Logo Bệnh viện Nhân dân 115
12/05/2019 21:10

Nghề điều dưỡng: Những bàn tay lặng lẽ

Hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Ðiều dưỡng vừa được các bệnh viện tổ chức để tôn vinh những người có đóng góp rất quan trọng trong công tác y tế nhưng vẫn ít được xã hội có cái nhìn thấu đáo và đầy đủ.
Trong thời kỳ nào, người điều dưỡng cũng đóng vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Chính sự tận tâm phục vụ, những hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần tạo nên sự thành công của các bệnh viện. Chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người điều dưỡng.



Công việc nhiều, điều dưỡng phải làm luôn chân luôn tay, nhưng mỗi bệnh nhân đều được chăm lo chu đáo, tỉ mỉ

Thống kê của WHO cho biết Việt Nam có gần 130.000 điều dưỡng, hộ sinh đang làm công tác chăm sóc tại hơn 1.300 BV, tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc người bệnh.

Tại một số BV, hội đồng điều dưỡng, y đức điều dưỡng, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc điều trị bệnh. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam, còn thiếu điều dưỡng, hộ sinh viên.

Thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ ở nước ta là 1,8; xếp hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á (Philippines là 5,1; Indonesia 8; Thái Lan 7). Còn theo Hiệp hội Lao động Hoa Kỳ, nghề điều dưỡng là một trong những nghề dễ bị stress nhất. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, gần 23% điều dưỡng viên có điểm stress ở mức cao, 42% có điểm stress ở mức trung bình và hơn 20% điều dưỡng có biểu hiện nhức đầu, lo âu, căng thẳng tinh thần, bất thường trong giấc ngủ…

Cùng với đó, trong xã hội vẫn còn nhận thức chưa đúng về vai trò của người điều dưỡng, cho rằng “nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, chỉ là người làm theo y lệnh, bác sĩ bảo gì làm nấy”. Đây cũng chính là trở ngại cho việc đổi mới toàn diện điều dưỡng, dẫn đến tồn tại những bất cập chưa được giải quyết và nhiều điều dưỡng viên mặc cảm bỏ nghề. (Theo thống kê của Thành An- báo SGGP)

Xử lý dụng cụ hỗ trợ hô hấp, cải tiến biểu mẫu bảng kiểm soát người bệnh, quản lý thân nhân người bệnh... là những đề xuất được đưa ra tại hội thảo Cải cách hành chánh công tác điều dưỡng 2019 tại Bệnh viện Nhân dân 115

Nghề điều dưỡng là làm gì?

Điều dưỡng viên là một nghề khá vất vả, một công việc không có giờ giấc cố định. Họ cống hiến hết thời gian trong ngày để chăm sóc bệnh nhân.

Điều dưỡng viên không chỉ là ngành nghề cao quý, thiêng liêng mà còn là nghề vô cùng vất vả, phải đánh đổi hầu hết thời gian để ở bên bệnh nhân, chăm sóc một cách tốt nhất. Nếu lơ đãng một chút thôi cũng khiến tình trạng bệnh nhân trở nên xấu hơn.

Điều dưỡng là người trực tiếp chịu trách nhiệm về tình hình sức khỏe, theo dõi bệnh nhân về thể trạng bệnh. Họ là những người có kiến thức chuyên nghiệp, nền tảng khoa học cơ bản. Để trở thành một Điều dưỡng viên chuyên nghiệp thì họ phải trải qua một thời gian đào tạo nhất định tại cơ sở đào tạo các chuyên ngành Điều dưỡng.

Thực tế cho thấy trong lĩnh vực Y tế thì không một công việc nào là nhàn hạ. Điều dưỡng viên cũng nằm trong số đó. Họ luôn phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, áp lực trên vai cũng đè nặng hơn. Và là một bộ phận rất quan trọng, đã nắm vai trò chủ chốt và chiếm hầu hết nhân lực trong hệ thống Y tế ngày nay.

Nghề điều dưỡng rất vất vả nhưng không ai biết

Một công việc khá thú vị cũng như là ước mơ của nhiều người. Thế nhưng, không phải bất cứ nghề nào cũng được trải hoa hồng, Điều dưỡng cũng có những khó khăn. Công việc này cũng đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ và lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết. Chính vì lòng yêu nghề, hết lòng vì bệnh nhân, và tâm lý đã được chuẩn bị sẵn và luôn phải đối mặt với nhiều vất vả, thậm chí nguy hiểm mà hiếm nên cho dù có vất vả bao nhiêu thì đã bước chân vào ngành này cũng khó mà “dứt” ra được.


Vận chuyển thuốc men cũng là một trong rất nhiều công việc của điều dưỡng, họ tận dụng xe lăn cho việc này

Nghề điều dưỡng có dễ làm?

“ Làm dâu trăm họ” là cách nói ví von khi người ta nói về nghề Điều dưỡng bởi tính chất công việc của họ là phải chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình nhất.

