Logo Bệnh viện Nhân dân 115
23/09/2017 17:21

Khối Ngoại - Bệnh viện Nhân dân 115: Xuất phát điểm của những tiếng vang nức lòng

Có thể nói, khối Ngoại - Bệnh viện Nhân dân 115 là một “nhánh cây” mạnh mẽ nhất làm lên thương hiệu bệnh viện Hiện đại - Thân thiện. Hội nghị khoa học khối Ngoại năm nay là dịp để tất cả cùng nhìn lại thành công trong năm vừa qua và hướng về những thành công mới.
“Hội nghị Khoa học kĩ thuật khối Ngoại - Bệnh viện Nhân dân 115 năm 2017” được tổ chức tại hội trường bệnh viện vào chiều 22/9. Đây là dịp để tất cả cùng nhìn lại thành công trong năm vừa qua và hướng về những thành công mới.

Tham gia hội nghị có sự góp mặt của TS.BS Phan Văn Báu - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện; BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng Khối Ngoại, trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân; các trưởng khoa/ phòng, bác sĩ của bệnh viện và các đại diện khoa Ngoại của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM...

TS.BS Phan Văn Báu - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện phát biểu khai mạc Hội nghị

Chương trình Hội nghị nhằm đánh giá những thành công của Khối Ngoại - BV Nhân dân 115 trong 1 năm vừa qua. Hội nghị Khoa học kĩ thuật khối Ngoại năm 2017 nhằm giới thiệu đến đồng nghiệp trong và ngoài bệnh viện những đề tài nghiên cứu khoa học Ngoại khoa đã được ứng dụng; những đột phá mới trong y học đang được áp dụng tại bệnh viện. Đồng thời, Hội nghị cũng là dịp để các bác sĩ và các khoa trong khối Ngoại học tập, trao đổi kinh nghiệm điều trị bệnh.

Ban chủ tọa Hội nghị

Ban thư ký

Trong chương trình Hội nghị có tất cả 7 phiên báo cáo và 1 bài cập nhật kĩ thuật được chọn lựa từ 16 bài báo cáo của khối. Ban chủ tọa Hội nghị bao gồm: TS.BS Phan Văn Báu (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện) và BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh (Trưởng Khối Ngoại, trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân). Ban thư kí gồm: ThS.BS Trần Thanh Phong (Phó khoa Ngoại Niệu - Ghép thận) và BS Đặng Khải Toàn (khoa Ngoại tổng quát).

Mũi nhọn tạo nên thương hiệu BV Nhân dân 115

Trong những năm vừa qua, Bệnh viện Nhân dân 115 là được ghi nhận như là cánh chim đầu đàn của Bộ Y tế nói chung và Sở Y tế TPHCM nói riêng.

Khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng bù lại ấy là sự nhiệt huyết, tinh thần lao động hăng say, sự quyết tâm để tạo dựng thành công trong mỗi khoa phòng nói riêng và cả tập thể khối Ngoại - BV Nhân dân 115 nói chung.

Trong những năm vừa qua, khối Ngoại - Bệnh viện Nhân dân 115 luôn thể hiện vững chắc vị thế của mình trong việc phẫu thuật và điều trị bệnh

Trong những năm gần đây, bệnh viện chú trọng vào việc nâng cao cải tiến, sáng kiến khoa học, cập nhật các tiến bộ mới trong Y khoa, nhất là mảng Ngoại khoa. Những chuyên khoa như Ngoại Thần kinh, Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tổng quát, Y học thể thao, Tai mũi họng, Răng hàm mặt - Mắt, Ung bướu và Y học hạt nhân... luôn được chú trọng về mặt chẩn đoán và điều trị.

TS.BS Phan Văn Báu phát biểu tại Hội nghị: “Mặc dù lực lượng bác sĩ khối Ngoại của chúng ta còn khá khiêm tốn nhưng trong những năm vừa qua đã đóng góp rất lớn trong sự phát triển của bệnh viện. Khoa Ngoại thần kinh đã làm nên thương hiệu riêng của Bệnh viện Nhân dân 115, nhắc đến Ngoại thần kinh là nhắc đến Bệnh viện 115. Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân cũng là một trong những trung tâm đa mô thức có tên tuổi tại khu vực phía Nam và cả nước.

