Logo Bệnh viện Nhân dân 115
01/10/2019 13:19

Kháng sinh colistin - "vũ khí" ít ỏi sau cùng để đối phó với nhiễm trùng đa kháng

Chiều 27/9, Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật khối Cấp cứu - Hồi sức - Gây mê năm 2019, đề cập đến vấn đề kháng kháng sinh, cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn, dự phòng xuất huyết tiêu hóa do stress ở bệnh nhân nặng…

Đây là hội nghị thường niên với mục đích báo cáo những kết quả nghiên cứu trong năm của các bác sĩ,  đồng thời cập nhật thông tin mới nhất, trao đổi kiến thức chuyên môn trong khối Cấp cứu - Hồi sức - Gây mê.

Hội nghị thu hút sự tham dự của đông đảo khách mời là các trưởng khoa, bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê, điều dưỡng đến từ Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện FV, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Huyện Củ Chi, Bệnh viện Hóc Môn, Bệnh viện Quận 12.

7 bài báo cáo với nội dung hấp dẫn liên quan đến tình hình vi sinh và đề kháng kháng sinh, cập nhật điều trị nhiễm nấm xâm lấn, cập nhật hồi sinh tim phổi nhân tạo, tình hình sử dụng colistin, dự phòng xuất huyết tiêu hóa do stress ở bệnh nhân nặng, đánh giá tình hình dinh dưỡng của bệnh nhân tổn thương não nặng, các biện pháp lọc máu trong điều trị bệnh nhân nặng, mô hình bệnh tật tại khoa Cấp cứu tổng hợp 2018… đã “níu chân” khách tham dự tới tận cuối giờ.


Thầy thuốc Ưu tú - TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ tại buổi hội thảo

Colistin - Kháng sinh cứu cánh cho nhiễm trùng đa kháng

Vấn đề mang tính thời sự nhất hiện nay về đề kháng kháng sinh cũng được TS.BS Đỗ Quốc Huy - Phó giám đốc bệnh viện chia sẻ trong báo cáo “Tình hình vi sinh và đề kháng kháng sinh tại Bệnh viện Nhân dân 115”.

Theo TS Huy, mầm bệnh đáng sợ nhất ở tất cả các khoa phòng hiện nay là Acinetobacter baumannii, nó kháng với hầu hết mọi kháng sinh và chỉ còn chịu tác dụng duy nhất với colistin. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện tình trạng kháng với colistin.

TS Huy khuyến cáo, kháng sinh duy nhất còn có thể cứu cánh được đó chính là colistin, nhưng nếu không cẩn thận có thể gây ra đề kháng thì lúc ấy không còn thuốc để chữa những nhiễm trùng đa kháng nữa. Vì vậy, cần thận trọng hơn khi dùng colistin, có thể dùng kết hợp với các loại kháng sinh khác để để trở thành vũ khí hiệu quả, tránh tình trạng kháng thuốc.


TS.BS Đỗ Quốc Huy - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115

Ngoài Acinetobacter baimami, còn 2 vi khuẩn khác khá “ác ôn” mà các bác sĩ chưa dành sự quan tâm đúng mức là Klebsiella spp và Staphylococcus aureus. Trong đó, Fosformycil là thuốc kháng sinh mang hiệu quả 100% với vi khuẩn Staphylococcus aureus.

TS Huy cũng nhấn mạnh vai trò của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh giúp tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, giảm hậu quả không mong muốn khi dùng kháng sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, ngăn ngừa vi khuẩn đề kháng kháng sinh và giảm chi phí y tế.


ThS.DS Nguyễn Hương Trà

Cũng liên quan đến colistin, ThS.DS Nguyễn Hương Trà - Dược sĩ lâm sàng khoa Hồi tích sức tích cực - chống độc đưa ra bái báo cáo về việc sử kháng sinh này tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Đây là một kháng sinh cũ được tìm ra vào năm 1949, nhưng dần không được sử dụng ở hầu hết các nơi trên thế giới bởi sự lo ngại khả năng gây độc tính ở thận và hệ thần kinh, đặc biệt là độc tính cao trên thận. Tuy nhiên, đứng trước sự gia tăng mạnh mẽ của các chủng vi khuẩn gram âm đa kháng, các bác sĩ phải cân nhắc đến việc sử dụng kháng sinh này.

Trong phần báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát, ThS Hương Trà đưa ra một số lưu ý để tránh tình trạng gây độc trên thận cũng như đề kháng khi dùng colistin nên dùng liều nạp, không nên dùng đơn độc, đây không phải một trị liệu đầu tay và chỉ nên sử dụng như một kháng sinh cứu cánh cho các trường hợp vi khuẩn đa kháng, và phối hợp thêm phun khí dung khi cần.


