Logo Bệnh viện Nhân dân 115
28/09/2017 12:45

Hội nghị khoa học Điều dưỡng - Kĩ thuật viên BV Nhân dân 115 lần thứ 12

Chương trình Hội nghị khoa học Điều dưỡng - Kĩ thuật viên được tổ chức tại Hội trường bệnh viện vào chiều 27/9.

Việc tổ chức thường niên Hội nghị khoa học này nhằm giới thiệu, học tập, trao đổi kinh nghiệm điều trị bệnh giữa các Điều dưỡng - Kĩ thuật viên trong và ngoài viện.

Tham dự hội nghị có sự góp mặt của TS.BS Phan Văn Báu - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện; BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc; ThS Trần Thị Châu - Chủ tịch Hội Điều dưỡng TPHCM; ThS.ĐD Huỳnh Thị Phượng - ủy viên BCH Hội Điều dưỡng TPHCM; các bác sĩ - điều dưỡng trưởng, báo cáo viên đến từ các khoa của bệnh viện; khách mời từ các bệnh viện trên địa bàn TPHCM.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: “Mỗi ngày, BV Nhân dân 115 điều trị cho hơn 2000 bệnh nhân nội trú. Lực lượng điều dưỡng, kĩ thuật viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc của mình, góp phần vào sự phát triển chung của bệnh viện. Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh, các điều dưỡng cũng không quên nhiệm vụ nghiêm cứu khoa học. Bởi, qua công việc nghiên cứu thì mới đúc kết và có những phương pháp cải tiến trong chăm sóc người bệnh, nhằm đạt được kết quả tốt nhất”.

7 báo cáo xuyên suốt hội nghị nhận được sự hưởng ứng tích cực, từ đó giúp có một cái nhìn khái quát và cùng đưa ra những giải pháp, kiến nghị vì một mục tiêu chung là công tác phục vụ, điều trị bệnh nhân tại bệnh viện đạt hiệu quả tốt hơn.

Tỷ lệ khám bệnh có BHYT chiếm ưu thế

Đề tài "Khảo sát tình hình bệnh nhân đến khám tại khoa Khám bệnh, BV Nhân dân 115" được trình bày bởi CNĐD Nguyễn Thị Thanh Vân. Nghiên cứu được thực hiện tại khoa Khám bệnh từ ngày 1/1/2015 - 31/12/2015 trên tổng số 277.862 bệnh nhân.

CNĐD Nguyễn Thị Thanh Vân trình bày báo cáo nghiên cứu

Nghiên cứu chỉ ra hai vấn đề chính. Thứ nhất, lượng bệnh nhân tới khám bệnh tại khoa Khám bệnh đa phần là có BHYT với 77,9%. Điều này phù hợp với quy định hiện hành, tiến dần đến bảo hiểm y tế toàn dân.

Thứ hai, tỉ lệ bệnh nhân khám bệnh tại các phòng khám chuyên khoa có tỉ lệ không cân đối. Theo đó, tình trạng quá tải bệnh nhân trong 1 ngày (theo quy định là 50 bệnh nhân/ phòng/ ngày) xảy ra tại các phòng khám chuyên khoa: Tim mạch, Nội tiết, Cơ xương khớp, Nội tiêu hóa… Phòng khám Ung bướu có tỉ lệ thấp nhất, với 12 bệnh nhân/ tháng.

Qua đó, CNĐD Nguyễn Thị Thanh Vân kiến nghị: Khoa Khám bệnh sớm được bổ sung nhân sự tại các phòng khám Tim mạch, Nội tiết, Cơ xương khớp, Nội tiêu hóa nhằm đảm bảo lượng bệnh nhân theo quy định là 50 bệnh nhân/ phòng/ ngày.

Xây dựng chuẩn năng lực hút đờm

Đây là nội dung chính của đề tài nghiên cứu: "Xây dựng chuẩn năng lực hút đờm của ĐD khối Hồi sức tại BV Nhân dân 115 năm 2016-2017" của ThS.ĐD Nguyễn Thị Tuyết Trinh.

ThS.ĐD Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trưởng phòng Điều dưỡng - BV Nhân dân 115

Nghiên cứu được thực hiện từ trực trạng tại các cơ sở y tế trên cả nước, vẫn chưa có một chuẩn năng lực đánh giá mà chỉ dựa vào bảng kiểm tra quy mô kỹ thuật. Do đó, việc xây dựng chuẩn năng lực hút đờm của điều dưỡng tại BV Nhân dân 115 để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân.