Khoa Ngoại Niệu - ghép thận cũng gây không ít tiếng vang, trong đó việc “Điều trị tiền liệt tuyến mà không qua phẫu thuật” là một trong hai thành tựu được công nhận tại TPHCM. Khoa Ngoại Niệu cũng mới lập “Guiness Việt Nam” với ghép thận cho bệnh nhân 76 tuổi - ca bệnh lớn tuổi nhất Việt Nam. Ngoại Chấn thương chỉnh hình cũng là đơn vị thường xuyên thay khớp háng cho các trường hợp bệnh lớn tuổi nhất Việt Nam. Y học thể thao cũng là khoa được các vận động viên và bệnh nhân tin tưởng chọn lựa… Có thể nói là khối Ngoại của chúng ta còn nhỏ bé nhưng đóng góp rất lớn cho bệnh viện và ngành Y tế Thành phố”.


Trong tương lai gần, diện mạo của Bệnh viện Nhân dân 115 được thay đổi khá mạnh mẽ với việc xây mới và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình xây dựng hiện đại

Cũng theo chia sẻ của TS.BS Phan Văn Báu tại Hội nghị, sắp tới, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ thực hiện thí điểm mô hình PPP (Hình thức đối tác công tư). Đây là bước chuyển mình khá quan trọng của bệnh viện. Với việc đưa vào vận hành tòa nhà 10 tầng khang trang trong thời gian sắp tới, khối Ngoại nói riêng cũng được chú trọng đầu tư và phát triển hơn. Đặc biệt, trong tương lai gần, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ được xây dựng mới lại hoàn toàn. Như vậy, mong rằng với điều kiện sắp tới như vậy, đội ngũ bác sĩ bệnh viện sẽ phát huy tốt hơn nữa thành tích trong những năm vừa qua.

Phòng tránh những biến chứng trong phẫu thuật răng khôn hàm dưới lệch, ngầm

Đề tài báo cáo có tên đầy đủ là “Đánh giá đặc điểm lâm sàng, X-quang và kết quả phẫu thuật răng khôn hàm dưới lệch, ngầm tại Bệnh viện Nhân dân 115” do BS.CK2 Trần Xuân Thông - trưởng khoa Răng hàm mặt - Mắt thực hiện.


Báo cáo viên - BS.CK2 Trần Xuân Thông - trưởng khoa Răng hàm mặt - Mắt

Răng khôn hàm dưới mọc lệch, ngầm là một bệnh lý hay thường gặp trong nha khoa, thường gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh và có thể gây tử vong. Khám và phát hiện răng khôn hàm dưới lệch, ngầm có nguy cơ hay đã gây ra biến chứng, cần tiến hành điều trị, phẫu thuật nhổ bỏ răng, song việc phẫu thuật vẫn gặp nhiều khó khăn, phức tạp và dễ xảy ra các tai biến, biến chứng cho người bệnh như: đau, sưng nề, há miệng hạn chế, chảy máu, tổn thương thần kinh…

Nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng, X-quang giúp phân loại, tiên lượng và lập kế hoạch tốt cho việc phẫu thuật răng khôn hàm dưới lệch, ngầm.

Theo BS.CK2 Trần Xuân Thông, có 62 răng/ 62 bệnh nhân có răng khôn hàm dưới lệch, ngầm tại khoa Răng hàm mặt - Mắt được theo dõi, đánh giá trong quá trình nghiên cứu, trong khoảng từ 12/2015 - 8/2016.


Từ những số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu, báo cáo viên đưa ra những kết luận:

- Bệnh nhân có răng khôn hàm dưới lệch, ngầm đến khám, phẫu thuật phần lớn ở nhóm tuổi từ 18 đến dưới 25 tuổi, nữ cao hơn nam và chủ yếu là do đau. Biến chứng xảy ra do răng khôn hàm dưới lệch, ngầm thường gặp như viêm bàng quang, viêm lợi trùm, tiêu xương mật xa răng 7, viêm mô tế bào…

- Bệnh nhân có răng khôn hàm dưới lệch chiếm tỉ lệ cao (77,4%), trong đó lệch gần chiếm ưu thế, răng khôn hàm dưới ngầm chiếm tỉ lệ thấp (22,6%), răng lệch ngầm ngang là chủ yếu.

- Dựa vào thang điểm đánh giá và phân loại răng khôn hàm dưới lệch, ngầm, kết quả phân loại độ khó nhổ răng khôn hàm dưới mức trung bình chiếm ưu thế trong nghiên cứu.

- Thời gian phẫu thuật trung bình từ 30 - 60 phút là chủ yếu, biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật là đau, sưng, há miệng chiếm tỷ lệ cao, chảy máu, tê môi dưới chiếm tỷ lệ thấp; phân bố các biến chứng sau phẫu thuật  như đau, sưng, há miệng hạn chế gặp ở độ khó nhổ II và III.

- Diễn biến kết quả sau phẫu thuật răng khôn hàm dưới lệch, ngầm: Tốt, đạt kết quả cao, tăng dần vào các ngày thứ 3, 7 và 100% tốt sau 1 tháng.

