Logo Bệnh viện Nhân dân 115
30/09/2022 15:08

Nhân sâm là một trong những vị thuốc hồi phục sức khỏe

Theo Đông y nhân sâm vị ngọt hơi đắng, tính hơi ôn; vào kinh tâm tỳ, phế. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, tỳ vị hư nhược, phế hư suyễn khái, tự hãn, kiện vong, huyễn vựng, nam giới di tinh liệt dương, trẻ em kinh giật, phụ nữ băng lậu.

*Tên gọi: Nhân sâm là vị thuốc được lấy từ rễ cây Nhân sâm (Panax gingseng C.A. Mey.) - một loài cây thân thảo sống lâu năm, thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Loài thực vật này sinh trưởng chủ yếu ở vùng núi cao, lạnh, tuyết. Một cây sâm cho chất lượng tốt phải hội tụ cả môi trường sống lẫn số năm tuổi. Các nơi Nhân sâm mọc hoang và được trồng nổi tiếng là Khai Thành (Triều Tiên - nơi có truyền thống lâu đời nhất), Trung Quốc (Cát Lâm, Liêu Ninh), Hàn Quốc, bắc Mỹ, vùng Viễn Đông (Liên Xô cũ).


Hình ảnh: Nguồn Internet

* Phân cấp nhân sâm: Nhân sâm tùy mức độ giống người mà được phân thành 3 cấp là Thiên (rất giống người), Đia (giống người), Lương (Nhân- khá giống người), còn các loại sâm chưa có hình người thì không được xếp cấp.

*Về thành phần và tác dụng:

Theo Đông y nhân sâm vị ngọt hơi đắng, tính hơi ôn; vào kinh tâm tỳ, phế. 

Công năng chủ trị: Đại bổ nguyên khí, cố thoát sinh tân phục mạch, an thần ích trí. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, tỳ vị hư nhược, phế hư suyễn khái, tự hãn, kiện vong, huyễn vựng, nam giới di tinh liệt dương, trẻ em kinh giật, phụ nữ băng lậu. Theo nhiều nghiên cứu dược lý hiện đại nhân sâm có: Saponin sterolic, hỗn hợp saponin có tên panaxozit (còn gọi là panaquilon hay panakilon); hỗn hợp glycoside panaxin (gensenin); tinh dầu chủ yếu là panaxen (C15H24); Vitamin B1, B2, các men diastase; 3 – 7% tro trong đó acid phosphoric chiếm 53%;acid béo hỗn hợp (acid palmitic, stearic, linoleic); phytosterin, đường, pectin, tinh bột, germanium cao.

Tác dụng

Trên hệ thần kinh: Tăng cường quá trình hưng phấn của vỏ não, làm giảm mệt mỏi, tăng hiệu suất công việc, tăng cường thể lực và trí lực, cải thiện giấc ngủ. Liều quá cao nhân sâm có thể gây trấn tĩnh.

Trên tim mạch: Liều thấp gây tác động tăng cường độ và số lần co bóp tim, liều cao gây tác dụng hạ huyết áp, ức chế tim mạnh.

Trên hô hấp: Khi tiêm tĩnh mạch ở thỏ và mèo, liều nhỏ nhân sâm làm tăng hô hấp, liều cao gây tác dụng ngược lại.

Chuyển hóa: Nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết, có thể dùng phối hợp với insulin ở bệnh nhân đái tháo đường.

Trên sự sinh trưởng và phát dục: Nhân sâm giúp tăng trọng lượng cơ thể động vật thử nghiệm và kéo dài thời gian giao phối.

Ngoài ra, thực nghiệm cho thấy nhân sâm giúp tăng sức đề kháng ở động vật.

