Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/11/2019 14:46

Hưởng ứng Ngày đái tháo đường thế giới 14/11: Gia đình phải làm gì để đồng hành cùng người bệnh?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 có buổi chia sẻ với bạn đọc AloBacsi về vấn đề “Gia đình phải làm gì để đồng hành cùng người bệnh?” nhân Ngày đái tháo đường thế giới 14/11.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Hiện nay có khoảng 40-50% bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu. Theo BS, tại sao tỷ lệ này lại khiêm tốn như vậy ạ? Bệnh nhân thường gặp khó khăn gì khi kiểm soát đường huyết?

Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường có thể kiểm soát được đường huyết từ 40 - 50%, đây là một thực tế. Như chúng ta đã biết, đái tháo đường là tình trạng mức glucose tăng cao trong máu thường xuyên và lâu dài dẫn đến các biến chứng trầm trọng và đôi khi gây tử vong cho người bệnh. Việc kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu là một trong các vấn đề cốt lõi trong điều trị đái tháo đường.

Mặc dù ngày nay chúng ta có nhiều thuốc đái tháo đường mới ra đời để chống lại bệnh đái tháo đường nhưng một điều đáng buồn là tỷ lệ người bệnh đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết còn khá khiêm tốn.

Tỷ lệ này ở những nước phát triển cũng không nhiều. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115, được thực hiện vào năm 2010, tỷ lệ không kiểm soát đường huyết của bệnh viện khoảng 40%.

Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính có thể giải thích vì sao lại có tỷ lệ kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu khiêm tốn như vậy:

- Nguyên nhân liên quan đến bản chất bệnh đái tháo đường type 2: đái tháo đường bản chất là bệnh diễn tiến theo thời gian do vậy việc mất kiểm soát đường huyết là một trong các diễn tiến không thể tránh khỏi, và là một thuộc tính của bệnh này. Do vậy người bệnh không nên chủ quan với bệnh của mình, đồng thời không nên sử dụng cùng một toa thuốc cho khoảng thời gian dài.

- Nguyên nhân liên quan y bác sĩ: tỷ lệ đái tháo đường tăng nhanh trong những năm gần đây (có 3.5 triệu người mắc tại VN, thống kê năm 2015), tốc độ tăng nhanh chóng, 200% cho mỗi năm. Như vậy góp phần gia tăng áp lực cho ngành y tế trong khám và chăm sóc bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ bận rộn hơn, áp lực hơn nên đôi khi không đủ thời gian để xem xét điều chỉnh thuốc khi không đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết mà lẽ ra phải làm như vậy. Tình trạng này cũng được ghi nhận tại các quốc gia phát triển, gọi là sự trì trệ lâm sàng (inertia) tức bác sĩ không đủ thời gian để thay đổi toa thuốc.

- Nguyên nhân liên quan người bệnh: phần lớn người bệnh không đạt mục tiêu điều trị có thể liên quan đến một số rào cản như người bệnh thiếu kiến thức về bệnh, nhất là dinh dưỡng và tập luyện thể lực, dùng thuốc như thế nào. Ngoài ra, việc tuân thủ điều trị không được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường vẫn còn khó khăn.

Người nhà nên trang bị những thông tin, kiến thức gì để có thể đồng hành với người bệnh tiểu đường, giúp họ kiểm soát đường huyết?

Đái tháo đường đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới với số mắc ước tính 425 triệu người (2017). Và dự báo đến năm 2045 có khoảng 625 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Chủ đề ngày đái tháo đường thế giới năm 2019 là “Gia đình và đái tháo đường” với ý nghĩa đề cao vai trò của người thân trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Để đồng hành cùng với người bệnh đái tháo đường, người nhà cần:

- Tăng nhận thức về bệnh đái tháo đường thông qua việc tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ đái tháo đường cùng với người bệnh.

- Tham gia hỗ trợ quá trình điều trị như đưa người nhà đi khám bệnh để cùng nghe bác sĩ tư vấn. Có thể giúp cho người bệnh trong việc điều trị như chích insulin, thử đường huyết…

Người nhà có thể cùng tập thể dục, giúp người bệnh ít có cơ hội bỏ cuộc, chuyên cần tập luyện hơn, cảm thấy phấn chấn vui vẻ hơn.

“Nếu muốn đi thật nhanh, bạn hãy đi một mình. Nhưng muốn đi thật xa, hãy đi cùng với nhau” lời khuyên của tỷ phú Warren Buffett (Mỹ).


Dường như người bệnh tiểu đường rất dễ cáu gắt, người nhà có thể làm gì để giúp họ lấy lại cân bằng tâm lý?

