Logo Bệnh viện Nhân dân 115
15/06/2019 17:59

Móng quặp, phòng ngừa và điều trị như thế nào?

Khi bị móng quặp, khóe móng sưng đỏ, chảy dịch thì bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện để được khám và làm tiểu phẫu lấy đi phần móng quặp bao gồm cả phần mầm móng bên dưới để tránh tái phát sau này.
Móng quặp là một vấn đề thường gặp của móng chiếm 20%, chủ yếu ở ngón chân cái, xảy ra khi phần móng này mọc cắm vào phần thịt có thể gây viêm và đau. Vậy các yếu tố nào làm cho dễ bị móng quặp? Phòng ngừa và điều trị móng quặp như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiều trong bài viết sau đây với 1 trường hợp cụ thể.

Bệnh nhân nữ, tên L.T.N , sinh năm 1979, ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mới phát hiện đái tháo đường vài tháng nay, chỉ điều trị bằng ăn kiêng và tập thể lực.

Khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân phát hiện ngón 1 chân trái ấn hơi đau ở khóe móng. Bệnh nhân nghĩ là do móng cắm vào khóe nên đến tiệm làm móng để lấy ra nhưng 2 tuần sau bị lại. Bệnh nhân đến khám tại một cơ sở y tế ở địa phương và được dùng kháng sinh từng đợt nhưng vẫn không cải thiện nên đến phòng khám Nội tiết Bệnh viện Nhân Dân 115. Được biết bệnh nhân có sở thích đi giày cao gót có mũi bó hẹp.

Qua khám bệnh cho thấy dấu hiệu nổi bật của bệnh nhân này là ngón 1 chân trái sưng đau, đỏ, có dấu hiệu tụ mủ xung quanh, phù nề. Kết quả xét nghiệm: Đường huyết mao mạch: 97 mg/dL; HbA1c: 6.1%

Bệnh nhân được chẩn đoán: Nhiễm trùng ngón 1 do móng quặp - Đái tháo đường típ 2.

Bệnh nhân được bác sĩ giải thích cặn kẽ, sau đó tiến hành tiểu phẫu để cắt và lấy đi phiến móng cho đến gốc móng (bao gồm cả phần móng quặp) đồng thời dùng dao mổ lấy đi phần mầm móng ngay dưới phiến móng vừa lấy đi này.
Sau 3 ngày, khóe móng của bệnh nhân đã khỏi, không còn nhiễm trùng.

Hình 1: Ngón 1 chân trái của bệnh nhân N trước khi làm tiểu phẫu - Hình 2: Ngón 1 chân trái của bệnh nhân N sau khi làm tiểu phẫu 3 ngày

Một số yếu tố làm dễ bị móng quặp bao gồm:
- Cắt móng quá ngắn hoặc cắt sát khóe móng quá mức cần thiết.
- Mang giày dép quá chật.
- Thừa cân/béo phì.
- Đổ mồ hôi chân thường xuyên.
- Móng chân mọc quắp hình càng cua do cơ địa di truyền (Hình 3).
- Đái tháo đường.
- Chân phù do một số bệnh như suy tim mạn, bệnh thận mạn, xơ gan, suy tĩnh mạch. chi dưới.
- Do một số thuốc hóa trị ung thư như taxanes (Taxol), anthracycline (Adriamicine) và 5-Flurouracil.

Việc chẩn đoán tương đối dễ dàng bằng cách quan sát một số dấu hiệu tại chỗ như phần khóe móng hơi sưng, đỏ, đau tự nhiên hoặc đau khi ấn vào, đôi khi có phần thịt lồi qua khóe móng hoặc chảy dịch hay mủ nếu có nhiễm trùng.

Phân loại móng quặp gồm 3 giai đoạn (Hình 4):
- Giai đoạn 1: móng cắm vào thịt, phần da xung quanh hơi đỏ và bắt đầu viêm.
- Giai đoạn 2: xuất hiện một phần chồi thịt viêm đỏ mọc cạnh khóe móng quặp, đôi khi hơi ướt và có mủ.
- Giai đoạn 3: da xung quanh móng đã viêm đỏ, chảy dịch mủ; phần chồi thịt viêm mọc trùm qua khóe móng quặp.


Việc điều trị tùy vào mức độ trầm trọng đã nói ở trên. Nếu tình trạng viêm hơi nhẹ, không đau nhiều, có thể rửa bàn chân, ngón chân với xà phòng sát trùng và sau đó thoa kem hay gel kháng khuẩn lên ngón chân bị đau. Điều cần nhớ là phải để chân thật khô ráo trước khi mang giày, dép và không tạo áp lực lên ngón chân bị đau.

Trong trường hợp khóe móng sưng đỏ, chảy dịch thì nên đến ngay các cơ sở có đơn vị chăm sóc vết thương để được khám và làm tiểu phẫu để lấy đi phần móng quặp bao gồm cả phần mầm móng bên dưới để tránh tái phát sau này. Thủ thuật này cần gây tê tại chỗ và thực hiện chỉ mất khoảng 5 phút, sau đó người bệnh được chăm sóc thay băng và thông thường khỏi hẳn sau 3-5 ngày.

Có nhiều cách phòng ngừa móng quặp như: không cắt móng quá sát hay quá ngắn, không mang giày quá chật nhất là phần mũi giày (Hình 5), chọn loại giày có độ thông thoáng để tránh tình trạng ẩm ướt bàn chân.

a

Thạc sĩ Bác sĩ Võ Tuấn Khoa
Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115,
Tổng thư ký Liên chi hội Điều trị vết thương Tp. Hồ Chí Minh


Tài liệu tham khảo
1. Ingrown toenail: Overview. Created 28 June 2018. Next update 2020. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK513138/
2. Alan Bryant, Andrew Knox. Ingrown toenail: the role of GP. Aust Fam Physician. 2015: Jul;44(7):pp 102-105.https://www.racgp.org.au/afp/2015/march/ingrown-toenails-the-role-of-the-gp/
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080