Logo Bệnh viện Nhân dân 115
02/10/2019 08:50

Một số lưu ý về bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, có thể gây ra các triệu chứng trên thực quản hoặc nếu bệnh kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm thực quản, hẹp thực quản, thực quản Barrett và thậm chí ung thư biểu mô tuyến thực quản.

BS. CKII Trương Thị Ái Phương - Phó khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115


Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch d dày trào ngược lên thực quản, có thể gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng trên thực quản.

Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

- Các triệu chứng trào ngược điển hình: ợ nóng, ợ trớ, nóng rát ngực.

- Các triệu chứng thường gặp của trào ngược họng-thanh quản: Cảm giác vướng họng, ho dai dẳng, cảm giác nghẹn thở, ho sau khi ăn hoặc sau khi nằm, nuốt nghẹn, vướng đờm trong họng, đằng hắng, khàn tiếng hoặc có thay đổi về giọng nói…

 

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm nặng thêm bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: Rượu, thuốc an thần, cà phê, sôcôla, bữa ăn nhiều chất béo, béo phì, mang thai, bệnh đái tháo đường, các loại thuốc như chủ vận beta, nitrat, chẹn kênh canxi, thuốc đối kháng cholinergic, glucagon và thuốc tránh thai.

 

Các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, tuy nhiên bệnh dễ tái phát. 68% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản bị tái phát trong vòng  1 năm.

- Nếu bệnh trào ngược dạ dày thực quản kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng: viêm thực quản (xảy ra ở khoảng 50% bệnh nhân), hẹp thực quản, thực quản Barrett (chiếm 8-15% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản) và ung thư biểu mô tuyến thực quản.

Các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản: (A) Viêm thực quản; (B) Hẹp thực quản; (C) Thực quản Barrett; (D) Ung thư biểu mô tuyến thực quản.


Thực quản Barrett là gì?

- Thực quản Barrett được cho là do trào ngược mãn tính của dịch dạ dày vào thực quản, làm biến đổi môi trường ở thực quản, gây ra tình trạng chuyển sản và nghịch sản ở niêm mạc thực quản.

- Bệnh nhân bị thực quản Barrett cần được điều trị tích cực và theo dõi sát. Bởi vì thực quản Barrett kèm với chuyển sản ruột, nghịch sản có tiềm năng ác tính và là một yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của ung thư biểu mô tuyến thực quản.

Tỷ lệ bệnh nhân thực quản Barrett diễn tiến thành ung thư biểu mô tuyến thực quản là 0,5% đối với nhóm thực quản Barrett không có nghịch sản, 10% đối với nhóm thực quản Barrett nghịch sản mức độ thấp, 40% đối với nhóm thực quản Barrett nghịch sản mức độ cao.

 

Một số điều cần lưu ý đối với bệnh nhân bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

- Tránh một số yếu tố nguy cơ, thúc đẩy bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: Rượu bia, thuốc an thần, cà phê, sôcôla, bữa ăn nhiều chất béo.

- Tuân thủ điều trị tốt, uống thuốc đúng giờ (thường uống trước bữa ăn đầu tiên trong ngày) và đúng theo chỉ định của bác sĩ.

- Các nghiên cứu cho thấy việc giảm cân làm giảm thời gian tiếp xúc của thực quản với acid dạ dày, làm giảm các triệu chứng trào ngược. Tương tự, ngưng hút thuốc lá cũng làm giảm triệu chứng trào ngược. Ăn tối muộn làm tăng thời gian tiếp xúc của thực quản với acid dạ dày so với bữa ăn tối sớm hơn. Nâng cao đầu giường khi ngủ cũng làm giảm thời gian tiếp xúc của thực quản với acid dạ dày.

Vì vậy đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có béo phì, hút thuốc lá thì nên giảm cân và ngưng hút thuốc lá. Đối với những bệnh nhân bị triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản vào ban đêm thì nên tránh các bữa ăn tối muộn và nên nâng cao đầu giường khi ngủ.

- Đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng viêm thực quản, thực quản Barrett thì cần điều trị tích cực, theo dõi sát theo chỉ định của bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.

 

Tài liệu tham khảo:

1.Richard Hunt,David Armstrong,Peter Katelaris, World Gastroenterology Organisation Global GuidelinesGERD Global Perspective on Gastroesophageal Reflux Disease, J ClinGastroenterol, 2017, 51(6):467-78.

2. Stefanidis D,Hope WW,Kohn GP,Reardon PR,Richardson WS,Fanelli RD, Guidelines for surgical treatment of gastroesophageal reflux disease. Surg Endosc, 2010,24:2647-69.

3.Vincenza Conteduca, Domenico, Barrett's esophagus and esophageal cancer: An overview, International journal of oncology, 2012, 41:414-24.

4. Catiele Antunes,Sean A. Curtis, Gastroesophageal Reflux Disease, StatPearls Publishing LLC, 2018, U.S. National Library of Medicine.

5. DunFa Peng,Wael El-Rifai, Esophagus: Barrett's esophagus, dysplasia and adenocarcinoma, Atlas of Genetics and Cytogeneticsin Oncology and Haematology, 2010, 14(7):698-703.

6. Katz  PO,Gerson LB,Vela MF, Guidelines for the diagnosis and management of gastroesophageal reflux disease, Am J Gastroenterol,2013, 108(3):308-28.

BS. CKII Trương Thị Ái Phương

- Phó khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080