Hiện nay, bệnh đái tháo đường thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh nhân thường có các bệnh kèm theo, có thể ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày như di chứng đột quỵ não, bệnh nhân lớn tuổi có các vấn đề về khớp và suy giảm nhận thức… Vì vậy, theo tôi, điều quan trọng nhất, bệnh nhân cần được hỗ trợ về mặt tinh thần.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính, không những ảnh hưởng đến hoạt động chức năng mà còn tác động lên tinh thần người bệnh. Người bệnh thường thay đổi tâm lý rất nhiều như xuất hiện tâm trạng lo sợ, mất bình tĩnh khi mới phát hiện bệnh hoặc xuất hiện biến chứng. Thậm chí, có nhiều bệnh nhân bị trầm cảm. Những cảm xúc tiêu cực này thường có tác động rất lớn trong quá trình điều trị. Nguyên nhân có thể là:

- Nhận định không đúng về bệnh: người bệnh nghĩ bệnh không thể chữa được, bệnh ngày càng nặng, bệnh là một hình phạt nên dễ lo âu, chán chường và cáu gắt.

- Đái tháo đường thường kèm theo biến chứng đột quỵ não, nên để lại di chứng làm ảnh hưởng tinh thần người bệnh. Ngoài ra, tình trạng sa sút trí tuệ đi kèm cũng góp phần ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân mà đôi khi, vì bác sĩ quá bận rộn mà bỏ qua những triệu chứng nhận biết, thậm chí người nhà cũng  không để ý các thay đổi.

Ngày nay cuộc sống bận rộn, mọi người ít giao tiếp với nhau hơn. Chính những yếu tố này, đặc biệt ở người cao tuổi bị đái tháo đường dễ rơi vào trạng thái trầm uất hoặc thay đổi về tính tình. Vì vậy, bác sĩ và người nhà cần chú ý những khía cạnh này để chăm sóc người bị đái tháo đường toàn diện hơn.

Xin BS cho biết bệnh tiểu đường có ảnh hưởng thế nào đến đời sống tình dục? Vợ hoặc chồng của người bệnh tiểu đường nên lưu ý, hay cần trang bị thông tin gì về vấn đề tế nhị này ạ?

Như trên đã trình bày, đái tháo đường có ảnh hưởng lên toàn bộ chức năng của người bệnh như thận, tim mạch; trong đó có đời sống tình dục. Một số biểu hiện ở nam như rối loạn cương dương, ở nữ là lãnh cảm.

Nguyên nhân cũng khá phức tạp, nhất là ở nam do tổn thương thần kinh, mạch máu tại vùng sinh dục kèm theo các yếu tố tác động khác như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, giảm testosterone. Ở nữ liên quan đến kiểm soát đường huyết kém, có thể gây viêm nhiễm ở đường sinh dục. Đồng thời, phụ nữ ở tuổi mãn kinh ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng tình dục.

Ở người đái tháo đường, nếu kiểm soát đường huyết tốt, hạn chế những biến chứng, thì các chức năng về vấn đề tình dục cũng như người bình thường. Chỉ có ở một số bệnh nhân nam giới, nếu có những biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, huyết áp cao chưa ổn định... thì những trường hợp này khi sử dụng các thuốc điều trị rối loạn cương dương phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, ở phụ nữ nếu bị đái tháo đường, họ cần đi khám phụ khoa để điều trị các bệnh viêm nhiễm.

Người bệnh tiểu đường thường là trung niên và cao tuổi, sống chung với gia đình, mà người nhà có nhiều độ tuổi: già, trẻ, lớn, bé. Theo BS, người bệnh tiểu đường có cần nấu ăn riêng hay không?

Trái với quan điểm thông thường, người bệnh đái tháo đường không cần theo một chế độ dinh dưỡng khác biệt so với các thành viên trong gia đình, cũng như không cần nấu ăn riêng hay ăn riêng gì cả.

Bạn chỉ cần chọn các món bổ dưỡng, lành mạnh để vừa giữ cơ thể cân đối, vừa kiểm soát mức glucose máu, mức cân nặng trong ngưỡng cho phép.

Người bệnh cần tuân thủ 4 nguyên tắc vàng sau đây:

- Ăn đủ bữa: khi cơ thể quá đói, bạn sẽ tăng nhiều hơn làm tăng đường huyết nhiều hơn.

- Hạn chế đường, muối, chất béo bão hòa: là những chất gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của tim mạch.

- Ăn uống kết hợp với tập luyện thể dục: chính việc tập luyện thể dục là chìa khóa vàng giúp đường huyết ổn định.

- Uống đủ nước cho mỗi ngày hoạt động. Nước là tế bào cho cơ thể hoạt động.

Có ý kiến cho rằng thị trường nên có dịch vụ suất ăn bệnh lý dành cho những người bệnh tiểu đường, thận mạn, gout… và người bệnh có thể gọi suất ăn đến nhà. Đứng ở góc nhìn của BS điều trị, BS thấy phương án này có tốt cho bệnh nhân không ạ?