*Cách dùng:

1. Sâm thái mỏng, cho vào miệng ngậm và nhấm từng ít một, nuốt nước và cả bã. 

2. Thái mỏng, cho vào ấm hay chén sứ. Thêm một tí nước đậy nắp. Đun cách thuỷ, uống nước. Sau đó lại thêm nước và đun cách thuỷ tiếp tục uống. làm như vậy cho đến khi hết mùi vị mới thôi. Ngoài ra có thể hãm, nấu, sắc, ninh hoặc hầm…Ngày dùng 2-6g.


Hình ảnh: Nguồn Internet

*Về phân loại:

Theo điều kiện thu hoạch gồm có viên sâm (sâm trồng) và sơn sâm/dã sơn sâm là loại sâm hoang dã và  sâm bán hoang dã là sâm được trồng trong điều kiện tương tự sâm hoang dã. Thực tế hiện nay chủ yếu là sâm trồng và sâm bán hoang dã, rất hiếm sâm hoang dã. Theo xuất xứ có Sâm cao ly( Triều Tiên và Hàn Quốc), sâm cát lâm (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc), Tây dương sâm ( bắc Mỹ)…Theo cách bào chế có Bạch sâm, Hồng sâm, Hắc sâm…

*Kiêng kỵ: Nếu không phải chứng hư thì không nên dùng. Nhân sâm phản lê lô, sợ ngũ linh chi. Không dùng nhân sâm đồng thời với củ cải và uống trà đặc.

*Một số bài thuốc có nhân sâm

  1. Cảm mạo kèm khí hư, chữa cảm cúm ở người cơ thể suy nhược

Nhân sâm bại độc tán

Thành phần: Khương hoạt 40g, sài hồ 40g, độc hoạt 40g, tiền hồ 40g, phục linh 40g, xuyên khung 40g, cát cánh 40g, chỉ thực 40g, nhân sâm 40g, cam thảo 20g.

Công dụng: Phát hãn giải biểu, khu phong trừ thấp.

  1. Bệnh nặng, bệnh đã lâu ngày, ra máu nhiều dẫn đến hôn mê, mạch đập khẽ muốn ngừng

Dùng một trong các bài:

Bài 1 - Thang độc sâm: Nhân sâm 4g đến 12g, chưng cách thuỷ, cho uống. Trị chứng hư thoát nguy kịch.

Bài 2 - Thang sâm phụ: Nhân sâm 3g – 6g, phụ tử 12g – 20g. Sắc uống. Trị các chứng như trên kèm mồ hôi ra lạnh toát, chân tay rã rời.

Công dụng: ích khí cứu thoát (cấp cứu khi bệnh nặng).

  1. Người cơ thể suy nhược, người mới ốm dậy, mắc bệnh mạn tính, thiếu máu, ăn ngủ kém.

Nhân sâm dưỡng vinh thang: Nhân sâm 12g; Đương quy 12g; Bạch thược 12g; Thục địa hoàng 16g; Bạch Truật 12g; Phục linh 12g; Quế tâm 4g; Sinh Hoàng kỳ 12g; Trần bì 8g; Viễn chí 4g; Ngũ vị tử 4g; Đại táo 12g; Sinh khương 3 lát; Cam thảo 6g.

Công dụng: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần.

  1. Trị các bệnh nhiệt làm khô tân dịch, đái tháo đường làm họng khô miệng khát

Sinh mạch thang: Nhân sâm (hoặc đảng sâm) 12g, mạch đông 12g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.

 Công dụng: Sinh tân chỉ khát.

Hiện nay do giá trị của Nhân sâm rất lớn như vậy nên nó được bày bán phổ biến nhưng chất lượng khó kiểm soát và không phải ai cũng dùng được do vậy cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và tham khảo ý kiến của các thầy thuốc trước khi sử dụng nhằm có những tư vấn tốt nhất cho tình trạng sức khỏe.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đỗ Tất Lợi (2004), “Nhân sâm”, Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, tr. 804-808.
  2. The National Center for Complementary and Integrative Health (2020), “Asian Ginseng”, https://www.nccih.nih.gov/health/asian-ginseng.
BS Nguyễn Khoa Lợi - Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080