Logo Bệnh viện Nhân dân 115
26/04/2019 16:32

Hồi sức kịp thời, cứu sống bệnh nhân hôn mê gan

Một trường hợp bệnh não gan hay còn gọi là hội chứng não gan - một biến chứng rất nguy hiểm của xơ gan đã được khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhân dân 115 hồi sức thành công, cứu sống bệnh nhân.
Bệnh não gan hay còn gọi là hội chứng não gan là biến chứng rất nguy hiểm của xơ gan gây nên. Bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh xơ gan thậm chí có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu không được điều trị kịp thời.

Chẳng hạn như trường hợp của ông M.V.V. 54 tuổi, ở An Giang là một trong những trường hợp bị hôn mê gan đã được khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhân dân 115 hồi sức thành công, cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm gan siêu vi B cách đây 2 năm tại bệnh viện địa phương, bệnh nhân uống thuốc theo toa kèm thuốc nam tự mua được vài tháng sau đó bỏ trị. Cách đây 3 tháng bệnh nhân được chẩn đoán bị xơ gan, bệnh nhân tự uống thuốc nam không rõ loại.

Cách nhập viện 1 tuần bệnh nhân đau lưng nhiều nên đi bác sĩ tư khám bệnh, được chẩn đoán: thoái hóa cột sống thắt lưng, được chích thuốc và uống thuốc giảm đau không rõ loại.

Cách nhập viện 2 ngày, bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, có nôn ói vài lần ra thức ăn không lẫn máu, tiêu phân đen sệt, tanh 1-2 lần/ ngày, lượng ít, người nhà thấy bệnh nhân ngủ gà, tiếp xúc chậm.

Đến khoảng 4 giờ sáng ngày nhập viện người nhà phát hiện bệnh nhân hôn mê tại giường, lay gọi không đáp ứng nên nhập viện bệnh viện địa phương, chuyển viện Bệnh viện Nhân dân 115.

Tại khoa Cấp cứu tổng hợp ghi nhận tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện như sau:
- Bệnh nhân mê sâu, GCS 4đ (E1V1M2).
- Mạch: 84 l/p, Huyết áp: 160/80mmHg To: 37 0C Nhịp thở: 20 l/p.
- Không phù, niêm hồng nhạt.
- Tim rõ, phổi âm phế bào đều 2 phế trường.
- Bụng mềm, gan lách sờ không chạm.
- Cổ mềm, đồng tử 2 bên đều, 3mm , PXAS(+).
- CTscan sọ não: không ghi nhận bất thường.

Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và nhập khoa Hồi sức tích cực - chống độc tiếp tục điều trị.

Kết quả xét nghiệm:
- CTM: Hb: 10.1g/dl Hct: 28.7% WBC: 11.3k/ul Neu: 46.2% PLT 87k/ul
- INR: 1.58 NH3: 248umol/l
- AST/ALT:74.8/54.3 U/L Bilirubin TT/TP: 5.7/27umol/l Albumin:29.9g/dl
- Siêu âm bụng: gan thô, ascite (-).

Bệnh nhân được chẩn đoán: Hôn mê gan/ Xơ gan Child B - Viêm gan siêu vi B mạn - Xuất huyết tiêu hóa trên nghĩ do loét dạ dày tá tràng -Tăng huyết áp.

Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực và điều trị nội khoa:

-Tiến hành thụt tháo cho bệnh nhân với 300ml lactulose + 700ml nước, xét nghiệm lại NH3 giảm đáng kể, tuy nhiên tri giác chưa cải thiện, tiếp tục điều trị nội khoa với Duphalac uống, Metronidazol uống, Morihepamin, Hepamez TTM, điều chỉnh điện giải ( đặc biệt giữ K+ máu ở mức bình thường), điều chỉnh toan kiềm (thở máy cho kiềm hô hấp nhẹ trong ngày đầu), điều trị thuốc chống virus VGSV B, PPI.

-Bệnh nhân có tiêu phân đen, sond dạ dày có ra dịch nâu đen, được nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng, kết quả: dãn tĩnh mạch đáy vị GOV2, có 2 điểm đang chảy máu, tiến hành nội soi can thiệp chích keo cầm máu, bổ sung Octreotide TTM (5 ngày), Hb bệnh nhân giảm nặng còn 6 g/dl nên được truyền máu nâng Hb>9g/dl.
-Sau đó bệnh nhân xuất hiện co giật, tri giác không cải thiện, nghĩ có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, bác sĩ cho soi đáy mắt kiểm tra và dùng manitol 0,5mg/kg/ 6 giờ (3 ngày).

Tri giác bệnh nhân có cải thiện, tuy nhiên NH3 bắt đầu tăng trở lại, nên bệnh nhân được tiến hành thụt tháo với lactulose lần 2.

Sau 6 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, bệnh nhân tỉnh táo, NH3 máu giảm về gần giá trị bình thường, không thấy dấu hiệu chảy máu thêm, không sốt lại, sinh hiệu ổn. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở được và chuyển khoa Nội tiêu hóa tiếp tục điều trị.


Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền đang kiểm tra tình trạng bệnh nhân

Từ trường hợp trên bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền, khoa Hồi sức tích cực - chống độc có một số lưu ý sau:

1. Bệnh nhân hôn mê cần tầm soát các nguyên nhân có thể xảy ra.

2. Tăng NH3 gợi ý đến bệnh não gan và mức độ tăng NH3 có ảnh hưởng mức độ bệnh não gan, NH3>100umol/l bệnh nhân có khả năng hôn mê gan.

3. Trên bệnh nhân hôn mê gan cần tìm yếu tố thúc đẩy và kiểm soát tốt yếu tố thúc đẩy, đặc biệt là nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, hạ K+, táo bón…

4. Thụt tháo, uống lactulose là quan trọng trong việc giảm NH3 và điều trị bệnh não gan.


Một số lời khuyên đối với bệnh nhân xơ gan:

Xơ gan là bệnh lý gan mạn tính gây suy giảm chức năng tế bào gan; bệnh não gan hay còn gọi là hội chứng não gan là biến chứng rất nguy hiểm của xơ gan gây nên. Bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh thậm chí có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu không được điều trị kịp thời, do đó người bệnh nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ đồng thời khi có dấu hiệu bất thường người bệnh cần lập tức đến các trung tâm y tế tin cậy để thăm khám.

Tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc.Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, kết hợp các loại thuốc đông tây y.Cần tránh làm nặng thêm tình trạng suy tế bào gan như dùng chất kích thích, rượu bia, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, ăn uống dư protein. Ngoài ra cần tránh bị táo bón bằng cách ăn các thực phẩm giàu chất xơ (rau, củ, quả...). Nên chích ngừa vaccin cúm định kỳ để hạn chế bị nhiễm trùng thúc đẩy bệnh nhân vào bệnh não gan.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080