Đối với người đái tháo đường, cần áp dụng đồng thời cả 3 biện pháp sau đây để kết quả điều trị tốt hơn, đó là: ăn uống lành mạnh, dùng thuốc đúng cách và vận động thể lực phù hợp. Trong đó, ăn uống lành mạnh có vai trò quan trọng, có thể chiếm 50 - 60% kết quả điều trị.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều làm đường huyết tăng cao dễ dẫn đến biến chứng, ngược lại ăn quá ít hay không dám ăn làm cơ thể suy dinh dưỡng, giảm đề kháng và đôi khi nguy hiểm do tình trạng hạ đường huyết quá mức. Do vậy, người bệnh cần biết mục đích của ăn uống lành mạnh ở đái tháo đường bao gồm:

- Tránh làm tăng đường huyết quá cao hay quá thấp tức là phải ổn định mức đường huyết.

- Tránh làm tăng cân vì tình trạng thừa cân/béo phì có thể làm tăng thêm rủi ro các bệnh tim mạch.

- Giúp có thể phòng ngừa một số bệnh ung thư và tim mạch.

Thực đơn của người đái tháo đường cần lưu ý một số điểm sau:

- Tổng năng lượng kcal trong ngày tính trên mỗi kg cân nặng thay đổi theo từng người, từng hình thức lao động. VD: nhu cầu năng lượng người công nhân bốc vác có thể nhiều hơn người làm văn phòng). Và nên chia đều cho ba bữa ăn chính.

- Cân đối thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn như chất glucid (55-60%), chất đạm (15-20%) và chất béo (30%).

Tuy nhiên thực đơn (ăn món gì, khi nào ăn, ăn như thế nào, ăn nhiều hay ít) thay đổi theo mỗi người bởi vì phụ thuộc vào một số yếu tố như thói quen vùng miền, sở thích, một số tôn giáo (như người ăn chay 3 ngày, 10 ngày hay ăn chay trường...) và tùy theo điều kiện kinh tế.

Do đó, dưới góc nhìn của một bác sĩ chuyên khoa, tôi cho rằng xây dựng suất ăn bệnh lý cho người bệnh đái tháo đường ít khả năng phù hợp thực tế nếu không nói là không khả thi.

Trong một số ít trường hợp làm nghiên cứu, việc áp dụng suất ăn mẫu cho người bệnh đái tháo đường tại nơi làm nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá một kiểu thực đơn, một loại thức ăn nào đó, tác động như thế nào lên một số yếu tố như mức đường huyết, huyết áp, mỡ máu… chứ để triển khai đại trà là rất khó.

Nên nhớ rằng không có thực đơn tốt, thực đơn mẫu cho người đái tháo đường mà chỉ có thực đơn phù hợp với từng tình trạng người bệnh cụ thể.

BS có thông điệp dành cho người thân của người bệnh tiểu đường không ạ?

Thông điệp tôi muốn gửi đến bạn đọc AloBacsi cùng với người thân, những người bị đái tháo đường là chúng ta không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Chúng ta hãy cùng nhau góp sức để đẩy lùi đại dịch đái tháo đường.

Và điều này đã được thế giới vẽ thành một biểu tượng cho ngày 14/11 “Ngày tiểu đường thế giới” là vòng tròn màu xanh dương trên nền chữ tiếng anh “World Diabetes Day” mang ý nghĩa lan tỏa giữa các cộng đồng, người nhà, người thân, nhân viên y tế và người bệnh, cùng nhau chung sức đẩy lùi, giảm thiểu những tác hại liên quan đến bệnh đái tháo đường.

CLB bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nhân dân 115 do khoa Nội tiết thực hiện dưới 2 hình thức:
CLB nhóm lớn: 2 tháng sẽ làm 1 lần vào tháng 1,3,5,7,11. Vào ngày chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng.
Tư vấn nhóm nhỏ: thực hiện định kỳ 2 tuần 1 lần. Trong CLB nhóm nhỏ này, số lượng giới hạn 10 - 15 người bệnh đái tháo đường sẽ được khám trực tiếp từng người về những vấn đề liên quan mà người bệnh cần hỏi.
Cả 2 hình thức này, chúng tôi đều thực hiện không có lợi nhuận. Người bệnh có thể đến tham gia để được các bác sĩ tư vấn và hướng dẫn thêm về cách chăm sóc cho người bệnh đái tháo đường.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa

Những chia sẻ của ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115, đã giúp bạn đọc hiểu thêm về vai trò của gia đình trong việc đồng hành cùng người bệnh tiểu đường, những việc người nhà cần làm và nên đồng cảm, thấu hiểu tâm sinh lý bệnh nhân như thế nào. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.



Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080