Logo Bệnh viện Nhân dân 115
30/10/2018 01:30

Hướng dẫn phân loại insulin, tiêm và bảo quản insulin đúng cách

Tập huấn chuyên đề về insulin tại Bệnh viện Nhân dân 115 đã mang đến nhiều thông tin bổ ích cho các điều dưỡng về phân loại insulin, hướng dẫn tiêm và bảo quản insulin, lỗi kỹ thuật tự tiêm bệnh nhân thực tế thường gặp…

Ngày 24/10, Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức buổi tập huấn chuyên đề: “Hướng dẫn phân loại insulin, hướng dẫn tiêm và bảo quản insulin đúng cách” do các bác sĩ, điều dưỡng trưởng khoa Nội tiết hướng dẫn và sự tham dự của 150 điều dưỡng các khoa/phòng.


Buổi tập huấn nhằm mục đích: mô tả các típ đái tháo đường theo bệnh sinh; mô tả đặc điểm và nhận biết các loại insulin dùng trong lâm sàng; thực hiện được các bước hướng dẫn tiêm insulin cho người bệnh; cấp CME tích lũy giờ thực học.


Mở đầu chương trình là phần tổng quan về đái tháo đường, do BS.CK2 Đinh Thị Xuân Mai trình bày, gồm các nội dung: Đái tháo đường là gì? Ai là người dễ mắc ĐTĐ? Xét nghiệm nào để xác định ĐTĐ? Có thể phòng ngừa ĐTĐ được không? Điều trị đái tháo đường như thế nào?


Tiếp theo, BS.CK1 Nguyễn Thị Kim Thy trình bày về “Insulin trong đái tháo đường”: phân loại, chỉ định, cách tiêm trên lâm sàng, biến chứng tiêm insulin.

Về cách bảo quản insulin, BS Kim Thy hướng dẫn:

- Khi chưa mở lọ/bút tiêm: Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (2 độ C-8 độ C) cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn. Lưu ý không bảo quản insulin trong hay gần ngăn đá.

- Khi đã mở lọ/bút tiêm (đã sử dụng): Có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng cho đến 4-6 tuần tuỳ từng loại insulin

- Không để lọ thuốc dưới ánh nắng trực tiếp

Những lỗi kỹ thuật tự tiêm bệnh nhân thực tế thường gặp ở Việt Nam:

Dùng Syringes:

- Không lắc chai insulin đủ

- Dùng ống tiêm 1ml=40 IU cho chai Insulin U 100

- Dùng ống tiêm 3 hoặc 5 ml lấy insulin

- Không rút không khí bơm vào chai

- Dùng lại Synringe

Dùng bút tiêm

- Lắc bút không đủ

- Không thay kim

Kỹ thuật tiêm

- Sau tiêm xoa day vùng tiêm

- Không lưu kim 10 giây

- Không thay đổi chỗ tiêm


BS Kim Thy cũng cho biết các biến chứng của insulin bao gồm:

Hạ đường huyết:

- Thường gặp nhất

- Chế độ dùng insulin tích cực gây nhiều cơn hạ ĐH nặng hơn dùng insulin thường quy

- Biểu hiện sớm: đói, run, vã mồ hôi

- Uống hay ăn đường hấp thu nhanh 15 gam

Tăng cân

Loạn dưỡng mô mỡ nơi tiêm (do tiêm lặp lại 1 vị trí)

Dị ứng: hiếm gặp với human insulin và insulin analog



Tiếp theo chương trình, CNĐD Phạm Ngọc Quyên - điều dưỡng trưởng khoa Nội tiết trao đổi về thực hành đóng vai: Hướng dẫn bệnh nhân tự tiêm insulin, sau đó là phần giải đáp thắc mắc của điều dưỡng các khoa tham gia buổi tập huấn.

Nhiều câu hỏi thú vị được đưa ra trong thực tế tiếp xúc với bệnh nhân đã được BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương (phụ trách khoa Nội tiết), ThS.BS Võ Tuấn Khoa và CNĐD Phạm Ngọc Quyên giải đáp cụ thể.


Kim Quy


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080