Logo Bệnh viện Nhân dân 115
20/04/2020 09:00

Ngón tay cò súng

Ngón tay cò súng là bệnh do viêm dây chằng vòng cố định gân gấp ngón tay. Tình trạng viêm tiến triển gây đau khi gấp duỗi các ngón này, đồng thời việc cử động bị gián đoạn bởi “hiện tượng bật” tại một vị trí nhất định của ngón, thường ở khớp giữa ngón tay (khớp liên đốt gần).

BS CKI. Mai Phước Vĩnh - Khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện Nhân dân 115

Các gân gấp ngón tay được bao bọc bên ngoài bởi các bao gân tương ứng. Toàn bộ cấu trúc này được neo giữ lại bởi các dây chằng vòng cố định vắt ngang qua từng vị trí nhất định trên bàn tay.

Các dây chằng vòng (DCV) gồm: DCV ngang (kí hiệu từ A1 đến A5), các DCV chéo (kí hiệu từ C1 đến C3) và một DCV vùng nền (kí hiệu là PA). Nhờ vậy, khi chúng ta gấp các ngón tay, các dây chằng vòng tham gia vào việc giữ các gân gấp ôm sát phần nền xương ngón tay, chứ không nhô lên bên ngoài cũng như giúp ngón chuyển động một cách mượt mà.

Khi các DCV bị viêm (đặc biệt tại vị trí A1, nơi chịu lực nhiều nhất khi co ngón tay), sự bất cân xứng giữa gân-bao gân và các DCV làm tăng ma sát trong lòng hệ thống và tạo ra “hiện tượng bật”.

Nguyên nhân gây ngón tay cò súng chưa được xác định rõ, tuy nhiên chấn thương khu trú và cử động ngón lặp đi lặp lại làm tăng tần suất mắc bệnh này. Vì vậy, bệnh hay gặp ở tay thuận.

Ngón tay cò súng thường gặp nhiều hơn ở nữ giới so với nam giới (gấp 6 lần). Trên bệnh nhân mắc một số bệnh lý sau, cũng tăng tỷ lệ bị “ngón tay cò súng” như: đái tháo đường, hội chứng ống cổ tay, viêm gân De Quervain, suy giáp, viêm khớp dạng thấp, gút, bệnh thận mạn,...

Triệu chứng thường gặp đầu tiên là hiện tượng ngón tay bật nhẹ không đau hoặc đơn giản chỉ là cảm giác khó chịu mỗi khi cử động ngón tay. Khi bệnh tiến triển sẽ có hiện tượng bật, âm thanh bật, ấn đau tại khớp bàn ngón hoặc liên đốt gần ở phía lòng bàn tay.

Một số bệnh nhân thấy cứng ngón tay, hạn chế cử động gập duỗi ngón mà không hề có “biểu hiện bật” điển hình. Bệnh nhân có thể có triệu chứng sưng tại khớp bàn ngón tay và ngón tay bị khóa vào buổi sáng, triệu chứng sẽ giảm bớt vào chiều tối. Sau cùng, ngón tay có thể bị “kẹt” tại một tư thế cố định, khiến bệnh nhân phải dùng bàn tay bên lành kéo cho duỗi ra.

Ngón tay cò súng là một bệnh được chẩn đoán dễ dàng trên lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa nội khớp có kinh nghiệm. Việc chẩn đoán có thể gặp khó khăn khi bệnh ở giai đoạn sớm. Các xét nghiệm máu và hình ảnh học như X-quang bàn tay để chẩn đoán là không cần thiết.

Cần chẩn đoán phân biệt với nhiễm trùng, chấn thương khác, trật khớp, co cơ Dupuytren, loạn trương lực cơ khu trú, nang hoạt dịch, xương vừng, thoái hóa khớp, và kể cả chứng hysteria (liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý).

Việc điều trị bằng các thuốc kháng viêm NSAID đường uống nên được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa nội khớp.



Tiêm corticosteroid vào DCV A1 có hiệu quả cao, được chỉ định khi uống thuốc không hiệu quả, tổn thương một ngón với vị trí sưng đau sờ chạm được và không có các chống chỉ định của tiêm gân – bao gân. Việc tiêm phải được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa nội khớp.

Điều trị bằng cách dùng kim bóc tách giải phóng bao gân nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình có kinh nghiệm.

Phẫu thuật là biện pháp sau cùng sau khi các liệu pháp điều trị trên thất bại.

Ngoài ra, để tránh tái phát, bệnh nhân cần lưu ý hạn chế các chấn thương tuy nhẹ nhưng lặp đi lặp lại ở vị trí gốc ngón tay, mặt lòng bàn tay, liên quan đến công việc, sinh hoạt hàng ngày.



BS CKI. Mai Phước Vĩnh

- Khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện Nhân dân 115




TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080