩm giàu chất béo, ngũ cốc.

Làm sạch đại tràng

2 phương pháp làm sạch đại tràng phổ biến hiện nay là sử dụng các dung dịch thuốc nhuận tràng và thụt tháo.

Thụt tháo là phương pháp tương đối bất tiện, phải thực hiện tại bệnh viện, có thể gây đau và đôi khi hiệu quả không cao. Thụt tháo hiện nay chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không uống được nhưng cần thiết phải thực hiện nội soi như bệnh nhân có tai biến mạch máu não, bệnh nhân có rối loạn tâm thần, bệnh nhân nằm lâu…hoặc bệnh nhân có xuất huyết tiêu hóa dưới cần nội soi cấp cứu.

Sử dụng thuốc nhuận tràng hiện nay được sử dụng rộng rãi, bệnh nhân đa phần dung nạp tốt. Bệnh nhân được hướng dẫn cụ thể cách uống sao cho hiệu quả. Bệnh nhân không ăn thức ăn đặc ít nhất 2 giờ trước khi uống thuốc làm sạch đại tràng. Ngoài ra, bệnh nhân nên uống thêm nhiều nước, ít nhất 2 lít, có thể uống thêm nước dừa hoặc nước đường để tránh mất sức (chú ý không sử dụng các loại thực phẩm đồ uống có màu). Bệnh nhân được khuyến cáo nếu có thể nên đi lại tại chỗ, giúp làm tăng nhu động ruột để quá trình thanh lọc hiệu quản hơn. Làm sạch đại tràng được đánh giá hiệu quả khi bệnh nhân đi tiêu ra nước trong, không còn phân hay chất nhày.

Sau khi uống thuốc, phải tiến hành nội soi trong vòng 3 – 8 giờ, vì nếu để lâu dịch mật, dịch tiêu hóa sẽ đi xuống làm bẩn đại tràng trở lại. Do đó thông thường, bệnh nhân nên uống dung dịch vào sáng sớm và tiến hành soi vào buổi trưa hoặc buổi chiều.

 

Những biến chứng liên quan đến nội soi đại tràng

Nhìn chung, nội soi đại tràng là một thủ thuật an toàn. Một số bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng tiêu hóa nhẹ sau nội soi như đau bụng thoáng qua, chướng bụng.

Các biến chứng nghiêm trọng bao gồm thủng, xuất huyết, biến chứng tim phổi hay nhiễm trùng có tỉ lệ rất thấp, thường chỉ xảy ra trên những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như già yếu, suy kiệt, có nhiều bệnh nặng đi kèm,…

 

Bệnh nhân vui lòng liên hệ khoa Nội Tiêu Hóa Bệnh viện Nhân dân 115 để nhận được những tư vấn cần thiết, giải đáp thắc mắc về nội soi đại tràng cũng như hướng điều trị và theo dõi sau nội soi trong trường hợp có phát hiện bệnh lý.


BS. Phạm Quang Thiên Phú

Khoa Nội Tiêu Hóa, Bệnh viện Nhân dân 115


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080