Logo Bệnh viện Nhân dân 115
25/11/2019 10:26

Nhồi máu cơ tim do bị ong vò vẽ đốt

Ong đốt là một tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn nhất là vào mùa hè. Biến chứng thường gặp là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt, còn biến chứng nhồi máu cơ tim thì hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn qua trường hợp sau đây.

Bệnh nhân nam tên P.M.T, 35 tuổi, ở Phú Yên nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115 vì đau ngực, khó thở sau khi bị ong vò vẽ đốt.

Ong vò vẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bệnh sử như sau:

Cách nhập viện 2 ngày, khi đi làm bệnh nhân bị đàn ong vò vẽ tấn công và đốt nhiều vết vào toàn thân, chủ yếu vào vùng đầu và lưng (không rõ số vết đốt), khoảng 1 giờ sau bệnh nhân đau nhức toàn thân kèm đau ngực nhiều, cảm giác bóp nghẹt, vã mồ hôi, khó thở trong khoảng 10 phút.

Bệnh nhân nghỉ ngơi thì cảm thấy đỡ, sau đó cơn đau ngực tăng dần, bệnh nhân nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim sau ong đốt, xét nghiệm Troponin: > 50000 pg/ml, siêu âm tim: giảm động vùng mỏm và thành sau giữa thất trái, điều trị: Lovenox 40mg, Aspirin 81mg, Plavix 75mg, bệnh nhân chuyển đến bệnh viện Nhân Dân 115 tiếp tục điều trị theo nguyện vọng gia đình.

Bệnh nhân có hút thuốc lá 10 gói/năm, bản thân không có tiền căn bệnh lý tim mạch và không có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm.

Bệnh nhân vào Bệnh viện  Nhân dân 115 với tình trạng đau ngực nhiều kèm khó thở, tri giác tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn: mạch: 100 l/ph, huyết áp: 120/80 mmHg, nhiệt độ: 37 độ C, nhịp thở: 20 l/ph, SpO2: 94%.

Trong quá trình khám bệnh, chúng tôi ghi nhận:

Bệnh nhân có thể trạng trung bình, vết ong chích vùng đầu, lưng, cánh tay sưng nề nhẹ kèm đau.

Khám tim mạch: mỏm tim ở liên sườn 5 giao đường trung đòn trái, tiếng tim đều, rõ, nhịp tim 100 lần/phút, không âm thổi, tĩnh mạch cổ nổi 30o ở tư thế nằm, lồng ngực cân đối, âm phế bào đều 2 bên.

Các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường.

Kết quả một số cận lâm sàng:

- RBC: 5.12 M/uL, Hgb: 15.3 g/dL, WBC: 17.17 K/uL, PLT: 197 K/uL.

- Glucose: 7.63 mmol/L , Ure: 3.74 mmol/L, Creatinin: 70 mmol/L, eGFR/MDRD: 111.32 mL/min/1.73, Na+: 141 mmol/L, K+: 4.04 mmol/L, AST: 99.2 U/L, ALT: 93.2 U/L, Bilirubin trực tiếp: 8.28 umol/L, Bilirubin toàn phần: 51.48 umol/L, LDL cholesterol: 1.87 mmol/L, Triglycerid: 0.76 mmol/L.

- Troponin I (hs): giờ thứ 50 của bệnh > 50000.0 pg/ml; NT pro BNP: 385.2 pmol/L.

- X-quang tim phổi thẳng: chưa ghi nhận bất thường.

- CT scan 128: hệ mạch vành cản quang cho thấy: độ vôi hóa: 4 điểm, mạch vành phải ưu thế, hẹp LADI # 60-70%, LADII # 40-50%.

- Điện tâm đồ (thời điểm nhập viện): Nhịp xoang, block nhánh phải không hoàn toàn, QS từ V1 đến V4, ST chênh lên lan tỏa V1-V6.