Nghiên cứu đưa đến tổng kết với 27 chuẩn năng lực hút đàm và 5 phân nhóm.

Phòng virus viêm gan B-C, tránh ung thư gan nguyên phát

ĐD Bùi Thị Hiếu gửi đến hội nghị bài báo cáo khoa học "Khảo sát tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B, C trên bệnh nhân ung thư gan nguyên phát".

Nghiên cứu thực hiện trên 105 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư nguyên phát đang được điều trị tại bệnh viện.


ĐD Bùi Thị Hiếu cáo cáo đề tài "Khảo sát tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B, C trên bệnh nhân ung thư gan nguyên phát"

Báo cáo chỉ rõ: Hầu hết bệnh nhân đều không rõ nguyên nhân bị bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh, các biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa, việc tầm soát bệnh.

ĐD Bùi Thị Hiếu kiến nghị: Cần phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về nguyên nhân, đường lây truyền, biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm gan B, C và ung thư gan cũng như cách phòng ngừa, tầm soát bệnh để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu biến chứng và chi phí điều trị.

Hiệu quả của VLTL đối với bệnh nhân gãy đầu trên xương cánh tay sau phẫu thuật

Nghiên cứu "Đánh giá kết quả phục hồi chức năng khớp vai sau phẫu thuật kết hợp xương gãy đầu trên xương cánh tay" được thể hiện bởi CN.VLTL Phan Thị Kim Ánh trên 48 trường hợp trong khoảng thời gian 1/3/2016 - 1/1/2017 tại khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình.

CN.VLTL Phan Thị Kim Ánh báo cáo tại Hội nghị

Kết quả theo dõi và điều trị VLTL trên 48 trường hợp này cho thấy việc phục hồi trên đa số bệnh nhân trong thời gian 6 tháng là tốt và rất tốt. Không ghi nhận trường hợp nào bị gãy hay bung nẹp khi tập luyện VLTL.

"Ứng dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ ngực trên máy MRI Hitachi 1.5T"

Đề tài được thực hiện bởi CN.CĐHA Vũ Kế Khôi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh.

CN.CĐHA Vũ Kế Khôi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - BV Nhân dân 115

Báo cáo cho hay: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt cho phép phát hiện chính xác các tổn thương hình thái, cấu trúc các bộ phận trong cơ thể. Đây là kĩ thuật không những mang lại hiệu quả chiếm ưu thế cho bệnh nhân mà cho cả bác sĩ điều trị.

Hình ảnh từ việc chụp cộng hưởng từ ngực trên máy MRI Hitachi 1.5T cũng đảm nhiệm các chức năng tốt hơn đối với hình ảnh trên CT.

“Không có điểm chết trong dinh dưỡng đối với bệnh nhân Đái tháo đường”

Đây là khẳng định được ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân trình bày trong hội nghị với đề tài "Kiểm soát đường huyết bằng chế độ dinh dưỡng". Đề tài thu hút sự quan tâm khá lớn của hội nghị.


ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân - Trưởng khoa Dinh dưỡng - BV Nhân dân 115

BS Ngọc Vân cho biết, việc nắm rõ chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) giúp cho bệnh nhân đái tháo đường có một chế độ dinh dưỡng phong phú, đa dạng và hiệu quả hơn. Như vậy, không có thực phẩm nào mà bệnh nhân tiểu đường không ăn được, mà quan trọng là người bệnh biết được mình sẽ ăn được bao nhiêu, đối với từng loại thực phẩm để giữ đường huyết ở mức ổn định.

Bệnh nhân có thể nắm rõ lượng đường có trong các trái cây theo hình minh họa:





Điều trị loãng xương hết bao nhiêu tiền?

Thông tin này được CNĐD Dương Trọng Đức Thùy và cộng sự trình bày trong đề tài: "Khảo sát chi phí y tế cho điều trị loãng xương ở bệnh nhân điều trị nội trú".


CNĐD Dương Trọng Đức Thùy

Đề tài được ban chủ tọa đánh giá khá tốt và có hướng đi khá mới mẻ, thiết thực.

Nghiên cứu trên 356 trường hợp loãng xương nhập viện kèm theo có hoặc không gãy cổ xương đùi.

Chi phí trung bình để điều trị khi có phẫu thuật thay khớp là cao nhất (khoảng 56 triệu đồng ± 17 triệu đồng), các kĩ thuật điều trị phẫu thuật kết hợp xương khoảng 10 triệu đồng, chi phí điều trị thấp nhất là nội khoa (4,4 ± 3,8 triệu đồng).

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080