BS.CK2 Trần Xuân Thông cũng kiến nghị: Nên tư vấn, khuyến khích bệnh nhân phẫu thuật răng khôn hàm dưới lệch, ngầm trước khi có biến chứng. Tổ chức khám sức khỏe răng miệng định kỳ rộng rãi và thường xuyên trong cộng đồng để sớm phát hiện những những răng lệch, ngầm có nguy cơ biến chứng và điều trị phẫu thuật sớm. Vì số lượng ca bệnh còn hạn chế, chưa thể khẳng định được nhiều nên cần tiếp tục có những nghiên cứu về phẫu thuật răng khôn hàm dưới lệch, ngầm với những cỡ mẫu lớn hơn.

Lợi ích xạ trị toàn bộ hộp sọ trong ung thư di căn não?

Câu hỏi cũng là nội dung chính, hướng triển khai của đề tài: “Đánh giá lợi ích xạ trị toàn bộ hộp sọ trong ung thư di căn não tại Bệnh viện Nhân dân 115” do ThS.BS Lê Anh Đức - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân trình bày.


ThS.BS Lê Anh Đức - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân đang báo cáo đề tài

Báo cáo viên cũng nêu rõ: Di căn não là tổn thương thường gặp nhất của các bệnh lý ung thư. Tỷ lệ di căn não có thể lên đến 30% trên các bệnh nhân ung thư. Tại Mỹ, hàng năm có đến 170.000 trường hợp di căn não mới được phát hiện. Tại Việt Nam, theo ghi nhận trước đây tổn thương di căn não chiếm từ 6,3 - 10,4% các loại được điều trị.

Nghiên cứu của ThS.BS Lê Anh Đức được nghiên cứu mô tả hàng loạt trên 94 bệnh nhân ung thư di căn não được chẩn đoán xác định, có chỉ định xạ trị toàn bộ hộp sọ tại Bệnh viện Nhân dân 115 từ 1/1/2016 - 1/6/2017.


Qua quá trình điều trị và theo dõi lâm sàng của 94 bệnh nhân sau xạ trị toàn bộ hộp sọ, báo cáo viên chỉ ra:

- Sau khi được xạ trị toàn bộ hộp sọ, các triệu chứng chính khiến bệnh nhân nhập viện giảm ở 60% mẫu nghiên cứu, tuy nhiên vẫn còn 40% các bệnh nhân vẫn cảm thấy không cải thiện và có tăng trong 2 trường hợp.

- Ghi nhận có sự liên quan của nhóm tuổi, giới tính và phẫu thuật u não trước khi xạ trị toàn bộ hộp sọ.

- Ở nhóm bệnh nhân dưới 60 tuổi, sau khi xạ trị toàn bộ hộp sọ thì giảm các triệu chứng rõ rệt hơn đối với bệnh nhân trên 60 tuổi. Điều này có thể do khả năng chịu đựng và đáp ứng với các phương pháp điều trị cao hơn ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi.

- Ở nhóm bệnh nhân Nam thì các triệu chứng cũng giảm có ý nghĩa thống kê so với Nữ giới. Điều này giúp chúng ta thấy được sự khác biệt về đáp ứng cũng như khả năng chịu đựng ở giai đoạn cuối thay đổi theo giới tính và nam giới cao hơn phụ nữ.


- Ở các bệnh nhân được phẫu thuật u não trước khi tiến hành xạ trị thì ghi nhận giảm triệu chứng hơn nhóm còn lại. Khi tiến hành phẫu thuật u não trước đó, tổn thương u đã mất, các hiệu ứng choán chỗ không còn hiện hữu trên bệnh nhân, điều này có thể là nguyên nhân rõ ràng nhất khiến nhóm phẫu thuật được cải thiện lâm sàng tốt hơn nhóm còn lại.

- Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về thời gian sống còn giữa các nhóm: ung thư nguyên phát, giai đoạn bệnh, di căn não hoặc không, các vị trí di căn não, số lượng di căn não, kích thước u não, tình trạng phù não, tổng trạng bệnh nhân khi vào xạ trị toàn bộ hộp sọ.

Hoại tử chỏm xương đùi: Căn bệnh đang trẻ hóa và phương pháp điều trị bảo tồn

Đề tài: “Kết quả bước đầu điều trị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn sớm bằng khoan giảm áp cổ-chỏm” được BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình báo cáo, do nhóm nghiên cứu BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm, BS.CK1 Nguyễn Cao Viễn, Đặng Thanh Sen thực hiện.


BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình

Hoại tử chỏm xương đùi hay còn gọi là hoại tử vô mạch (Avascular Necrosis) chỏm xương đùi là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi trên chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, dẫn đến tàn phế.

