Logo Bệnh viện Nhân dân 115
09/11/2017 11:55

Hôn mê không hồi phục do hạ đường huyết kéo dài

ThS.BS Võ Tuấn Khoa - Khoa Nội tiết cho biết, tại khoa mới tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp đáng tiếc xảy ra do thói quen của bệnh nhân không kiểm soát đường huyết thường xuyên. Điều đáng tiếc, sau điều trị, tình trạng bệnh nhân không được cải thiện.
Đây là phụ nữ lớn tuổi tên H.T.V. (sinh năm 1940, Quận 3, TPHCM), mắc đái tháo đường đã lâu, tái khám thường xuyên tại bệnh viện địa phương.

Cách đó 4 tháng, bệnh nhân té ngã và gãy kín cổ xương đùi trái, được điều trị bảo tồn. Sau đó, do khó khăn đi lại nên bệnh nhân tiếp tục tự sử dụng các toa thuốc trước đó để mua thuốc điều trị bệnh. Bệnh nhân cũng mất ngủ thường xuyên kể từ đó.

Trước đó 2 tuần, cô H.T.V. phải nằm viện vì cơn đau thắt ngực và xuất viện ngày 23/10 và dùng thuốc theo toa mới.
Khoảng 18g ngày 27/10, bệnh nhân có biểu hiện ngồi không vững và ngủ gà. Người nhà lay gọi và tưởng bệnh nhân ngủ nên không làm phiền bệnh nhân vì nghĩ bệnh nhân ngủ được sau một thời gian dài mất ngủ trầm trọng. Đến sáng hôm sau, người thân tiếp tục thấy hiện tượng trên và để yên bệnh nhân ngủ tiếp. Đến khoảng 15g ngày 27/10, sau khi lay gọi không tỉnh, người nhà nhanh chóng đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Bệnh nhân H.T.V. khi đang còn điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115

Bệnh nhân được nhập viện ngày 28/10 trong tình trạng hôn mê sâu với đường huyết mao mạch rất thấp trong khi các chức năng sinh tồn khác trong giới hạn cho phép. Bệnh nhân được xử trí truyền tĩnh mạch dung dịch Glucose ưu trương và nâng mức đường máu nhanh chóng về bình thường. Tuy nhiên, trong năm ngày điều trị tại khoa Nội tiết, tình trạng hôn mê không cải thiện nhiều dù mức glucose trong máu đã bình thường và người nhà đem về chăm sóc tại nhà vào ngày 3/11.

Theo ThS.BS Võ Tấn Khoa, đây là trường hợp hôn mê hạ đường huyết nặng ở người đái tháo đường nhưng có thể phát hiện quá trễ (24 giờ sau khởi phát) nên người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê không hồi phục dù đã nâng mức glucose máu về bình thường.

“Điều quan trọng là cần ngăn ngừa biến chứng hạ đường huyết, đặc biệt ở người đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị hạ đường huyết (lớn tuổi, có biến chứng mạn tính, ở một mình…)” - ThS.BS Võ Tấn Khoa khuyến cáo.

Cụ thể, đối với bác sĩ: có thể xác lập mục tiêu kiểm soát đường huyết nới lỏng ở người bệnh đái tháo đường có nhiều nguy cơ hạ đường huyết, cân nhắc dùng những nhóm thuốc gây hạ đường huyết, giáo dục nhận biết triệu chứng hạ đường huyết và xử trí ban đầu. Đối với người bệnh và thân nhân: cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ; biết nhận định các triệu chứng hạ đường huyết và xử trí ban đầu. Trong trường hợp người bệnh đái tháo đường có biểu hiện ngủ li bì khác giờ giấc thông thường (VD: ngủ lâu, ngủ trái giấc) thì nên đánh thức dậy, không cho ngủ liên tục nhiều giờ liền.

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080