- Siêu âm tim: Dãn buồng tim trái, chức năng tâm thu thất trái EF=40%, giảm động vùng mỏm, giảm động trung bình phần đáy, phần giữa của vách liên thất và thành bên, các thành còn lại co bóp được, hở van 2 lá 1/4, PAPs: 32 mmHg, không tràn dịch màng ngoài tim.

Hình ảnh điện tâm đồ của bệnh nhân khi nhập viện

Bệnh nhân được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên vùng trước rộng giờ 50, killip I sau ong đốt.

Điều trị:

Ngày 1: Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện còn đau ngực dữ dội, khó thở, có tình trạng suy tim cấp (nhịp tim nhanh 100 lần/phút), tĩnh mạch cổ nổi 300 ở tư thế nằm, được xử trí theo phác đồ nhồi máu cơ tim cấp với: Glycerin trinitrat, lovenox, furosemid, spifucaplus, crestor, plavix, aspirin, paracetamol, opecipro, sau khoảng 60 phút bệnh nhân giảm khó thở, giảm đau ngực.

Ngày 2: Bệnh nhân giảm khó thở, không còn đau ngực, HA: 100/60mmHg, mạch: 89 lần/phút, tim đều, phổi không ran, ngưng glycerin trinitrat.

Ngày 3,4,5,6,7,8,9,10: Bệnh nhân không đau ngực, không khó thở, nằm đầu thấp, tĩnh mạch cổ xẹp, sinh hiệu ổn định, tim đều, phổi không ran, bụng mềm. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 10.

Bàn luận:

Đây là bệnh nhân thứ 2 tôi ghi nhận có tình trạng nhồi máu cơ tim cấp sau ong đốt. Khi tham khảo y văn tôi thấy có một số trường hợp trên thế giới khởi phát nhồi máu cơ tim sau ong đốt được ghi nhận: “Kounis syndrome”được tác giả Kounis và Zavar mô tả vào năm 1991 và được ghi nhận nhiều trường hợp trên thế giới bao gồm 3 type:

Type 1: Co thắt động mạch vành trên những bệnh nhân không có bệnh lý mạch vành.

Type 2: Co thắt động mạch vành trên những bệnh nhân có bệnh lý mạch vành, xói mòn hoặc vỡ mảng xơ vữa.

Type 3: Trong đó bao gồm các bệnh nhân bị huyết khối trong stent động mạch vành.

Trường hợp của bệnh nhân P.M.T là một trường hợp nam, trẻ tuổi (35 tuổi) không có tiền sử bệnh tim mạch trước đây, tuy nhiên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch: hút thuốc lá 10 gói/năm, vào viện trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng sau khi bị ong đốt.

Chúng tôi nghĩ đến khả năng nhồi máu cơ tim cấp type 2 do cơ chế co thắt động mạch vành trên bệnh nhân có mạch vành tiềm ẩn. Sau điều trị và tư vấn bệnh nhân chụp CT scan 128 hệ mạch vành cản quang cho thấy: độ vôi hóa 4 điểm, mạch vành phải ưu thế, hẹp LADI # 60-70%, LADII # 40-50% chứng minh cho nhận định lúc đầu của chúng tôi là đúng, do bệnh nhân đã có bệnh mạch vành.

Qua trường hợp trên có một số điều cần lưu ý:

Ong đốt là tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn và nhất là vào mùa hè. Biến chứng thường gặp là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt, các biến chứng nặng hơn như: suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, suy đa cơ quan.

Trong khi đó nhồi máu cơ tim là một biến chứng hiếm gặp nhưng là bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến phức tạp. Bệnh thường xảy ra phần lớn ở các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tim mạch cao, nhiều bệnh lý nền tim mạch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xảy ra nhồi máu cơ tim do bị ong đốt ở bệnh nhân trẻ, nguy cơ tim mạch rất thấp đã được ghi nhận.

Vì vậy, đối với các trường hợp sau khi bị ong đốt, triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim.

 

Bác sĩ Châu Minh Thông

– khoa Tim mạch Tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080