Theo nhóm nghiên cứu, bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên (25-50 tuổi), nam thường gặp nhiều hơn nữ (nam chiếm 80%) hay xảy ra ở cả 2 bên khớp háng nhưng thường xảy ra ở 1 bên này rồi sau đó xảy ra ở bên kia. Ngoài ra hoại tử chỏm xương đùi còn xuất hiện thứ phát sau chấn thương và một số nguyên nhân khác và phụ thuộc vào tuổi mắc các bệnh lý nền.


Việc chẩn đoán sớm và phân giai đoạn chính xác hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là rất quan trọng. Một phương pháp phẫu thuật đơn giản và đem lại hiệu quả cao trong điều trị ở giai đoạn sớm là khoan giảm áp cổ - chỏm. Giảm áp là giải thoát sự tăng áp trong tủy xương đưa đến tăng sinh mạch máu nuôi, bảo vệ toàn vẹn chỏm xương đùi, làm ngưng và chậm quá trình thoái hóa. Kết quả của phương pháp này sẽ góp phần dự phòng thoái hóa khớp háng hoàn toàn phải thay khớp háng toàn bộ và là một phẫu thuật lớn, tốn kém…

Với mục tiêu điều trị là dự phòng và hạn chế tối đa tiến triển nặng lên. Phương pháp thường được triển khai là khoan giảm áp khi tổn thương độ 1 và 2, bác sĩ điều trị dùng mũi khoan rỗng có đường kính to cỡ từ  6mm đến 8mm để khoan tạo đường hầm.

Báo cáo kết luận:

- Hoại tử chỏm xương đùi khởi phát lúc đầu âm thầm và hiện nay phát hiện ngày càng nhiều thường gặp ở người trẻ. Khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng thì tổn thương hoại tử tiến triển mức độ nhanh đến thời điểm can thiệp phẫu thuật là cần thiết.

- Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt ở giai đoạn cấu trúc giải phẫu của chỏm xương đùi còn nguyên vẹn là lý tưởng vì dù sao, một khớp háng thật vẫn tốt hơn là sử dụng khớp háng nhân tạo. Vai trò của MRI có độ nhạy cao, là phương pháp giúp chẩn đoán sớm và phân giai đoạn chính xác.

- Việc dự phòng hoại tử chỏm xương đùi đòi hỏi phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ, trong đó bên cạnh các yếu tố bệnh nghề nghiệp là các yếu tố nguy cơ khác có thể loại bỏ được là rượu và thuốc lá.

- Điều trị bằng khoan giảm áp cổ - chỏm đã cho kết quả tương đối khả quan với kết quả bước đầu góp phần dự phòng làm chậm quá trình thoái hóa khớp háng, giảm triệu chứng lâm sàng, cải thiện chất lượng sống người bệnh.


Danh sách các đề tài nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị Khoa học kĩ thuật khối Ngoại năm 2017


1. “Đánh giá đặc điểm lâm sàng, X-quang và kết quả phẫu thuật răng khôn hàm dưới lệch, ngầm tại Bệnh viện Nhân dân 115” do BS.CK2 Trần Xuân Thông - trưởng khoa Răng hàm mặt - Mắt báo cáo.
...


2. “Đánh giá lợi ích xạ trị toàn bộ hộp sọ trong ung thư di căn não tại Bệnh viện Nhân dân 115” do ThS.BS Lê Anh Đức - khoa Ung bướu và Y học hạt nhân trình bày.
...


3. "Đánh giá kết quả điều trị sỏi ống mật chủ kèm sỏi túi mật bằng ERCP kết hợp phẫu thuật cắt túi mật nội soi trong thì mổ" do ThS.BS Trần Thanh Hiền - khoa Ngoại tổng hợp báo cáo.
...


4. "Điều trị Rối loạn cương dương bằng sóng xung tần số thấp" do ThS.BS.CK1 Trương Hoàng Minh - trưởng khoa Ngoại Niệu - ghép thận trình bày.
...


5. "Sulbactam - Cefoperazone: Điều trị theo kinh nghiệm nhiễm khuẩn bệnh viện" do DS Bùi Tấn Phương, đại diện công ty Pfizer trình bày.
...


6. "Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý khớp vùng cổ tay: Nhân 6 trường hợp" do BS.CK1 Võ Anh Quân trình bày.
...


7. “Kết quả bước đầu điều trị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn sớm bằng khoan giảm áp cổ-chỏm” được BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình báo cáo.


Một số hình ảnh về buổi Hội nghị:





BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng Khối Ngoại, trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân





Nhiều ý kiến trao đổi, xây dựng được đóng góp tích cực sau những đề tài nghiên cứu



Theo Lê Bình

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080