Khách tham dự chăm chú theo dõi các đề tài của báo cáo viên

Bệnh tim mạch và đột quỵ gặp nhiều nhất ở khoa Cấp cứu

Theo một khảo sát trong 3 năm từ 2015 - 2017, BS.CK2 Lê Hồng Hải cho biết, tại khoa Cấp cứu Tổng hợp tiếp nhận trên 100.000 ca bệnh mỗi năm, hơn 300 ca bệnh/ ngày. Số lượng bệnh nhân tăng trung bình 8% năm. Người bệnh nhập viện chủ yếu bệnh lý nội khoa, trong đó chiếm nhiều nhất là nhóm bệnh tim mạch và bệnh lý mạch máu não.

Cơ cấu nhóm bệnh tật chính vào khoa Cấp cứu đứng đầu bệnh tim mạch, thứ 2 là tai nạn thương tích, thứ 3 là hệ tiêu hóa, thứ 4 là hệ hô hấp. 5 bệnh chiếm nhiều nhất theo thứ tự là đột quỵ, chấn thương đầu mặt do tai nạn giao thông, hội chứng vành cấp, chóng mặt cấp, viêm phổi. Trong đó, nữ giới nhập cấp cứu cao ở nhóm bệnh nội khoa, đặc biệt là chóng mặt cấp, nam giới thường gặp tai nạn thương tích. Đây là những con số gây ấn tượng trong phần báo cáo của BS Hải.


BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức ngoại Bệnh viện Nhân dân 115

Đề tài báo cáo “Cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn nâng cao cập nhật của AHA 2018” nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời tham dự. Bởi hồi sinh tim phổi tưởng chừng như đơn giản nhưng đây là sự quyết định sống còn của bệnh nhân khi ngừng tuần hoàn hô hấp.

BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức ngoại đã mang đến cập nhật mới nhất, giúp ích cho các bác sĩ thực hành lâm sàng. Đó là, ngày nay người ta khuyến nghị dùng Lidocaine để thay cho Amiodarone và loại thuốc này đã được bổ sung vào Quy tắc cấp cứu ngưng tim của ACLS khi điều trị VF/pVT (rung thất/ nhịp nhanh thất vô mạch) kháng trị.

Như đã lưu ý trong các hướng dẫn trước đó, CPR và khử rung là phương thức điều trị duy nhất liên quan đến cải thiện khả năng sống sót ở bệnh nhân VF/pVT.

Ngoài ra, trong cập nhật của AHA 2018 đã quy định rõ ràng về biên độ cũng như tần số ấn ngực. Cụ thể, trong khi CRP bằng tay, người cứu hộ cần thực hiện nhấn mạnh ngực với biên độ ít nhất là 2 inches (5cm) và không quá lớn hơn 2,4 inches (6cm) cho người lớn, ở tốc độ 100-120 lần/ phút. Thay người ép ngực sau mỗi 2 phút hoặc sớm hơn nếu thấy mỏi. Khi đặt nội khí quản, bóp bóng chậm 10 lần/ phút, bóp càng nhanh thì càng có hại.


TS.BS Vũ Đình Thắng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc - Bệnh viện Nhân dân 115

Trong đề tài báo cáo “Dự phòng xuất huyết tiêu hóa do stress ở bệnh nhân nặng”, TS.BS Vũ Đình Thắng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc cho biết đây là tình trạng rất thường gặp. Thường, các bác sĩ chỉ chú trọng đến thuốc, nhưng thực chất nuôi ăn sớm qua đường ruột rất quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc.

“Do đó khuyến cáo tất cả các bệnh nhân, kể cả bệnh nhân sau mổ, mới mổ hoặc bệnh nhân nặng cần được nuôi ăn sớm và dùng thuốc bảo vệ niêm mạc. Khi dùng PPI cần lưu ý có khả năng làm tăng nguy cơ viêm phổi bệnh viện, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Clostridium dificile và tương tác PPI với Clopidogrel” - BS Thắng chia sẻ.

Đề tài thứ 2 của BS Thắng về “Các biện pháp lọc máu trong điều trị bệnh nhân nặng” đưa ra một bức tranh tổng quan về tình hình lọc máu trên thế giới và những vấn đề Việt Nam có thể ứng dụng để phát triển.

Phương Nguyên - Ảnh: Trung Úy - AloBacsi.com
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080