Điều dưỡng ngoài trình độ chuyên môn cao cần phải lắng nghe, nắm bắt những tâm tư tình cảm cũng như bệnh tình của bệnh nhân, bởi không người bệnh nào giống người bệnh nào buộc họ phải chịu đựng thế nên không có sự yêu thương con người, yêu nghề thật sự thì khó mà theo đuổi được công việc này.

Mỗi người bệnh đều có tính cách khác nhau, tâm lý bị ảnh hưởng khi mang trong mình những căn bệnh ngoài ý muốn. Như vậy, để gần gũi và thấu hiểu tâm lý của người bệnh, biết được những điều họ muốn là điều không dễ dàng.
Ngoài những công việc hàng ngày như: theo dõi, thay thuốc cho bệnh nhân, nhận định tình trạng của bệnh nhân, ghi hồ sơ bệnh án… Điều dưỡng viên phải luôn dành thời gian thăm hỏi, an ủi gia đình bệnh nhân cũng như bệnh nhân yên tâm điều trị để sớm phục hồi sức khỏe. Họ yêu thương người bệnh như chính người thân trong gia đình của mình.

3 năm làm việc tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình là 3 cái tết điều dưỡng Lê Minh Hải đón tết tại bệnh viện. Trong đó, 2 năm trực giao thừa, 1 năm trực mùng một.


Chia sẻ của một điều dưỡng đang làm việc tại Khoa Gây mê hồi sức ngoại - Bệnh viện Nhân dân 115 cho hay: "Nghề điều dưỡng với muôn vàng thách thức và thử thách, ai cũng nghĩ nó là một nghề thiêng liêng và cao cả. Tuy nhiên, đó vẫn là cảm nhận của mỗi người, mỗi vị trí, mỗi góc độ khác nhau. Đối với tôi nó là một điều khác.

Từ khi bước chân vào ngôi trường y khoa đào tạo Điều Dưỡng, tôi đã được các thầy cô thắp lên trong mình một ngọn lửa trong tâm hồn, sống học tập, lao động, chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Ngọn lửa ấy được nung nấu từng ngày, từng ngày trong 3 năm đào tạo tại ngôi trường y khoa. Rồi ngọn lửa ấp đã đủ sáng, đủ soi lối dẫn đường cho nhưng sinh linh con người giữa ranh giới sự sống và cái chết, quay trở về hồi phục cùng với gia đình. Đó là ngày tôi chính thức tốt nghiệp và thành một nhân viên chính thức tại khoa Gây Mê Hồi Sức Ngoại. Nơi có thể nói là một khoa đầu sóng ngọn gió trong bệnh viện.

Cuộc sống nghề Điều Dưỡng cũng khác với một số ngành nghề khác. Khi mọi người vui vẻ bên gia đình, đó là lúc chúng tôi đang tất bật cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân. Rồi những đêm trực nghiệp xung quanh với hi vọng rằng sẽ giúp ích cho đời và cho người. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Tôi luôn nhắn nhủ với đồng nghiệp, các bạn trẻ rằng: nghề Điều dưỡng lắm gian nan và vất vả, không phải là nghề mà chúng ta chọn nó để làm giàu cho bản thân. Các bạn phải suy nghĩ thật kỹ và lựa chọn chính xác, vì khi ốm đau bệnh tật mọi người rất cần các bạn, đặt niềm tin vào các bạn rất nhiều. Những suy nghĩ và hành động của các bạn sẽ là những quyết định quan trọng quyết định cho bao sinh mạng con người.

Phải biết lấy niềm vui từ cuộc sống người bệnh để làm động lực đi tiếp. Phải có tinh thần thép để vượt qua những gian nan, vất vả trong lúc hành nghề, Phải có tư tưởng định hướng tốt, để không bị xã hội, bị “đồng tiền” chi phối. Có được như vậy các bạn mới vững bước là một điều dưỡng thực thụ.

Hôm nay là ngày Điều Dưỡng thế giới, tôi xin chúc cho tất cả các bạn điều dưỡng tại bệnh viện Nhân dân 115 nói riêng và tất cả các bạn điều dưỡng trên toàn thế giới có 1 ngày thật vui vẻ và ý nghĩa. Tôi xin chúc, cho Tập thể Điều Dưỡng chúng ta ngày càng lớn mạnh, mãi luôn là những ngọn lửa tươi sáng dẫn lối cho mọi người trên hành tinh này".

Điều dưỡng vất vả và khó nhọc là thế nhưng với lòng yêu người, yêu nghề sâu sắc và mong muốn đóng góp sức mình cho ngành y tế, khi đã khoác lên mình chiếc áo tinh khôi đều cảm thấy hạnh phúc, ấm áp mà gạt bỏ hết những mệt mỏi, áp lực đằng sau kia.

Minh Hân (tổng hợp)
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080